PDA

View Full Version : Tôi là người may mắn nhất trong số những người không may



songchungvoi_HIV
16-04-2014, 10:42
Năm 2001, chị Phạm Thị Huệ biết mình nhiễm HIV khi sinh đứa con trai đầu lòng. Năm 2004, chị được tạp chí Times bầu chọn là Anh hùng Châu Á. Đến giờ chị vẫn trẻ đẹp, đầy nghị lực.


Cái được là cảm nhận thấm thía tình người

Kể từ ngày chị đứng lên, tự công nhận mình bị nhiễm HIV trước đông đảo mọi người, chị có thấy mình là người đặc biệt không? Chị đã thích nghi với cuộc sống của người nhiễm HIV như thế nào?

Mình không thấy mình có gì đặc biệt cả. Có chăng đó chỉ là vấn đề tâm lí từ phía cộng đồng. Ban đầu mọi người nhìn mình như một vật thể lạ làm mình tủi thân, tuyệt vọng. Giờ phải sống như nào. con mình sẽ ra sao... đó là những câu hỏi dằn vặt mình. Nhưng giờ cuộc sống của mình đã dễ chịu hơn. Cộng đồng đã có cái nhìn đúng mực về phía những người như mình.

Tất nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng trọn vẹn. Bản thân mình mình cũng thấy vững vàng rất nhiều, mình có thể tự định hướng cho cuộc sống của mình. Những điều xảy ra trong cuộc sống chỉ là một chút biến động chứ không có gì là đặc biệt nếu mình có hiểu biết.

Người ta nói được cái nọ thì mất cái kia. Chị có cảm thấy sau cái không may chị gặp phải, chị được cái to lớn hơn. Đó là việc chị khám phá ra sức mạnh bản thân và cả thế giới đều nể phục chị?

Tôi là người may mắn trong số những người không may bị nhiễm HIV. Nhưng phải nói với bạn rằng không ai mong muốn bị nhiễm HIV để có được những vinh dự như tôi. Từ khi mình nhiễm HIV tôi mới thấm thía tình người. Trải qua bao nhiêu sóng gió, tôi cảm nhận sâu sắc rằng: giữa con người với con người, tình cảm, cách đối xử, cử chỉ với nhau mới là quan trọng nhất. Tuy nhiên tôi vẫn mong có một cuộc sống của người bình thường không bị nhiễm HIV (cười).


Cộng đồng đã từng xa lánh chị trong những ngày đầu. Đến bây giờ chị lại nói tình cảm cộng đồng là quan trọng. Chị có thể nói rõ hơn được không?

Từ khi phát hiện căn bệnh này, ở một khía cạnh nào đó mọi người rất sợ nó vì ban đầu người ta chỉ được cảnh báo về sự nguy hiểm. Ban đầu chính bản thân tôi cũng rất sợ. Nhất là khi người ta gọi mình là con Si đa. Nhưng xét ở một khía cạnh khác thì mọi người lại cùng chung tay đoàn kết giúp đỡ mình vượt qua khó khăn. Mình sẽ làm gì khi cả xã hội nhất định tẩy chay mình? Và rõ ràng cộng đồng đang tạo mọi điều kiện giúp đỡ mình trong cuộc chiến đẩy lùi HIV.

Dự án GIPA (dự án chương trình tình nguyện của Liên hợp Quốc phối hợp với hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai ở 4 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM về phòng chống HIV - AIDS) là một ví dụ cho sự quan tâm của toàn thế giới đối với những bệnh nhân nhiễm HIV và đại dịch AIDS.

Buồn vì vẫn đông người tìm đến mình

Nhưng sau những hoạt động xã hội đó, những người mắc HIV vẫn nhiều. Đặc biệt Hải Phòng được đánh giá là tiêu điểm của đại dịch này. Chị nghĩ sao khi vẫn còn rất nhiều người tìm đến chỗ mình nói rằng họ đã nhiễm HIV?


Nói thật, làm dịch vụ gì đông khách cũng mừng, riêng làm công việc tư vấn cho người nhiễm HIV thì càng đông khách càng cảm thấy không sung sướng gì. Xu hướng của những người tìm đến trung tâm của tôi nhờ mình tư vấn càng ngày càng trẻ hoá. Đường lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng tăng. Đó là điều đáng buồn vì nó thể hiện sự không hiểu biết của các bạn trẻ.

Nhiều bạn sinh viên, nhiều bạn thanh niên gọi điện, nhắn tin cho mình, ít người dám đến gặp trực tiếp. Những bạn trẻ yêu nhau, lây cho nhau HIV nhưng không biết. Khi chia tay hai người lại yêu người khác rồi lại quan hệ tình dục trước hôn nhân, không lấy được nhau lại chia tay yêu người khác... Cứ thế nó là chu trình khép kín lây nhiễm do sự không hiểu biết.

Những bạn trẻ đó lại chưa đủ sáng suốt và để chấp nhận rủi ro quá lớn. Bốn ngày trước, có một bạn nữ 22 tuổi gọi điện cho tôi. Bạn ấy mới chia tay với người yêu một thời gian. Khi bạn có vấn đề về sức khoẻ đi khám mới biết mình bị nhiễm HIV. Cô bé đó sốc không tưởng tượng nổi. Đó là điều rất đáng tiếc.


http://afamily1.vcmedia.vn/WtIKSDIccccccccccccDrFKSTcXr3C/File/100811afamilyDSchihue1_8725b.jpg


Chị mong một ngày mình sẽ... "thất nghiệp" để không phải đau lòng khi có
quá nhiều bạn trẻ gọi điện tới nhờ tư vấn về căn bệnh thế kỷ...

Buồn nhưng các chị đã làm gì?



Làm nhiều chứ. Nhưng còn biết làm gì ngoài việc tuyên truyền? Các bạn trẻ không có thái độ đúng đối với HIV nên mới vậy. Ví dụ khi mình và các bạn khác trong CLB của mình phát tờ rơi cho các bạn sinh viên, các bạn ấy chỉ ngó qua rồi ném xuống chân ngay. Thậm chí có bạn còn cầm lên chế giễu nhau. Ngay cả thông tin về HIV mà các bạn cũng kỳ thị như thế thì làm sao mà có sự hiểu biết đúng. Người ta nói mình chết vì không hiểu biết là vì thế.

Ngoài việc làm ở văn phòng của dự án GIPA và Câu lạc bộ Hoa Phượng chị còn đi rất nhiều nơi và lịch làm việc của chị ở các tỉnh, địa phương khác thậm chí lịch làm việc ở nước ngoài cứ dày đặc. Điều đó có ảnh hưởng đến gia đình và sức khoẻ của chị không?

Về mặt gia đình mình hoàn toàn yên tâm. Mình có một cháu trai năm nay 10 tuổi nhưng mình rèn cho cháu tự lập từ lúc 4 - 5 tuổi. Ông bà nội cũng giúp đỡ việc gia đình rất nhiều. Đi lại nhiều đến người bình thường còn mệt huống chi là mình. Nhưng bí quyết của mình là giữ cho tinh thần luôn thoả mái, ăn uống điều độ.

Lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc, lúc nào cũng tìm niềm vui trong công việc. Cuộc sống là liều thuốc có tác dụng tốt đối với tất cả bệnh tật. Trong thâm tâm mình không nghĩ đến việc mình có bệnh. Hiện tại mình vẫn khoẻ mạnh. Hi vọng là mình sẽ không cần dùng đến thuốc (cười).

Các cháu nhỏ đau không biết kêu như người lớn

Chị tiếp xúc với nhiều người nhiễm HIV, điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị?

Đó là những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Những em bé đó có bố mẹ bị nhiễm HIV, nhưng không phải tất cả các em đều bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ (tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 30%, nhưng nếu người mẹ mang thai biêt bị nhiễm HIV có thể đến các cơ sở y tế uống thuốc, tiêm phòng thì tỉ lệ lây nhiễm giảm rất nhiều).

Nhưng các em không có lỗi gì, không biết gì về HIV. Cuộc sống của em dù sao cũng bị kỳ thị. Tôi nhớ ngày mưa rét nhất cuối năm 2007, mình đã lên thăm cháu Bàn Thanh Trúc ở Bắc Giang. Hôm đó mình lạnh tê cứng cả chân tay nhưng cái lạnh không thấm bằng nỗi xót xa khi nhìn thấy cháu Trúc. Trẻ con đau, bị hắt hủi không biết kêu, không thể đấu tranh như người lớn được.

Chị đã có rất nhiều hoạt động giúp đỡ các cháu nhỏ đó. Theo như số liệu của bên hội liên hiệp phụ nữ, từ năm 2005 đến nay trung tâm chỗ chị đã ủng hộ liên tục các cháu nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV gạo ăn, trợ cấp tiền đi học. Vậy là chị đã làm khá nhiều việc đó chứ?

Tôi có làm được những việc như thế. Nhưng những việc chúng tôi làm chỉ tính được con số hơn 100 trong số con số hàng chục nghìn trường hợp mà tôi đã từng tiếp xúc, đã từng biết. Tôi mong những người trong cộng đồng có thể giúp đỡ các cháu giúp các cháu có một tuổi thơ trong sáng như tất cả các em nhỏ bình thường khác.


Chị là người rất đẹp. Chị có nghĩ : hồng nhan bạc phận không ?










Mình hiểu bạn định nói gì. Nhưng HIV thì không chừa ai. Người đẹp hay xấu, cao hay thấp, giàu - nghèo, sang - hèn đều có thể mắc. Mình nhiễm HIV là do không hiểu biết. Đơn giản thế thôi.

Chị có mong muốn gì?

Bất hạnh là một phần tất yếu của cuộc sống. Mong mọi người khi gặp những bất hạnh có thể bình tĩnh vượt qua. Mong cộng đồng đừng quá thờ ơ với những nỗi đau. Mong mọi người hiểu biết về AIDS để tránh nó...


Đặng Tuyền, nguồn ảnh: aFamily.vn