PDA

View Full Version : Những “thiên thần áo trắng”chữa bệnh sau song sắt



songchungvoi_HIV
06-05-2014, 18:11
Thứ Hai, 05/05/2014 13:22 (GMT+7)GiadinhNet - Đằng sau những chấn song sắt đen đúa, những chiếc bàn đá lạnh, những bức tường xám xịt ấy là sự trả giá, hình phạt, sự sám hối. Trong thế giới đặc biệt ấy, vẫn có các thầy thuốc không đơn thuần làm công việc khám chữa bệnh mà còn là những người cứu chữa vết thương lòng của những số phận đang mất quyền công dân, giúp đỡ họ cải tạo tốt trở về với gia đình, xã hội.Hiểm nguy thường trực
Nằm ở vùng núi cao heo hút của huyện Thanh Chương, Nghệ An, Trại giam số 6 gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nơi đây có hơn 3.000 phạm nhân với đủ loại tội phạm đang cải tạo, trong đó tội phạm liên quan đến ma túy chiếm đến 60- 70%, hầu hết đều nghiện hút. Đặc biệt, trong số họ có rất nhiều người đang mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS, nhiều trường hợp khác thì mắc bệnh lao phổi hay các bệnh truyền nhiễm khác.
Ngoài bệnh xá trung tâm, tại Trại giam số 6 còn có các trạm xá ở các phân trại cùng 2 cơ sở điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổng số cán bộ của bệnh xá là 15 người, trong đó có 1 bác sỹ. Với số lượng cán bộ như vậy, việc phải khám chữa bệnh cho hàng trăm phạm nhân luôn đặt cán bộ y tế trước những áp lực. Một người phải kiêm nhiệm nhiều chuyên môn khác nhau, từ nội khoa, ngoại khoa đến phụ khoa cũng như các bệnh truyền nhiễm. Việc tiếp xúc thường xuyên với những bệnh nhân này luôn đặt các cán bộ y tế trước hiểm nguy thường trực.Vì vậy, khi tiếp xúc với phạm nhân, các y, bác sỹ vừa phải có nghiệp vụ y tế tốt, có thần kinh thép vừa phải có cả nghiệp vụ công an.
Đại úy Nguyễn An Lộc, Phó trưởng Bệnh xá Trại giam số 6 cho biết, trong quá trình khám bệnh cho phạm nhân, các y, bác sỹ của trại giam thường xuyên chứng kiến cảnh nhiều phạm nhân bị gia đình bỏ mặc, không thèm thăm nuôi khi biết họ bị nhiễm HIV/AIDS. Phạm nhân không còn muốn điều trị bệnh, nhiều người còn có tâm lí tiêu cực, không có ý thức giữ gìn, tránh lây nhiễm cho các phạm nhân khác. Điều này không chỉ khiến các cán bộ y tế, quản giáo của trại vất vả mà còn đặt họ vào những tình huống khó xử.
Phạm nhân P.V.N, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị nghiện nặng. Sau khi vào Trại giam số 6, N bị ốm, đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với HIV/AIDS. Nghe tin N bị ốm, người nhà vào thăm nuôi, thấy con mình lở loét, ốm yếu liền bỏ mặc con luôn cho trại giam. Từ đó, N chán nản, không chịu dùng thuốc, thậm chí có ý định tự tử. Được sự động viên của các cán bộ quản giáo, phải mấy tháng sau, N mới suy nghĩ lại và cố gắng dùng thuốc theo đơn. Hiện nay, N đang được điều trị ARV. Một cán bộ bệnh xá cho biết, những phạm nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, nhiễm lao thậm chí còn sử dụng bệnh tật của mình như một “vũ khí”, có người tự chọc vào răng cho chảy máu, tự tạo ra vết lở loét để đối phó với quản giáo và “lấy le” với bạn tù.
Để hạn chế nguy hiểm, tránh phơi nhiễm HIV và các loại bệnh truyền nhiễm, theo các y, bác sỹ, cách tốt nhất là xét nghiệm cho phạm nhân để phát hiện sớm và có biện pháp tự phòng ngừa. Hàng năm, Bệnh xá Trại giam số 6 phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An tổ chức xét nghiệm cho khoảng 500- 600 phạm nhân, với kết quả 20% trong số đó là dương tính. Đa số các bệnh nhân này thường có mức án dài hạn. Điều này cũng có nghĩa áp lực và hiểm nguy dành cho các y, bác sỹ trong trại giam là rất lớn. Đại úy Nguyễn An Lộc cho biết, dù hết sức cẩn thận nhưng trong thời gian qua, đã có 8 cán bộ của trại giam bị phơi nhiễm khi tiếp xúc, khám bệnh hoặc làm các xét nghiệm cho bệnh nhân nhiễm HIV. Những cán bộ này đã được uống thuốc điều trị kịp thời và rất may mắn là không có ai dương tính với HIV/AIDS. Đã có 5 cán bộ bị nhiễm lao từ phạm nhân.
Những ca chữa bệnh không có trong giáo trình
Ngày còn nhỏ, vì nhà gần trại giam nên anh Nguyễn Doãn Tình đã quen với hình ảnh những tù nhân mặc áo sọc được các chiến sĩ công an dẫn đi cải tạo. “Mỗi khi chứng kiến từng đoàn người lầm lũi trở về “nhà” một cách trật tự, tôi hết sức tò mò và mơ ước sau này lớn lên trở thành cán bộ của trại giam để được làm công tác cải tạo phạm nhân, giúp đỡ họ trở thành người tốt...”, anh Tình chia sẻ. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, chàng trai trẻ đã không ngần ngại nộp đơn và được phân về Bệnh xá Trại giam số 6.
Khi mới vào đây, các y, bác sỹ trẻ phải học cách vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu trong một vùng đất biệt lập, nơi người ngoài không thể tự do bước vào, nơi có những bệnh nhân hết sức đặc biệt, khác xa với những giờ học lý thuyết.
Nhiệm vụ của những y, bác sỹ như Nguyễn Doãn Tình là hàng ngày theo dõi, khám bệnh cho các phạm nhân. Đã gần 10 năm gắn bó ở trại giam với công việc của một người thầy thuốc, anh Tình vẫn còn nhớ mãi cảm giác ớn lạnh khi lần đầu tiên cầm ống khám đặt lên những hình xăm rồng phượng của phạm nhân, khi bắt gặp những khuôn mặt dữ tợn, những cái nhìn hằn học, bất cần…
Anh đã trưởng thành lên bằng những trải nghiệm của thực tế khắc nghiệt như vậy. Trong số hơn 3.000 phạm nhân đang cải tạo tại trại giam, có nhiều người khỏe mạnh nhưng luôn tìm cớ để “lăn đùng” ra ốm, giả vờ bị bệnh để trốn cải tạo. Những lúc như vậy, người thầy thuốc vừa phải đưa ra các kết quả khám bệnh chính xác, đồng thời có biện pháp “bắt bệnh” những đối tượng giả vờ.
Nguyễn Thị M phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, hai năm sau khi vào tù, chồng M làm đơn li dị, người thân cũng bỏ mặc, khiến M suy sụp, phát bệnh tim, phổi và trầm cảm, không chịu uống thuốc, nhiều lần đòi chết vì cảm thấy án tù quá dài phía trước. Sau khi biết gia cảnh của M, các y, bác sỹ của bệnh xá đã dùng liệu pháp tâm lý, động viên M cố gắng chữa bệnh để cải tạo tốt, để được giảm án chờ đợi ngày về. Những lời tâm sự chân thành của các quản giáo và y, bác sỹ khiến M dần dần thay đổi. “Những bệnh nhân đặc biệt trong trại giam này có tâm sinh lý cũng hết sức đặc biệt, đòi hỏi người thầy thuốc vừa phải chữa bệnh bằng tình người vừa phải có lòng bao dung để khơi gợi những mầm thiện trong họ, cảm hóa những người lầm lỗi, giúp họ lành bệnh và lành cả nhân cách. Những cán bộ y tế ở đây vừa là thầy thuốc, vừa là cán bộ trại giam...”, Đại úy Nguyễn An Lộc tâm sự.
Rất nhiều hôm, khi cả nhà ăn cơm tối, dù không phải ca trực của mình, nhưng nhận được tin có bệnh nhân đau trong buồng giam, lập tức bác sỹ, y sỹ đều phải bỏ bát, chạy vào phân trại để kiểm tra. Khi gặp phải ca bệnh khó hoặc những tình huống nguy cấp như mổ ruột thừa, các anh phải bố trí xe để chuyển gấp lên tuyến trên. Nhiều hôm xử lí xong ca bệnh cũng là lúc trời vừa sáng.
Hồ Hà
http://baodientu.chinhphu.vn/quoc-te/who-cong-bo-bao-cao-dich-soi-toan-cau/198543.vgp