PDA

View Full Version : Tâm sự của một người nhiễm “căn bệnh thế kỷ” tìm lại được chính mình



songchungvoi_HIV
21-06-2014, 11:41
21/06/2014 09:29
(PL&XH) -Sống trong gia đình cơ bản, không thiếu thốn vật chất, nhưng anh sớm đua đòi theo đám bạn xấu, để rồi bập vào nàng tiên nâu và mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.
Anh sinh ra và lớn lên ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng, quanh năm vật lộn với sóng biển. Gia đình anh khá cơ bản khi bố công tác trong quân đội, mẹ là giáo viên vì vậy từ nhỏ anh đã được uốn nắn theo khuôn mẫu, được ăn học tử tế và là con trai duy nhất nên được chiều chuộng hết mực.

Thế nhưng 14 tuổi anh đã biết đua đòi theo đám bạn xấu, thích tiêu tiền, biết trốn học. Ban đầu, chỉ là nói dối để xin tiền rồi dần dần cạy tủ trộm tiền, bán đồ và cầm cố xe để lấy tiền lao vào những cuộc chơi thâu đêm.

Thời điểm đó, làng chài ven biển bỗng chốc thay đổi phát triển trở thành khu du lịch nổi tiếng của cả nước và là điểm đến của rất nhiều du khách phương xa. Trong sự giao thoa, hội nhập đó đã mang lại cho Đồ Sơn rất nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít những luồng văn hóa xấu.

Lúc bấy giờ, ma túy – mại dâm trở thành ăn chơi thời thượng. Và anh không phải là ngoại lệ. Lúc đầu, anh cũng chỉ thử một lần cho biết, để tìm cảm giác mới lạ nhưng anh đã dần mắc nghiện. Suốt ngày anh luẩn quẩn suy nghĩ duy nhất là phải làm sao để có tiền sử dụng ma túy, thỏa mãn cơn thèm khát của bản thân. Thời gian đó, anh sống ích kỷ, tự ti, không cần suy nghĩ đến ai. Anh như một chiếc xe không phanh lao xuống vực mà không thể dừng lại được. Rồi một ngày cha mẹ anh cũng phát hiện, họ rất sốc và đau khổ nhưng bằng tấm lòng yêu thương của bậc sinh thành, cha mẹ đã khuyên bảo và tìm đủ mọi cách để kéo anh ra khỏi vũng lầy đen tối ấy. Đã không dưới một lần anh tự xích chân mình để cai nghiện nhưng chỉ được vài ngày cơn thèm khát “nàng tiên nâu” lại trỗi dậy. Mọi sự cố gắng, nỗ lực của cha mẹ đều đổ xuống sông xuống biển, khi anh chuyển từ hút sang tiêm chích.

Mỗi ngày qua đi thân xác và sức khỏe dần suy kiệt, nhân cách, tính người trong anh đã băng hoại. Anh không còn phân biệt đúng, sai. Cuộc đời anh khép lại, khi trong những lần vật vã vì đói thuốc anh đã nhắm mắt dùng chung kim tiêm với đám bạn nghiện mà không lường hết hậu quả mà mình sẽ gánh chịu.

Rồi điều anh không mong đợi cũng đã đến. Trong một lần bị sốc khi chích quá liều anh được đưa đến BV cấp cứu. Anh như bị sét đánh ngang tai khi biết mình đã mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, mọi thứ xung quanh bỗng tối sầm lại, một tương lai vô định được tính từng ngày. Anh gần như tuyệt vọng, gạt bỏ mọi thứ và tự tách mình ra khỏi xã hội, mặc cảm với mọi người, sợ họ khinh rẻ, xa lánh. Anh sống lầm lũi thu mình như một ngọn đèn dầu trong cơn dông bão. Đã có lúc anh muốn buông xuôi tất cả và muốn trả thù đời, anh sống như một cái bóng và phó mặc cho số phận, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Chính lúc này gia đình, người thân và xã hội đã không quay lưng lại với anh. Được đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng để cai nghiện – phục hồi để làm lại cuộc đời, thời gian đầu anh vẫn nghĩ: “Mình còn gì nữa đâu mà làm lại…” nhưng sau quá trình cắt cơn anh được thầy cô dạy cho các chuyên đề tác hại của ma túy, về đạo đức lối sống, anh dần tìm lại chính mình. Anh tích cực tìm hiểu về HIV/AIDS, cách phòng ngừa và sống chung với nó.

Trong thời gian cai nghiện do anh dùng ma túy khá lâu nên thể trạng sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng, đã có lần anh cận kề giữa sự sống và cái chết. Thật may mắn khi anh được sự chăm sóc tận tình của thầy cô là những y bác sĩ của trung tâm. Thầy cô đã cứu anh thoát khỏi bàn tay của tử thần. Giờ đây, sức khỏe anh dần ổn định để bước tiếp trên con đường tìm lại chính mình. Nhưng với anh tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ của thầy cô và các bạn cùng cảnh ngộ mới chính là liều thuốc tốt nhất với anh.

(Theo học viên Hoàng Gia H. – Đội QLDV số 1, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng)

Mộc Miên
http://www.baomoi.com/Tam-su-cua-mot-nguoi-nhiem-can-benh-the-ky-tim-lai-duoc-chinh-minh/139/14119587.epi (http://www.baomoi.com/Tam-su-cua-mot-nguoi-nhiem-can-benh-the-ky-tim-lai-duoc-chinh-minh/139/14119587.epi)