PDA

View Full Version : Tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV giảm nhiều



songchungvoi_HIV
27-06-2014, 09:12
Thứ năm 26/06/2014 15:00
Nhờ có các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong thời gian qua tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đã giảm rất nhiều. Năm 2013, trong số 1.985 trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm HIV thì tỷ lệ trẻ trong 2 tháng tuổi nhiễm HIV giảm xuống chỉ còn 4,4%.


http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2014_06_26/cuc%20tr.jpg
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long. Ảnh Thùy Chi

Nhân Tháng Cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014, phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có buổi trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long về những kết quả của chương trình dự phòng.
Thưa ông, xin ông cho biết tình hình lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiện nay và những kết quả của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2003. Các can thiệp chủ yếu cho phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (PNMT); điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV cho PNMT nhiễm HIV và con của họ; tư vấn nuôi dưỡng cho trẻ; sinh đẻ an toàn; và chăm sóc và điều trị tiếp tục cho mẹ và con sau sinh.
Sau khi sinh, mẹ tiếp tục được chăm sóc, điều trị HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole từ 4 tuần tuổi, tư vấn nuôi dưỡng, xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV ở trẻ khi được 2 tháng tuổi. Nếu trẻ có xét nghiệm HIV dương tính thì được điều trị bằng thuốc ARV.
Trong thời gian qua, số PNMT được xét nghiệm và được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV liên tục tăng qua các năm. Trong quý I/2014 đã có 327.265 phụ nữ mang thai được tư vấn về xét nghiệm HIV, trong đó có 250.426 người được xét nghiệm HIV (chiếm 76,5%), gồm cả xét nghiệm trong thời gian mang thai và vào lúc chuyển dạ. Sau khi xét nghiệm đã phát hiện được 420 trường hợp nhiễm HIV (tỷ lệ 170/100.000 người). Trong đó, có 370 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Lây nhiễm từ mẹ sang con là một trong những đường lây truyền chính của HIV/AIDS. Việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con để lại hậu quả rất nặng nề cho trẻ, gia đình và xã hội, vì các trẻ nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị suốt đời. Đối với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nếu không có các biện pháp can thiệp, dự phòng thì khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là rất cao, khoảng 30-45%.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giúp giảm rất nhiều tỷ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Cụ thể, năm 2010, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ đã giảm xuống 10,8%. Năm 2013, trong số 1.985 trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm HIV thì tỷ lệ trẻ trong 2 tháng tuổi nhiễm HIV đã xuống chỉ còn 4,4%.
Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con? Những hoạt động nào hiện đang được đặc biệt ưu tiên trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đóng vai trò rất quan trọng. Như đã nêu trên, nếu không có dự phòng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là khoảng 30%-45%. Nếu được dự phòng đúng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống rất thấp, chỉ còn dưới 2%, tức là giảm đến 95% nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Như vậy, nếu triển khai tốt các hoạt động dự phòng thì chúng ta có thể tiến dần đến việc loại trừ trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ có HIV dương tính, góp phần rất lớn cho việc giảm tỷ lệ gia tăng HIV/AIDS, đồng thời giảm được gánh nặng của gia đình và toàn xã hội.
Các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay đang được ưu tiên triển khai bao gồm: Truyền thông về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai đẩy phát hiện các trường hợp nhiễm HIV; tổ chức điều trị ARV ngay cho các phụ nữ mang thai có HIV dương tính bằng phác đồ 3 thuốc ARV, không cần phụ thuộc vào tế bào CD4; chăm sóc mẹ và trẻ sau khi sinh, cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ (không bú mẹ)...
Ý nghĩa triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014? Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đang triển khai những hoạt động gì trong tháng cao điểm, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Nhằm thực hiện mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hằng năm với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động nguồn lực, đồng thời tăng cường sự tham gia của toàn dân, đặc biệt là các bà mẹ mang thai trong việc triển khai các can thiệp về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chủ đề của tháng cao điểm năm 2014 là “Hướng tới không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ”, được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày 01/6/2014 đến ngày 30/6/2014. Trong tháng cao điểm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị tích cực truyền thông về tầm quan trọng, lợi ích và các nội dung cơ bản nhất để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là sự cần thiết của việc xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc mẹ và con sau khi sinh... Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế tuyến xã, phường... tăng cường thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, kịp thời cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Các cơ sở điều trị cũng cần đảm bảo cung ứng thuốc ARV kịp thời, liên tục cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không được để tình trạng không có thuốc ARV cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngoài ra, ngành y tế cũng đang tăng cường phối hợp, chuyển tuyến hiệu quả giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản và cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn nhằm đảm bảo việc quản lý điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho các cặp mẹ và con đúng theo quy định.
Thùy Chi
http://tiengchuong.vn/Trao-doi-gop-y/Ty-le-nhiem-HIV-o-tre-sinh-ra-tu-me-nhiem-HIV-giam-nhieu/10656.vgp (http://tiengchuong.vn/Trao-doi-gop-y/Ty-le-nhiem-HIV-o-tre-sinh-ra-tu-me-nhiem-HIV-giam-nhieu/10656.vgp)