PDA

View Full Version : Cô Lê Thị Mộng Thúy: Trải lòng vì người nghèo



songchungvoi_HIV
28-06-2014, 18:13
Hơn 18 năm gắn bó với phong trào phụ nữ, cô Lê Mộng Thúy được điều động sang giữ chức vụ Chủ tịch hội Chữ thập đỏ TP. Mỹ Tho. Ở vị trí công tác nào, người cán bộ Hội này vẫn luôn tận tâm vì công việc và trải lòng vì người nghèo.
CÁN BỘ HỘI NĂNG ĐỘNG
Năm 1978, cô Thúy bắt đầu tham gia công tác y tế ở xã Trung An, một xã ven của TP. Mỹ Tho. Sau đó trở thành cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ Hội LHPN TP. Mỹ Tho. Dù ở vị trí công tác nào cô cũng nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đặc biệt, với công tác Hội và phong trào phụ nữ, cô Lê Mộng Thúy gắn bó nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Với nhiệm vụ được giao là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Mỹ Tho, cô đã tham mưu cùng ban thường vụ và tập thể cơ quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động phong trào theo Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp và Nghị quyết của Đảng bộ thành phố.


http://baoapbac.vn/dataimages/201404/original/images957997_6A.jpgCô Lê Mộng Thúy (thứ 2 bên phải) trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.
Tâm huyết với công tác Hội và phong trào phụ nữ, cô Thúy đã có nhiều sáng kiến trong công tác tổ chức và hoạt động của Hội nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào. Chẳng hạn sáng kiến “Hướng dẫn lập sổ tay công tác của cán bộ Hội LHPN cơ sở” được cán bộ Hội cơ sở đồng tình sử dụng ở phường (xã), chi, tổ hội.
Từ đó giúp việc ghi chép, tổng hợp, thông tin được tốt hơn. Sáng kiến “Hướng dẫn xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) để tập hợp phụ nữ ” đã giúp các cấp hội cơ sở vận dụng tổ chức thành lập được nhiều loại hình CLB như: CLB phụ nữ khéo tay, CLB phụ nữ hát với nhau, CLB gia đình không trẻ suy dinh dưỡng, CLB gia đình hạnh phúc, CLB tiểu thương tại các chợ (phường 1, phường 4, phường 6, phường 8), CLB không phân biệt kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS (phường 2)....
Với nhiều loại hình CLB, bước đầu đã tập hợp được số phụ nữ đáp ứng được phần nào nhu cầu, sở thích của chị em, song song đó còn tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia tốt các phong trào và nghĩa vụ công dân tại cơ sở.
Rồi sáng kiến: “Hướng dẫn mô hình tập hợp nữ sinh viên, nữ công nhân khu vực nhà trọ” từ đó tổ chức ra mắt câu lạc bộ nữ công nhân khu vực nhà trọ ở ấp Bình Tạo, xã Trung An có 45 thành viên, phát triển thêm 65 thành viên; CLB nữ sinh viên nhà trọ ở khu phố 5, phường 5 có 43 thành viên, phát triển được 68 thành viên.
Từ 2 mô hình trên đã nhân rộng ra các đơn vị có trường học và khu công nghiệp ở phường 8, phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh. Sáng kiến của cô Thúy bước đầu đã thực hiện được nhiệm vụ tập hợp đa dạng hóa các thành phần phụ nữ vào tổ chức. Về xã hội góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng được lực lượng nòng cốt tham gia các phong trào tại cơ sở.
Cô Thúy là cán bộ Hội nhiệt tình với công tác. Cô luôn xông xáo xuống cơ sở cùng cán bộ Hội cấp dưới vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt các phong trào Hội. Với thành tích vượt trội trong công tác, cô được UBND tỉnh, Hội cấp trên tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen; năm 2011 cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

NẶNG LÒNG VÌ NGƯỜI NGHÈO
Tháng 6 - 2011, cô Thúy được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Mỹ Tho. Công việc mới có nhiều bỡ ngỡ nhưng bằng kinh nghiệm công tác xã hội, sự nhiệt tình với công việc và cái duyên gắn với phụ nữ nghèo trước kia đã giúp cô sớm bắt nhịp và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô Thúy cho rằng: “Làm công tác nhân đạo phải có cái tâm, có nhiệt tình. Bởi vì muốn đi vận động tiền của người khác thì bản thân phải tạo được lòng tin của đối tác”.
Cái tâm và sự nhiệt tình đã “kéo” cô Thúy ra khỏi nhà mỗi thứ bảy, chủ nhật. “Vì các nhà hảo tâm chỉ rảnh vào ngày nghỉ, nên họ cho lịch mình ngày nào mình đi ngày đó. Miễn là có tiền, quà cho người nghèo thì mình bỏ ngày nghỉ có xá gì đâu” - Cô Thúy chia sẻ.
Thời gian trước, hoạt động nhân đạo xã hội chỉ vận động theo từng đợt, để trợ giúp các gia đình vào các dịp lễ, tết hoặc các trường hợp rủi ro trong cuộc sống, không có người nhận trợ giúp thường xuyên. Với hình thức trên chỉ giúp cho các gia đình giải quyết phần nào những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, không có khả năng cải thiện được cuộc sống và thoát nghèo.
Nhằm quy tụ được các nhà hảo tâm và cán bộ, hội viên, người tình nguyện tích cực tham gia để giúp đỡ được nhiều hộ gia đình nghèo có vốn làm ăn, mua bán nhỏ, chăn nuôi, học nghề … cải thiện cuộc sống, thoát nghèo thông qua Cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo”. Sau khi tổ chức mô hình ở 17 phường, xã, mỗi đơn vị, mỗi năm phải vận động các nhà hảo tâm trợ giúp từ 2 - 3 gia đình trở lên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo bằng cách giúp vốn (bằng hình thức không lãi) để họ chăn nuôi, sản xuất hoặc mua bán nhỏ… tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo.
Riêng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như: Người già neo đơn, tàn tật không khả năng lao động… trợ giúp hàng tháng bằng tiền (100.000 - 200.000 đồng). Số gia đình đã lập hồ sơ và được trợ giúp vốn lần đầu là 41, có 5 nhà hảo tâm giúp với số vốn được hỗ trợ là 47,7 triệu đồng.
Đến nay, Hội Chữ thập đỏ TP. Mỹ Tho đã vận động được 32 nhà hảo tâm trợ giúp vốn cho 73 đối tượng với số tiền 153,5 triệu đồng, mỗi hộ bình quân được nhận từ 1-3 triệu đồng để học nghề, mua bán nhỏ, chăn nuôi… tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ngoài ra, các nhà hảo tâm còn đóng góp để giúp cho 243 hộ là người già nghèo, neo đơn, khuyết tật… (mỗi hộ được nhận 10 kg gạo hoặc tiền từ 100.000 - 200,000 đồng/tháng); đóng góp xây dựng 15 căn nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn. Thông qua Cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo” đã giúp thoát nghèo bền vững 15 hộ.
Thấy tình trạng khi xảy ra trường hợp va quẹt gây tai nạn thương tích, đôi lúc không được hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời nên nguy hiểm đến tính mạng người bị nạn và mất tài sản, cô Thúy lại vận dụng mô hình tình nguyện viên Chữ thập đỏ hỗ trợ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Từ lúc các tình nguyện viên được tổ chức ở một số tuyến đường, bước đầu đã sơ cấp cứu 6 trường hợp va quẹt nhẹ, 4 trường hợp chấn thương ở đầu và tay chân, giảm được trình trạng do không cấp cứu kịp thời đưa đến nguy hiểm tính mạng và bảo vệ được tài sản người bị tai nạn, góp phần cùng các ngành chức năng bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân.
Dành tâm huyết cho người nghèo, cho hoạt động từ thiện xã hội nhưng cô Thúy vẫn giữ được mái ấm hạnh phúc. Cô Thúy được Liên đoàn Lao động tỉnh khen tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Với cô “Giỏi việc nước, đảm việc nhà không phải là ngày 3 bữa nấu cơm cho chồng con ăn. Vấn đề là người phụ nữ phải biết sắp xếp việc công và việc gia đình một cách hợp lý, hài hòa; trong gia đình phải biết phân công công việc phù hợp cho mỗi thành viên và quan tâm dạy bảo con tốt”.

THỦY HÀ
http://baoapbac.vn/xa-hoi/201404/co-le-thi-mong-thuy-trai-long-vi-nguoi-ngheo-471476/