PDA

View Full Version : Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính



songchungvoi_HIV
02-07-2014, 11:10
19/6/2014 07:49
Congly.vn - Đến nay, xã hội đang có cái nhìn thoáng hơn đối với người đồng tính. Tuy nhiên, cuộc đời của những người mang giới tính thứ ba vẫn chan đầy nước mắt. Họ không thôi khao khát tìm đến bản ngã thực của mình và được xã hội, pháp luật, cộng đồng công nhận.

KỲ 1: ĐẮNG CAY MANG DANH ĐỒNG TÍNH
Nơi trú ngụ trở thành địa ngục
Hiện nay, Mai Văn Lời là học sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn quận 3 (TP.HCM). Trước đây, Lời sinh hoạt bình thường, không hề biết đến việc mình là người đồng tính. Cách đây ba năm, khi học lớp 8, Lời phát hiện trái tim mình rung động trước một cậu bạn trai cùng lớp. Lời hoảng hốt, tìm mọi cách để điều chỉnh lại cảm xúc nhưng vô vọng. Không một ai có thể chia sẻ được tâm trạng của mình, Lời chôn giấu tình cảm vào cuốn nhật ký. Lời sợ cha mẹ biết nên giấu rất kỹ cuốn sổ này.
Một hôm, đang học tiết toán tại trường, cha đến xin phép cho Lời về nhà. Trên đường, cha không nói gì nhưng với khuôn mặt đằng đằng sát khí, Lời cảm nhận có điều gì đó không hay đã xảy ra. Vừa bước vào nhà, cha vứt cuốn nhật ký xuống sàn và buông lời chửi mắng. “Lúc đó, không còn từ miệt thị nào mà cha không nói”, Lời nhớ lại. Mặc dù hoảng loạn nhưng điều khiến Lời mệt mỏi nhất là nước mắt của mẹ. Mẹ cậu không nói gì chỉ nức nở khóc. Đến bây giờ nhớ lại, cậu vẫn không thể quên ánh mắt của cha mẹ trong thời khắc đó.
Suốt ba ngày tiếp theo, cả cha lẫn mẹ ở nhà, đóng cửa chửi rủa với hy vọng Lời sẽ thoát khỏi ý nghĩ mình là một người đồng tính. Lời xin cha mẹ cứ dùng roi vọt để đánh chứ đừng hành hạ mình bằng lời nói. Tuy nhiên, cha mẹ cậu không đồng ý. Lợi chỉ biết khóc, cố giãi bày rằng, không phải học đòi mà bản chất bên trong mình là người đồng tính.
Thời gian này, không thấy Lời đến trường, giáo viên chủ nhiệm phân công một học sinh đến nhà Lời xem sao. Cậu học sinh này vô tình nghe được những lời mắng chữi của cha Vinh. Thế là hôm sau, thông tin Lời là một người đồng tính được lan khắp trường. Ngày quay trở lại lớp học, thấy bạn bè nhìn mình có vẻ khác biệt lại bị cô bạn ngồi cạnh hỏi: “Mày là gay hả?”, Lời thấy như cả bầu trời đang sập xuống. Lời chỉ úp mặt khóc.
Những ngày tiếp theo là chuỗi thời gian đen tối nhất của cuộc đời Lời. Về đến nhà, cha mẹ “ca bài ca không quên”. Đến lớp, bạn bè gọi Lời là bóng, là pê đê, ô môi… tới thầy cô cũng có cái nhìn khác lạ đối với cậu. Gia đình, lớp học trở thành địa ngục. Lời không chịu nổi dư luận nên tự tử nhưng được cứu. Mặc dù vậy, người thân lẫn bạn bè vẫn không thôi miệt thị cậu.
Một lần, trước lời mắng chửi của cha mẹ, Lời quyết định phải lên tiếng, bảo vệ giới tính cho mình. Cha Lời cho rằng, con trai cãi lại là thể hiện sự hỗn hào nên bảo cậu là “quái thai, mất dạy…”. Đêm hôm đó, cậu bỏ đi trong im lặng. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần, trong túi không còn tiền nên Lời đành quay về.
Lời cho biết, trước đây em là học sinh giỏi, luôn nằm đầu bảng của lớp. Thế nhưng, khi giới tính thực bị phát hiện, cậu không thể dồn tâm trí cho việc học nữa. Đến nay, sức học của Lời bị giảm sút rất nhiều. Lời bảo, hiện giờ, trong suy nghĩ luôn thường trực gánh nặng về giới tính nên vẫn ấp ủ việc tự tử. Điều cậu mong muốn nhất hiện nay là cha mẹ hãy nhìn vào thực tế và chấp nhận giới tính thực của cậu.
Có lẽ, điều Lời cần nhất hiện nay là sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình. Thế nhưng, chính mái ấm không còn là nơi yên ổn nên cậu mới có những suy nghĩ yếm thế, thậm chí thường trực ý định tự tử như vậy. Cậu còn quá trẻ, vẫn chưa thể ý thức hết mọi việc ở trên đời nên cần sự định hướng của mọi người, đặc biệt là cha mẹ. Chỉ mong rằng, khi cha mẹ của Lời đọc được những dòng này sẽ suy ngẫm lại và có cách cư xử đúng nhất để con của mình không rơi vào bế tắc, mặc cảm.
Bi kịch nối dài bi kịch
Lâm Thanh Vinh được mọi người biết đến với biệt danh Lộ Lộ. Năm nay, Vinh vừa tròn 35 tuổi và đang sinh sống tại quận 4, TP.HCM. Ngay từ nhỏ, Vinh đã nhận thấy giới tính của mình có nhiều điều khác biệt đối với những người xung quanh. Mang dáng hình là một cậu con trai nhưng Vinh lại thích thú với những bộ áo quần của giới nữ. Không ít lần, theo mẹ ra chợ, Vinh khóc đòi mua một bộ váy cho mình mặc. Mẹ Vinh ái ngại trước mọi người khi cậu con trai có ý thích kỳ dị.


http://congly.com.vn/data/news/2014/6/18/43/vinh3jpg1403080438.jpgTrải qua biết bao khó khăn,Vinh mới sống với giới tính thật của mình

Bước vào tuổi trưởng thành, ý thức giới tính của Vinh ngày càng mạnh mẽ. Vinh khát khao được mọi người công nhận mình là một đứa con gái chứ không phải là một thằng con trai như dáng hình bên ngoài. Thuở đó, đồng tính là điều quá mới lạ và thường bị mọi người khinh miệt. Không chỉ thế, bà con dòng họ của Vinh khi thấy Vinh khác biệt đối với mọi người luôn dè bĩu, lời ra tiếng vào khiến cha mẹ Vinh vô cùng trăn trở.
Trước sức ép của người thân, cha Vinh không ít lần đánh đập, chửi mắng Vinh. Mỗi lần như thế, Vinh chỉ biết rơi nước mắt cầu xin. Mẹ Vinh thương con, nhưng không dám trái ý chồng. Lắm khi, mẹ ngồi bên, rơi nước mắt khi vuốt tóc con. Vinh không biết phải làm gì, chỉ câm nín. Lúc đó, Vinh giận cha vô cùng vì không chịu hiểu cho con. Tuy nhiên, giờ đã lớn, ngẫm lại, Vinh hiểu, không còn trách cứ cha nữa.
Những năm cuối cấp hai, là khoảng thời gian tồi tệ nhất của Vinh. Bạn bè thấy vẻ yểu điệu nên không thôi lôi Vinh vào những trò miệt thị. Vinh ấm ức, khóc nức nở khi bị bạn bè gọi là “đồ pê đê”, “đồ lại cái”, “đồ bệnh hoạn”… Không chỉ thế, Vinh còn hay bị bạn bè trêu chọc bằng cách tụt quần Vinh để xem “của quý” khiến Vinh cảm thấy rất khổ sở. Không còn tâm trí học hành, năm lớp 11, Vinh bị lưu ban. Lúc đó, Vinh buồn lắm nhưng giờ nghĩ lại thấy có lẽ đó là sự may mắn vì cơ hội này đã khiến Vinh tách biệt với đám bạn hay trêu ghẹo Vinh.
Tốt nghiệp phổ thông, Vinh đậu vào một trường đại học tại TP.HCM. Vùi đầu vào sách vở, Vinh hy vọng quên đi những đau đớn của giới tính. Thế nhưng, gia đình quá khó khăn, vừa học hết năm nhất, Vinh đành rời giấc mơ đại học vì không có tiền đóng học phí. Rời ghế nhà trường, Vinh đi xin việc làm thuê với hy vọng tự chủ được kinh tế thì người thân sẽ nhìn nhận giới tính của mình. Tuy nhiên, với ngoại hình là con trai nhưng dáng đi ẻo lả nên đến đâu Vinh cũng bị từ chối. Cầm hồ sơ trên tay, Vinh chỉ biết khóc cho số phận của chính mình. Đây là lúc buồn bã, vô vọng, Vinh tìm đến cái chết hai lần nhưng không thành công.
Sau đó, thông qua bạn của cha, Vinh xuống chùa Viên Không ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi tu. Khi vào chùa, Vinh được sư trụ trì gọi trò chuyện. Sư trụ trì cảm động với những nghĩ suy của Vinh nên cho xuống ở tu cùng với các sư cô. Các sư cô xem Vinh là nữ nên trò chuyện, lắng nghe mọi tâm tư tình cảm. Lần đầu tiên trong đời, Vinh cảm thấy đang được sống đúng với bản chất của mình. Tuy nhiên, một biến cố khác diễn ra, khách đến chùa thấy một người có ngoại hình nam lại ở chung với các ni cô nên lời ra tiếng vào. Một hôm, sư trụ trì gọi Vinh lên cho biết không thể để cậu ở chùa nữa. Thấu hiểu nỗi khổ của sư trụ trì, Vinh chấp nhận hoàn tục trong nước mắt.
Về đến nhà, Vinh được gọi khám và nhập ngũ. Sau đó không lâu, Vinh bị đơn vị trả về vì lý do là người đồng tính. Vinh quyết làm lại cuộc đời bằng cách xin vào làm phục vụ trong một quán karaoke. Rồi, quán này đóng cửa, Vinh lại thất nghiệp. Vinh chơi vơi, cảm thấy cuộc đời của mình quá u ám. Thế rồi, qua tìm hiểu, nhận được sự động viên của những người đồng tính, Vinh tham gia vào nhóm tiếp cận truyền thông dự phòng HIV cho những người nam có quan hệ tình dục với nam và nam hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố…

Mong xã hội có cái nhìn thiện cảm
Trong tâm tưởng, Vinh vẫn mong muốn có ngoại hình đúng với bản chất của mình nên thời gian qua đã tiêm hóc môn nữ. Ngoài ra, Vinh nghe bạn bè bảo thuốc tránh thai có thể tăng hóc môn nữ nên cậu cũng dùng. Điều Vinh mong muốn nhất hiện tại là xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những người đồng tính để mình có thể sống, làm việc giống như những người bình thường.
Thiên Di
http://congly.com.vn/phong-su/ghi-ch...y-1-53740.html (http://congly.com.vn/phong-su/ghi-chep/nhung-tam-su-tham-kin-cua-the-gioi-nguoi-dong-tinh-ky-1-53740.html)

songchungvoi_HIV
02-07-2014, 11:16
Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 2)
21/06/2014 08:32
Congly.vn - Mỗi khi đến quán cà phê, Nguyễn Thân luôn chọn cho mình một góc tối để ngồi. Thân phân trần: “Từ ngày bị mẹ buộc phải đi chữa đồng tính, mình quá sợ, luôn muốn ngồi một mình trong bóng tối để quan sát mọi người...".
KỲ 2: ÁM ẢNH NHỮNG PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ ĐỒNG TÍNH CHO CON CỦA CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Từ rất lâu, các công trình nghiên cứu đều khẳng định giới tính không phải là bệnh. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh khi phát hiện con cái mình đồng tính lại tìm mọi cách để chữa trị. Thậm chí, có người không ngần ngại đưa con mình vào bệnh viện tâm thần, đến các thầy pháp để trừ ma, tà. Chính những hành động này càng khiến con cái họ đau đớn, xót xa hơn.
Đẩy con vào bệnh viện tâm thần
Mỗi khi đến quán cà phê, Nguyễn Thân luôn chọn cho mình một góc tối để ngồi. Thân phân trần: “Từ ngày bị mẹ buộc phải đi chữa đồng tính, mình quá sợ, luôn muốn ngồi một mình trong bóng tối để quan sát mọi người. Đó cũng như là nơi bám víu để mình thoát khỏi những ám ảnh kinh hãi”.
http://congly.com.vn/data/news/2014/6/18/43/Anh21jpg1403081654.jpg
Mặc dù đang khá thành công trong công việc nhưng những ám ảnh trong quá khứ vẫn đeo đẳng anh Thân
Năm nay Thân 29 tuổi, là phó giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản lớn ở quận 1 (TP.HCM). Hồi còn đi học, bạn bè biết cậu là người đồng tính nhưng không mỉa mai, châm chọc mà thấu hiểu, cảm thông. Lắm khi, Thân cũng mong muốn cha mẹ mình biết và có động thái giống như bạn bè.
Ngày nhận giấy báo đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM), Thân viết một bức thư ngắn gọn bày tỏ giới tính thực cho cha mẹ biết. Lúc đó, Thân cho rằng, khi đậu đại học, cha mẹ sẽ cảm thông, thương cảm nên dễ dàng chấp nhận giới tính của mình hơn. Tuy nhiên, Thân không thể ngờ, khi đọc được bức thư ấy, mẹ quá sốc, lên cơn tăng-xông nên phải nhập viện. Cha lại buông lời miệt thị, chửi mắng Thân không thiếu một từ nào.
Ngày xuất viện, mẹ Thân chỉ tay thẳng mặt con trai: “Mày đừng nói với tao chuyện mày là người đồng tính. Mày còn quá nhỏ, không hiểu chuyện mày đang nói là gì đâu”. Thân khóc lóc, cố giãi bày cho mẹ biết rằng, mặc dù mình mang dáng hình của một đứa con trai nhưng bản chất, tính cách lại là con gái. Không cần nghe hết, mẹ Thân vung tay tát vào mặt con. Ngay sau đó, bà lại lên tăng-xông phải đưa đi cấp cứu lần nữa. Hai lần khiến mẹ phải nhập viện, Thân cảm thấy mình là đứa con bất hiếu.
Ngày mẹ ra viện, Thân không dám đả động gì đến chuyện giới tính nữa. Tối cùng ngày, vừa dùng bữa cơm xong, mẹ Thân gằn giọng: “Ngày mai, mẹ sẽ đưa con đi khám để chữa trị bệnh đồng tính”. Thân định cầu xin, định cãi lại nhưng sợ mẹ lại bị bệnh nên đành im lặng.
Sáng hôm sau, Thân lê từng bước nặng nề đến bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình). Ở đây, bác sĩ giải thích cho mẹ Thân biết, đồng tính không phải là bệnh nên không thể chữa trị. Tuy nhiên, bà van bác sĩ hãy tiêm thêm hóc môn nam để con trai của mình trở thành một người dị tính. Bác sĩ vẫn giữ nguyên ý kiến, tiễn mẹ con Thân ra về. Mẹ Thân vẫn cho rằng, việc con trai mình bị đồng tính là thiếu hóc môn nam nên đưa cậu đến hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn TP.HCM. Mỗi lần như thế, bác sĩ lại khẳng định đồng tính không phải bệnh và khuyên bà phải chấp nhận giới tính thực của con trai.
Vẫn không tin vào tất cả những bác sĩ trên, bà lại dẫn Thân đến một phòng khám quảng cáo có chữa trị nam học. Tại đây, một bác sĩ người Trung Quốc cho biết, vẫn có thể chữa trị đồng tính bằng cách tiêm hóc môn nam. Suốt ba tháng tiếp theo, mỗi ngày, Thân đến phòng khám này để tiêm hóc môn. “Lúc đó, mình tiêm nhiều đến nỗi mạch ven không còn tìm thấy nữa. Bác sĩ ở đây vì muốn kiếm tiền nên vẫn tiêm. Hết gần cả trăm triệu đồng, nhưng trong mình vẫn không chút gì thay đổi”, cậu chia sẻ. Sau cùng vì thấy phương thức chữa trị này không hiệu quả, mẹ cậu quyết định dừng tiêm hóc môn nam. Khi được hỏi, từ khi rời phòng khám đó, có bao giờ cậu quay trở lại không? Thân nói: “Mình cũng có quay lại nhưng phòng khám ấy đã đóng cửa từ lúc nào không hay”.
Thân chẳng biết, mẹ nghe thông tin từ đâu mà đưa cậu vào một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Đồng Nai để chữa trị. Mỗi bữa, cậu phải uống một nắm thuốc lớn. Suốt ngày, đầu óc cậu lơ mơ, mệt mỏi, không suy nghĩ được gì. Mỗi khi tỉnh lại, Thân lại cầu xin mẹ cho mình thoát khỏi “địa ngục” này. Hai tháng trôi qua, Thân không thể chịu đựng nỗi nữa nên giả vờ: “Con hết bệnh đồng tính rồi”. Mẹ Thân vui mừng khôn xiết, hỏi đi hỏi lại nhiều lần để xác minh điều vừa mới nghe là chính xác hay không. Ngay hôm sau, cậu xuất viện. Tuy nhiên, lúc này, giấy đỗ đại học đã quá hạn.
Sau đó, do sợ mẹ sẽ đưa mình đi chữa “bệnh đồng tính”, Thân quyết định ôn lại và chọn một trường ở Thủ đô để thi. Năm đó, Thân đậu đại học và ra Hà Nội học. Suốt bốn năm, ngày nào, mẹ cũng gọi điện khuyên Thân nên tránh xa bọn “bệnh hoạn” đồng tính. Thân không dám cự cãi, chỉ dạ vâng cho qua chuyện. Đến nay, mặc dù đi làm nhưng Thân vẫn che giấu tình yêu với một nam thanh niên.
Trừ tà đồng tính
Ông Trần Thanh H. (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, hai vợ chồng ông chỉ sinh được một cô con gái đặt tên là Trần Hoài Th.. Năm Th. học lớp 11, trong lúc dọn phòng, ông thấy bức thư của con gửi cho một người bạn. Trong thư, Th. dành tình cảm cho một người khác. Trong lòng, ông tự cười: “Con gái mình đã biết yêu rồi đấy”. Thế nhưng, khi đọc hết bức thư cũng là lúc ông nghẹn đắng phát hiện, người được Th. gửi thư là một cô bạn gái.
Ông H. liền đưa bức thư này cho vợ đọc. Ngay lập tức, vợ ông gọi điện yêu cầu Th. về nhà. Khi Th. vừa bước vào phòng, vợ ông liền dùng chổi đánh, chửi. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Th. nghịch ý cha mẹ. Thế nhưng, trước những lời của mẹ, Th. đã cãi lại và khẳng định, đồng tính không có gì xấu. Trong lúc tức giận, lần đầu tiên, bà dùng tay tát vào mặt con gái yêu quý của mình.
Suốt nhiều tháng sau đó, cả gia đình ông sống trong ngột ngạt. Th. đi suốt ngày, đến tối khuya mới về. Vợ ông thì hỏi ý kiến của bạn bè với mong muốn chữa trị “bệnh đồng tính” cho con. Riêng ông, là người đứng giữa, luôn khuyên răn cả vợ lẫn con gái phải bình tĩnh trước mọi vấn đề. Thế rồi, vợ ông bắt đầu cười nói trở lại với con gái. Ông cứ ngỡ, bà đã được “khai trí”. Tuy nhiên, về sau, ông mới hay, bà “xuống nước” để khuyên con gái đi “chữa bệnh”.
Dường như, biết mình khiến cha mẹ buồn nhiều nên Th. cũng nghe lời mẹ hơn. Th. chấp nhận theo chân mẹ đến các thầy bói, thầy cúng để chữa bệnh. “Trong khoảng thời gian này, vợ tôi đưa con gái đến bao nhiêu chỗ tôi cũng không thể nhớ hết. Chỉ nhớ rằng, cứ đến bất kỳ thầy nào, họ cũng bắt phải cúng để đuổi con “ma” trong người Th. đi. Vợ tôi thì quá mong muốn con gái trở thành người dị tính nên bỏ ra cả đống tiền để cúng. Th. muốn làm vui lòng mẹ nên cũng im lặng làm theo”.
Có lẽ, phát hiện cúng bái không thể biến Th. thành người dị tính, nên vợ ông từ bỏ. Sau đó không lâu, chẳng biết, bà nghe ai “mách nước” đồng tính là do tà và bùa ngải nên đi tìm gặp các thầy pháp để trừ. Lắm khi ông thấy con gái mệt mỏi khi đi theo vợ cũng xót nhưng cố nuôi hy vọng: “Biết đâu bà ấy làm thế lại khiến con gái tôi trở thành dị tính” nên không nói gì.
Trừ những lúc đi cùng mẹ, còn lại Th. chú tâm vào việc học hành. Vợ chồng ông thấy vậy thì cũng vui mừng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Th. đậu đại học. Chỉ mới nhập trường được bốn tháng, Th. nhận được học bổng du học toàn phần của một trường danh tiếng ở Úc. Trước khi lên máy bay, Th. xin lỗi cha mẹ vì đã không thể trở thành một đứa con gái như hai người kỳ vọng. Đến lúc này, hai vợ chồng ông mới chợt phát hiện mình đã mất đứa con gái yêu thương.
Ở trên đất nước bạn, ngày nào, Th. cũng lên mạng, gọi điện về cho gia đình. Không ít lần, Th. bày tỏ quan điểm của mình và cho rằng, người đồng tính không có gì sai trái và cũng không phải là bệnh. Th. luôn mong muốn trở thành một đứa con hiếu thảo, thành đạt để cha mẹ được hãnh diện. Khi ở hai đất nước cách biệt, vợ ông mới chịu lắng nghe lời của con gái. Bà khóc và cho biết rất hối hận vì đã khiến con gái rơi vào khủng hoảng, lo sợ và ám ảnh...
Cũng từ đây, vợ ông thường xuyên tìm sách, lên mạng đọc các tài liệu về đồng tính nên cảm nhận được con gái đã phải nghe những gì, phải chịu đựng ra sao, tổn thương như thế nào do chính người thân gây ra. Bà viết một bức thư dài để xin lỗi con gái. Nhận được thư, qua chương trình chat trên mạng, cả ông bà lẫn Th. đều khóc.

Hạnh phúc muộn màng
Ông cho biết, hai năm rồi, Th. chưa về nước. Thế nhưng, khi nhận được thư, thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, Th. nói cố gắng tháng 7 này sẽ về thăm gia đình. Hiện nay, cả ông và bà đều mong ngóng thời gian trôi qua thật nhanh để ngày con gái trở về nước sớm. Cuối cùng, gia đình ông đã tìm thấy được hạnh phúc sau quãng thời gian dài u tối...
Quỳnh Lâm

http://www.baomoi.com/Nhung-tam-su-t...9/14118767.epi (http://www.baomoi.com/Nhung-tam-su-tham-kin-cua-the-gioi-nguoi-dong-tinh-ky-2/139/14118767.epi)

songchungvoi_HIV
02-07-2014, 11:18
Tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 3)

21/06/2014 08:33
Congly.vn - Yun Bin là một người khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT tại TP.HCM. Bin nổi tiếng không chỉ vì là một cô gái mang dáng hình của một nam tài tử điển trai mà còn nổi tiếng bởi bộ ảnh cưới chụp cùng người yêu ở Đà Lạt với những khuôn hình mộng mơ, lãng mạn.

KỲ 3: TÂM SỰ BUỒN CỦA MỘT NGƯỜI NỔI TIẾNG TRONG GIỚI ĐỒNG TÍNH CÔNG KHAI ẢNH CƯỚI

Cuộc đời có nhiều sóng gió nhưng Yun Bin đã vượt lên trên tất cả. Trong thâm tâm, cậu biết, mọi người vẫn còn định kiến nhiều đối với những người đồng tính (LGBT). Điều cậu mong ước nhất hiện nay là mọi người hãy nhìn vào cộng đồng LGBT một cách toàn diện hơn.
Những mối tình đứt gãy
http://congly.com.vn/data/news/2014/6/18/43/bin1jpg1403082647.jpg
Ảnh cưới của Yun Bin và người yêu
Trước đây, khi chưa nhận thức được giới tính thực của mình, Bin gặp phải không ít phiền toái trong cuộc sống lẫn tình cảm. Từ nhỏ, cậu đã cảm thấy mình có điều gì đó khác lạ so với những cô bạn gái ở bên cạnh. Cậu thích mặc quần cộc, áo thun, say mê với những trò chơi mạnh mẽ, mang tính bạo lực, cậu cũng từng khiến người thân bất ngờ khi xin đi học võ.
Năm lớp 7, Bin thích một cô bạn cùng lớp. Ban đầu, cậu hơi bất ngờ với tình cảm của mình. Tuy nhiên, trái tim cậu không thể thay đổi. Tấm chân tình ấy khiến cô bạn rung động. Mối tình học trò khác lạ ấy quá khác biệt với mọi người. Do đó có quá nhiều lời dị nghị.
Bin bảo, lúc đó Bin sốc lắm nhưng cậu vẫn vượt qua được. Còn cô bạn ấy thì không. Cô ấy sợ hãi dư luận và tìm cách tránh mặt. Mặc dù rất buồn nhưng cậu không khóc. Cậu câm nín nhìn mối tình đầu của mình tan vỡ. Bin suy nghĩ rất nhiều về câu nói: “Bin chỉ lệch lạc thôi” của bạn gái. Bin cũng sợ người thân nhận ra được điều khác biệt. Do đó, cậu quyết định thay đổi. Cậu để tóc dài, mặc váy, học cách ăn nói nhẹ nhàng, lả lướt… Bin cố kiềm néncảm xúc của mình nhưng dù đã cố gắng, trái tim cậu vẫn không rung động trước những anh chàng đẹp trai.
Năm lớp 8, Bin quen với một cậu bạn cùng lớp nhưng không có chút tình cảm gì. Cậu nhận ra, đó không phải là tình yêu và quyết định chia tay. Sau đó, một vài chàng trai khác cũng “đi qua” đời cậu nhưng chỉ trong thoáng chốc và không có một chút cảm xúc gì. “Bây giờ nghĩ lại, đó là khoảng thời gian mình cảm thấy tồi tệ và khủng khiếp nhất. Mình sợ hãi với việc mặc váy hay buổi sáng mất cả tiếng đồng hồ để chải tóc”, cậu mỉm cười.
Năm lớp 9, Bin lên mạng, lấy biệt danh con trai và quen với một cô bạn. Cứ mỗi khi cô bạn yêu cầu xem ảnh, cậu lại lấy một tấm hình nào đó chuyển sang. Khi yêu cầu nhìn qua wedcam, cậu chỉnh sang đứa bạn trai ngồi bên cạnh. Cứ thế, trong khoảng thời gian dài, trên thế giới ảo, cậu là một nam nhi chính hiệu. “Mặc dù chỉ là thế giới ảo nhưng mình cảm thấy thích thú. Mình tự nhận thấy đó mới là mình”, cậu chia sẻ.
Một hôm, cô bạn ấy yêu cầu được gặp mặt ở đời thực. Bin tìm cách từ chối nhưng không được. Cuối cùng, cậu đành thú thực, mình chỉ là một đứa con gái. Thế nhưng, cô bạn lại bảo: “Quen nhau đã lâu, nếu muốn chấm dứt tình cảm thì cũng phải được nhìn mặt nhau một lần”. Lúc gặp mặt, cô ấy lại bảo yêu mất rồi nên không thể chia tay. Đây chính là khoảng thời gian khiến cậu mê mải trong tình ái. Cậu thích thú, hào hứng với thứ tình cảm mình đang có. Thế nhưng, tình đang độ say nhất thì cô bạn yêu cầu chia tay vì: “Mình chỉ yêu Bin ở trên mạng, ở đó Bin mới là con trai”.
Khát khao được sống hạnh phúc
Sau cuộc tình ấy không lâu, gia đình phát hiện khuynh hướng thích con gái của Bin. Mọi người tìm cách khuyên nhủ, yêu cầu cậu phải sống như những đứa con gái khác. Bin tìm mọi cách để giãi bày về con người thực của mình nhưng không được chấp nhận. Điều khiến cậu sợ nhất không phải là những lời chửi mắng, những trận đòn roi đau tận xương mà là những giọt nước mắt của mẹ. “Cứ hễ thấy nước mắt mẹ rơi là mình không chịu được. Là một đứa con, còn gì bất hiếu hơn khiến cha mẹ phải khóc”, cậu ngậm ngùi.
Thế nhưng, chính những giọt nước mắt của mẹ khiến Bin quyết tâm phải sống thật tốt, tìm đúng con người thật của mình. Có khoảng thời gian dài, cậu sống trong câm lặng, chỉ với một ý niệm duy nhất là muốn mẹ được an tâm. Tuy nhiên, đó chỉ là một bước lùi trong hành trình cậu đi tìm giới tính thật. “Có lần, không chịu đựng được những lời nói cay nghiệt của người thân, mình đã bỏ đi. Tuy nhiên, mình đang sống bám vào cha mẹ, chỉ được vài ngày, hết tiền là lại quay về. Mình chợt nhận ra, muốn được sống với giới tính thật thì phải tự lo, tự chủ về kinh tế và trước tiên phải là người có ích”, cậu nói.
Gia đình Bin làm nghề buôn bán, chưa có người nào học hành đến nơi đến chốn. Do đó, ngày cậu đưa giấy báo đậu vào trường Đại học Tài chính Marketting mẹ lại khóc. Lần này, bà khóc không phải vì giới tính của con gái mà là vì xúc động trước sự thành công của con. Lúc này, cậu nhẹ nhàng tâm sự: “Giới tính nào cũng được mẹ ạ! Điều quan trọng nhất là phải sống tốt, sống có ích”. Mẹ ôm cậu vào lòng. Đó cũng chính là bước ngoặt lớn của cuộc đời cậu.
Sau đó, mẹ không ngại ngần cho mọi người biết con gái mình là người đồng tính. Bởi, từ trong thâm tâm của một người mẹ, bà nhận thấy, điều quan trọng của con gái mình không phải thuộc về giới tính nào mà là có được hạnh phúc hay không. “Đến bây giờ, trong gia đình, mẹ là chỗ dựa tinh thần của mình. Bình thường, hai mẹ con tám chuyện khá lâu. Mình cảm thấy hạnh phúc khi được mẹ hiểu và thông cảm”, cậu cười tươi.
Bước vào đại học, Bin không muốn dựa dẫm tài chính quá nhiều vào gia đình nên đi làm thêm. Điều khiến Bin buồn nhất, khi xin việc, nhiều nơi không chấp nhận những người đồng tính. Thế nhưng, cậu biết rằng, ở xã hội Việt Nam, người đồng tính vẫn còn rất nhiều thiệt thòi và muốn được tất cả mọi người chấp nhận thì cần phải có thời gian. Với quyết tâm lớn, tích cóp từ những đồng tiền làm thêm, cậu mua xe, điện thoại… cho riêng mình. Đặc biệt, mặc dù đang hoàn tất những môn thi tốt nghiệp nhưng cậu sở hữu một shop thời trang ở tỉnh Đồng Nai và là chủ của một shop ở trên mạng.
Đôi mắt Bin chợt buồn khi chúng tôi hỏi về tình yêu hiện tại. Cậu cho biết, mình đang hạnh phúc với mối tình đã kéo dài bốn năm. Thế nhưng, điều khiến cậu trăn trở nhất là gia đình của người yêu. Bởi, đó là gia đình gia giáo, không dễ dàng chấp nhận một mối tình đồng tính. Cuối năm 2013, với mong muốn có một kỷ niệm đẹp, cậu cùng người yêu lên thành phố Đà Lạt chụp một bộ ảnh cưới. Cậu mặc áo veston, đóng vai chú rể còn người yêu mặc sore, đóng vai cô dâu. Khi nhìn thấy bộ ảnh cưới, cả hai đã khóc. “Đó là mong ước từ lâu của hai đứa”, cậu chia sẻ. Thế nhưng, hai người không thể lường hết được là bộ ảnh cưới này bị tung lên mạng. Gia đình người yêu của Bin nhìn thấy thế là một “trận lôi đình” đã xảy ra.

Mong được gia đình người yêu chấp nhận mình
Bin bảo, điều mong muốn nhất hiện nay là được gia đình người yêu chấp nhận. Tuy nhiên, điều này xem chừng là quá xa vời. Bởi, gia đình người yêu vẫn còn định kiến khá nặng nề đối với những người đồng tính. Bin chia sẻ: “Mình biết, nhiều người cho rằng, người đồng tính yêu nhau là sai lệch. Tuy nhiên, người đồng tính cũng là con người, cũng có mưu cầu hạnh phúc. Thật ra, trong thế giới người đồng tính có rất nhiều người tài năng, sống hiền lành. Mình luôn mong, tất cả mọi người khi nhìn vào giới LGBT hãy nhìn bằng cái nhìn toàn diện. Như thế thì những người đồng tính khi bước ra khỏi đường không khỏi ngại ngần hay bị kỳ thị. Đây không chỉ là mong ước lớn nhất của mình mà còn là của tất cả giới LGBT”.
Quỳnh Lâm
http://www.baomoi.com/Tam-su-tham-ki...9/14118768.epi (http://www.baomoi.com/Tam-su-tham-kin-cua-the-gioi-nguoi-dong-tinh-ky-3/139/14118768.epi)

songchungvoi_HIV
02-07-2014, 11:19
Tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 4)

Số đông vẫn thường áp đặt cho rằng người đồng tính hay tự ti với số phận của mình.

KỲ 4: "TÔI TỰ TIN VÀO GIỚI TÍNH CỦA MÌNH"

Số đông vẫn thường áp đặt cho rằng người đồng tính hay tự ti với số phận của mình. Tuy nhiên, điều này không hẳn chính xác, bởi, đối với Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (http://citinews.net/doi-song/ket-hon-cung-gioi--mong-va--moi--W35I6BI/) (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), cộng đồng LGBT (những người đồng tính nữ, người đồng tính nam, song tính luyến ái, hoán tính/ chuyển đổi giới tính) vẫn thường biết đến với biệt danh Gió Lẻ thì hoàn toàn khác. Cậu cảm nhận mình là đồng tính ngay thuở nhỏ, nhưng, chưa bao giờ nghĩ đó là điều sai trái. Cậu thản nhiên sống, thản nhiên lớn lên.
http://congly.com.vn/data/news/2014/6/27/43/giojpg1403860080.jpgKhoa hạnh phúc bên người yêu
Đừng tự tử vì giới tính của mìnhĐối với Khoa, đồng tính là điều rất bình thường, bởi mọi người không thể tự chọn giới tính cho mình. Điều cậu quan tâm là người đó sống có ích hay không.Lớn lên, Khoa tập tành vào mạng, viết blog, giãi bày tâm sự của mình. Bên cạnh những người phản bác, lên án, bình luận với những lời ác ý vẫn có rất nhiều người đồng cảm, chia sẻ với cậu. Bạn bè ban đầu cũng hơi bất ngờ khi cậu dám nói lên giới tính thực của mình. Nhưng theo thời gian mọi việc cũng trở lại bình thường, không ai bàn tán nữa. Chỉ có điều cậu không ngờ, chị gái cậu đã đọc được và kể lại với cha mẹ cậu.Gia đình Khoa là gia đình gia giáo nên khi biết được sự thật cha mẹ cậu nổi giận tam bành, chửi rủa xối xả. Cậu khóc, cố phân bua nhưng bất lực. Nhìn thấy nước mắt mẹ rơi, trái tim cậu đau gấp mấy lần những roi đòn của cha giáng xuống. Suốt nhiều ngày liền, cậu bị cấm ra khỏi nhà để không gặp những "kẻ đồng tính". Từ nhỏ, cậu cũng từng nghĩ sẽ có ngày cha mẹ phát hiện ra giới tính thật của mình. Thế nhưng, cậu chưa bao giờ lường trước được mọi chuyện lại tồi tệ đến mức như thế.Thời gian trôi qua, không khí gia đình ngày càng trở nên bức bối. Cậu không dám đề cập đến vấn đề đồng tính với gia đình nữa. Nhưng mẹ cậu thì âm thầm tìm cách chữa trị cho cậu vì cho rằng đồng tính là bệnh và có thể chữa trị bằng cách tiêm hormon nam. Mẹ dẫn cậu lên bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) khám "bệnh" đồng tính.Cậu run rẩy đẩy cánh cửa phòng khám. Vị bác sĩ nhẹ nhàng hỏi: "Cháu bị bệnh gì?". Khoa ấp úng: "Con không bị gì hết". Bác sĩ hỏi tiếp: "Không bị gì sao lại đến đây?". Cậu lí nhí: "Con là đồng tính, mẹ cứ nghĩ đây là bệnh, có thể tiêm hormon nam là hết". Bác sĩ lại hỏi: "Tại sao cháu biết mình đồng tính?". Cậu cố giữ bình tĩnh: "Con có thể cảm nhận được điều đó. Con không có cảm giác trước các bạn gái mà chỉ rung động đối với bạn trai". Sau một hồi trò chuyện, bác sĩ dắt cậu ra và phân tích với mẹ: "Đồng tính không phải là bệnh. Đồng tính tồn tại ngay khi con người mới sinh ra. Không phải tiêm hormon là có thể chữa được". Hai mẹ con lại khăn gói về quê.Từ đây, mẹ ít khi nhắc đến giới tính của con trai nhưng cậu vẫn cảm nhận được sự khắc khoải trong tiếng thở dài của mẹ. Trong thâm tâm, cậu luôn cảm ơn vị bác sĩ ấy vì những điều ông nói phần nào cởi trói được sự áp đặt của người thân đối với cậu. Tuy nhiên, cũng có một khoảng thời gian dài chịu không nổi áp lực, cậu bị trầm cảm nặng và ít nhất ba lần tìm đến cái chết. Giờ ngẫm lại, cậu vẫn còn rùng mình trước những khoảnh khắc ấy."Mình biết, tự tử là cách nhiều người đồng tính tìm đến khi không còn động lực nào để sống. Mình đã trải qua giai đoạn đó nên mình hiểu. Tuy nhiên, mọi người không biết cảm giác khi sắp từ bỏ cuộc đời này là thế nào đâu. Lúc đó, mình khát sống vô cùng. Mình nhớ lại còn rất nhiều mục tiêu vẫn chưa hoàn thành. Mình chỉ khuyên tất cả mọi người, dù vướng vào bất kỳ việc gì cũng không nên tìm đến cái chết", cậu nói.Đồng tính không phải là cái tộiKhoa khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT không chỉ vì những hoạt động nhằm tìm lại sự công bằng, được pháp luật thừa nhận đối với những người đồng tính mà còn là sự tự tin, tự hào với giới tính đang mang. Thời gian qua, cậu khiến cư dân mạng xôn xao với một câu chuyện đầy tính nhân văn nhưng khiến không ít người xúc động khi chia sẻ lên trang cá nhân: "Có một cô phóng viên hỏi một bạn đồng tính rằng bạn ấy nhận biết mình thích người cùng giới năm mấy tuổi? Bạn ấy hỏi lại cô phóng viên rằng cô ấy biết mình thích người khác giới năm bao nhiêu tuổi.Cô phóng viên hỏi bạn ấy làm sao biết mình đồng tính và cảm giác yêu người cùng giới như thế nào? Bạn ấy vui vẻ hỏi lại cô phóng viên, bằng cách nào cô ấy biết mình yêu người khác giới (dị tính), và cảm giác khi cô ấy yêu người khác giới như thế nào, thì yêu người cùng giới cũng giống như vậy. Không có sự khác biệt trong tình yêu.Cô phóng viên lại hỏi bạn ấy có gặp khó khăn khi phải sống giả với chính mình không? Bạn ấy hỏi lại cô rằng, làm sao mới gọi là sống giả, như thế nào mới là sống thật, liệu cô và bao người dị tính khác có cần phải sống thật hay sống giả không. Người đồng tính cũng vậy, họ là chính họ thôi. Không ai đủ tư cách để làm cái chuẩn trong cuộc sống này cả. Và hơn hết, dù là đồng tính hay dị tính cũng đều có những lúc gặp khó khăn, trở ngại.Cô phóng viên hỏi bạn ấy có định come out (công khai) việc mình đồng tính với gia đình và bạn bè không? Bạn ấy hỏi lại cô phóng viên rằng cô ấy có cần come out việc mình thích người khác giới không.Cô phóng viên hỏi bạn ấy rằng bạn có sống tự hào khi là người đồng tính không? Bạn ấy hỏi lại cô rằng cô có tự hào màu da của mình nếu bị phân biệt chủng tộc không?Cô phóng viên hỏi bạn ấy có tin vào sự chấp thuận hôn nhân đồng giới không. Bạn ấy nói, làm gì có hôn nhân đồng giới. Cũng chẳng có hôn nhân khác giới. Từ bao giờ hôn nhân là đặc quyền của 1 nhóm người? Hôn nhân là hôn nhân. Bình đẳng hôn nhân.Cô phóng viên hỏi bạn ấy cảm thấy thế nào khi mình là thành phần trái tự nhiên, bất bình thường trong xã hội? Bạn ấy nói rằng, làm gì có ai là trái tự nhiên hay bất bình thường, chỉ có những người tự cho rằng mình tự nhiên, bình thường hơn người khác. Đa số không phải là cái bình thường, đa số là sự phổ biến. Thiểu số không có nghĩa là bất thường, thiểu số làm nên sự đa dạng. Cô phóng viên cám ơn bạn đã chia sẻ và không quên gửi lời động viên "Dù em đồng tính nhưng hãy sống tốt nhé!". Bạn ấy cười tươi và nói: "Cám ơn chị. Em là người đồng tính và em sẽ luôn sống tốt. Đồng tính không có gì là tiêu cực nên ta hãy bỏ chữ "dù" và "nhưng" chị nhá!". Đồng tính không tiêu cực. Trong một xã hội, dù là đồng tính hay dị tính đều có kẻ tốt người xấu. Tất cả bình đẳng".Khoa bảo, đồng tính không phải là cái tội cũng không phải là xấu. Vấn đề là có nhiều người đang kỳ thị đồng tính. Tuy nhiên, dị tính có người tốt, kẻ xấu và đồng tính cũng giống thế. Thậm chí, có nhiều người đồng tính đang sống tốt, có nhiều thành tựu lớn, đặc biệt trong nghệ thuật. Cậu cũng như những người đồng tính chỉ mong rằng, xã hội không còn kỳ thị, dị tính hay đồng tính.Câu chuyện của chúng tôi rẽ sang chuyện tình yêu. Khoa chia sẻ, trước đây cũng trải qua vài ba mối tình nhưng đều tan vỡ. Đến năm 12, trong lúc thiếu động lực sống thì người yêu hiện tại xuất hiện. Cậu tự hào: "Người yêu của mình tên Trương Trần Trung H., đẹp trai, cao to, hiền lành và rất thông minh". H. nhỏ hơn cậu hai tuổi, cùng học trường phổ thông. Tình yêu của hai người đến một cách nhẹ nhàng, lãng mạn.

Mơ một ngôi nhà hạnh phúcBa năm không quá dài cho một chuyện tình đẹp nhưng cũng đủ để Khoa thấy cuộc đời mình đã có điểm tựa. Cậu hay mơ về giây phút hai đứa cùng ký giấy kết hôn, rồi có một lễ cưới nhỏ, một ngôi nhà nhỏ, tràn ngập yêu thương. Nhưng cậu e sợ một ngày không xa, gia đình H. và cả gia đình mình sẽ đạp đổ mọi mong ước của hai người.
Quỳnh Lâm
Theo congly.com.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=-2103183566)

songchungvoi_HIV
02-07-2014, 11:21
Tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ cuối)

02/7/2014 10:15
Từ trước đến nay, số đông vẫn suy nghĩ, tình yêu đồng tính không hạnh phúc, dễ dàng bị đứt gãy và kết thúc thường là bi kịch. Thế nhưng, trong cuộc sống sự thật lại hoàn toàn khác.

KỲ CUỐI: NHỮNG MỐI TÌNH BỀN CHẶT CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNHBên cạnh những mối tình "chết trẻ" thì vẫn còn đó các cặp đôi vẫn sống bên nhau bền chặt suốt nhiều năm trời. Và, khi được hỏi, các cặp đôi này đều hạnh phúc cho rằng, có lẽ, họ sẽ gắn kết với nhau suốt đời.Ấm êm sau một đời chồngNgay từ nhỏ, Tăng Ái Linh (SN 1979) đã cảm nhận mình là người đồng tính. Tuy nhiên, Linh không dám đấu tranh để được sống đúng với bản chất của mình vì sợ danh dự của gia đình bị đạp đổ. Linh tìm cách trốn tránh thực tại bằng cách sang Singapore sinh sống. Ở đất nước xa lạ, Linh vẫn thường lên mạng tìm bạn để trò chuyện.
http://congly.com.vn/data/news/2014/6/27/43/tangjpg1403862562.jpgCặp đôi Linh - Phương
Thế giới thực, Linh không thể sống đúng bản chất của mình nên khi ở trên mạng cô lấy thân phận là nam và biệt danh là Duy Khang. Những tháng ngày ấy, cô gặp và thường xuyên trao đổi với Phạm Thị Thanh Phương (http://citinews.net/doi-song/nhung--thay-co--9x-lop-hoc-dac-biet-X7JGAZY/) (32 tuổi). Hằng ngày, họ chia sẻ bất kể niềm vui, nỗi buồn. Dần dà, Linh cảm nhận ở Phương có sự chân tình, yếu đuối và dễ thương. Linh không thể lý giải mình yêu cô gái này từ khi nào.Năm 2002, khi tình cảm lên đến đỉnh điểm, Linh quyết định về TP.HCM để gặp Phương nhưng vẫn với vỏ bọc của Duy Khang. Linh suy nghĩ rất nhiều mà vẫn không dám đối diện. Cho đến một ngày, Linh không thể che giấu được nữa nên quyết định hẹn gặp Phương tại bến Bạch Đằng. Tại đây, Linh đã quỳ gối, tỏ tình và muốn được sống trọn đời cùng Phương. Quá bất ngờ, Phương từ chối trong nước mắt. Sau ba ngày, Phương gọi điện cho Linh và mối tình được viết trang đầu tiên.Cứ ngỡ, Linh và Phương sẽ có cái kết hạnh phúc. Tuy nhiên, trong lúc này, cha mẹ cũng biết Linh không thể yêu đàn ông. Tuy nhiên, vì thương con, ông bà không muốn Linh phải rơi vào cảnh bi đát và nghĩ rằng, khi có chồng cô sẽ khác. Thông qua mai mối, ông bà tạo áp lực buộc Linh phải lấy chồng. Thậm chí, khi Linh cố từ chối, bậc sinh thành còn lấy cái chết ra để đe dọa.Vì chữ hiếu, Linh nhắm mắt cưới chồng. Linh giả vờ nói với Phương là sang Úc du học nhưng thật ra là đến sống với người chồng của mình. Đó là một người đàn ông tốt, hiền hậu, có học thức và yêu thương Linh. Gia đình chồng cũng rất tử tế. Tuy nhiên, Linh cảm thấy ác mộng, trân người, đau đớn… mỗi khi gần gũi chồng. Cô từng nghĩ đến thoát cảnh hôn nhân ấy bằng cái chết nhưng nhờ vào những lời động viên của Phương nên cô đã lấy lại được thăng bằng.Phương cũng chuẩn bị lên xe hoa nhưng cô nhận ra người đàn ông sắp là chồng không thể đem lại hạnh phúc cho mình. Thay vào đó, mỗi khi nghĩ đến Linh là trái tim Phương lại rộn ràng. Khi biết Linh đang sống trong "địa ngục", Phương khuyên nên chia tay trở về với mình. Trở về Việt Nam, cả hai phía gia đình đều chống đối mối tình tréo ngoe này Cả hai đành bỏ cuộc sống chăn êm nệm ấm để bước vào chông gai. Họ bỏ nhà ra đi, bỏ ngang đại học và tìm công việc nặng nhọc với mức lương bèo bọt nhưng lại ngập tràn nụ cười hạnh phúc. Vào ngày 14/2/2005, cả hai đã tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của đức Phật nhưng không có một người thân nào bên cạnh.Vài năm sau, hai bên gia đình tạm cảm thông, nguôi giận. Một hôm, Linh giật nảy mình nhận được điện thoại của em trai bảo mẹ yêu cầu về nhà ăn cơm. Hôm đó, cả Linh và Phương cùng trở về trước sự đón chào của cả gia đình. Ngồi ăn cơm mà nước mắt Linh nhạt nhòa. Cũng sau đó không lâu, Phương được mẹ gọi điện về tham dự đám cưới của em trai. Trong tiệc cưới, mẹ bảo Phương đi khắp các bàn để mời rượu và giới thiệu Linh là con rể của mình.12 năm trôi qua kể từ khi tình yêu bắt đầu là khoảng thời gian không quá ngắn cho một cuộc hôn nhân. Nhiều khi, giữa Linh và Phương cũng có những mâu thuẫn nhưng người này nóng thì người kia lại lạnh. Cứ thế, họ sống hạnh phúc bên nhau. Đến nay, cả hai đang chung sống trong một căn hộ ở quận 10 (TP. HCM) và có ý định sẽ nhờ y học can thiệp để có một đứa con.Hạnh phúc khởi đầu từ người thânKhông gặp phải những cay đắng như cặp đôi Linh - Phương, hai chàng trai gốc Việt làNguyễn Thái Nguyên (http://citinews.net/kinh-doanh/2014---di-tim-su-song-trong-coi-chet----trang-9-IX2LHSY/) (40 tuổi) và Đinh Công Khanh (37 tuổi, TP. Gatineau, Canada) được sự ủng hộ của gia đình ngay từ khi tình yêu chớm nở. Đến nay, cuộc hôn nhân của họ đã trải qua 9 năm, còn đó những va vấp nhưng nụ cười vẫn luôn tỏa sáng.Khi Nguyên phát hiện mình là một người đồng tính thì rất đau khổ. Nguyên cố che giấu vì không muốn cha mẹ phải buồn. Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, không thể cứ che đậy giới tính thực của mình, Nguyên run rẩy, lấy hết can đảm nói lên sự thực. Không như sự tưởng tượng của Nguyên, cha tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và bảo: "Cha biết điều này từ lâu rồi. Nhưng, cha muốn tự con nói lên sự thật".Trong khi đó, đến năm 20 tuổi, Khanh mới nhận ra sự khác biệt về giới tính của mình. Khanh là đứa con trai trong gia đình, áp lực nối dõi tông đường luôn thường trực trong tâm trí. Khanh không muốn cha mẹ phải rơi nước mắt vì có một đứa con "bệnh hoạn". Sau hàng năm trời suy nghĩ, Khanh quyết định nói sự thật với mẹ. Lời nói vừa dứt, mẹ Khanh im lặng. Thời gian như lắng đọng. Khanh hoảng sợ với điều mình vừa thốt ra. Khi bình tâm hơn, mẹ của Khanh dùng lời nhỏ nhẹ cho biết, bà không buồn vì con là đồng tính. Bà sẽ buồn hơn rất nhiều lần nếu con không được sống hạnh phúc, trọn vẹn với con người thật của mình.
http://congly.com.vn/data/news/2014/6/27/43/khanhjpg1403862562.jpg
Cặp đôi Khanh - Nguyên
Sau một khoảng thời gian dài Khanh và Nguyên sống chung với nhau, mẹ Khanh ngỏ ý hỏi: "Hai con không có ý định cưới nhau à?". Từ trước đến nay, họ sống chung nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc kết hôn, do đó, khi mẹ Khanh đặt vấn đề khiến họ rất bất ngờ. Thế rồi, chính mẹ Khanh đến đặt vấn đề kết hôn với cha Nguyên và cùng nhau chuẩn bị một lễ cưới.Mẹ Khanh gửi may áo dài từ Việt Nam đem sang Canada. Vào tháng 12/2006, đám cưới nhỏ nhưng ấm cúng, ngập tràn hạnh phúc với sự chứng kiến của cả hai gia đình được diễn ra. Hai người đàn ông nắm tay nhau trong chiếc áo dài với tất cả các nghi thức giống như ở Việt Nam. Cả hai cho biết, đó là giây phút không có ngôn từ nào có thể diễn tả được và không thể nào quên.Nay, Khanh làm kiến trúc cho Bộ Nông nghiệp và Nguyên làm nghiên cứu về băng đá cho Bộ Môi trường Canada. Cả hai ngập trong công việc nhưng hằng ngày vẫn dành thời gian cho nhau. Đặc biệt, vài ngày, cả hai lại dắt nhau về thăm hai phía gia đình. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều chật vật nhưng cặp đôi này đang sống trong hạnh phúc mà khởi đầu chính là nhờ vào người thân.Đối với họ, cuộc sống gia đình hiện tại là cả một mơ ước mà trước đây chưa bao giờ họ dám nghĩ đến.

Phải biết vượt lên khó khăn hiện tại
Là người đồng tính nên Khanh - Nguyên hiểu rất rõ nỗi lòng của những người có cùng hoàn cảnh. Thông qua, facebook, blog, mail… cả hai biết rất rõ, tại Việt Nam, nhiều gia đình không chấp nhận con mình là người đồng tính. Vì thế, họ tạo nên bi kịch cho chính con cái của mình. Do đó, cặp đôi này dành khá nhiều thời gian để trả lời, tư vấn những thắc mắc của các bạn đồng tính. Trong những câu trả lời, cặp đôi này luôn muốn khuyên các bạn đồng tính phải biết vượt lên khó khăn của hiện tại. Bởi, bất kể cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con cái mình được hạnh phúc. Do đó, thời gian rồi cũng khiến các bậc sinh thành hiểu ra rằng, cứ để con mình được sống đúng với giới tính thật còn hơn là gây ra khổ đau vì sống khác giới tính.
Quỳnh Lâm
Theo congly.com.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=-1359574877)