PDA

View Full Version : Tình yêu chiến thắng thần chết



Tuanmecsedec
03-07-2014, 05:27
Tình yêu chiến thắng thần chết

Thứ Tư, 02/07/2014 23:07

Với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ, tình yêu và sự sẻ chia của những người xung quanh chính là liều thuốc kỳ diệu tiếp cho họ nghị lực sống

Cùng mang trong mình nỗi đau đớn vì bệnh tật và sự mất mát, anh Lê Nguyễn Hoàng (ngụ Hà Nội) và chị H. đã tìm được niềm vui, lòng tin yêu cuộc sống khi quyết định cùng nhau làm lại cuộc đời.

Gắn đời nhau từ nỗi đau

Nghiện ma túy vào năm 1997, chỉ hơn 1 năm sau, anh Hoàng đã phát hiện mình bị nhiễm HIV. “Tôi đã đấm thẳng vào mặt bác sĩ lúc họ mời vào phòng thông báo tin dữ. Đối với tôi, lúc đó giống như là bị kết án tử” - anh Hoàng nhớ lại.


http://nld.vcmedia.vn/2014/8-9-chan-e0e68.jpg
Anh Ong Văn Tùng (bìa trái) là người điều hành mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng Ảnh: HẢI VÂN


Nỗi tuyệt vọng càng khiến anh bất cần. Anh bỏ nhà đi lang thang, không nghề nghiệp, sống vạ vật khắp nơi. Để có tiền mua ma túy, anh Hoàng không từ một việc gì, từ trộm cắp cho đến đánh đấm, dọa dẫm. Chỉ trong 9 năm nghiện ngập (từ 1997-2004), anh Hoàng tính sơ sơ đã 7 lần bị bắt đi cai nghiện, 1 lần bị đi tù, tổng cộng thời gian anh ở trong trại hơn 7 năm.

“Có lần, chỉ vừa bước ra khỏi cổng trại, tôi và các bạn đã tìm ngay đến “cái chết trắng” và bị bắt lại sau đó 1 tuần. Lần lâu nhất được tự do là khoảng 6 tháng. Suốt 9 năm chìm ngập trong ma túy, tôi toàn đón Tết sau song sắt giữa bạn tù” - anh Hoàng tâm sự.

Trong nỗi cay đắng và tuyệt vọng, anh Hoàng khao khát được trở về với mái ấm gia đình, thèm ăn bữa cơm bình thường mẹ nấu, mơ về một hơi ấm, một ánh mắt yêu thương và mong muốn từ bỏ ma túy. Lần cuối cùng bị bắt, anh Hoàng đã được thả trước thời hạn do sức khỏe suy kiệt, bệnh tình chuyển sang giai đoạn AIDS. Trở về nhà, anh tìm đến Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng để gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ. Và nụ cười đã lại nở trên môi người đàn ông lầm lỡ một thời.

Cuộc đời chị H. cũng trải qua nhiều mất mát kể từ ngày chị nghe tin mình bị HIV do lây nhiễm từ chồng. Một mình bụng mang dạ chửa trong lúc chồng chuyển nặng sang giai đoạn AIDS, chị phải đối mặt với những ánh mắt kỳ thị, sự ghẻ lạnh đến cay nghiệt của họ hàng, bạn bè. Số phận trớ trêu khi vào giây phút chị trở dạ cũng là lúc chồng chị hấp hối. Sáng con chào đời, chiều bố mất. Lúc ấy, chỉ có tiếng khóc oe oe của đứa con âm tính với HIV mới đủ sức níu chị lại với đời.

Thế rồi, trong cuộc thi “Dấu + duyên dáng” (cuộc thi nghị lực dành cho phụ nữ có H), chị H. đã gặp anh Hoàng. Sự đồng cảm đã đưa anh chị xích lại gần nhau, khiến họ sống có trách nhiệm hơn.

Hiện anh Hoàng đang hành nghề lái taxi. Mỗi ngày, anh trả tiền lãi do vay mượn bố mẹ mua xe, đưa tiền sinh hoạt cho vợ, sống một cuộc sống còn vất vả nhưng ấm áp.

Với anh Hoàng, hạnh phúc dường như đi cùng với những nỗi âu lo. Đã bao năm nay, anh khát khao được làm bố nhưng vì e ngại bệnh tật nên không dám đối mặt. Khi chị H. có thai, anh vừa mừng vừa lo. May mắn thay, con anh chị chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Tiếng gọi “bố” ngọt ngào của đứa trẻ càng tiếp thêm cho anh nghị lực sống.

“Tôi còn sức thì còn lao động để tích cóp cho tương lai của các con. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi tin tưởng rằng nếu còn yêu thương, còn đồng cảm sẽ vượt qua mọi nghịch cảnh” - anh Hoàng chia sẻ.

Cặp vợ chồng trái dấu

11 năm trước, cộng đồng những người có H ở Hà Nội gọi vui vợ chồng anh Ong Văn Tùng (43 tuổi) và chị L. (thành viên Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng) là cặp đôi trái dấu bởi anh mang trong mình căn bệnh thế kỷ, còn chị thì không.

Anh Tùng chia sẻ năm 1997, biết tin mình nhiễm bệnh, anh thấy cả bầu trời sụp xuống, mọi khát khao, cố gắng để gây dựng cơ nghiệp tan vỡ. Tùng chán nản, sống buông thả, tiêu xài gần hết cả trăm triệu đồng tích lũy. Đó là chuỗi ngày tăm tối, trượt dài trong bê tha, chán chường. Thế nhưng, gia đình, bạn bè đã động viên, tiếp thêm nghị lực để anh quay lại với công việc, tham gia cộng đồng người có H.

Từ một cậu con út phá gia chi tử, Ong Văn Tùng trở thành người điều hành mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng với trên 4.000 thành viên tham gia, trải khắp 14 tỉnh, thành trên toàn quốc. Mạng lưới lớn nhất Việt Nam này đã huy động được những thành viên âm tính với HIV nhưng cùng chung ý nguyện giúp đỡ người có H.

Tình yêu của anh Tùng nảy sinh trong nhóm bạn chơi chung. Biết anh có H nhưng nghị lực sống ở anh khiến chị L. khâm phục. Chị yêu anh vì tính hài hước, nhiệt tình với bạn bè, sống thật với bản thân và không vụ lợi cá nhân. Khi biết tình cảm của L. dành cho mình, anh cố né tránh vì lý trí mách bảo không nên làm khổ cô gái này.

Bằng sự chân thành, chị L. đã cố gắng thuyết phục anh hãy tin vào tình yêu. Bốn năm yêu thương, chia sẻ buồn vui, cả hai đi đến quyết định kết hôn vào năm 2003.

Dù biết tình trạng bệnh tật nhưng vợ chồng anh Tùng vẫn thèm lắm tiếng trẻ con bi bô trong nhà. Thế là anh chị đến các bệnh viện, trung tâm phòng chống AIDS để tìm hiểu. Khi đó, chị L. đã uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV, trong khi anh Tùng cũng sử dụng thuốc kháng virus ARV để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV sang vợ. Cuối cùng, chị L. hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh, âm tính với HIV. Sự ra đời của cậu bé được mọi người ví như tấm vé số độc đắc dành cho đôi vợ chồng trẻ, là phần thưởng quý giá và xứng đáng cho tình yêu mãnh liệt của Tùng và L.

Căn nhà của vợ chồng anh Tùng ở quận Long Biên, Hà Nội gần chục năm qua đã trở thành tổ ấm của những người có H. Anh Tùng được các thành viên trong Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng tin tưởng như người anh cả bởi đối với họ, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ để những người có H được sống và góp ích cho cuộc đời.

Kỳ tới: Cảm ơn đời đã se duyên


NGỌC DUNG

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tinh-yeu-chien-thang-than-chet-20140702211919382.htm

Tuanmecsedec
04-07-2014, 21:42
Cảm ơn đời đã se duyên

Thứ Năm, 03/07/2014 23:20

Khi thần chết gõ cửa, không ít bệnh nhân có HIV buông xuôi, sống bất cần, liều lĩnh nhưng tình yêu chân thành, hơi ấm của gia đình đã kéo họ trở lại


Một buổi chiều cuối tháng 6, trong tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Thế H. (SN 1978) và chị Nguyễn Thị P. (SN 1979) tất bật chăm sóc con gái hơn 4 tháng tuổi. Bé gái khỏe mạnh, bụ bẫm là kết tinh tình yêu rất đẹp của cặp vợ chồng có HIV (http://nld.com.vn/hiv-24925.htm) do tiêm chích ma túy (http://nld.com.vn/ma-tuy-18747.htm) này.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Người dân TP Vinh vẫn còn nhớ rất rõ những năm 1995-1998, cơn lốc “nàng tiên nâu” tràn vào TP này. Lúc đó, mua ma túy rẻ, dễ dàng nên rất nhiều thanh niên ở Vinh đã vướng vào ma túy mà không hề biết tác hại của chúng.Anh H. kể năm 1996, thấy đám bạn mua ma túy hít, anh cũng tập tành đua đòi. Nào ngờ nghiện thật. Đến lúc ra Hà Nội học đại học, anh càng nghiện nặng hơn, học đến năm thứ 3 thì bị bắt trong lúc mua ma túy để chích. Đến năm 2004, anh phát hiện mình có HIV. Từ đấy, cuộc sống của anh H. trượt dài trong những chuỗi ngày tăm tối cho đến khi tham gia nhóm Sông Lam Xanh (CLB dành cho những người có HIV tại số 15, đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh) vào tháng 9-2011.


http://nld.vcmedia.vn/2014/8-9-chan-857a2.jpg
Vợ chồng anh H. - chị P. kinh doanh tạp hóa tại ki-ốt ở TP Vinh


H. vẫn nhớ như in ngày đầu tiên anh gặp người bạn đời của mình. Đó là một ngày cuối tháng 9-2011, 2 người gặp nhau tại ki-ốt bán tạp hóa của nhóm Sông Lam Xanh. Anh đã bị chị hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên.“Là con trai thành phố, ăn chơi nhiều nên tôi rất phản cảm với những cô gái mắt xanh, môi đỏ. Bởi vậy, lần đầu tiên gặp một cô gái nhỏ nhắn mặc bộ đồ bảo hộ, chạy xe máy đi giao hàng, tôi rất cảm phục. Lúc đó, tôi nhận ra đây là cô gái mình cần, người mà mình có thể lấy làm vợ. Tôi có tình cảm với P. ngay từ giây phút ấy”

- anh H. tâm sự.Vì người vợ hiền lành, chịu thương chịu khó, anh H. quyết định cai nghiện (http://nld.com.vn/cai-nghien-612.htm) và đến đầu năm 2012 đã từ bỏ hẳn được ma túy.Cùng cảnh ngộ, chị P. cũng vướng vào ma túy từ năm 2002; đến năm 2008, chị phát hiện mình có HIV. Cú sốc quá lớn khiến chị đã có lúc nghĩ đến cái chết. Nhưng yêu anh, chị chỉ biết cảm ơn cuộc đời đã cho chị gặp anh, để chị được sống những ngày tháng ý nghĩa, hạnh phúc. “Khi biết mình bị bệnh, tôi rất hoang mang. Gặp anh H., yêu nhau, cả hai cùng quyết tâm từ bỏ ma túy. Tình yêu đã cứu vớt cuộc đời chúng tôi” - chị P. thổ lộ.

Sự sống hồi sinh

Tháng 7-2012, người dân phường Hà Huy Tập, TP Vinh chứng kiến đám cưới đầm ấm của vợ chồng anh H. - chị P. Hôn lễ của họ được đông đảo anh em 2 gia đình, bà con lối xóm và bạn bè đến chúc mừng, động viên vợ chồng làm lại cuộc đời.


http://nld.vcmedia.vn/2014/8-9-chan-anh-857a2.jpg
Anh Phan Văn Kiên, chủ nhiệm nhóm Sông Lam Xanh, sửa điện tử tại nhà


Sau ngày cưới, anh H. làm nghề lái xe, chị P. cùng một số người bạn có HIV mở ki-ốt kinh doanh hàng tạp hóa ở đường Nguyễn Viết Xuân. Đầu năm 2014, chị P. sinh hạ một bé gái khỏe mạnh trong niềm vui vỡ òa của người thân, bạn bè. “Ngày biết tin có thai, tôi vừa vui nhưng lại lo âu, day dứt. Lỡ có chuyện gì với con... Những ngày dài đằng đẵng chờ đợi cho đến lúc cháu ra đời, tôi vẫn cứ hoang mang không biết con có HIV hay không. Cháu được 3 tháng thì chúng tôi đưa đi xét nghiệm. Thấy kết quả âm tính, mừng quá, vợ chồng chỉ biết ôm con khóc” - chị P. kể.Cuộc sống của vợ chồng anh H. - chị P. giờ đã ổn định. Ngoài việc kinh doanh, anh chị thường xuyên tham gia sinh hoạt trong nhóm Sông Lam Xanh bằng các việc làm cụ thể như giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ; thăm hỏi, chăm sóc các trẻ em có HIV. Khi được hỏi mơ ước lớn nhất của anh chị là gì, anh H. tâm sự: “Từ ngày có con, tôi thấy cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Hiện hằng tháng, vợ chồng tôi đều uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận phương pháp điều trị HIV tiên tiến để có sức khỏe tốt, sống thật lâu để còn chăm sóc, nuôi dạy con khôn lớn”.

“Nhiều trường hợp có HIV do điều trị tốt đã sống khỏe mạnh được 20-30 năm. Để sống lâu, ngoài việc tích cực điều trị, người có HIV cần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống” - bác sĩ Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An, nói.


Khơi dậy niềm tin ở người “có H”


Anh Phan Văn Kiên (SN 1976, ngụ phường Hà Huy Tập, TP Vinh), chủ nhiệm và cũng là người thành lập nhóm Sông Lam Xanh, cho biết: Trước khi tham gia nhóm Sông Lam Xanh, nhiều bạn trẻ có HIV tỏ ra mất niềm tin vào cuộc sống. Sau một thời gian sinh hoạt, mọi người trở nên vui vẻ, không còn mặc cảm. Trong nhóm, ngoài vợ chồng anh H. - chị P. còn có nhiều cặp vợ chồng cùng có HIV nhưng sống rất hạnh phúc. Đó là vợ chồng anh Đ. - chị D. ở phường Quán Bàu; anh H. - chị P. ở xã Hưng Đông; anh Đ. - chị H. ở phường Hà Huy Tập...Nhóm Sông Lam Xanh thành lập vào năm 2007, hiện có hơn 50 thành viên. Công việc chính của nhóm là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, động viên người có HIV; thăm hỏi, chăm sóc các cháu nhỏ có HIV, mở ki-ốt bán tạp hóa để các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. “Hiện tại, chúng tôi rất muốn mở rộng các mô hình làm kinh tế như các xưởng cơ khí, tiệm rửa xe, sửa xe... để tạo thêm việc làm cho anh em. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên gặp rất nhiều khó khăn” - anh Kiên nói.

Kỳ tới: Đơn thân mà không đơn độc



Bài và ảnh: ĐỨC NGỌC

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cam-on-doi-da-se-duyen-20140703224801245.htm

Tuanmecsedec
13-07-2014, 05:31
Đơn thân mà không đơn độc

Thứ Sáu, 21:32 04/07/2014

Hạnh phúc của những phụ nữ vô tình nhiễm HIV từ chồng là thứ mong manh, dễ vỡ mà họ luôn chắt chiu, gìn giữ

Cách đây 10 năm, “cơn bão” HIV quét qua xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cướp đi mạng sống của hàng chục người và phá nát hạnh phúc trong nhiều gia đình. Đau đớn nhất là không ít người vợ dính HIV lúc nào không hay.

Đứng lên từ cơn “bão lòng”

Đường về Chính Lý nay đã khác xưa. Cuộc sống yên bình đã trở lại sau những ngày gian khó. Thế nhưng, để tìm gặp những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AISD năm nào không phải dễ. May mắn, chúng tôi có dịp tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Huệ - một thành viên của nhóm đồng đẳng Vì ngày mai tươi sáng.

Huệ kể năm 23 tuổi, chị theo chồng về làm dâu ở Chính Lý. Cuộc sống càng ấm áp hơn khi vợ chồng chị chào đón đứa con trai đầu lòng. Thế rồi, tai họa ập đến gia đình chị sau cái chết của người chồng.

“Năm 2004, Chính Lý sục sôi “cơn bão” HIV. Sau khi chồng mất, đưa con đi xét nghiệm, tôi choáng váng vì cả mẹ lẫn con đều có HIV. Một năm sau, đứa con trai cũng bỏ tôi mà đi. Tôi tuyệt vọng chỉ muốn chết” - chị Huệ nhớ lại.


http://nld.vcmedia.vn/2014/8-9H1-1ccb3.jpg
Cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi là niềm tự hào của chị Nguyễn Thị Thu Mai
Ảnh: HỒNG ÁNH



Không riêng gì chị Huệ, xã Chính Lý lúc ấy có tới 30 phụ nữ góa chồng vì HIV. Sức ép của dư luận đã tạo nên những cơn “bão lòng” khủng khiếp. Các chị như bị tách biệt ra khỏi xã hội trước cái nhìn khắc nghiệt của láng giềng.

“Tôi nghĩ cuộc sống đã quá đỗi bất hạnh rồi, giờ mình không tự đứng lên khẳng định mình thì suốt đời sẽ sống trong mặc cảm, lo âu” - chị Huệ tâm sự. Thế là chị thành lập nhóm đồng đẳng Vì ngày mai tươi sáng tại địa phương, chuyên giúp đỡ những người có “H” (HIV) vươn lên trong cuộc sống.

Bây giờ, chị Huệ đã tái hôn với một người đàn ông cùng cảnh ngộ, biết yêu thương và vun vén cho gia đình. Vợ chồng chị mở một tiệm may, hiện khá đông khách ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Dù theo chồng về xã khác nhưng chị Huệ vẫn là trưởng nhóm đồng đẳng ở Chính Lý, thường xuyên theo dõi cuộc sống, sức khỏe của các thành viên. Theo chị, hầu hết mọi người đều đi làm, có thu nhập và được chăm sóc sức khỏe tốt.
“Ở Chính Lý, phần lớn người có HIV không còn mặc cảm. Con cái họ được học hành bình thường như những trẻ em khác. Thậm chí, những cháu nhiễm HIV hoặc có cha mẹ mắc bệnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và chính quyền địa phương” - chị Huệ khẳng định.

Mong sống lâu để chờ con khôn lớn...

Cũng rơi vào bi kịch có “H”, chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1982, ngụ phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không cầm được nước mắt khi nhớ lại quãng đời đầy chông gai và bất hạnh của mình. Năm 2001, chị lập gia đình, sau đó sinh liên tiếp 2 cô con gái kháu khỉnh. Một lần, chị đưa chồng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nơi này lấy mẫu xét nghiệm và cho biết anh nhiễm HIV. Mọi thứ như sụp đổ khi chị và 2 con cùng dính “H”.


http://nld.vcmedia.vn/2014/8-9hiv-2-51f09.jpg

Chị Nguyễn Thị Huệ (bìa phải) tiếp cán bộ Trung tâm Y tế tỉnh Hà Nam trong hiệu may của gia đình
Ảnh: TUẤN MINH



“Cuối năm 2006, chồng chết, tôi đã nhiều lần muốn quyên sinh nhưng thương các con còn thơ dại nên không nỡ. Khi tôi thông báo cho 2 bên nội, ngoại, rất may mọi người không kỳ thị, xa lánh mà dang rộng vòng tay đùm bọc 3 mẹ con. Nhờ đó, tôi mới có nghị lực để sống đến hôm nay” - chị Hòa thổ lộ.

Chị Hòa đang là thành viên của nhóm đồng đẳng Lai ghép. Được sự quan tâm của các thành viên trong nhóm, chị dần quên đi căn bệnh, hăng say trong công việc.

Tại tỉnh Phú Yên, trong căn nhà nhỏ ở khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Nguyễn Thị Thu Mai (SN 1984) tỉ mẩn chải tóc cho con gái N.T.B.N (SN 2005). “N. học giỏi lắm! Kết thúc năm lớp 3 vừa rồi, cháu đạt học sinh giỏi, được huyện tặng chiếc xe đạp. Cháu mừng đến phát khóc” - chị Mai tự hào.

Chị Mai lây nhiễm HIV từ chồng nhưng cháu N. lại không mắc. “Nếu tôi cứ suy sụp sẽ nhanh chết, bỏ lại con bé không ai nuôi, mẹ không ai chăm sóc nên tôi phải sống. Tôi bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này. Hóa ra, nếu sống lạc quan thì sẽ không chết nhanh. Tôi tin có thể sống chung với HIV, đợi đến ngày y học tìm ra thuốc chữa bệnh” - chị tự tin.

Hơn 3 năm qua, chị Mai tích cực tham gia đội tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Phú Yên. Không chỉ vì nguồn thu nhập 500.000 đồng/tháng cho tuyên truyền viên, chị muốn những người có “H” vượt qua mặc cảm để sống tốt.

Nhiều phụ nữ như chị T., chị L. ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên nhờ chị Mai mà đã tìm lại được niềm tin trong cuộc sống. “Ngày ấy, khi biết mình bị nhiễm HIV từ chồng, tôi đã uống thuốc độc tự tử nhưng không chết. Hay tin, chị Mai tìm đến kể về hoàn cảnh của mình. Tôi nghĩ chị Mai làm được còn tôi thì sao không? Vậy là tôi đứng lên”- chị L. tâm sự.

Chị T.T.X (một giáo viên ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) và con gái 1 tuổi cũng bị nhiễm HIV từ chồng. Khi chồng mất, ở ngôi trường mà chị đã gắn bó hơn 20 năm, nhiều phụ huynh đến rút hồ sơ, chuyển trường cho con vì lo ngại. Cô hiệu trưởng buộc phải để chị làm công tác văn phòng. Con gái đến tuổi đi học, chị chật vật mãi mới xin được cho bé một suất ở trường gần nhà.

Bây giờ, mọi chuyện đã khác nhiều. Sau khi người dân ở đây được tuyên truyền về HIV/AIDS, họ dần thân thiện với gia đình chị X. Hôm tôi đến, chị đang đi mua xe đạp cho con. Cô bé N.B.T mải mê chơi với các bạn trong nhà. “Ở trường, con cũng có rất nhiều bạn. Các bạn chơi vui lắm!” - cô bé liến thoắng.

Khi chị X. về, bé T. chạy ào ra đón mẹ, mừng chiếc xe đạp mới. Mồ hôi nhễ nhại nhưng chị vẫn dắt xe ngay ra ngõ cho con tập chạy. “Con bé chỉ bị ở thể nhẹ. Chăm sóc tốt, tôi tin một ngày con bé sẽ khỏi bệnh! ”- ánh mắt của chị sáng lên trong nắng chiều.



TUẤN MINH - HỒNG ÁNH

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-cam-dong-nguoi-dan-ong-lay-vo-nhiem-hiv-733122.tpo