PDA

View Full Version : Nỗi buồn cô quạnh



tuyetlan
22-08-2013, 17:01
Em không thể quên những ngày đơn độc, cùng đường khi hai mẹ con phải đối mặt với dư luận, với sự ghẻ lạnh của chính những người thân trong họ hàng gia đình chồng. Hai mẹ con em như bị hủi, bát cơm cho hai mẹ con được đưa vào buồng riêng, em không thể nuốt! Nếu ăn cơm cùng mâm, người ta cũng để ý không ngồi cạnh, không gắp thức ăn ở đĩa chung”.


Đi khám bệnh, người ta cũng “thả” thuốc vào bàn tay chứ không dám động vào tay em. Bà thím xin miếng gừng, thấy gừng đã được cạo vỏ bèn vứt luôn vào sọt rác… Nếu không có bé Hùng đang khát sữa mẹ, em đã chỉ muốn đâm vào ôtô cho rảnh nợ.
Con được hơn 1 tuổi, em phải đưa cháu đi vườn trẻ. Mới những ngày đầu đến lớp, còn khóc vì chưa quen ra nơi đông người, đã bị các bà mẹ khác xua: “ếch” đấy. Nước mắt nước mũi trào ra vì “ức” mà em không làm gì được.
Em đưa con đi xét nghiệm ở Trung tâm Bác sĩ gia đình 50C Hàng Bài. Chắc là trời run rủi còn thương, phiếu xét nghiệm kết quả của bé Hùng âm tính, cháu đã may mắn không bị nhiễm bệnh từ mẹ.

Em đạp xe thẳng một mạch gần 30 cây số về nhà trẻ, “trình” cho cô giáo tờ phiếu xét nghiệm. Cô giáo đã phô tô “bằng chứng” về sức khoẻ của cháu, ai còn nghi ngờ đều đưa tận tay cho xem… Vậy mà vẫn còn có người độc miệng còn bảo em “mua” tờ giấy chứng nhận đó! Nếu không có cô giáo thương, không biết con em có được đến trường nữa hay không!”.
Những đêm không ngủ, nhìn con, Lê chỉ còn biết khóc vì thương con, mới hơn 1 tuổi đã mồ côi cha. Và Lê khóc cho số phận của mình, chẳng biết sống được bao lâu nữa, bé Hùng không biết lúc đó đã biết tự lo cho mình chưa, nó sẽ ra sao khi lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh, nâng nó những lúc nó ngã, bảo vệ nó khi nó bị người ta ức hiếp?
Cố làm được nhiều việc hơn

Ngày Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm đến vận động Lê gia nhập nhóm tuyên truyền viên đã đem niềm vui đến cho em.

Đi tuyên truyền về HIV, Lê thấy còn rất nhiều chị em cùng cảnh ngộ, bị ghẻ lạnh, họ rúm lại như sẻ non tắm mưa rào. Như trường hợp của chị H., chị tới nhà họ hàng chơi, lúc về, người họ hàng này lột chiếu chị đã “trót” ngồi rồi đốt.
Bệnh chị T. ở giai đoạn cuối, những ngày trời nóng gần 40oC, nhà vẫn đưa chị xuống góc bếp, giường nằm là tấm cốp pha gẫy nửa, ngày cho ăn hai bữa…
Sợ cảm giác cô độc, nếu không phải đang ở nhà một bệnh nhân HIV nào đó, Lê lại miệt mài học nghề may, hay chăm bẵm đàn gà, tăng thu nhập cho gia đình.

Tôi hỏi Lê, rồi bỗng thấy mình vô tâm đã lại thêm một lần cứa vào nỗi buồn của em: “Làm cật lực thế, để tích luỹ cho bé Hùng, phải không?”. Nhưng Lê lắc đầu ngay: “Chị nói đến điều mà em nghĩ đến nhiều nhất đấy. Với nghề may, em có thể kết hợp ở nhà chăm con, bù đắp tình cảm cho cháu. Những đêm khó ngủ, mải miết với kim chỉ, chắc thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Em muốn chuẩn bị cho cháu, và cũng không biết đến lúc bệnh phát, em đã có tích luỹ để mua được thuốc điều trị bệnh chưa, nghe nói thuốc đắt lắm mà…”.

Giờ đây, trên những con phố của huyện có người nhiễm HIV/AIDS, vẫn có người nhận ra chị tình nguyện viên cần mẫn, với đôi mắt buồn lặng nhưng lại có nụ cười thật hiền hậu. Người ta vẫn không hiểu vì sao chỉ “ăn” lương có 300.000 đồng/tháng của Hội Chữ thập đỏ mà sao chị tình nguyện viên này có thể đạp xe không quản ngại nắng mưa đến gặp những người nhiễm AIDS, an ủi cả những người bệnh đã lở loét khắp mình, sắp gần đất xa trời.

Người biết tuổi thật, băn khoăn sao chị tuyên truyền viên này lại già trước tuổi nhiều thế, người lạ chị chỉ nhỏ nhẹ “Vâng”. Trước bạn bè thân, Lê vẫn tự cười trào: “Đã nhiễm HIV/AIDS thì coi như ở hội người cao tuổi rồi còn gì, nên sống “gấp” hơn, cố làm được nhiều việc hơn”.

Chẳng biết bạn bè, người thân an ủi, động viên ra sao khi nghe chị tự cười vậy. Còn tôi, chẳng nói được gì, chỉ thấy nghèn nghẹn trong họng và thầm nói: “Lê ơi! Đừng tuyệt vọng!”