PDA

View Full Version : Người phụ nữ nhiễm HIV và hành trình “vượt lên số phận”



songchungvoi_HIV
29-07-2014, 16:26
Thứ hai 28/07/2014 17:00
Trong số hơn 300 người nhiễm HIV đang được quản lý và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV tại phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, mỗi người đều có số phận, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, bằng nghị lực họ đều vượt qua sự mặc cảm, định kiến bản thân để vượt lên chính mình và làm những việc có ích cho xã hội.


http://tiengchuong.vn/Image.aspx?id=5655&ts=140&lm=635422359700700000

Một trong số đó là Nguyễn Thị M tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Cách đây 4 năm, khi mới tham gia câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh, trông M xanh xao, hốc hác, đôi mắt luôn trũng sâu u buồn, nhưng giờ đây, M đã lấy lại được tinh thần, khuôn mặt của M đã đầy đặn trở lại, cộng thêm nước da trắng hồng tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ đang độ xuân sắc.
Những ngày tuyệt vọng…
Gặp M, khó có thể tin rằng cuộc đời của người phụ nữ xinh xắn ấy đã phải trải qua bao thăng trầm, nỗi oan nghiệt mà sự khởi đầu là căn bệnh thế kỷ. Thời M 18 tuổi, tuổi tràn đầy mơ mộng và khát khao, nhưng với M. mọi thứ đã bị dập tắt từ đấy và cuộc sống của chị bắt đầu bế tắc, không có lối thoát.
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc hôn nhân không mong muốn. Lúc đó do thiếu hiểu biết nên M đã không biết chồng mình đã nhiễm HIV. Vào năm 1999, khi M. sinh con trai đầu lòng thì virus HIV vẫn còn rất lạ lẫm đối với vùng quê của M. Thấy con trai nay thì viêm phổi, mai thì loét miệng, thể trạng ngày một yếu đi mặc dù điều trị rất nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi.
Buồn vì con sinh ra không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, nhưng khổ tâm hơn là M bị nhà chồng đối xử tệ bạc, không cho biết là chồng đã nhiễm HIV và bị bỏ mặc để hai mẹ con tự sống nuôi nhau.
M. nghẹn ngào nhớ lại: “Sau khi cho cháu điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội về em lại cho cháu đi viện ở Bắc Ninh, bố mẹ chồng lên thăm và cho hai mẹ con 50 nghìn rồi bỏ ra về, cũng may em gặp được người quen cùng làng, họ mua cơm giúp từng bữa. Nằm viện đến ngày thứ 11, cháu vẫn sốt cao, tiêu chảy nặng hơn mặc dù các y bác sỹ đã hết lòng cứu chữa và đành phải cho cháu ra viện. Đợi mãi không thấy chồng lên đón, em phải bắt xe ôm. Về đến nhà thì mới biết chồng bị đi trại giáo dưỡng vì cờ bạc và ít ngày sau đó con trai em đã vĩnh viễn ra đi”.
Gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, M. kể tiếp về cuộc đời chìm nổi của mình: “Vì lúc ấy chưa có kiến thức nhiều về HIV/AIDS nên sau khi chồng hết hạn cải tạo, em quyết định có thai lần hai. Những tưởng lần này nhà chồng quan tâm, ủng hộ, ai ngờ mẹ chồng lại bắt đi phá. Mặc dù không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng em vẫn ngoan ngoãn làm theo ý của mẹ chồng. Lần thứ 3 thì em giấu không cho bố mẹ chồng biết là mình có thai, nhưng đến tháng thứ 6 nhà chồng phát hiện lại bắt đi phá và bắt chồng em đi triệt sản”.
Năm 2003, M lại tiếp tục mang thai lần thứ 4 và đây cũng là quãng thời gian chị phải chống chọi với nỗi oan nghiệt. “Nhà chồng cho rằng không thể có thai được vì chồng đã triệt sản, họ không biết là chị đã có thai từ trước đó. Khi thai được 8 tháng thì mẹ chồng tuyên bố, nếu cứ đẻ thì sẽ không hỗ trợ bất cứ thứ gì và sẽ bị cách ly, không cho ăn chung, uống chung”, M. nghẹn ngào chia sẻ.
Khi đó, chỗ dựa duy nhất là người chồng thì đến năm 2005 chồng của chị cũng mất do AIDS. Lúc này chị cũng mới biết mình nhiễm HIV và đã rất tuyệt vọng, cảm thấy mình không thể sống nổi nữa.
Sự sống hồi sinh
Vào năm 2009, trong lúc tuyệt vọng, M. đã được người giới thiệu ra nhập nhóm Vì Ngày mai tươi sáng Bắc Ninh 1. Đây cũng là nhóm đầu tiên được sáng lập tại Bắc Ninh dành cho những người nhiễm HIV. Ở đây M. được chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ, đặc biệt được tiếp cận với những thông tin, kiến thức về phòng tránh HIV và được giới thiệu đến các dịch vụ trong chương trình phòng chống HIV/AIDS của tỉnh.
Chính nhóm Vì Ngày mai tươi sáng đã vực dậy tinh thần của M, đem lại niềm vui và nghị lực cho cô. M xúc động chia sẻ: “Thời gian đó 3 tháng liền em bị sốt liên miên, sút cân nhanh chóng, tóc thì rụng gần hết. Em cứ nghĩ mình sẽ chết. Nhưng cũng may là nhờ sự quan tâm của các cán bộ phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, các y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, em đã nhanh chóng được tiếp cận với thuốc ARV và chỉ sau một thời gian sức khỏe của em được cải thiện rõ rệt. Em rất mừng vì ARV đã cho em sự sống”.
Niềm vui nữa đến với M. là năm 2010, M. được giới thiệu làm hỗ trợ điều trị tại phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được cử đi đào tạo hỗ trợ điều trị của Dự án. Kết thúc khóa học, M. đã chính thức trở thành người hỗ trợ điều trị tại phòng khám ngoại trú cho đến nay. Công việc hàng ngày của M. là tư vấn cho các bệnh nhân chưa được điều trị, cũng như đang điều trị ARV; tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người bệnh tuân thủ theo nguyên tắc điều trị; gọi điện nhắc nhở họ đến khám định kỳ hoặc giới thiệu cơ sở điều trị chuyên khoa.
Với lòng nhiệt huyết, chẳng mấy chốc M. đã trở thành chỗ dựa tin cậy đối với những người cùng cảnh ngộ. Dù ở phòng khám hay ở nhà M. đều sẵn sàng tư vấn, chia sẻ cho những người HIV/AIDS về điều trị ARV hoặc những kiến thức có liên quan. Nhờ vậy nhiều trường hợp nhiễm HIV đã được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị H. người đã được M chia sẻ, giới thiệu đến các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV cho biết, trước đây sức khỏe của chị rất kém, mặt và chân chị bị phù, lở loét khắp người. Từ khi được M. giới thiệu đến khám ngoại trú tư vấn, xét nghiệm và được điều trị bằng thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của M. nên đến nay sức khỏe được cải thiện nhanh chóng, các nốt lở loét đã liền, đóng vảy thành sẹo. Đặc biệt, từ chỗ không còn sức lao động, chỉ nằm nhà ốm yếu tưởng chết, nay chị đã có thể lao động bình thường và hòa nhập với cuộc sống.
Từ khi thành lập phòng khám ngoại trú, ban đầu chỉ có một vài bệnh nhân, nhưng đến nay nhiều người đã công khai đến tư vấn và điều trị. Theo M., có ngày chị phải tiếp đón, tư vấn cho khoảng 20-30 lượt bệnh nhân, đó là chưa kể tư vấn qua điện thoại. Tuy công việc có phần vất vả, nhưng đó lại là niềm vui đối với M. vì chị biết hiện còn rất nhiều người nhiễm HIV do mặc cảm nên đã âm thầm giấu kín bệnh tật.
Nhờ nhóm Vì Ngày mai tươi sáng mà sự sống của chị đã “hồi sinh”. Hiện chị đang sống cùng một người chồng hết mực yêu thương chị và đứa con mạnh khỏe không nhiễm HIV. Có lẽ đây là động lực thôi thúc để chị tiếp tục giúp đỡ thật nhiều cho những người nhiễm HIV chiến thắng bệnh tật và hòa nhập với cộng đồng.
Thúy Vân
Theo baobacninh.com