PDA

View Full Version : Tấm lòng của một tuyên truyền viên đồng đẳng



songchungvoi_HIV
15-08-2014, 10:01
Ngày cập nhật: 15/08/2014 7:20:44 SA
(QT) - Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Vẫn dáng người ấy, chiếc túi xách bạc màu và những bước chân không mệt mỏi, hàng ngày chị vẫn đến các nhà hàng, khách sạn, tụ điểm giải trí trên địa bàn để tuyên truyền, vận động các đối tượng có nguy cơ cao về cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS. Chị là Nguyễn Thị Tâm, Trưởng nhóm tuyên truyền nhóm đồng đẳng của thị xã Quảng Trị.

Đến bây giờ, sau gần 10 năm gắn bó với vai trò là một tuyên truyền viên đồng đẳng, chị Tâm tâm sự: “Cái thuận lợi của tôi là nhiều người không còn hiểu nhầm về công việc của mình, các thành viên trong nhóm nguy cơ cao đang hành nghề trên địa bàn quý mến và trở nên thân thiết với tôi hơn. Họ xem tôi như một người chị, người mẹ để sẵn sàng trút bầu tâm sự. Tuy nhiên, cái khó nhất là đối tượng hành nghề rất phức tạp, chuyển địa bàn hoạt động thường xuyên nên tôi phải luôn chủ động tiếp xúc và làm quen với thành viên mới. Là một nghề nhạy cảm, các đối tượng rất e ngại khi tiếp chuyện với người lạ, do vậy ngoài kiến thức tuyên truyền, vận động về HIV/AIDS đòi hỏi phải có sự sáng tạo, nhanh nhạy trong xử lý mọi tình huống”.

Để thực hiện nhiệm vụ của một tuyên truyền viên đồng đẳng, chị Tâm thường xuyên đến các nhà hàng, khách sạn hay các tụ điểm nhạy cảm tiếp cận với các đối tượng có nguy cơ cao để nắm số lượng người đi và đến. Trực tiếp tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, thực hiện hành vi tình dục an toàn để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục và HIV/AIDS. Cùng với việc tư vấn là phát bao cao su (BCS) miễn phí, tuyên truyền giúp các đối tượng tham gia xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện...
http://baoquangtri.vn/portals/0/Truongquanghiep/nsvsdjvbsdnvbds%20(1).jpg
Chị Tâm sắp xếp lại những tài liệu cần thiết trước khi đi tuyên truyền

Không tuân thủ theo một giờ giấc nhất định, thời gian làm việc của chị Tâm hoàn toàn phụ thuộc vào “thời gian biểu” của các tiếp viên tại các nhà hàng, khách sạn. Đôi khi, chị tranh thủ cả những lúc gái mại dâm đang chờ “đi khách” để tư vấn, phát BCS miễn phí. Mỗi lần trực tiếp tiếp xúc với từng đối tượng, chị dùng những lời hay lẽ phải để thuyết phục các chị em tham gia xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện.

Chị kể, mặc dù các chị em tiếp viên, gái mại dâm trên địa bàn rất thân quen với chị nhưng khi nghe chị thuyết phục đi xét nghiệm, ban đầu ai cũng từ chối, thậm chí có người còn xem đó là sự xúc phạm đến bản thân họ. Tuy nhiên, sau khi được chị Tâm tận tình giải thích rõ, phân tích điều hay lẽ phải thì các chị em mới đồng tình tham gia xét nghiệm HIV/AIDS.

Đến bây giờ, chị Tâm vẫn chưa thể quên được trường hợp của chị Tr., một gái gọi lâu năm thường xuyên luân chuyển địa bàn hoạt động nên việc gặp Tr. rất khó khăn. Sau những cuộc trò chuyện thân tình, khi chị Tâm đề cập đến việc đi xét nghiệm tự nguyện, Tr. kiên quyết phản đối vì sợ dư luận xã hội, sợ phát hiện bệnh không thể tiếp tục hành nghề... Không chịu bỏ cuộc, chị Tâm đã tìm cách thuyết phục Tr. và trực tiếp chở Tr. đi xét nghiệm và khám phụ khoa. Nhận thấy lợi ích của việc xét nghiệm tự nguyện, những lần sau đó, Tr. đã chủ động tham gia và vận động nhiều chị em khác tình nguyện đăng ký đi xét nghiệm HIV/AIDS để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.

Trên địa bàn thị xã Quảng Trị hiện có gần 40 nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, quán karaoke... sử dụng các tiếp viên nhà hàng, nhân viên phục vụ với 42 đối tượng có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/ AIDS. Nhóm đồng đẳng do chị Tâm làm trưởng nhóm có 12 người tham gia, định kỳ mỗi quý chị tổ chức 3 lần họp nhóm. Đây chính là các thành viên tích cực trong việc tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ cao nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/ AIDS trong cộng đồng.

Ngoài tuyên truyền về thực hiện các hành vi tình dục an toàn, đi xét nghiệm tự nguyện..., chị Tâm thường tổ chức cho chị em tham gia sinh hoạt văn nghệ, cùng trao đổi, trò chuyện về các vấn đề trong cuộc sống. Qua đó chị đã định hướng, thuyết phục các chị em nên tích luỹ vốn, chọn học lấy một nghề chân chính để hoàn lương, hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Từ những lời tâm sự chân thành của chị Tâm, có nhiều chị em đã tìm được nghề nghiệp ổn định, trở về quê làm ăn lương thiện và xây dựng cuộc sống mới.

Chia sẻ về công việc của mình, chị Tâm cho biết, một tuyên truyền viên đồng đẳng sẽ không thể bám trụ lâu dài với công việc này nếu thiếu sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, nhất là khi chế độ hỗ trợ còn quá thấp, công việc lại không dễ nhận được sự cảm thông từ xã hội. Với đồng lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng, chị phải trang trải mọi chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học nên điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhiều lúc, chị đã nghĩ đến việc tìm một nghề gì đó làm thêm nhằm tăng thu nhập cho gia đình, song nghĩ đến các thành viên trong nhóm đồng đẳng, những mảnh đời rất cần có chị động viên, nâng đỡ, chị lại thêm quyết tâm gắn bó với công việc. Để duy trì các buổi sinh hoạt định kỳ, nhiều lần không có kinh phí, chị phải chắt chiu từ đồng lương hưu ít ỏi của mình để mua bánh kẹo, trà nước góp vui cùng các chị em thành viên.

Được ví như người “mang vắc-xin trực tiếp vào ổ dịch”, hoạt động của nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng đóng vai trò quan trọng vào thành công chung của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thị xã Quảng Trị. Đảm nhận một công việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi mỗi người tuyên truyền viên đồng đẳng phải kiên trì, tốn nhiều thời gian và công sức, chưa kể đến những dư luận xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự của họ. Trong khi đó, số tiền phụ cấp từ chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Thiết nghĩ, các ngành liên quan cần nghiên cứu hỗ trợ thêm một phần kinh phí để góp phần động viên các tuyên truyền viên đồng đẳng gắn bó lâu năm hơn với công việc .
Bài, ảnh: THANH LÊ
http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=88&modid=391&ItemID=84837