PDA

View Full Version : Tôi đồng tính, thì sao?: Chúng tôi muốn được sống thật



songchungvoi_HIV
19-08-2014, 11:32
Thứ 3, 19-08-2014 07:57:33 am

Tôi biết không ít trường hợp các bạn đồng tính bị gia đình, bạn bè, nhà trường kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến những bi kịch thương tâm: Có bạn đã tự sát, những bạn khác bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng.

Tôi thật xúc động khi đọc loạt bài về người đồng tính trên báo Pháp Luật TP.HCM và thấy mình được chia sẻ rất nhiều. Loạt bài này đã có cái nhìn công bằng đối với cộng đồng người đồng tính. Thật lòng mà nói, người đồng tính cũng là người, cũng bình thường về mặt tinh thần lẫn thể chất nhưng họ luôn bị coi như một thứ gì đó thật khác lạ.
Bị bạo hành tinh thần lẫn thể xác
Bản thân tôi cũng là một người trong số đó. Tôi biết mình là người đồng tính từ rất sớm. Tuy nhiên, do được sinh ra trong một gia đình giáo viên, nề nếp của gia đình buộc tôi phải khép mình. Ban đầu, mọi người trong nhà cứ cho rằng tôi yếu đuối là do tôi quá gần gũi mẹ. Vậy là mọi người liền cách ly tôi với mẹ. Những trận đòn đã dội xuống tôi khi một người chú thấy tôi đang mân mê con búp bê vải… Để “chữa trị cái tính ẻo lả” của tôi, các chú tôi đã nhốt tôi vào một căn phòng tối, ép tôi phải hứa rằng sẽ sống mạnh mẽ như con trai.
Đáng ra một đứa trẻ như tôi phải nhận được sự thương yêu của cha mẹ, sự chở che của gia đình. Thế nhưng ba tôi đã tát thẳng vào mặt tôi ngày tôi tự nhận mình là người đồng tính. Hơn nửa tháng trời, tôi phải nhịn ăn để đấu tranh giành lại quyền sống thật. Kết quả bây giờ tôi là một đứa con cô độc ngay trong chính gia đình mình.
Đó là chuyện xảy ra trong nhà. Còn khi tôi đến lớp, các bạn trai trong lớp thường xuyên lấy tôi ra làm trò đùa, lột trần tôi để sỉ nhục chỉ vì tôi quá giống con gái. Ban đầu chỉ là do họ tò mò muốn biết tôi có đầy đủ bộ phận sinh dục hay không nhưng về sau, hành động này lại trở thành trò đùa dai tàn nhẫn. Mỗi lần ra chơi, tôi lại hốt hoảng bỏ trốn nhưng làm sao thoát khỏi một đám đông vây chặt, cả con trai lẫn con gái. Chắc lúc đó họ nghĩ tôi không phải là người, không biết mắc cỡ nên cứ để tôi trần truồng như thế sau khi đã quăng mất quần áo của tôi.

http://dongtinhvietnam.com/uploads/2014/thang04/tuan01/private/16485030078-chot.jpg
Một nhóm bạn đồng tính đến thăm, tặng quà và vui chơi với nhóm trẻ mồ côi Ảnh: M.THẢO
Từ một học sinh chăm học, tôi trở nên sợ đến trường. Tôi báo cho thầy cô chủ nhiệm nhưng chỉ nhận được lời khuyên: “Thấy tụi nó thì né đi!”. Tôi không dám đến trường nhưng ba tôi yêu cầu tôi phải có chữ ký xác nhận của giáo viên đứng lớp trong mỗi tiết học để theo dõi xem tôi có trốn học không. Chuyện khủng khiếp đó kéo dài suốt những năm học cấp hai và cấp ba. Tinh thần tôi bị tổn thương ghê gớm. Tôi đã chịu đựng những ngày tháng đó mà chẳng hiểu tại sao mình lại bị như thế. Phải chăng tôi đã phạm lỗi gì với gia đình và bạn bè?
Bạn tôi đã chết như thế
Thời học sinh, tôi chơi chung nhóm với hai người bạn cũng là người đồng tính. Năm lớp 12, một bạn trong nhóm của tôi cũng vì sự kỳ thị của gia đình mà quẫn trí, tự tìm đến cái chết. Tôi còn nhớ hôm đó khi chúng tôi ngồi tâm sự với nhau, ba của A., bạn tôi, vô tình nghe được đã đuổi chúng tôi đi, lôi bạn ấy vô nhà sau khi đã tát A. một cái. Thái độ từ tốn hằng ngày của ông được thay thế bằng sự hằn học cùng lời hăm dọa sẽ méc ba mẹ chúng tôi. Khoảng một tuần sau, A. đi học lại và tiều tụy thấy rõ. Bạn ấy nói: “Chắc tao chết quá! Ngày nào ba cũng đánh, cũng chửi, nhốt không cho tao ra đường”. Lúc ấy tôi chỉ biết động viên A. mấy lời suông.
Vài ngày sau, một buổi sáng thấy A. treo cổ lủng lẳng ngay con hẻm chúng tôi thường cùng nhau đi học. Cái chết của A. đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Sau khi A. chết, ba của A. đến từng nhà các bạn trong nhóm nói với các phụ huynh rằng đừng nên kỳ thị, ghét bỏ con mình khi biết nó là người đồng tính vì biết đâu lại vô tình đẩy con em mình vào con đường không lối thoát. Lúc đầu ba mẹ tôi cũng có vẻ nghe ra nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng con em mình đồng tính là do đua đòi rồi suy nghĩ bậy bạ nên bị lây nhiễm, chỉ cần giáo dục nghiêm khắc là có thể uốn nắn chúng. Họ đâu biết rằng chúng tôi không hề muốn mình khác với mọi người. Đã là lẽ tự nhiên, đâu thể chữa trị hay uốn nắn.
Hiện nay, tôi là một tiếp cận viên của Câu lạc bộ M for M (thuộc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống). Công tác hơn hai năm trong chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng người đồng tính nam tại TP.HCM, càng tiếp xúc với các bạn, tôi càng biết thêm nhiều người đồng tính cũng đang bị kỳ thị và bạo hành.
Thật khó khăn để tôi công khai danh tính và giới tính của mình ra đây. Viết ra những dòng này, tôi chỉ hy vọng xã hội và gia đình những người đồng tính nên có cái nhìn đúng đắn, cởi mở hơn đối với con em mình, đừng dồn họ vào con đường cùng. Người đồng tính như tôi chỉ hạnh phúc khi được sống thật với giới tính của mình.

THANH VINH (Câu lạc bộ M for M, 14/9 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM)


Chúng vẫn là con mình
Trước tuổi dậy thì con tôi vẫn là đứa bé gái dễ thương, xinh xắn. “Bé trai chơi súng, bé gái chơi búp bê”, con tôi vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, cũng thích điệu đàng, áo váy và sở hữu hàng tá búp bê.
Nhưng khi qua tuổi dậy thì, tôi thấy cháu bắt đầu khang khác so với những trẻ cùng trang lứa. Cháu thích mặc quần jean ống lửng, thích những chiếc áo thun hầm hố; đi đứng, nói năng với bạn bè cứ ra dáng “đại ca” của bọn. Hầu như cháu không thích chơi với bạn trai; không bao giờ đụng vào son, phấn; thường xuyên không mặc áo ngực… Duy có thú chơi với con mèo là cháu vẫn còn giữ như ngày nào.
Vợ chồng tôi băn khoăn, lo lắng nhưng không ai dám nghĩ con mình là người đồng tính. Đem nỗi lo này hỏi các cậu của cháu, các cậu cũng chỉ an ủi chắc không phải đâu, “không đến nỗi nào”…
Cho đến một ngày vô tình tôi thấy cháu xé cuốn tập gì đó bỏ vào thùng rác. Chờ cháu rời khỏi nhà, tôi lôi ra xem. Thì ra là nhật ký của cháu. Tôi đọc nhật ký của con trong nước mắt. Đó là những đau khổ, dằn vặt, những câu hỏi xé lòng “vì sao tôi lại rơi vào tình cảnh éo le như thế?”…
Thương con, mà cũng thương mình, tôi hội ý với chồng và các cậu của cháu để tìm cách nói năng, xử sự với cháu sao cho ổn nhất. Rồi tôi gặp riêng cháu, nói thẳng rằng mẹ biết hết rồi, con không phải giấu mẹ nữa. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Tôi phải nói đùa: “Bây giờ con đã là con trai, con trai thì phải cứng rắn, phải dám đối diện với hiện tại!...”. Những người đàn ông trong gia đình cũng bắt đầu nói chuyện với cháu về đồng tính, về tình yêu, về những mối quan hệ sao cho lành mạnh, đàng hoàng…
Một vài người bạn biết chuyện hỏi vợ chồng tôi có sốc không. Sốc chứ sao không nhưng chồng tôi chỉ cười: “Cùng lắm thì mình không có cháu ngoại thôi”.
Bây giờ, họ hàng hai bên đều nhìn nhận cháu là như thế. Giỗ chạp, tết nhất, cháu đều sóng đôi với bạn gái đến chúc tết họ hàng. Gia đình của bạn gái cháu và gia đình tôi cũng đã gặp nhau, công nhận chuyện sống chung của hai đứa như một cặp vợ chồng. Thỉnh thoảng tôi phải làm trọng tài phân xử chuyện ghen tuông của chúng nữa.
Nói như chồng tôi, khi con mình đồng tính, cùng lắm là mình không có cháu ngoại chứ mình đâu có mất con.
ĐẶNG T.N (Phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Theo Pháp luật TPHCM (http://www.baomoi.com/Source/Phap-luat-TPHCM/50.epi)