PDA

View Full Version : Cuộc thi ảnh báo chí Đất và Người: 400 khoảnh khắc kỳ lạ



Charles
19-09-2014, 07:39
Cuộc thi ảnh báo chí Đất và Người: 400 khoảnh khắc kỳ lạ

19/9/2014 06:48
Thật xúc động khi vào những ngày cuối của cuộc thi, Ban tổ chức nhận được 400 tác phẩm ảnh của 221 tác giả đặc biệt. Những khuôn hình không cắt cúp, không có bất kỳ sự chỉnh sửa nào, những khoảnh khắc vô cùng độc đáo trong cách nhìn về mảng cuộc sống ít người biết đến.

Ánh sáng từ những vùng tối

Lô ảnh được chuyển đến cuộc thi từ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE). Những tác phẩm này nằm trong các chương trình photovoice mà ISEE liên tục tổ chức trong những năm gần đây dành cho cộng đồng người yếu thế- dân tộc ít người, bán hàng rong, nhiễm HIV, đồng tính, khuyết tật… và gần đây nhất Chương trình photovoice cho trẻ em vùng cao.

Nhiều bức ảnh trong bộ ảnh này, với tác giả như ngã rẽ của cuộc đời, khi họ cầm máy ảnh kể cho mọi người nghe những điều đau đớn, khát vọng thầm kín nhất tưởng rằng "sống để dạ chết mang theo"- lời một tác giả bị nhiễm HIV. Với người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này, cuộc sống còn khổ hơn cái chết khi cộng đồng, kể cả những người gần gũi cũng xa lánh kỳ thị không chỉ họ mà cả con cái họ.

Gần chung cảnh ngộ với nhóm tác giả có H là nhóm tác giả người đồng tính, chuyển giới, song tính. Như tất cả mọi người, họ sinh ra đã thế, đâu được quyền lựa chọn. Nhưng cuộc sống bao đời đã mặc định chỉ dành cho người dị tính, để họ buộc phải "ẩn mình" vào những góc tối. Cuộc sống thật nghiệt ngã với những thanh niên, những đứa trẻ khi dám lên tiếng, để khẳng định "tôi là tôi" với giới tính thực. Chiếc máy ảnh giúp họ kể với cuộc sống xung quanh điều họ mong ước nhất - được sống như mọi người trong xã hội.

Khát vọng bình dị về cuộc sống lại hiện lên trong nhóm ảnh của các tác giả là người khuyết tật, đa phần những người tham gia là phụ nữ, rất nhiều ánh mắt trẻ thơ. Chúng tôi gặp một tác giả nữ còn khá trẻ trong Hội Người khuyết tật Ba Vì (Hà Nội), bạn tâm sự rất thật: "Điều mong ước lớn nhất của em là có một đứa con".

Lê Thị Ngân - cô gái liệt 2 chân, thông qua những bức ảnh chụp những người đồng cảnh với mình lại quyết liệt hơn: "Em muốn nói với mọi người rằng những người khuyết tật cũng có thể có con và nuôi con tốt như tất cả các bà mẹ khác". Cũng chính Ngân có những tác phẩm rất "lạ" chụp những bạn gái đang trao đổi với nhau về cách sử dụng bao cao su - một điều mà trước đây "em rất sợ phải nhắc đến".

Có một "vùng tối" theo đúng nghĩa đen xuất hiện trong số tác phẩm gửi đến cuộc thi: Ảnh của người mù. Chính các tác giả đề nghị dùng từ "người mù" thay cho "người khiếm thị". Những bức ảnh thể hiện năng lực cảm nhận cuộc sống, không gian và ánh sáng bằng tổng hợp các giác quan thay cho con mắt. Một "vùng tối rất sáng" để người xem khám phá thêm về năng lực kỳ lạ ẩn sâu trong mỗi người.

Những giọt nắng ngây thơ

Hơn 100 tác phẩm của các em học sinh có độ tuổi từ 10-15 là người dân tộc Mông, Raglai, Chăm, M'Nông - những em bé như mọi người thường nghĩ "nhút nhát, khó tiếp xúc, ít bày tỏ ý kiến…" lại khiến chính những người gần với các em như cha mẹ, thầy cô phải sửng sốt khi các em "nói". Bên cạnh những "câu chuyện" đầy đáng yêu của trẻ em thì cũng có rất nhiều câu chuyện "không trẻ con" về cuộc sống xung quanh, rất đa dạng: Từ quyền được chơi, được học, về lao động với trẻ em, với người già, về bình đẳng giới, văn hóa các dân tộc…

Thật bất ngờ khi xem bức ảnh các em dọn nhà vệ sinh với lời bình: "Việc rửa nhà vệ sinh chẳng ai muốn làm cả, nhưng không làm không được vì để giữ vệ sinh chung cho cả lớp và cả trường - Lừu Văn Thắng".

Hay một việc tưởng như tốt là huy động các em học sinh THCS thu dọn rác trong khu dân cư đã được cô học sinh lớp 5, người Chăm11 tuổi bày tỏ quan điểm là… không thích: "Đây là việc làm tốt nhưng em không thích vì nó là việc của người lớn, quá sức các anh chị - Thành Thị Bông"… Những câu chuyện khiến những bậc cha mẹ khi xem phải bất ngờ "mình không nghĩ nó giỏi thế đâu" hay như lời một lãnh đạo ngành giáo dục Ninh Thuận: "Chúng tôi bất ngờ, chúng tôi cần xem lại chính mình để dạy các em được tốt hơn".

Theo ông Lê Quang Bình (http://citinews.net/kinh-doanh/tam-nhin--thuyen-truong--4ODVIGA/) - Viện trưởng iSEE: Những bức ảnh trong Chương trình photovoice thể hiện cái nhìn người trong cuộc. Đó thường là những góc nhìn và câu chuyện mà không "người bên ngoài" nào có thể phát hiện, kể thay cho họ, về cuộc đời thực với những buồn vui và khát vọng của những người vốn ít được lắng nghe. Thực hiện một dự án photovoice cũng là quá trình học hỏi và bồi đắp sự tự tin của các nhóm yếu thế, từ đó họ tạo nên những thay đổi trong cuộc sống của cá nhân và cộng đồng mình.

Cuộc thi ảnh Đất và Người nhận ảnh dự thi đến hết ngày 30.9.2014. Các tác giả tiếp tục gửi ảnh dự thi theo các địa chỉ email: datvanguointnn@gmail.com, gocanhntnn@gmail.com, hoặc theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay (http://citinews.net/xa-hoi/the-hien-tieng-noi-cua-nguoi-lao-dong-5EDJHWI/) - số 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, TP.Hà Nội.


Theo danviet.vn (http://citinews.net/Redirect.aspx?url=167777439)