PDA

View Full Version : Lựa chọn màu áo xanh!



songchungvoi_HIV
05-10-2014, 12:30
<time style="box-sizing: border-box; float: left; font-style: italic; color: rgb(85, 85, 85); font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 13px; line-height: 18.2000007629395px;">Chủ Nhật, ngày 5/10/2014 - 06:20</time>

ANTĐ - Học ngành y, nhưng Thượng úy Đỗ Thị Nguyệt Thương đã chọn màu áo xanh lá mạ. Chị nói rằng, với một người làm ngành y thì việc cứu người bệnh là thiêng liêng nhất, bất kể người đó là ai. Chị đã chia sẻ với tôi như vậy khi nói về công việc của mình - một nữ y tá tại Bệnh xá của Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội. Với chị dù bệnh nhân là những kẻ phạm tội thì suy cho đến cùng, họ vẫn là những con người, dù bị mất tự do thì vẫn có quyền được chăm sóc sức khỏe.

http://www.anninhthudo.vn/uploaded/2014_10_03/eekjax1_iwcp123.jpg?width=500
Ước mơ toại nguyện
Sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Đỗ Thị Nguyệt Thương đã mơ ước mình sẽ trở thành một nữ chiến sĩ công an, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Nhưng rồi cơ duyên không đến, Thương đã thi đỗ vào Trung cấp Y Hà Nội, trở thành một nữ y tá. Những tưởng việc trở thành cảnh sát sẽ mãi chỉ là mơ ước khi Thương đã theo các đàn chị học việc tại một số Bệnh viện trong thành phố. Thời gian trôi đi, một lần, Thương thấy CATP Hà Nội đăng tuyển y tá, bác sỹ, giấc mơ về màu áo xanh lại trở về. Với khả năng của mình, Thương đã được tuyển vào ngành công an, nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội.
Đỗ Thị Nguyệt Thương chia sẻ: Ngày đầu tiên nhận việc, một cảm giác rất mơ hồ, mông lung, và khi đối diện thực tế, thú thật tôi hơi chột dạ và có chút sững sờ. Đây là một trại giam lớn của CATP Hà Nội, với số lượng phạm nhân đông và những bệnh nhân mà tôi phải tiếp xúc không phải là người bình thường. Có những người mới lần đầu nhập trại, nhưng cũng cũng có những người đã có 8 tiền án. Ấy thế mà từ cái ngày đầu bỡ ngỡ ấy, giờ đây, Đỗ Thị Nguyệt Thương đã có gần 10 năm tuổi “quân”. Dạn dày qua năm tháng, dù công việc vất vả, nhưng chị vẫn tin rằng, lựa chọn màu áo xanh của mình là đúng, vì ở đó, chị có cơ hội được cống hiến, được thể hiện sự nhiệt huyết và tình yêu, tình người dù những bệnh nhân của chị là những kẻ đã gây ra tội lỗi.
Dù người bệnh đó có là ai
Chỉ còn 3 tháng nữa, Đỗ Thị Nguyệt Thương sẽ tròn 10 năm công tác tại Trại tạm giam số 1. Đã có thêm những thế hệ sau vào nhận nhiệm vụ như chị tại Trại tạm giam số 1 nhưng những câu chuyện về ngày đầu đến với ngành vẫn in đậm trong tâm trí chị, như vừa mới ngày hôm qua. Đó là vào những năm 2005, 2006, phạm nhân đưa ra ngoài điều trị phải nằm rải rác ở các bệnh viện, chưa được tập trung tại Bệnh viện Hà Đông như hiện nay, Đỗ Thị Nguyệt Thương nhớ một lần có phạm nhân bị cấp cứu. Khi ấy đã là 10h đêm và cuộc hành trình đưa bệnh nhân đi bệnh viện đã kéo dài đến nỗi Thương biết thế nào là... đêm Hà Nội. Đầu tiên là đến Xanh Pôn sau đó về Bạch Mai, lại sang Thanh Nhàn và điểm đến cuối cùng là Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Không phải bởi các bệnh viện không đủ khả năng khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà lý do đưa ra là không tiếp nhận bệnh nhân là phạm nhân. Đi bệnh viện nào cũng bị yêu cầu chuyển viện. Cuối cùng, khi về đến Bệnh viện 19-8, vị bác sỹ trực đêm ấy nhìn thấy Thương đã rớt nước mắt vì đồng đội của mình gương mặt tái xanh, mồ hôi quện vào chân tóc. “Cháu để bệnh nhân ở đây, về nghỉ ngơi đi” - sau câu nói của vị bác sỹ ấy, Thương quay người về trại, lúc ấy đồng hồ vừa chỉ đúng 6h, chẳng được nghỉ ngơi, chị lại tiếp tục cho một ngày làm việc bình thường khác.
Khi được hỏi câu chuyện nào khiến chị xúc động nhất, tôi thấy khóe mắt chị lóng lánh nước. Chị kể tôi nghe câu chuyện về một phạm nhân tên Vũ. Năm 2006, Vũ nhập trại và qua kiểm tra sức khỏe của Vũ, Đỗ Thị Nguyệt Thương biết Vũ nghiện ma túy và đã mắc bệnh HIV/AIDS. Do sử dụng kim tiêm để chích ma túy nhiều lần, Vũ cũng như nhiều phạm nhân khác trong trại đã bị vỡ hết ven. Để có thể tiêm thuốc vào điều trị, các y tá, y bác sĩ tại Trại tạm giam số 1 phải dùng cách “cấy mà”. Trong một lần tiêm thuốc cho Vũ, Vũ đã bị “vỡ mà” ở bẹn. Máu như một dòng nước phun lên từ đùi Vũ. Đối diện với một bệnh nhân HIV/AIDS, máu chảy nhiều, chỉ một phút sơ sẩy, là có thể bị phơi nhiễm, nhưng trong suy nghĩ của Thương lúc ấy, chị không một phút lo sợ cho mình. Chị chỉ nghĩ làm thế nào có thể cầm máu, cứu sống được phạm nhân. Chị kể, lúc ấy, dùng 2 chiếc khăn bông, đeo 2 lần găng tay để ga-rô cho phạm nhân nhưng mình vẫn cảm thấy sự nóng bỏng của dòng máu đang chảy từ trong người phạm nhân đó. Với sự khéo léo của một nữ y tá, phạm nhân Vũ đã được cứu sống. Vậy mà, đến năm 2008, Vũ lại một lần nữa tái án, lần này, tử thần đã cướp đi sinh mạng của Vũ. Vũ chết vì HIV/AIDS. Trước cái chết ấy, chị cảm thấy ngậm ngùi, bởi dù có là một phạm nhân thì họ cũng là một con người, đã được chị cùng các y tá, bác sỹ của bệnh xá điều trị cứu chữa, nhưng không hề biết ăn năn hối cải, nên Vũ rời xa cuộc đời khi không có một người thân nào bên cạnh.
Hà Nội đẹp, xao xuyến vì có mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm. Nhưng với Thượng úy Đỗ Thị Nguyệt Thương cùng các y tá, y bác sỹ đang công tác tại Trạm tạm giam số 1 thì lại là mùa vất vả nhất. Phần nhiều những phạm nhân hiện đang thụ án tại Trại tạm giam số 1 có tiền sử nghiện ma túy, và vì thế thường bị suy giảm khả năng miễn dịch, mắc một số bệnh trong đó hen phế quản là nhiều nhất. Những cơn hen xuất hiện nhiều, liên tục và kéo dài, đồng nghĩa với đó là những ca cấp cứu nhiều hơn. Có những ngày, qua các khu giam, Thương đi vài cây số là chuyện thường, tự động viên mình “càng đỡ phải tập thể dục giảm béo”.
Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện mà trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chưa thể nói hết được về những áp lực, những niềm vui và nỗi buồn của một nữ y tá đang làm một công việc đặc thù của ngành công an.


http://www.anninhthudo.vn/uploaded/2014_10_03/dnyuax2_kqqn123.jpg?width=500
Bông hoa đa tài của Trại tạm giam số 1
Thời gian đã giúp Thượng úy Đỗ Thị Nguyệt Thương trưởng thành hơn rất nhiều. Từ một trung sĩ còn non trẻ ngày nào, giờ đây chị đã vững vàng trong công tác chuyên môn, không những thế Thương còn là một trong những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào của Trại tạm giam số 1. Thượng tá Chu Xuân Thọ, Giám thị Trại tạm giam số 1 đã nhận xét về nữ đồng chí của mình với chúng tôi, Đỗ Thị Nguyệt Thương cán bộ y tế, công tác trong một môi trường phức tạp, chịu nhiều áp lực. Phạm nhân thì luôn tìm cách chống đối, tìm cách ra ngoài để có cơ hội chạy trốn. Không ít lần chính Thương và những đồng nghiệp phải đối mặt với cơ quan CSĐT để giải trình việc đưa phạm nhân... không có bệnh đi khám bệnh. Đó là vì, phạm nhân dùng thủ đoạn nuốt bất cứ vật gì nhặt được để tạo thành dị vật trong ổ bụng, bác sỹ sẽ phải chiếu chụp, kiểm tra và lợi dụng việc làm đó để bỏ trốn. Dù có những cán bộ dẫn giải đi cùng nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về cán bộ y tế, trong khi mỗi lần đưa phạm nhân ra bệnh viện ngoài, thường chỉ 1 cán bộ y tế. Do thiếu y bác sỹ nên là một y tá giàu kinh nghiệm khi vào ca trực, Thương thường là người đưa phạm nhân đi. Công việc phức tạp, nặng nề như vậy nhưng ngoài thời gian dành cho gia đình, Thương vẫn năng nổ với hoạt động Đoàn, Phụ nữ, phong trào văn hóa văn nghệ của Trại tạm giam.
Sắp xếp mãi mới có 1 cuộc hẹn với Đỗ Thị Nguyệt Thương và dù khi ấy đã là 5h chiều, chị vẫn mải mê với những công việc ngoài công tác chuyên môn. Chồng Thương cũng là người cùng ngành nên anh rất hiểu và thông cảm cho công việc của vợ. Vợ chồng công an ấy quen nhau trong quá trinh công tác, giờ họ đã có với nhau 2 đứa con. Anh hiện đang công tác ở CAP Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Công việc của mỗi chiến sĩ công an thì ở mặt trận nào cũng vậy, cũng vất vả, cũng hy sinh và ít có thời gian cho gia đình. Những cuộc gặp gỡ giữa 2 vợ chồng thưa nhặt hơn vì những ca trực liên miên, nhưng cũng vì thế họ đồng cảm hơn bởi họ là những chiến sĩ cùng mang trên mình màu áo xanh, màu xanh lá mạ, màu xanh của cây lúa, màu xanh cho sự bình yên của nhân dân.
http://www.anninhthudo.vn/