PDA

View Full Version : Mang lại hạnh phúc cho những người mẹ nhiễm HIV



songchungvoi_HIV
12-10-2014, 13:10
Chủ nhật, 12/10/2014 - 02:24 AM (GMT+7)
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có từ 30 đến 35 trẻ bị nhiễm HIV; nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp, thì chỉ có khoảng từ ba đến năm trẻ bị nhiễm HIV, thậm chí còn thấp hơn.
http://www.nhandan.org.vn/media/k2/items/cache/2454/8d524ab770428a6a9681b31865ba94a9_L.jpg
Y sĩ, bác sĩ Trạm y tế xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho người dân địa phương. Ảnh: HẢI LINH
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có từ 30 đến 35 trẻ bị nhiễm HIV; nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp, thì chỉ có khoảng từ ba đến năm trẻ bị nhiễm HIV, thậm chí còn thấp hơn.



Khi đứa con của chị Hoa (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chào đời, xét nghiệm cho kết quả HIV âm tính, chị đã mừng, nhưng niềm vui ấy còn phấp phỏng. Các bác sĩ cho biết, sau 18 tháng, xét nghiệm cho con, nếu kết quả HIV âm tính thì mới khẳng định là đứa trẻ đó không bị nhiễm HIV. Trong suốt thời gian chờ đợi, chị hồi hộp, hy vọng và có lúc thất vọng, bởi biết đâu số mình không may mắn! Chỉ đến khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con sau 18 tháng, niềm vui mới thật sự hiện rõ trên khuôn mặt chị.
Chị Hoa chia sẻ, vào tháng thứ tư của thai kỳ tôi biết mình nhiễm HIV. Thật may, đúng lúc đó Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Quảng Ninh. Ngay lập tức, chị được các bác sĩ tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Hạ Long tư vấn rồi đưa vào diện điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ tuần thứ 28, chị Hoa tuân thủ điều trị và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ, chú ý tới dinh dưỡng, ăn uống hằng ngày để có thêm chất bổ nuôi con. Chị cho biết, trước đây, khi chưa triển khai chương trình, nhiều phụ nữ mang thai như chị bị thiệt thòi; nhiều người vì sợ kỳ thị còn từ chối tiếp cận các dịch vụ này.

Chung niềm vui với chị Hoa còn có chị Kim Phượng (TP Móng Cái). Ðến nay, con chị Phượng hơn hai tuổi, khỏe mạnh. Chị cho biết, tới tận lúc sinh con mới phát hiện ra mình nhiễm HIV, vì thế, không có thời gian điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lúc mang thai, nhưng cháu được điều trị phơi nhiễm HIV từ ngay sau khi sinh. Và, con trai chị cũng là một trong số những trẻ may mắn.

Theo kết quả nghiên cứu của WHO, có khoảng từ 30 đến 35% số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV. Như vậy, một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng vi-rút ARV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con, thì trung bình có từ 30 đến 35 trẻ sinh ra sẽ bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp thì tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5%. Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ khi mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.

Với mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ những bà mẹ mang thai nhiễm HIV, Bộ Y tế vừa triển khai mô hình thí điểm điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng vi-rút ARV không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 tại sáu tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lào Cai, Nghệ An, An Giang và Quảng Ninh). PGS, TS Bùi Ðức Dương, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế cho biết, điểm ưu việt của chương trình này là những phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay bằng phác đồ ba thuốc, mà không cần biết CD4 là bao nhiêu và tiếp tục điều trị suốt đời. Những đứa trẻ cũng được điều trị luôn và không bị cấm chỉ định cho bú sữa mẹ như trước.

Chương trình này ra đời sau khi có hướng dẫn của WHO và sau khi có kết quả nghiên cứu về thuốc không có hại cho thai nhi. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm thực hiện chủ trương này.Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS tỉnh Quảng Ninh Lê Thị Hoa chia sẻ: Ðây là một chính sách đầy nhân văn, hướng về đối tượng phụ nữ và trẻ em. Nếu thực hiện tốt chủ trương này, phụ nữ mang thai sẽ giảm được đáng kể nồng độ HIV trong máu, góp phần làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV sang đứa con thân yêu cũng như cho cả cộng đồng. Xét về góc độ kinh tế, chi phí cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc cho trẻ sử dụng các thức ăn thay thế. Không chỉ có vậy, việc "đứa trẻ không bị hạn chế bú sữa mẹ" sẽ giúp đứa trẻ tăng cường miễn dịch, phòng, chống bệnh, nhất là gắn kết tình cảm mẹ con hơn.
Ở nước ta ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5 đến 2 triệu phụ nữ mang thai, tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3%. Trong nhóm này, mỗi năm có khoảng từ bốn đến sáu nghìn bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp, mỗi năm sẽ có 1.500- 3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ.
THANH MAI
http://www.nhandan.org.vn/