PDA

View Full Version : Hiểu về cha mẹ để hiếu thảo hơn



Nguyen Ha
21-10-2014, 07:36
Có một triết gia đã nói lên những suy nghĩ của mình trong mỗi giai đoạn của cuộc đời về cha mẹ như sau:

“Khi tôi còn bé, tôi xem cha mẹ là tất cả. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở cha mẹ, tôi luôn lắng nghe lời dạy, sự chỉ bảo của cha mẹ. Nhưng đến khi tôi mười lăm, tôi thấy cha mẹ không hoàn hảo như tôi đã nghĩ. Đến khi tôi mười tám tuổi, vào đại học, lúc đó tôi thấy rằng kiến thức của cha mẹ còn ít ỏi lắm. Đến lúc ra trường, đi làm, rồi lập gia đình, tôi thấy cha mẹ là những người già khó tính, luôn bảo thủ, cố chấp. Đến khi tôi ba mươi tuổi, khi đã làm cha của hai đứa con, lúc đó tôi mới nhận ra có những điều mà trước kia tôi không hiểu. Đến năm tôi gần năm mươi tuổi thì cha mẹ tôi qua đời. Lúc đó dù không còn trẻ nữa nhưng tôi đã khóc rất nhiều, vì tôi hiểu rằng kể từ đây cha mẹ không còn ở trên đời nữa, dù tôi có tiếc thương cũng đã muộn màng, dù tôi muốn đáp đền công ơn cha mẹ cũng không còn cơ hội nữa”.
http://giacngo.vn/UserImages/2014/08/29/11/20101130_02.jpg
Giữa người già và người trẻ có một khoảng cách cần có sự cảm thông và chia sẻ - Ảnh minh họa

Có lẽ mọi người đều nghĩ về cha mẹ mình như triết gia nói trên. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta có những suy nghĩ khác nhau về cha mẹ, nhưng đến khi trải qua “mấy chặng đường đời” mới hiểu trọn vẹn về cha mẹ.

Tuổi trẻ ngày nay so với các thế hệ trước thì có hoàn cảnh sống tốt hơn, có những điều vượt xa ông cha mình ngày trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người trẻ có thể xem thường thế hệ ông cha mình. Người trẻ vẫn cần phải học tập ở những thế hệ trước rất nhiều, từ nhân cách đạo đức đến các kinh nghiệm sống mà mình chưa từng trải qua vì tuổi đời còn non trẻ.

Chắc chắn không ai có thể quên rằng nhờ đâu mà mình có mặt trên cõi đời này, nhờ đâu mà mình có được cuộc sống hôm nay, nhờ đâu mà mình trở thành người có ích cho xã hội. Dù cha mẹ chúng ta là những người giàu sang danh vọng hay bần cùng khốn khổ, dù cha mẹ chúng ta là những người trí thức có trình độ hay mù chữ, thì đó vẫn là những người sinh ra chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành khôn lớn. Hãy luôn nghĩ về điều đó để chúng ta thật sự là những đứa con đúng nghĩa đáng tự hào.

Giữa người già và người trẻ có một khoảng cách cần có sự cảm thông và chia sẻ. Chính khoảng cách thế hệ là một trong những nguyên nhân khiến cho ông bà, cha mẹ già bị con cháu “bỏ rơi”, phải sống trong cô đơn buồn tẻ, thiếu thốn tình thân.

Các bậc ông bà cha mẹ thường cho rằng con cháu thiếu kinh nghiệm, nông cạn, không biết tôn trọng người lớn, tự do thái quá, sống dễ dãi, phóng túng, đôi khi ích kỷ, vô ơn. Con cháu thì cho rằng người già khó tính, bảo thủ, cố chấp, cổ hủ, lạc hậu.

Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng bận rộn, mọi người phải dành nhiều thời gian cho công việc, nên người già thiếu sự quan tâm của con cháu. Thêm vào đó, khoảng cách thế hệ làm cho con cháu ngày càng xa dần ông bà cha mẹ. Đó là nỗi khổ phổ biến của tuổi già trong thời đại ngày nay. Xã hội ta chưa có chế độ chăm lo chu đáo cho người già, vì vậy các bậc ông bà cha mẹ biết trông cậy vào đâu khi đến tuổi xế chiều nếu không nương tựa vào con cháu?

Con cháu nên thông cảm cho ông bà cha mẹ lúc tuổi già: về thể chất, mắt mờ, tai điếc, hay quên, dễ nhầm lẫn, đi đứng chậm chạp không còn vững vàng, sa sút trí tuệ, thường phát sinh bệnh tật; về tâm lý, dễ tổn thương, hay giận hờn, buồn tủi, nhớ rất kỹ chuyện xa xưa nhưng hay quên những chuyện vừa mới xảy ra… Nên dành thời gian gần gũi, chăm nom ông bà cha mẹ, đừng để họ cảm thấy cô đơn; hãy làm cho họ thấy sự quan trọng của họ đối với con cháu, con cháu rất cần có họ (thường trò chuyện, hỏi xin ý kiến, bàn luận chuyện gia đình, chuyện nghề nghiệp, công việc…), có như thế ông bà, cha mẹ mới không có cảm giác mình sống thừa, mình là người vô dụng.

Nếu có tình thương và sự hiểu biết, có đạo đức trách nhiệm, biết cảm thông chia sẻ, biết dung hòa để sống chung thì những mâu thuẫn giữa ông bà cha mẹ và con cháu sẽ được hóa giải, khoảng cách thế hệ sẽ không còn, người già và người trẻ có thể sống gần gũi, vui vẻ bên nhau, người trẻ có cơ hội làm tròn bổn phận hiếu thảo của mình, người già có nơi nương tựa và niềm vui bên con cháu.

Một điều người trẻ nên nhớ là tuổi già cũng sẽ đến với mình như ông bà cha mẹ bây giờ.