PDA

View Full Version : Trần gian có lắm thứ nghề



songchungvoi_HIV
21-10-2014, 11:04
(Bài 1): Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV

21-10-2014 09:26 - Theo: baohatinh.vn (http://citinews.net/site/baohatinh.vn/58/)

Con đường nhỏ, sâu hun hút ở góc cuối Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh dẫn chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm - nơi có các bệnh nhân HIV đang từng ngày, từng giờ chống chọi bên lằn ranh sinh tử. Với đặc thù công việc, những y, bác sĩ ở đây làm điểm tựa cho bệnh nhân không chỉ trong chuyên môn mà cả trong chuyện đời, chuyện người và ti tỉ nỗi lòng của những người mang “án tử”. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, họ sống với nghề, gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS bởi mệnh lện


Con đường nhỏ, sâu hun hút ở góc cuối Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh dẫn chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm - nơi có các bệnh nhân HIV đang từng ngày, từng giờ chống chọi bên lằn ranh sinh tử. Với đặc thù công việc, những y, bác sĩ ở đây làm điểm tựa cho bệnh nhân không chỉ trong chuyên môn mà cả trong chuyện đời, chuyện người và ti tỉ nỗi lòng của những người mang "án tử". Vượt lên tất cả mọi khó khăn, họ sống với nghề, gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS bởi mệnh lệnh từ… trái tim.
Không khí yên ắng, quạnh quẽ và vắng lạnh ở đây tạo cho chúng tôi cảm giác như thời gian ngưng đọng. Chậm hơn để các bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ có thêm chút thời gian chiêm nghiệm cuộc đời, để yêu thương nhiều hơn cuộc sống; chậm hơn để họ được sống trong sự chăm sóc tận tình của đồng loại. Không ít lần, chúng tôi bắt gặp những người mang "án tử" hướng ánh nhìn xa xăm, vô định vào khoảng không mênh mông. Trong không gian đầy sức gợi đó, vẫn nổi bật lên những điều tươi đẹp. Đó là khi chúng tôi được chứng kiến một ngày làm việc của các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS…

<tbody>



http://baohatinh.vn/img/63/t63195.jpg



Ở Khoa Truyền (http://citinews.net/doi-song/nguoi-bac-si-cua-niem-tin-J2LI4HQ/) nhiễm BVĐK Hà Tĩnh, khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân dường như không tồn tại


</tbody>
Ở đây, khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân dường như không tồn tại. Ánh mắt thiện cảm, cái động chạm an toàn khi tiếp xúc với các vết thương đang mưng mủ… tất cả nói lên một điều: "Niềm khao khát được sống thêm bất kể 1 ngày, 1 tháng hay lâu hơn nữa đối với tôi trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết chính là nhờ sự chăm sóc tận tâm của các y, bác sĩ ở đây" anh Nguyễn Đức N. (36 tuổi - bệnh nhân HIV giai đoạn cuối) trải lòng.
7h sáng, xe thuốc bắt đầu lăn bánh đến các phòng. Trong không gian hoang hoải, lạnh lẽo, những lời hỏi thăm của bác sĩ như nguồn sinh khí vực dậy sau một đêm chờ sáng đầy "căng thẳng", đó vừa là lời chào ngày mới, vừa là "tín hiệu" để người bệnh biết mình thêm một ngày có mặt trên đời… Những bệnh nhân có "H" nằm bất động trên giường, gầy rộc với vô số vết lở loét. Có vết sưng tấy, đỏ bầm, có vết đã được chữa trị, bôi thuốc màu xanh. Nhìn vào những cơ thể khẳng khiu, lỗ chỗ vết lở mưng mủ đang nằm dán mình xuống giường, tôi cứ nghĩ sự sống đã ra đi. Chỉ đến khi bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo (http://citinews.net/xa-hoi/huong-toi-van-hoa-taxi-van-minh--hien-dai-A2V6PPI/) - Phó khoa Truyền nhiễm cùng các điều dưỡng viên lại gần thăm khám mới thấy tia sáng của sự "khát" sống bừng lên trong ánh mắt của mỗi bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Đình N. mở lời đầy khó nhọc: "Lần đầu tiên anh được chứng kiến tận mắt bác sĩ Dung (Trưởng khoa - PV) dùng tay nặn mủ từ vết lở loét của bệnh nhân. Hình ảnh đó đã tiếp thêm sức mạnh để anh đến đây chữa trị sau gần 15 năm tự bỏ mặc mình. Không những được điều trị mà còn được an ủi về tinh thần, đó là liều thuốc quý giá nhất với anh lúc này".
Anh N. là một trong số ít trường hợp có nhân thân rõ ràng; còn phần lớn bệnh nhân đến đây từ các trại cai nghiện, trại giam giữ phạm nhân nên mối nguy lây nhiễm cũng như tính mạng những người thầy thuốc có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên, bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo cho hay: "Không ít lần vì quá kích động nên đang truyền nước, bệnh nhân rút dây truyền rồi vấy máu khắp phòng; hoặc đang tiêm thuốc thì quay mũi tiêm về bác sĩ".
Vất vả và nguy hiểm nhưng tất cả cán bộ của khoa này đều khẳng định, công việc đó hết sức bình thường, họ chọn cách vừa trò chuyện để bệnh nhân quên đau, vừa nhẫn nại quan sát, khám ở cự ly gần nhất với vết thương đang hở miệng mà không chút nề hà. Bữa cơm của y, bác sĩ, điều dưỡng thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Bởi, có khi chưa kịp ăn, các anh chị phải luôn tay vì yêu cầu cần kíp của bệnh nhân. Một điều dưỡng cho biết, những ngày mới vào nghề, chị không thể nào nuốt nổi cơm. Nhưng về sau, khi đã quen, đã hiểu những đau đớn mà bệnh nhân chịu đựng, chị đã cùng với những người đi trước an ủi, xoa dịu nỗi đau, chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu bệnh nhân.
Rất nhiều bệnh nhân chịu sự ruồng rẫy của chính gia đình, người thân. Với sức khỏe ngày càng suy kiệt, họ không thể làm những công việc cá nhân hằng ngày. Lúc này, các y, bác sĩ vừa là thầy thuốc, vừa là người chăm sóc và cũng là những người lo hậu sự khi bệnh nhân ra đi. Công tác tại khoa hơn 6 năm nhưng không biết bao lần bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo chứng kiến những cái chết đầy day dứt của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không có người nhà thăm nom nhưng những ngày cận kề cái chết luôn dán ảnh gia đình quanh giường ngủ và cầu nguyện cho họ được bình an. Có bệnh nhân trẻ tuổi "khát" sống đến sục sôi và hoảng loạn cực độ khi biết mình không thể tiếp tục sống. Nhiều đám tang của bệnh nhân HIV không có một giọt nước mắt của người thân. Có chăng chỉ là lòng trắc ẩn của những người từng chăm sóc họ.
Gần 600 lượt khám và điều trị cho bệnh nhân mỗi năm, các y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã tiếp thêm động lực để bệnh nhân có "H" không sợ hãi bệnh tật. Mỗi bệnh nhân là mỗi cuộc đời khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ. Dẫu biết rằng, với những bệnh nhân này, sự sống khó có thể kéo dài, nhưng tập thể y, bác sĩ đã giúp họ có thêm nhiều ngày sống bằng trách nhiệm, tình người và tấm lòng bao dung, nhân ái. Chia tay các anh chị, tôi vẫn nhớ mãi câu nói giản dị của một hộ lý: "Chúng tôi không chỉ rửa vết thương trên cơ thể bệnh nhân mà còn rửa vết thương lòng cho họ, để họ sống những ngày đáng sống…".
(Còn nữa...)
Dương chiến - thành chung

songchungvoi_HIV
22-10-2014, 11:52
(Bài 2): Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ”

THỨ TƯ, 09:33 22/10/2014
Cứ độ tháng 3 cho đến tháng 8 âm lịch hàng năm, những thợ đào giếng ngoài ăn uống, ngủ, nghỉ thì hầu hết thời gian của họ là dưới lòng đất...

Mưu sinh dưới lòng đất
Ở Hương Khê, giếng nước như một phần của văn hóa. Phần lớn người dân dùng giếng đào thay vì nước máy hay giếng khoan. Giếng không chỉ để lấy nước dùng trong sinh hoạt mà còn là biểu tượng mang đậm nét quê. Cứ vào mùa khô, những người làm nghề đào giếng cực kỳ bận rộn mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì nghề đào giếng quá nặng nhọc và nguy hiểm nên không có nhiều người theo nghề.
<tbody>
http://baohatinh.vn/img/63/t63262.jpg (http://baohatinh.vn/news/lao-dong-viec-lam/tran-gian-co-lam-thu-nghe-bai-2-an-com-tran-gian-lam-viec-am-phu/87868)



Ông Nguyễn Văn Sửu (bên phải) dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn làm công việc đến cả thanh niên trai tráng cũng “chào thua”.


</tbody>
Chúng tôi phải hẹn gặp ông Nguyễn Văn Sửu (xã Hương Trạch) vào buổi tối bởi ban ngày ông có quá ít thời gian. Năm nay đã bước sang tuổi 65, với 35 năm tuổi nghề, ông là người có thâm niên đào giếng nhất nhì ở huyện Hương Khê. Dáng người nhỏ, trên đầu tóc trắng đã chiếm phần nhiều, nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, ít ai có thể tin ông vẫn đang làm công việc mà đến cả thanh niên trai tráng cũng chào thua.

Ông Sửu học việc ngay từ giếng nhà. Ông nhớ lại: “Khoảng những năm 80, tôi được ông chú hướng dẫn và cùng đào giếng để dùng. Hồi đó, chúng tôi phải mua và tự chế một bộ dụng cụ riêng. Sau đó, hàng xóm, người quen muốn đào giếng thường hỏi mượn dụng cụ và mượn luôn người, rồi bắt đầu có người hỏi thuê, dần dần tôi thành thợ đào giếng”.

Một giếng bình thường chỉ sâu chừng 8m, nhưng cũng có những giếng phải đào hơn 20m mới đụng mạch nước ngầm. Nếu thuận lợi, một giếng 8m chỉ cần 3 người đào là có thể xong trong ngày. Nhưng đào giếng không mấy khi dễ, có khi phải mất nửa ngày mới đào được một cục đá, chưa kể khi gặp đá bàn lại phải đào giếng khác. Đào giếng cũng phải có độ lỳ, độ liều, đào sâu xuống đất gặp không ít thứ kỳ lạ.

Ông Sửu kể: “Có lần đang đào thì gặp lớp đá kết dính với nhau như bê tông, cực kỳ cứng, khó khăn lắm mới phá được lớp đá thì gặp một hầm giống như hồ nước, lúc đó 4, 5 người trong hội nhìn thấy đều sợ, không dám xuống. Tôi buộc dây vào lưng, cầm theo cây nứa dài chừng 3m xuống giếng. Nhìn thấy nước xanh leo lẻo cũng hơi ngợp, phải mất cả chục phút mới bình tĩnh cầm sào đâm xuống, đâm hết sào vẫn không thấy đáy, đâm sang ngang cũng không thấy bờ lại càng sợ. Nhưng sau, tôi vẫn khoét nốt phần đang đào dở cho tròn trịa trong tư thế treo người bằng dây thừng”.

Về sau cũng vài lần gặp lại những “hầm nước ngầm” như thế. Sau khi uống cạn chén rượu thuốc, ông kể tiếp: “Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng nắng hạn lâu lắm. Giếng nhà anh Quyết ở xã Phúc Trạch có hầm ngầm bị cạn. Tôi xuống xem, dưới đáy có một lớp bùn, mới nhìn ước chừng bỏ được cả một cái nhà to lọt trong hầm, phía trên có một lớp đá ong kết dính với nhau, hầm chỉ cao khoảng 4m, còn dài phải đến độ năm chục mét. Tiếp tục đào xuống vẫn gặp mạch nước ngầm như bình thường”. Dưới lòng đất vẫn có hàng tá chuyện ly kỳ như gặp hầm than, cây, ngói… hay có giếng thì gặp những đường ống ngầm tự nhiên “miệng to như cái bánh xe đạp”, không ít lần người đào giếng rợn ngợp trước những bí mật của tự nhiên.

Đối mặt hiểm nguy
Nghề đào giếng, ngoài một sức khỏe tốt còn cần cái duyên. Không ít người học và đào được giếng, nhưng người có thể sống và hành nghề lâu dài thì… đốt đuốc mới tìm ra. Người xưa vẫn có câu “nhất thổ, nhì mộc” để nói độ nặng nhọc của những nghề liên quan đến đất. Người làm nghề không chỉ phải có sức khỏe, mà cần có cả sức chịu đựng. Càng đào sâu xuống lòng đất, oxy càng ít đi, thợ đào giếng phải chịu đựng mức áp suất lớn hơn bình thường, chưa kể còn gặp các loại khí độc.
<tbody>
http://baohatinh.vn/img/63/t63263.jpg (http://baohatinh.vn/news/lao-dong-viec-lam/tran-gian-co-lam-thu-nghe-bai-2-an-com-tran-gian-lam-viec-am-phu/87868)



Nguyễn Văn Anh (SN 1977) theo cha (ông Sửu) đào giếng từ năm 12 tuổi,


</tbody>
Ông Sửu đã có đến gần trăm người theo học nghề. Ông cũng không hề giấu bí quyết hay ngón nghề nào nhưng vẫn không mấy người theo được lâu dài. Nhưng đặc biệt, ông Sửu có 8 người con, 4 trai, 4 gái thì cả 4 con trai đều học được nghề của ông. Thậm chí, người con cả Nguyễn Văn Anh “còn giỏi hơn cả cha”.

Việc khó nhất để thành thợ đào giếng là phải thở được ở dưới giếng. Ngoài nguy cơ bị ngạt khí, người đào giếng cũng có thể bị vùi do sạt lở hay đá rơi trúng đầu... Theo ông Sửu, đào giếng mà thiếu kinh nghiệm thì cực kỳ nguy hiểm, thậm chí là chết người. Có nhiều cách để làm thoáng khí dưới giếng như dội nước xuống hay buộc cành lá cây tươi kéo lên kéo xuống liên tục. Nhưng vẫn cần một sức chịu đựng giỏi. Những người nhiều kinh nghiệm như ông thường tự nhận biết được giếng nào có nguy cơ bị lở để vừa đào, vừa thả bi, hoặc bỏ hẳn không đào nữa (bi giếng được làm bằng bê tông, chu vi bằng chu vi của miệng giếng, dày khoảng 10 cm, thường cao 0,8-1m đặt xuống giếng, vừa tránh lở đất, vừa đảm bảo vệ sinh).

Cha truyền con nối, Nguyễn Văn Anh (1977) theo cha đào giếng từ năm 12 tuổi, giờ không chỉ đào nhanh, khỏe hơn cả ông Sửu mà anh còn có khả năng đoán được nơi không gặp đá bàn. Ông Sửu kể tiếp, nhà ông Hà ở Phúc Trạch thuê người đào đến gần chục cái giếng vẫn gặp phải đá bàn, đi gặp cả thầy bói, thầy phong thủy nhưng cũng không ăn thua. Đến lúc rao bán vườn thì gặp thằng Anh, nó nói sẽ đào được giếng có nước, ông Hà không tin. Nhưng vẫn thử và nó đào đúng chỗ không có đá bàn thật. Nhiều nhà gặp cảnh đá bàn, khi đào được giếng còn mua bia về mời cả làng đến uống mừng.

Tôi gặp Nguyễn Văn Anh khi đang đào giếng mới cho người cùng xã. Anh chia sẻ: “Thực ra, đá bàn ở dưới đất cũng như núi đá, có nơi cao, nơi thấp. Tôi đoán nơi đá xuống thấp hơn mạch nước để đào, việc đoán định không chắc chắn 100% nhưng lạ là tôi chưa đoán trật lần nào”. Theo Nguyễn Văn Anh, việc đoán ngoài dựa vào cảm tính, cần phải có kinh nghiệm, để đoán được nơi đá xuống thấp cần phải căn vào hướng núi, hướng sông, vào những vị trí đã đào, các giếng khác trong xóm để hình dung các rường đá ở dưới đất mà chọn nơi đào.

“Ngót nghét đã 35 năm tuổi nghề, tôi cũng không còn nhớ mình đã đào được bao nhiêu giếng. Chỉ biết là nhiều lắm, không chỉ ở Hương Khê, tôi còn sang tận Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc để giúp dân đào giếng. Thực ra, cũng nhiều lần tôi nghĩ đến việc bỏ nghề, cũng vài lần quyết định bỏ thật vì nặng nhọc và nguy hiểm quá. Nhưng rồi người ta cứ đến, nài nỉ, làm được mà không giúp thì áy náy, bứt rứt lắm, lại phải tiếp tục sống dưới đất.” - Ông Sửu vừa cười, vừa tâm sự.
(Còn nữa...)
Dương Chiến – Thành Chung
http://baohatinh.vn/

songchungvoi_HIV
23-10-2014, 10:19
(Bài 3): Những người nói hộ tử thi

23-10-2014 09:54 - Theo: baohatinh.vn (http://citinews.net/site/baohatinh.vn/58/)

“Người chết không còn nói được. Nhiều người đang đợi mình nói hộ với gia đình, với pháp luật họ đã chết như thế nào. Có nhiều cái chết oan ức lắm, chúng tôi phải giúp họ nói lên sự thật, đòi lại công lý, có như thế họ mới thanh thản được”.

"Người chết không còn nói được. Nhiều người đang đợi mình nói hộ với gia đình, với pháp luật họ đã chết như thế nào. Có nhiều cái chết oan ức lắm, chúng tôi phải giúp họ nói lên sự thật, đòi lại công lý, có như thế họ mới thanh thản được".

Đó là những lời tâm huyết của cán bộ giám định pháp y thuộc Đội Pháp y sinh vật - Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Tĩnh. Chúng tôi may mắn có được cơ hội gặp gỡ và nói chuyện khi các anh có chút thời gian nghỉ ngơi. Những tâm sự, bộc bạch của các anh giúp chúng tôi hiểu được phần nào sự tâm huyết, tình yêu đối với nghề, những khó khăn trong nghề và cuộc sống thường nhật khi các anh chọn cái "nghiệp" mà ít ai dám làm. Cái nghề mà các anh vẫn thường gọi là "nói hộ cho người đã chết".
<tbody>
http://baohatinh.vn/img/63/t63343.jpg


Bác sỹ pháp y Trịnh Bá Chín (thứ 2 từ phải sang) cùng đội pháp y đang làm xét nghiệm.Ảnh tư liệu

</tbody>
Anh Trịnh Bá Chín (SN 1981), quê ở tận Bắc Giang đã có chục năm làm nghề giám định pháp y. Anh kể, nghề này đến với anh như một cái duyên. Anh vốn theo học chuyên ngành bác sỹ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên (http://citinews.net/phap-luat/ly-ky-hanh-trinh-thoat-khoi--to-quy--ben-tq-cua-nu-sinh-3EGBFWQ/), nhưng ngay từ nhỏ cho đến khi trở thành một sinh viên, anh luôn ấp ủ ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục công an nhân dân. Khi vừa ra trường cũng là lúc ngành Công an Hà Tĩnh có đợt tuyển dụng bác sỹ, anh thấy đây là cơ hội để hoàn thành ước mơ dù trước đó chưa từng nghĩ sẽ trở thành một giám định viên pháp y.

Anh Chín hay cười, nụ cười hiền khô, cách nói chuyện điềm đạm, chúng tôi có cảm giác anh đang tâm sự với những người bạn hơn là đang trả lời câu hỏi của phóng viên. Hơn 10 năm làm nghề, thứ khiến anh ám ảnh nhiều nhất không phải là những xác chết thối rữa, bốc mùi, trương phình… mà là nỗi oan khuất của người chết, là cách giết người man rợ, không tính người của tội đồ. Mỗi xác chết bí hiểm đối với anh là một câu hỏi cần lời giải đáp. Anh sợ không tìm ra được nguyên nhân thực sự của cái chết, không đòi lại được công bằng cho những nạn nhân xấu số. Bởi thế, mỗi lần khám nghiệm là một áp lực nhưng cũng khiến anh quyết tâm, cố gắng hết sức mình. Anh Chín tự hào: "Hơn 10 năm khám nghiệm tử thi, tôi chưa một lần để xảy ra sai sót".

Anh vẫn nhớ như in trường hợp oan khuất của một người phụ nữ xấu số ở xã T.T (Thạch Hà). Người phụ nữ này chết trong nhà tắm, trên người chị nồng nặc mùi thuốc trừ sâu và còn vung vãi khắp sàn. Người nhà ai cũng nghĩ chị tự tử nên nhanh chóng tiến hành chôn cất. 10 ngày sau, khi đã bình tâm trở lại, bố mẹ chị mới nghĩ rằng, con mình không có lý do gì để phải tìm đến cái chết. Ông bà quyết định làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Thời gian chôn cất quá lâu, thi thể đã phân hủy mạnh, tử khí bốc lên nồng nặc nhưng anh Chín vẫn kiên nhẫn mổ xẻ, quan sát từng chi tiết nhỏ trên thi thể.

Sau quá trình khám nghiệm, anh phát hiện nhiều dấu vết của việc ngạt thở dẫn đến tử vong. Từ đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã tìm ra sự thật, chị bị chính người chồng của mình bóp cổ. Thuốc trừ sâu chỉ là màn kịch do người chồng dựng lên nhằm tạo hiện trường giả, hòng qua mặt pháp luật.

Lần khiến anh ám ảnh nhất là khi khám nghiệm cho hàng loạt nạn nhân xấu số trong vụ lật xe khách ở Nghi Xuân 4 năm về trước. "Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nổi da gà. Trước khi trục vớt chiếc xe, tôi đã thấy người thân của các nạn nhân đau đớn, mỏi mòn chờ đợi trên bờ. Thấy cảnh ấy, ai mà không đau xót cho được" - anh Chín kể lại.Các thi thể ngâm dưới nước quá lâu, khi vớt lên thì trương phình, ngay cả những người gần gũi nhất cũng không thể nhận ra. Đến nỗi 2 bé trai, một bé 3 tuổi, một bé chỉ chừng 12 tháng tuổi người nhà cũng không thể phân biệt được. Tất cả mọi ánh mắt đều hướng về anh Chín, chỉ có các biện pháp nghiệp vụ của anh mới xác định được danh tính mỗi nạn nhân. Hôm đó, anh làm việc liên tục từ sáng đến chiều không một phút nghỉ ngơi. Mọi công việc được tiến hành khẩn trương nhưng phải đảm bảo chính xác tuyệt đối. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, anh Chín được Bộ Công an tặng thưởng danh hiệu thanh niên tiêu biểu.

Anh Nguyễn Trí Hoàn (SN 1975) - Đội phó Đội Pháp y sinh vật cũng đến với nghề giám định pháp y một cách tình cờ. Ban đầu, anh Hoàn đi nghĩa vụ công an. Đến năm 1996, anh được cử đi học ngành Y và trở về làm giám định viên pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự.

Anh Hoàn tâm sự: "Có lẽ trời phú cho anh em chúng tôi một tinh thần thép để bám trụ lâu dài với nghề. Chưa lần nào tôi cảm thấy nao núng hay chùn bước trước nhiệm vụ". Cũng là một chiến sỹ công an, mỗi khi có nhiệm vụ thì không kể trời mưa hay nắng, ban ngày hay nửa đêm, ngày thường hay lễ tết, các anh đều phải lên đường. Đối với địa bàn Hà Tĩnh, khí hậu tương đối khắc nghiệt nên giám định viên pháp y gặp nhiều khó khăn hơn, trong khi các tử thi đều phải mổ xẻ ngay tại hiện trường.

Luôn phải đối mặt với nguy hiểm, công việc nặng nề và cực kỳ khó khăn, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết được trách nhiệm và ý nghĩa công việc của giám định viên pháp y. Những con người đáng được coi là anh hùng lại gặp những ánh mắt dò xét, thậm chí có người né tránh vì sợ gặp đen đủi. "Những điều như thế đôi khi cũng khiến chúng tôi buồn lòng, cũng vì thế mà chính tôi cũng giữ khoảng cách với những người xung quanh" - anh Hoàn chia sẻ.

Bằng tình yêu nghề nghiệp, anh Chín, anh Hoàn vẫn khẳng định rằng, dù khó khăn đến đâu, các anh vẫn sẽ gắn bó với nghề. "Mọi người chia sẻ những khó khăn với công việc đặc thù này và có những cái nhìn thiện cảm hơn cũng là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ" - các anh trải lòng.
(Còn nữa...)
Dương Chiến - Thành Chung

songchungvoi_HIV
26-10-2014, 11:00
(Bài cuối): Bóng người ở nghĩa trang…

THỨ SÁU, 09:09 24/10/2014
Không gian tĩnh mịch ở Nghĩa trang liệt sĩ Nầm (Hương Sơn) từng vòng xoáy trôn ốc làm chúng tôi ớn lạnh. Nhưng, ở đó vẫn thấp thoáng bóng người với mái tóc hoa râm, chân tập tễnh lê từng bước, từng bước một để đến phần mộ các anh. Hơn 20 năm lặng lẽ chăm sóc mộ phần của các liệt sỹ, bác Trần Đình Sở (61 tuổi, Sơn Châu - Hương Sơn) vẫn cần mẫn, như một lời tri ân...Từng là công nhân của Lâm trường Cao su Hương Khê nhưng sau khi bị tai nạn lao động, bác Sở xin nghỉ việc mất sức. Cũng từ đó, duyên nợ cuộc đời đã gắn kết bác với các liệt sĩ yên nghỉ ở Nghĩa trang Nầm khi được là người duy nhất chăm sóc, khói hương cho hơn 1.200 mộ phần ở đây. Mang trong mình thương tật vĩnh viễn, nhưng kể từ năm 1993 đến nay, bác Sở gắn bó với Nghĩa trang Nầm, làm cho không gian nơi đây vơi bớt phần quạnh quẽ…
<tbody>
http://baohatinh.vn/img/63/t63415.jpg (http://baohatinh.vn/news/xa-hoi/tran-gian-co-lam-thu-nghe-bai-cuoi-bong-nguoi-o-nghia-trang/87962)



Mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, bác Sở lên xuống 182 bậc cầu thang dốc đứng ở Nghĩa trang Nầm để chăm sóc các phần mộ liệt sỹ.


</tbody>
Công việc của người quản trang tưởng chừng rất đơn giản, chỉ là chăm sóc, lo nhang khói cho các ngôi mộ, thế nhưng, có tiếp xúc, trò chuyện mới hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề “canh giấc ngủ ngàn thu”. Bác Sở tâm sự: Những ngày đầu mới đến đây, phải đi tuần một mình vào ban đêm, đối diện với hàng trăm ngôi mộ, sợ lắm chứ, nhiều lúc muốn bỏ công việc nhưng có một điều gì đó cứ níu kéo. Lâu dần cũng quen và bác luôn tâm niệm rằng: “Các liệt sỹ sống mãi trong lòng người đang sống, trong lòng quê hương, đất nước. Hơn ai hết, phải luôn thấy các anh vẫn sống bên mình…”.Ròng rã hơn 20 năm, cuộc sống của bác Sở dường như chỉ xoay quanh những ngôi. Dần dần, bác thuộc tên và vị trí từng ngôi, thuộc cả quê quán lẫn ngày hy sinh của các liệt sĩ. Mỗi ngày, bác cặm cụi một mình ở nghĩa trang rộng gần 5 ha này. Bác cho biết: để quét sạch lá cây rơi vãi trong khuôn viên nghĩa trang phải mất hơn một buổi; làm cỏ, chăm sóc cây và lau bụi trên các ngôi mộ cũng mất ngần ấy thời gian. Quanh đi quẩn lại, ngày này qua tháng khác, bác Sở vẫn làm việc cần mẫn bên cạnh mộ phần các anh.182 bậc cầu thang dốc đứng đưa chúng tôi đến bàn thờ chính đầy trang nghiêm, tứ phía là những mộ phần được sắp xếp ngay ngắn, hướng về phía ban thờ. Cùng leo cầu thang, những thanh niên trẻ như chúng tôi chỉ chực hụt hơi, thở dốc nhưng đôi chân tập tễnh của bác Sở vẫn như không hề biết mỏi. Bác Sở trải lòng: “Trước đây, nghĩa trang không có hàng cây xanh mướt hai bên như ri mô, sau khi nhận giống cây, bác đã tận tay trồng và chăm sóc từng cây một, xách từng xô nước bước qua 182 bậc cầu thang để tưới. Nghĩ lại chắc các anh phù hộ cho mình sức khỏe các cháu à!”.
<tbody>
http://baohatinh.vn/img/63/t63416.jpg (http://baohatinh.vn/news/xa-hoi/tran-gian-co-lam-thu-nghe-bai-cuoi-bong-nguoi-o-nghia-trang/87962)



Cặm cụi bên những ngôi mộ chưa rõ tên tuổi, bác Sở luôn đau đáu một điều: "Mong sao những ngôi mộ này có tên để được thân nhân hương khói đầy đủ”.


</tbody>
Trong không gian hoang hoải, rợn ngợp chỉ một người dương và hơn một nghìn người âm, nhưng ở đó vẫn có những câu chuyện về nhân tình thế thái, về cuộc sống chộn rộn ngoài kia. Bác kể, quanh quẩn suốt bên các anh, nhiều khi buồn quá lại trò chuyện với những ngôi mộ như trò chuyện với người còn sống. Chỉ thấy giữa khung cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, tít tắp mộ bia, thăm thẳm đất trời, âm dương như giao hòa mà lời trò chuyện như đồng cảm, sẻ chia…Ở nghĩa trang lâu năm, bác may mắn chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính ở hai thế giới âm, dương. Có những cựu chiến binh tóc bạc trắng, da đầy nốt đồi mồi vẫn dầm mình dưới mưa để thắp hương cho bằng hết những đồng đội, mới chịu về. Họ vừa thắp hương, vừa khóc, nước mắt hòa vào nước mưa chảy xuống những ngôi mộ đá. Những nén hương run run trong tay những người lính già chưa kịp cháy đã tắt ngay trong mưa, nhưng tình đồng đội thì sưởi ấm cả khuôn viên nghĩa trang.Từng chứng kiến những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhiều người mẹ đi tìm con, anh chị đi tìm em, vợ đi tìm chồng, bác Sở bùi ngùi: “Đã quen rồi, không khóc, nhưng trong lòng đắng nghẹn”. Đôi mắt xa xăm nhìn về phía những ngôi mộ chưa có tên, bác Sở tâm sự: “Mong sao những phần mộ này được gắn tên để người nhà dễ tìm”.Những tia nắng yếu ớt cuối mùa dần nhường chỗ để màn đêm buông xuống. Từng đợt gió mơn man cuốn theo làn hương như mời gọi chúng tôi nán lại thêm nữa… Đã bước qua tuổi xế chiều, tấm thân gầy còm bắt đầu rệu rã, nhưng lòng thiện nguyện của người quản trang vẫn không hề lụy tắt. “Hơn 20 năm gắn bó, nếu giờ vì lý do sức khỏe mà phải xa các anh, chắc cũng phải mất nhiều thời gian để bác tập làm quen các cháu à” - bác Sở nuối tiếc…
Dương Chiến - Thành Chung

http://baohatinh.vn/