PDA

View Full Version : Cơ sở dệt chiếu 30 năm giúp đỡ người sau cai nghiện



songchungvoi_HIV
22-10-2014, 16:00
Thứ tư 22/10/2014 15:00
Tại tỉnh Đồng Tháp, có một cơ sở dệt chiếu 30 năm nay đã hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

Đó là cơ sở dệt chiếu Hồng Hiệp có trụ sở tại 177/4, ấp Khánh Hoà, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chiếu cao cấp do cô Trần Thị Ngọc Điệp làm chủ.
Cơ sở Hồng Hiệp từ lâu đã được các cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, người dân địa phương cũng như nhiều gia đình có người nghiện ma tuý biết đến vì những đóng góp tích cực trong việc dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Cơ sở Hồng Hiệp được thành lập vào năm 1981. Cô Điệp khi đó là cán bộ phụ nữ phường. Trước tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ tại địa phương, lao động thiếu việc làm dẫn đến phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, cô đã cùng gia đình thành lập tổ hợp gia công sản xuất chiếu lát để giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo không có việc làm và một số anh chị em trở về từ trại phục hồi nhân phẩm (nay là Trung tâm Chữa bệnh -Giáo dục- Lao động xã hội). Nhiều người, trong đó có các học viên sau cai nghiện đã được nhận vào cơ sở Hồng Hiệp, có thu nhập ổn định.

<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/tranthitiep/2014_10_22/images.jpg


Cơ sở dệt chiếu Hồng Hiệp đã 30 năm giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý- Ảnh minh hoạ

</tbody>
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ năm 1994, cơ sở Hồng Hiệp đã cùng với Trung tâm Chữa bệnh -Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh Đồng Tháp mở lớp dạy nghề dệt chiếu tại Trung tâm. Đối với các học viên sau khi chấp hành xong Quyết định cai nghiện tại Trung tâm trở về cộng đồng sẽ được nhận vào làm việc tại cơ sở Hồng Hiệp để ổn định cuộc sống.
Đặc tính công việc của nghề dệt chiếu là mỗi khung dệt phải có hai người cùng làm. Do yêu cầu tay nghề, 2 người sau cai nghiện không thể cùng đứng một máy mà cần có một lao động chuyên nghiệp hỗ trợ và giúp đỡ. Nhưng do sức khoẻ của người sau cai nghiện và ý thức chấp hành kỷ luật của họ nên ban đầu lao động chuyên nghiệp không chịu làm chung với anh chị em học viên sau cai nghiện. Chính vì vậy, nhiều người sau cai nghiện đã chán nản, bỏ việc và quay trở về với con đường cũ.
Đứng trước khó khăn đó, cô Điệp đã trăn trở rất nhiều, ngoài việc nói chuyện với các công nhân chuyên nghiệp để họ thông cảm và giúp đỡ người sau cai nghiện, cô còn tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho các học viên sau cai nghiện để họ bắt kịp với nhu cầu của công việc.
Đến năm 1999, cơ sở chế tạo thành công máy dệt chiếu chỉ cần một người đứng dệt. Việc này không những nâng cao năng suất lao động mà còn còn tạo điều kiện cho các công nhân là người sau cai nghiện.
Như vậy, sau thời gian được học nghề dệt chiếu tại Trung Tâm, khi trở về cộng đồng, học viên nếu có nhu cầu vào làm việc sẽ được cơ sở tiếp nhận và chỉ cần vài ngày làm quen với máy dệt chiếu đã có thể sản xuất ra chiếc chiếu hoàn chỉnh với thu nhập không kém các công nhân khác. Với thời gian làm việc 8 giờ/ ngày, thu nhập bình quân của các công nhân tại cơ sở Hồng Hiệp từ 2 đến 3 triệu/tháng.
Với những người thợ lành nghề, cơ sở đã tạo điều kiện cho đem máy về nhà làm. Cơ sở chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên liệu và thu hồi thành phẩm tại nhà.
Với những người có khả năng, cô Điệp tạo điều kiện bán máy trả góp trên cơ sở hợp đồng nguyên liệu và mua lại thành phẩm.
Từ khi được thành lập đến nay, hàng năm, cơ sở tiếp nhận và giải quyết công việc thường xuyên từ 5 đến 10 lao động là học viên sau cai.
Qua 30 năm gần gũi và tiếp xúc với anh chị em trở về từ trung tâm, cô Điệp cho hay, các anh chị em được sự động viên giúp đỡ của gia đình và thực sự quyết tâm xây dựng lại cuộc sống phần lớn đã tái hoà nhập cộng đồng dễ dàng, năng suất lao động không thua kém lao động bình thường. Thậm chí một số thành viên có ý kiến sáng tạo giảm thao tác thừa nâng cao năng suất thu nhập tăng hơn bình thường.
Thời gian tới, cô Điệp vẫn sẽ tiếp tục đón nhận tất cả lao động là người sau cai nghiện vào học nghề và làm việc nếu họ có nhu cầu.

Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/