PDA

View Full Version : Những bất cập đằng sau một chính sách



songchungvoi_HIV
23-10-2014, 08:08
23-10-2014 07:22 - Theo: www.voh.com.vn (http://citinews.net/site/www.voh.com.vn/63/)

Kể từ khi Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7/2013, thay vì bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính phạt tiền 300.000 đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định số 29/2014/QĐ-TTg giúp người bán dâm hoàn lương được hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh.
http://www.voh.com.vn/uploads/Image/2014/10/22/gaimaidam.jpg
Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ giúp người bán dâm hoàn lương được hỗ trợ tín dụng để sản xuất, kinh doanh. (ảnh minh họa: ANTĐ )
Tuy vậy, ngay khi quyết định này áp dụng vào thực tế, đã này sinh không ít bất cập.Tính ưu việt của Quyết định 29 là mức cho vay sẽ căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình. Người được vay không cần phải thế chấp với mức vay tối đa là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để được vay, người vay cần phải có giấy xác nhận không còn hành nghề nữa. Sau hơn hai tháng thực hiện, hầu như không ai tự nhận mình là gái mại dâm tìm đến chính quyền địa phương xin giấy xác nhận để được vay vốn. Chị Linh, một người chuyển giới đang hành nghề cho biết: "Đối với những người làm nghề này họ sẽ không bao giờ cho người khác biết mình là gái mại dâm, trừ khách hàng của họ. Hơn nữa, đa số người làm nghề này đều từ quê lên TPHCM, phải tìm đến đâu để xin giấy xác nhận không còn hành nghề."
Về mức tiền cho vay từ 20 - 30 triệu đồng, ở khu vực nội thị người vay cũng có thể xoay sở tìm nghề phù hợp để đầu tư. Thế nhưng, chị Nguyễn Thúy An, một người hoàn lương cho biết : vay được tiền cũng rất khó vì chính quyền không tin mình có khả năng trả nợ, rồi địa chỉ tạm trú không rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng can thiệp Giảm tác hại - Uỷ ban Phòng chống AIDS TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận: làm thế nào để xác nhận họ đã từng bán dâm và ai sẽ là người xác nhận họ đã làm việc ấy? "Nhận được vài triệu mà khai báo mình làm gái mại dâm, sẽ không ai nhận. Vì nó quá bất cập. Nên chăng có sự tham gia của nhóm đồng đẳng hoặc nhóm công tác xã hội biết được người này đã hành nghề mại dâm và muốn hoàn lương. Những hoạt động nhóm này sẽ hiệu quả hơn nhiều, vậy tại sao lại phải ra phường xác nhận là gái mại dâm?".
Bên cạnh những bất cập trong việc xác định nhân thân người bán dâm, cũng có ý kiến cho rằng, với mức vay 20-30 triệu đồng so với mức thu nhập hiện có của người hành nghề mại dâm là khá thấp, khó thuyết phục được họ hoàn lương. Chị Trần Thị Mỹ Nga, từng làm nghề thẳng thắn "Vay như vậy người ta có bắt phải thế chấp hay phải lên kế hoạch vay thế nào không? 20 triệu không thấm vào đâu. Đơn giản như gái đường phố và gái nhà hàng. Nếu đứng ngoài đường, họ có thể kiếm được 300 ngàn đồng/ngày. Còn gái nhà hàng ngoài tiền bo là 200 đến 300 ngàn đồng /ngày, chưa kể tiền đi khách có thể từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/ngày, thì thu nhập khoảng 1 triệu/ngày".
PGS.TS Chung Á- Thành viên tổ chuyên gia của Chủ tịch UBPC AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm cho rằng: "Có người chê bảo 20 triệu mà cho gái mại dâm vay thì không ai vay, nhất là bắt phải xác nhận nhân thân đã hoàn lương. Tất nhiên, những vướng mắc này phải gỡ dần nhưng đây là một quyết định nhân đạo hỗ trợ không chỉ cho người bán dâm mà cả những người nhiễm HIV, những người sử dụng ma túy và từ bỏ ma túy. Với 20 triệu đồng nếu người ta chịu khó làm ăn thì có thể thoát được nghèo".
Song song đó, cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại vì không chắc số tiền được hỗ trợ ưu đãi có được sử dụng đúng mục đích ? Bà Hàng Thị Xuân Lan - PGĐ Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống chỉ ra việc cần phải có chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề, tiếp đến mới hỗ trợ tín dụng. "Mình trao tiền cho họ nhưng không hướng dẫn những kỹ năng mềm như cách sử dụng, cách buôn bán, hay cách như thế nào để tiết kiệm, cách nào để thay đổi hành vi, thái độ..Bây giờ đưa 20 triệu, thậm chí cả trăm triệu rồi cũng sẽ hết. Nhà nước mình đã làm được một bước rất tốt, tuy nhiên bên cạnh đó phải xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực cho chính những người này".
Thừa nhận các biện pháp phòng chống mại dâm trong các văn bán pháp luật hiện nay chưa thực sự phù hợp và chưa phát huy được hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Nguyễn Trọng Đàm (http://citinews.net/xa-hoi/ho-ngheo--bot-ba-them-mot-SL6QXHA/) cho rằng: Ngoài chính sách vay vốn hoàn lương, để phòng ngừa tệ nạn mại dâm trước mắt cần tập trung vào tuyên truyền, dạy nghề, tạo việc làm, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng: "Một người hành nghề mại dâm bây giờ ra đăng ký với chính quyền cam kết từ bỏ nghề, đó là đủ điều kiện hỗ trợ cho họ vay vốn. Có cam kết với chính quyền để chính quyền xác nhận chuyển sang ngân hàng chính sách vay vốn. Vì quy định này còn mới nên thực hiện như vậy một thời gian, nếu nó thực sự là rào cản thì chúng ta cần phải sửa để tìm ra các quy định cho phù hợp".
Bài toán giải quyết nạn mại dâm tận gốc rễ vẫn còn khá nan giải, vì cần phải tìm lời giải cho hai mệnh đề: xác nhận nhân thân và số tiền được vay như thế nào là phù hợp. Xem ra chặng đường "hoàn lương" của những cô gái mại dâm sẽ là một câu chuyện dài, đòi hỏi sự kiên trì và sự chung tay góp sức của toàn XH chứ không chỉ đến từ Quyết định số 29 - giúp người bán dâm hoàn lương có cơ hội làm lại cuộc đời.
Phương Dung