PDA

View Full Version : Học “chiêu” giữ mình



Charles
26-10-2014, 10:10
Học “chiêu” giữ mình

26-10-2014 06:50:01
PN - Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã tự tay dựng 12 clip hướng dẫn nữ sinh cách phòng, chống “yêu râu xanh” và soạn rất nhiều bài chỉ bảo nữ sinh bảo vệ “cái ngàn vàng”. Những phụ huynh muốn dạy con cách tự bảo vệ, nhưng lúng túng trong phương pháp có thể tham khảo những “chiêu” rất cụ thể và dễ thực hiện của thạc sĩ Hiếu.

PV: Vì đâu mà thạc sĩ đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho trẻ, nhất là trẻ em gái cách giữ mình?

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình, mỗi phụ nữ Việt Nam phá thai đến 2,5 lần trong đời. Con số đó khiến ai nghe cũng lo ngại. Mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt đối với những em ở tuổi vị thành niên là hậu quả đau lòng đến từ sự thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng giữ mình. Bắt tay vào làm, tôi cảm giác ở Việt Nam, việc giúp giới trẻ trang bị mảng kiến thức này hầu như “vùng trắng”. Điều đó khiến tôi bỏ nhiều tâm huyết và thời gian hơn cho việc này. Tuy nhiên, một mình tôi làm cũng chẳng thấm vào đâu, tôi mong muốn mỗi phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên nghiêm túc trong suy nghĩ và dứt khoát trong hành động để giúp con em mình có vốn hiểu biết, kỹ năng nhất định.

* Học sinh, đặc biệt là nữ sinh đang thiếu nhừng kỹ năng gì để giữ mình?

- Trong các kỹ năng, kỹ năng thoát hiểm là quan trọng nhất, nhưng trường học chưa dạy, hầu như phụ huynh cũng bỏ ngỏ. Bởi, thẳng thắn mà nói, chính cha mẹ cũng mù mờ về kỹ năng thoát hiểm, thì làm sao có thể hướng dẫn con? Do vậy, cha mẹ cũng cần tìm hiểu, học hỏi để hướng dẫn cho con. Rõ ràng, một nữ sinh có chút “vốn” kỹ năng thoát hiểm lận lưng, khi gặp “yêu râu xanh” sẽ bình tĩnh, tự tin, sáng suốt hơn. Đôi khi, chỉ nhờ 10 phút tìm hiểu cách thoát hiểm mà cứu được cả cuộc đời của mình.

* Thạc sĩ có thể chia sẻ những kỹ năng thoát hiểm đơn giản, hiệu quả mà phụ huynh có thể hỗ trợ cho trẻ?

- Cha mẹ có thể cho con gái đi học võ. Nếu không có điều kiện học nhiều, các em chỉ cần tập trung học một số thế võ tự vệ và thoát khỏi nguy hiểm. Chỉ cần bỏ ra vài tuần hoặc một tháng để học là “đủ xài”. Ví dụ như khi bị nắm chặt tay thì phải làm sao để thoát ra; khi bị kẻ khác đè, ngồi lên người, phải làm gì để lật ngược tình thế. Hành động dứt khoát thế nào để một, hai đòn là có thể thoát. Con gái tay yếu chân mềm, sức không bằng con trai thì phải có kỹ thuật, “chiêu” để bù lại. Trong trường hợp bị kẻ xấu khống chế, có thể giả vờ đồng thuận, thậm chí tỏ ra vồ vập, cởi áo đối phương (nhưng chỉ cởi vài ba cúc áo, để áo rớt xuống khuỷu tay), kéo quần đối phương xuống ngang đầu gối, bất ngờ đá liên tục và dứt khoát vào “chỗ hiểm” của hắn rồi vùng chạy. Kẻ xấu vừa bị đau, vừa vướng chân tay nên không thể đuổi theo.

Nếu nạn nhân chọn phương án bỏ chạy, cần dành vài giây quan sát trước địa bàn: chạy hướng nào để thoát? Trường hợp thấy gần đó có nhà sáng đèn, nên chạy thẳng vào; hoặc chạy về phía có người. Trường hợp không tìm được hướng chạy, nên chọn phương án khác, bởi khi chạy mà không thoát, sẽ khiến “yêu râu xanh” điên tiết mà có những hành vi tàn ác. Có thể quan sát xung quanh chỗ đứng xem có cục gạch, cục đá, khúc gỗ gì đó, giả vờ đồng ý rồi dùng vật cứng đánh, gây choáng cho đối thủ, sau đó mới chạy...


http://image.phunuonline.com.vn/news/2014/20141024/fckimage/7-1.png

* Dẫu sao, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống?

- Đúng vậy. Cha mẹ phải trang bị được cho con tư tưởng luôn phòng vệ, biết nhận diện vùng nguy hiểm để tránh. Bởi, dù được trang bị kỹ năng tốt đến mức nào, việc thoát hiểm cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Nhiệm vụ của người mẹ là thủ thỉ với con gái về những nội dung như: con gái sống xa gia đình cần kiểm tra chỗ ở của mình an toàn, cẩn thận cửa nẻo. Khi dự tiệc, có nên dùng rượu bia hay không? Về trễ, cần biết nhờ ai đủ tin cậy để đưa về. Nếu lỡ việc gì đó đến khuya, nên liều mình về nhà một mình hay vào khách sạn ngủ? Nên mạnh dạn vào khách sạn, bởi không ai bảo vệ tốt nhất cho mình bằng việc mình tự bảo vệ. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần cảnh báo cho con gái biết thông tin: những đối tượng quấy rối, xâm hại tình dục đến từ chính gia đình của mình chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các đối tượng ngoài đường. Vì vậy, các bạn gái cần giữ khoảng cách cần thiết đối với những người khác giới trong chính gia đình mình.

* Nhưng đa phần bạn gái “đánh mất mình” không phải do “yêu râu xanh”, mà do bạn trai của mình, nhiều trường hợp chỉ là mối tình học trò nhưng “sinh chuyện”. Làm sao để giúp con vượt qua được “cửa ải” này?

- Hãy tận dụng sự gần gũi, thân tình, kiên trì làm “công tác tư tưởng” cho con. Người mẹ phải bày cho con những “chiêu” cụ thể. Trước tiên, dạy con gái cách tôn trọng bản thân từ khi còn nhỏ, giúp con gái ý thức được giá trị cao quý về thân thể. Mẹ cần biết cách dẫn dụ cho con hiểu giá trị của sự trong trắng. Ngoài ra, người mẹ phải chỉ ra được việc mang thai ngoài ý muốn sẽ để lại tác hại thế nào cho đời con gái, như có thể phải bỏ học, nạo thai gây đau đớn, có thể bị vô sinh, xấu hổ với bạn bè... Khi biết cụ thể, người trong cuộc mới sợ mà tránh.

Khi đã được trang bị tư tưởng vững vàng rồi, mẹ cần dạy con gái thêm một số “chiêu lẻ” khác để giữ mình. Ví dụ, chàng “đòi”, nàng bảo hôm nay em “có tháng” rồi. Lần khác thì bảo “em đau bụng, choáng váng quá, chắc em sắp xỉu”. Chàng nài nỉ, ép buộc quá thì nàng “hỏi khó”: “Anh hãy cho em biết, anh thương cái gì của em? Anh trả lời được thì em “cho”. Gay cấn quá, nàng có thể “ngửa bài”: “Được, em tặng anh 16 năm tù nhé?”.

* Ngoài trang bị cho con “bộ” kỹ năng như trên, cha mẹ cần giúp con gái thêm điều gì?

- Cần thủ sẵn bao cao su cho con để đảm bảo con mình không phải lãnh hậu quả đáng tiếc. Tôi biết, khi tôi nói điều này, nhiều phụ huynh không đồng ý vì cho rằng như thế là “vẽ đường cho hươu”. Nhưng phụ huynh cần nhìn rộng vấn đề ra, cân đối mất- được để thay đổi quan điểm. Việc trang bị bao cao su cho con giống như chuyện đi xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm. Khi đội nón bảo hiểm, đâu ai muốn tai nạn xảy ra, nhưng là để phòng lúc xảy ra tai nạn. Đưa bao cao su cho con, đồng thời trang bị kiến thức là cho con điều kiện cần và đủ để con được an toàn.

* Xin cảm ơn thạc sĩ.

Trần Dũng (thực hiện)

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/hoc-chieu-giu-minh/a130705.html