PDA

View Full Version : 7 lần mất con, mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng



songchungvoi_HIV
02-11-2014, 08:23
<time style="box-sizing: border-box; float: left; font-style: italic; color: rgb(85, 85, 85); font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 13px; line-height: 18.2000007629395px;">Chủ Nhật, ngày 2/11/2014 - 06:28</time>

ANTĐ - Bà Hồng không may mắn được hưởng hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là làm mẹ, bởi sau 7 lần sinh nở thì những đứa con đều bỏ bà ra đi. Thế nhưng đến bây giờ khi nhắc đến gia đình bà, hàng xóm láng giềng vừa thông cảm, vừa trầm trồ thán phục. Bà đã dẹp tự ái cá nhân sang một bên, tự mình mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng để ông được hưởng hạnh phúc làm cha, và suốt mấy chục năm qua, gia đình “một ông, hai bà” ấy dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng hiếm khi nghe tiếng cãi vã.



http://www.anninhthudo.vn/uploaded/2014_10_31/wwqthoi-vo-cho-chong_hiwj123.jpg?width=500



7 lần mang nặng đẻ đau vẫn không được làm mẹ

Cũng như những cặp trai gái khác, đến tuổi 18, đôi mươi, ông Nguyễn Văn Thục và bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Trung Hưng, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng tìm hiểu và nên vợ, nên chồng. Rồi bà Hồng mang thai đứa con đầu lòng sau đó không lâu. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, được 7 tháng thì đứa bé đã chào đời và chỉ sống thêm được vài giờ nữa. Mất con, đó là sự đau đớn tột cùng của người làm cha, làm mẹ, nhưng ông bà đâu ngờ đó chỉ là khởi đầu của những chuỗi đau thương, mất mát mà họ phải gánh chịu. Liên tục từ năm 1976 đến năm 1983 bà lần lượt mang thai 7 lần và cũng chừng ấy lần ông bà phải gói ghém những hài nhi mình dứt ruột đẻ ra đưa về lòng đất. Có đứa sinh non quá ra đến nơi đã mất, có đứa thì sống được vài giờ cũng không trụ lại với ông bà được.

Đau khổ và ám ảnh, nhưng khao khát làm mẹ, làm cha nên ông bà vẫn tìm đủ thuốc thang và cố gắng sinh con. Bà bảo hồi ấy y học chưa tiến bộ, lại toàn đẻ ở trạm xá chứ nếu hiện đại như bây giờ có khi các con bà vẫn có cơ hội sống. Hồi ấy bà nghĩ trên đời chắc chỉ có mình khổ sở đến vậy, là người phụ nữ mang nặng đẻ đau, thắc thỏm hi vọng để rồi các con cứ lần lượt bỏ mình ra đi.

Ông Thục thì chỉ biết động viên bà, rồi làm lụng dành dụm được bao nhiêu lại đưa vợ đi khắp nơi chữa trị. Người ta bảo bà bị sa dạ con, nhưng chữa nhiều nơi mà cũng không được. Bà Hồng chỉ biết oán thán số phận vì quá khổ về đường con cái. Thương phận mình, xót con đã đành, nhiều người ác khẩu lại còn bàn ra tán vào, bảo ông bà kiếp trước chắc có nợ nần gì nên kiếp này phải trả, bà Hồng càng đau thắt ruột. Không chỉ đau cho mình, bà còn mang nỗi dằn vặt, thương người chồng vì trót lấy mình mà không được hưởng hạnh phúc làm cha. Dù ông Thục luôn động viên vợ nhưng bà biết ông đang rất khao khát một đứa con. Ở làng quê thế này, không có con là một nỗi nhục lớn lắm, đi đến đâu cũng nghe lời ra tiếng vào. Nhiều người thấy bà Hồng không thể sinh con thì gợi ý ông Thục bỏ vợ lấy người khác hay đi “gửi” một ai đó, nhưng nghĩ đến người vợ tảo tần khổ sở, lương tâm ông không cho phép.

Mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng

Năm 1978, chiến tranh biên giới nổ ra, theo lệnh tổng động viên, ông Thục lên Lạng Sơn tham gia phục vụ chiến dịch. Tại đây ông gặp cô dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Minh là người cùng xã. Bà Minh vốn là người hiền lành, nhưng ít nói, ngại giao tiếp, có lẽ vì như vậy nên gần 30 tuổi mà bà vẫn chưa có chồng. Hồi ấy như thế đã bị gọi là quá lứa lỡ thì rồi. Thời gian tham gia chiến dịch, tiếp xúc với nhau, ông Thục và bà Minh ngày càng cảm thấy gần gũi, tâm đầu ý hợp. Nhưng vì những rào cản vô hình, vì thương vợ ở quê nên họ chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè, anh em.

Khi ông Thục hết nghĩa vụ trở về quê hương, bà Hồng lại tiếp tục mang thai nhưng cũng như những lần trước, bà không giữ được con. Tuyệt vọng và thương chồng, ý định tìm vợ hai cho ông ấp ủ bấy lâu lại được bà đề xuất. Lúc này, ông Thục mới… mạnh dạn đồng ý. Và người mà bà Hồng quyết định “hỏi” cho ông Thục chính là bà Minh. “Tôi cũng mất nhiều đêm suy nghĩ, dằn vặt lắm, bỏ nhau thì không đành, vì vợ chồng còn nặng nghĩa, thôi thì đành chịu kiếp chung chồng” - bà Hồng tâm sự.

Hôm ấy, ông Thục lọc cọc chở vợ trên chiếc xe đạp cà tàng sang làng bên để “tìm hiểu” bà Minh. Thấy vợ chồng ông Thục sang, bà Minh cũng có phần bất ngờ, ngồi nói chuyện một hồi thì bà Hồng trình bày, đặt vấn đề mong muốn bà Minh về làm vợ lẽ để sinh con cho ông Thục. Mới đầu bà Minh cũng giận lắm, nghĩ rằng bà Hồng cố tình đem chuyện “quá lứa lỡ thì” của mình ra làm trò đùa. Sau bà Hồng tâm sự nỗi khổ của mình thì bà Minh mới biết đó là nguyện vọng thực sự của hai ông bà và càng thương cảm với hoàn cảnh của bà Hồng. Sau ít ngày suy nghĩ, bà Minh đã đồng ý về làm vợ lẽ ông Thục mặc mọi lời bàn tán, can ngăn của họ hàng, chòm xóm.

“Cướp” bà hai từ… trạm xá

Hôm lễ ăn hỏi, chính bà Hồng là người mang lễ đại diện cho họ nhà trai sang nhà bà Minh. Mới đầu nhà gái nhận lễ, nhưng được mấy hôm thì lại bất ngờ sang trả lễ. Sở dĩ vậy vì gia đình, họ tộc bàn bạc, nghĩ chắc chắn đời bà Minh sẽ khổ khi phải chịu cảnh chung chồng. Bà Minh thì cũng buồn nhưng không dám trái ý gia đình. Mọi việc ngỡ tưởng bị đổ vỡ, chưa có hướng giải quyết thì ông Thục lại bị gọi lên Lạng Sơn công tác. Nhân dịp này, bà Minh đã quyết định bắt tàu lên thăm ông…

Dù chuyện “đã lỡ”, nhưng mãi mấy tháng sau, bố bà Minh mới “hạ hỏa”, gạt bỏ định kiến gọi hai người về cưới hỏi đàng hoàng. Thế là mấy hôm sau, một đám cưới đầy đủ nghi thức đã được diễn ra. Dù hàng xóm, họ hàng đến chúc mừng đông đủ, nhưng những người trong cuộc vẫn không khỏi ngậm ngùi.

Tuy đã làm đám cưới đàng hoàng, nhưng nghĩ cảnh con gái về làm lẽ, nhà gái vẫn nhất quyết không cho bà Minh về ở chung với vợ chồng ông Thục, bà Hồng. Nhà gái tuyên bố rằng phải đến khi nào bà cả mất thì mới cho bà Minh về nhà chồng. Nghĩ tới nghĩ lui, bà Hồng bàn với chồng khi nào bà Minh sinh con trên trạm xá xong, hai vợ chồng bà sẽ đến sớm để đón luôn mẹ con bà Minh về nhà chăm sóc chứ không để nhà ngoại đón về bên ấy. Thế là đúng kế hoạch, sinh con xong bà Minh được đón thẳng về nhà chồng trong sự ngỡ ngàng của gia đình bà Minh. Chuyện đã rồi nên gia đình nhà bà Minh đành phải chấp nhận.

Những ngày đầu trong cảnh chung chồng cũng có chút ngượng ngùng, có điều ra tiếng vào, nhiều người còn có ý tò mò, soi xét “để xem nó đối xử thế nào với vợ lẽ của chồng” nhưng bà Hồng gạt ngoài tai, tự tay chăm bẵm cho bà Minh, tắm rửa bế ẵm đứa con bà mới sinh khiến nhiều người không khỏi cảm động, thán phục. Dần dần, cha mẹ, họ hàng nhà bà Minh hiểu được tấm lòng của bà Hồng, họ mới nguôi ngoai dần. Bà Minh lần lượt sinh cho ông Thục 3 người con, 1 trai, 2 gái.

Xóa bỏ định kiến

Có lẽ thời gian đã đem đến câu trả lời xác đáng nhất cho tấm lòng của hai người phụ nữ trong gia đình ấy. Dù hạnh phúc của họ phải san sẻ cho nhau, nhưng suốt mấy chục năm qua, họ luôn nhường nhịn, cư xử có trên, có dưới, cùng nhau chăm lo cho ba đứa con, coi chúng đều là con chung chứ không của riêng ai. Nhắc lại chuyện xưa, ông Thục bùi ngùi: “Hồi xưa kinh tế khó khăn lắm, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hòa thuận cùng làm ăn xây dựng cơ ngơi. Lúc thì bà Hồng ở nhà chăm lo việc cửa nhà, tôi và bà Minh đi xây khắp nơi, khi thì bà Minh ở nhà chợ búa để tôi và bà Hồng đi làm. Rồi cái cảnh khi trời mưa, nước chảy vào nhà, hai người bế con, một người tát nước, khổ lắm nhưng chúng tôi vẫn phải vượt qua để có được ngày hôm nay”.

Đến bây giờ, 3 người con của họ đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình và có hiếu nghĩa, nhưng tất cả đều không phân biệt ai là mẹ thật, ai là mẹ “hờ”. Bà Hồng khoe rằng mới đây khi anh con trai cả mới sinh con, chính bà đã lên tận huyện miền núi xa xôi hàng mấy trăm cây số để chăm con dâu và cháu. “Cuộc sống thế này với tôi là viên mãn lắm rồi, không ước mơ gì hơn. Tôi không đẻ được con, nhưng luôn coi ba đứa như con mình và chúng cũng hiếu thảo với tôi không khác gì mẹ đẻ” - bà tâm sự.
Linh Nhật
http://www.anninhthudo.vn/