PDA

View Full Version : Cần hỏi về HIV và công việc nghề nghiệp!!!



sulphate
17-03-2015, 11:04
Cho Mình hỏi là. Người bị nhiễm HIV có bị giới hạn về công việc và nghề nghiệp được làm ko a?
Và nếu có thì đó là những nghề và công việc nào? Xin cam ơn ạ.

SangLumia
17-03-2015, 11:10
Cho Mình hỏi là. Người bị nhiễm HIV có bị giới hạn về công việc và nghề nghiệp được làm ko a?
Và nếu có thì đó là những nghề và công việc nào? Xin cam ơn ạ.
theo mình biết nếu người nhiễm HIV nếu có điệu trị HIV, thì vẫn sinh hoạt bình thường, ko giới hạn công việc... HIV giờ là căng bệnh mãn tính rồi....

HIV/AIDS
17-03-2015, 11:13
về mặt pháp luật thì người nhiễm hiv có thể làm tất cả mọi công việc ở các công ty như một người bình thường, bạn có thể tham gia các clb người có H , ở đó bạn sẽ có cơ hội giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về các công việc với những người cũng như bạn , chúc bạn luôn mạnh mẽ và tìm được công việc phù hợp

Tuanmecsedec
17-03-2015, 11:21
Cho Mình hỏi là. Người bị nhiễm HIV có bị giới hạn về công việc và nghề nghiệp được làm ko a?
Và nếu có thì đó là những nghề và công việc nào? Xin cam ơn ạ.


Quyền của người sống chung với HIV theo pháp luật Việt Nam


1.Quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử.

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ kinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV; Còn phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

Liên quan đến vấn đề trên, những người sống chung với HIV bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật với mọi công dân khác, xuất phát từ các qui định được ghi nhận trong Điều 52 Hiến pháp năm 1992 và các Luật có liên quan.

Cụ thể hóa các qui định trên, Khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Khoản 4 Điều 3 Luật này nêu rõ, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ là một trong bốn nguyên tắc cơ bản trong phòng chống HIV/AIDS, nhằm tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS còn có những qui định cấm kỳ thị phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AIDS trên các lĩnh vực cụ thể, bao gồm trong thông tin giáo giục truyền thông về HIV/AIDS ( Điều 9 khoản 3); Trong chăm sóc y tế ( Điều 4 khoản 7,9 và Điều 38 khoản 3); Trong nghề nghiệp việc làm ( Điều 14 khoản 2 ); trong giáo dục ( Điều 15 khoản 2); trong đời sống cộng đồng ( Điều 17 khoản 2); trong vấn đề mai táng ( Điều 8 khoản 10)

2. Quyền được sống

Cụ thể hóa qui định của quyền này trong Điều 71 Hiến pháp 1992 và các luật có liên quan, khoản 4 Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người mình giám hộ nhiễm HIV. Ngoài ra các qui định về Điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV ( Chương IV) cũng có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền này.

3. Quyền được chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần

Điều 61 Hiến pháp năm 1992 qui định: công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe. Cụ thể hóa qui định này, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 nêu rõ: công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được đảm bảo vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phụ vụ về chuyên môn y tế ( Điều 1). Theo Điều 32 khoản 2 BLDS năm 2005, khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

Điều 4 khoản 1 điểm b Luật Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận quyền được điều trị và chăm sóc sức khỏe của những người sống chung với HIV/AIDS. Điều 8 khoản 9 Luật này nghiêm cấm từ chối khám, chữa bệnh cho một người vì biết hoặc nghi ngờ đó nhiễm HIV. Điều 38 nêu rõ: Cơ sở y tế, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV( khoản 1.2); người nhiễm HIV mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc các bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS thuộc chuyên khoa nào được cứu chữa tại chuyên khoa đó hoặc tại chuyên khoa riêng và được đối xử bình đẳng như những người bệnh khác ( khoản 3).

Ngoài ra Luật Phòng, chống HIV/AIDS còn có qui định cụ thể về các quyền được tiếp cận thuốc kháng HIV; quyền được bảo hiểm y tế; quyền được chăm sóc và quyền được miễn giảm, hoẵn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù với những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, cụ thể như sau.

Theo Điều 39, người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc kháng HIV thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trong đó những đối tượng được miễn phí bao gồm: Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai; trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV.

Theo Điều 40, người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quĩ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Điều 41, trách nhiệm chăm sóc người nhiễm HIV trước hết thuộc về gia đình họ. Trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi, người nhiễm HIV không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Theo Điều 42, người bị nhiễm HIV giai đoạn cuối có thể được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án (nếu đang bị điều tra, truy tố, xét xử); được miễn giảm hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù ( nếu đang thi hành án phạt tù); được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; hoặc hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

4. Quyền tự do và an toàn cá nhân

Theo Điều 6 BLTTHS. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình. Qui định này được áp dụng một cách bình đẳng với mọi công dân, kể cả những người sống chung với HIV/AIDS.

Liên quan đến vấn đề trên, Điều 4 ( khoản 1 điểm d) Luật Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận quyền của những người sống chung với HIV/AIDS được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối. Điều 8 khoản 7 nghiêm cấm việc bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ các trường hợp bắt buộc xét nghiệm qui định ở Điều 28 bao gồm: Có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân; trong một số trường hợp cần thiết để chuẩn đoán và điều trị cho người bệnh theo qui định Bộ trưởng Bộ Y tế.

5. Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi ở

Luật Phòng, chống HIV/AIDS không có điều khoản nào trực tiếp qui định về quyền này. Tuy nhiên, theo nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, những người sống chung với HIV/AIDS cũng được hưởng các quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do xuất, nhập cảnh của công dân mà được ghi nhận trong Điều 68 Hiến pháp năm 1992 và các Luật khác có liên quan.

Ngoài ra, có thể vận dụng qui định trong Điều 4 khoản 1 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, trong đó khẳng định quyền của những người sống chung với HIV/AIDS được: Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội và các qui định khác về cấm phân biệt đối xử để bảo vệ quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi ở của những người sống chung với HIV.
6. Quyền được bảo vệ sự riêng tư
Quyền bí mật đời tư được qui định trong Điều 73 Hiến pháp 1992 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan. Theo các qui định này, mọi công dân, không có sự phân biệt về bất cứ yếu tố gì, trong đó vấn đề sức khỏe, đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác. Điều 38 khoản 2 BLDS năm 2005 nêu rõ, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận các quyền của người sống chung với HIV/AIDS được giữ bí mật riêng tư liên quan đến tình trạng nhiễm bệnh của họ ( Điều 4 khoản 1 điểm b), đồng thời nghiêm cấm hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó ( Điều 8 khoản 5 ).

Tuy nhiên, Luật cũng qui định những đối tượng và trường hợp có thể được thông báo kết quả xét nghiệm trong khoản 1 Điều 30, bao gồm: Vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự; nhân viên được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tích cho người được xét nghiệm; Người có trách nhiệm chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế, bao gồm trưởng khoa, trưởng phòng, điều dưỡng viên trưởng nơi người nhiễm HIV điều trị, nhân viên y tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại cơ sở y tế; người đứng đầu, cán bộ phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, tại tạm giam; Người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ của các cơ quan qui định tại khoản 1 Điều 28

7. Quyền được tự do tư tưởng , ngôn luận, hội họp và lập hội

Các quyền này được ghi nhận trong các Điều 68.69 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác

Mặc dù pháp luật Việt Nam, kể cả Luật Phòng, chống HIV/AIDS không có qui định trên về các quyền trên của những người sống chung với HIV/AIDS, tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc hiến định về quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, cũng như các qui định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong các luật có liên quan, có thể kết luật rằng, không có hạn chế nào đối với những người sống chung với HIV/AIDS trong việc hưởng thụ các quyền về tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp và lập hội một cách bình đẳng như các công dân khác.

Trên thực tế, mặc dù ở cấp quốc gia chưa có hiệp hội nào của những người sống chung với HIV/AIDS, tuy nhiên, ở cấp cơ sở, đặc biệt tại các thành phố lớn, nhiều nhóm đồng đẳng của những người sống chung với HIV/AIDS ngày càng xuất hiện thường xuyên ở các diễn đàn và phương tiện thông tin đại chúng từ cấp độ địa phương, quốc gia đến quốc tế. Đây chính là những biểu hiện cụ thể của việc hưởng thụ quyền được tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp và lập hội của những người sống chung với HIV/AIDS ở nước ta.

8. Quyền lao động việc làm

Quyền này được qui định trong Điều 55 Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều điều khoản của BLLĐ và nhiều luật khác. Luật Phòng, chống HIV/AIDS cụ thể hóa các qui định trong Hiến pháp và các luật trên khi nêu rõ những người sống chung với HIV có quyền được học văn hóa học nghề và làm việc ( Điều 4). Không những vậy, Luật này còn dành hẳn một điều ( Điều 14) qui định về việc phòng, chống HIV/AIDS ở nơi làm việc, theo đó, những người sử dụng lao động, ngoài những nghĩa vụ khác qui định trong pháp luật, phải:

Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV; Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS (khoản 1).

Khoản 2 Điều 14 cụ thể hóa các hành vi mà người sử dụng lao động không được làm bao gồm: Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV; Từ chối nâng lương đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV.

9. Quyền được kết hôn và lập gia đình

Quyền này được ghi nhận trong Điều 10 của Hiến Pháp 1992 và Điều 39 BLDS năm 2005
Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 xác định hai điều kiện chủ yếu cho việc kết hôn, bao gồm: Về độ tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; Về ý chí, việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Điều 10 Luật này qui định những trường hợp cấm kết hôn, bao gồm: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự;

Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc những người có họ trong phạm vi ba đời; Gia cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, tình trạng nhiễm HIV không bị coi là lý do để cấm kết hôn. Liên quan đến vấn đề này, Luật phòng, chống HIV/AIDS qui định, cần “ khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV đối với người trước khi kết hôn, dự định có con, phụ nữ mang thai. Căn cứ vào các qui định này, có thể kết luận rằng pháp luật Việt Nam không cấm người sống chung với HIV kết hôn và lập gia đình.

Tuy nhiên, cần lưu ý là trong vấn đề trên, theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, ngoài các quyền, những người sống chung với HIV còn phải thực hiện các nghĩa vụ theo qui định của pháp luật để bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng và cho những người thân trong gia đình, trong đó bao gồm các nghĩa vụ:

Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác; Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ chồng hoặc cho ngườii chuẩn bị kết hôn với mình biết. Nếu không thực hiện những nghĩa vụ đó người sống chung với HIV có thể bị coi là đã vi phạm qui định trong khoản 1 Điều 8 Luật này, đó là, nghiêm cấm “ cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác”.

10. Quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục

Quyền này được ghi nhận trong Điều 59 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác. Điều 9 Luật Giáo dục năm 1998 sửa đổi bổ xung năm 2004 qui định, mọi công dân đều có quyền bình đẳng về cơ hội học tập, không có sự phân biệt đối xử vè bất cứ yếu tố nào.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định rõ, những người sống chung với HIV/AIDS có quyền học văn hóa học nghề ( Điều 4 khoản 1 điểm c). Điều 15 khoản 2 Luật này bao gồm một loạt qui định cụ thể nhằm ngăn chặn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AiDS trong giáo dục, theo đó, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không được có các hành vi:

Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV; Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học viên, sinh viên hoặc người đến xin học

11. Quyền được có mức sống thích đáng

Mức sống thích đáng là một khái niệm rất rộng, liên quan tới một loạt vấn đề như dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc y tế, môi trường sống (cả về tự nhiên và xã hội)....Quyền được sống có mức sống thích đáng là một quyền kinh tế, xã hội đặc thù, vì vậy, việc đảm bảo quyền này phải dần từng bước, và mức độ đảm bảo được đánh giá trong sự tương ứng với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.

Pháp luật Việt nam, kể cả luật, chống HIV/AIDS, hiện không có qui định riêng và trực tiếp về quyền trên của những người sống chung với HIV/AIDS; Tuy nhiên, có thể vận dụng các qui định trong chương IV (Điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV) của Luật Phòng, chống HIV/AIDS (đặc biệt là Điều 41 về người nhiễm HIV) để bảo vệ quyền có mức sống thích đáng của nhóm xã hội này.

Thêm vào đó, để thúc đẩy cuộc sống của những người sống chung với HIV/AIDS. Điều 6 Luật Phòng, chống HIV/AIDS khuyến khích sự hợp tác, hỗ trợ và huy động sự tham gia của toàn xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc giúp đỡ, chăm sóc người nhiễm HIV dưới mọi hình thức; cũng như trong việc sản xuất thuốc kháng HIV trong nước và thực hiện các biện pháp giảm giá thuốc kháng HIV. Điều 19 Luật này qui định, nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác thành lập các cơ sở nhân đạo, từ thiện để chăm sóc, nuôi dưỡng người nhiễm HIV và thực hiện các hoạt động khác trong phòng, chống HIV/AIDS.

12. Quyền được an sinh trợ cấp xã hội

Theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động thuộc hộ gia đình nghèo thuộc vào diện được trợ cấp thường xuyên hàng tháng do xã, phường thị trấn quản lý ( Điều 4 khoản 1,6).

Trong trường hợp đặc biệt khó khăn không thể tự lo được cuộc sống thì những đối tượng này sẽ được xét tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà bảo trợ xã hội tại cộng đồng ( Điều 5).

Ngoài các khoản trợ cấp thường xuyên hàng tháng, các đối tượng kể trên còn được hưởng thêm các khoản trợ giúp như: Miễn giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập ( nếu như các đối tượng đang học văn hóa, học nghề); Kinh phí mai táng khi chết; Trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; trợ cấp để mua thuốc chữa bệnh thông thường và điều trị nhiễm trùng cơ hội; trợ cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ ( Những trợ cấp này chỉ áp dụng với những đối tượng được tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý).

13. Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và hoạt động công cộng của cộng đồng

Điều 53 Hiến pháp 1992 qui định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thảo luận các vấn đề chung của đất nước và của địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tham gia ý kiến trong các cuộc trưng cầu ý dân. Quyền này được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS không có qui định cụ thể nào về vấn đề này, tuy nhiên, có thể vận dụng qui định tại Điều 4 khoản 1 điểm a, trong đó thừa nhận những người sống chung với HIV/AIDS có quyền được sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Nội hàm của quyền này rất rộng, trong đó bao gồm quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

14. Quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Hiến pháp và BLHS Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Sự nghiêm cấm này nhằm bảo vệ mội công dân, kể cả những người sống chung với HIV/AIDS.

Theo Điều 18 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, giám đốc cơ sở giáo dục trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội và giám thị trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV ở cơ sở do mình phụ trách, theo qui định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn riêng về thực hiện Điều 18 Luật Phòng, chống HIV/AIDS; tuy nhiên theo các văn bản hiện hành, đặc biệt là Qui chế số 511/QĐ-BCA về phòng chống HIV/AIDS trong trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng ( ban hành năm 1999);

Thông tư liên bộ số 05/2003/TTLT Bộ Công an- Bộ Y tế- Bộ Tài chính về công tác quản lý, chăm sóc, điều trị tư vấn cho những người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do bộ công an quản lý thì mọi hành động tra tấn, đối xử hay trừng phạy tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm với mọi đối tượng, trong đó có những người sống chung với HIV/AIDS, đều bị nghiêm cấm.

sulphate
17-03-2015, 11:42
về mặt pháp luật thì người nhiễm hiv có thể làm tất cả mọi công việc ở các công ty như một người bình thường, bạn có thể tham gia các clb người có H , ở đó bạn sẽ có cơ hội giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về các công việc với những người cũng như bạn , chúc bạn luôn mạnh mẽ và tìm được công việc phù hợp

Cam ơn mọi người nhiều. Với lại mấy CLB đó làm sao có thể kiếm được và kiếm được ở đâu ạ?