PDA

View Full Version : Làm thế nào để đối phó với đồng nghiệp xấu tính



Bonghoatruongsinh
03-10-2013, 10:43
Làm thế nào để đối phó với đồng nghiệp xấu tính


"Biết cách xây dựng sự nghiệp của mình đã khó, học cách bảo vệ nó còn khó hơn. Thành công không chỉ cần những nỗ lực chân phương mà còn đòi hỏi ở chúng ta sự khôn khéo và tinh tế."


http://www.timviecnhanh.com/nghenghiep/img/uploads/lam_the_nao_de_doi_pho_voi_dong_nghiep_xau_tinh201 30905163942.jpg


Hàng ngày, người chia sẻ thời gian với bạn nhiều nhất là ai? Cha mẹ, bạn bè, vợ/chồng, hay con cái? Có lẽ là không! Người bạn gặp nhiều nhất trong ngày không ai khác chính là các đồng nghiệp của bạn.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, với mối quan hệ này, bạn không hề có quyền lựa chọn. Sau khi lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, bạn được ném vào một môi trường toàn những người xa lạ, và buộc phải làm quen, thích nghi với họ nếu muốn làm việc tại công ty.Bạn sẽ dần dần kết bạn được với vài người, bắt đầu hòa nhập với tập thể… tuy nhiên, mọi chuyện chưa chấm dứt ở đó, khó khăn vẫn còn chờ đợi bạn phía trước. Trong một tập thể luôn luôn có những người khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ở cùng, thông thường cách đơn giản nhất là phớt lờ đi, nhưng nếu thái độ và hành động của họ gây ảnh hưởng đến công việc cũng như tâm trạng của bạn mỗi khi bước vào chỗ làm, bạn sẽ phải giải quyết điều đó như thế nào?Thật không may, khảo sát cho thấy phần lớn những trở ngại mà một người đi làm phải đối mặt nơi công sở xuất phát từ vấn đề con người, một nửa là từ những khách hàng rắc rối, và nửa còn lại từ những mâu thuẫn với đồng nghiệp.

Chấp nhận điều này thật không phải là chuyện dễ dàng, nhất là đối với các bạn trẻ mới ra trường. Lý do chính khiến các bạn trẻ hay nhảy việc trong khoảng thời gian một hai năm đầu, ngoài chuyện công việc không phù hợp, môi trường làm việc là tác nhân chủ yếu thứ hai. Cho đến khi học được cách chấp nhận và đối phó với những rắc rối với đồng nghiệp, các bạn trẻ mới có thể tạm ổn định chuyện công ăn việc làm.Nội dung bài viết này sẽ điểm qua những dạng điển hình của “đồng nghiệp xấu tính” và vài mẹo nhỏ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đối phó với các đồng nghiệp này ở công ty:

1. Kẻ lười biếng:

Dạng đầu tiên dễ nhận biết nhất là những đồng nghiệp lười biếng. Mọi công ty, tổ chức đều tồn tại thành phần này, đặc biệt là ở Việt Nam, khi công tác tuyển dụng tại nhiều nơi vẫn còn đặt nặng vấn đề quen biết và “đi cửa sau”. Những người này vì lý do nào đó vẫn có thể ngồi ở vị trí hiện tại của mình mà không cần nỗ lực.

Bất cứ công việc hay trách nhiệm nào đến tay họ, họ đều tìm cách thoái thác và đẩy cho những người khác, đặc biệt là các nhân viên mới. Không cần phải nói, bạn cũng có thể nhận thức rõ những rắc rối tiềm tàng khi phải làm việc bên cạnh những đồng nghiệp như thế này. Vấn đề là… bạn không có quyền sa thải anh/cô ta, thậm chí quản lý của bạn còn phải kiêng dè vì như đã nói, họ ngồi được ở vị trí đó đến bây giờ tất nhiên phải có lý do!

Ở vị thế một nhân viên ngang hàng, điều hữu ích nhất bạn có thể làm là cố gắng tránh xa kẻ lười biếng đó được bao nhiêu hay bấy nhiêu, kèm theo đó, một nghệ thuật từ chối khéo léo là hành trang đáng giá mà bạn phải mang theo bên mình để đối phó với những đồng nghiệp loại này, có thể bạn không hoàn toàn từ chối được mọi yêu cầu của anh/cô ta, nhưng với sự khéo léo, bạn sẽ đỡ phải gánh vác ti tỉ những việc không tên bị đùn đẩy sang mình. Trong tình huống buộc phải kiêm nhiệm thêm những việc rơi rớt từ người đồng nghiệp lười biếng kia, đừng quên cho quản lý của bạn biết điều đó. Bản thân kẻ lười biếng sẽ không biết ơn những gì bạn làm, hắn sẽ mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của bạn và không bao giờ giúp đỡ bạn khi cần, nên nếu buộc phải làm gì đó cho hắn ta, đừng làm không công, hãy cho quản lý của bạn biết về những gì bạn phải gánh vác nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của mình, nếu đó là người quản lý tốt, anh/cô ấy sẽ tìm cách bù đắp cho bạn, nếu không, hãy sẵn sàng thực hành theo câu “Chim khôn chọn cành mà đậu!”

2. Mồm miệng đỡ chân tay:

Dạng đồng nghiệp này thường gây khó chịu cho bạn khi ở cương vị quản lý hay đàn anh trong nghề. Thoạt tiên, từ những người này, bạn sẽ cảm thấy một ngọn lửa rực cháy, một nhiệt huyết sôi sục, khi mới tiếp xúc với họ, bạn rất dễ bị thu hút bởi vẻ bề ngoài và những gì họ nói, cho đến khi bạn nhận ra sai lầm thì đã muộn.

Lúc bắt đầu một dự án, họ có thể là một cây ý tưởng, một MC hùng hồn dẫn dắt cuộc họp đưa mọi người qua hết quyết định này đến quyết định kia, họ có thể khiến cả đội hình dung ra một tương lai rất tươi sáng và đẹp đẽ. Hãy cẩn thận, sau khi giai đoạn hưng phấn nhất thời trôi qua, bạn sẽ thấy mọi việc không tốt đẹp như bạn tưởng. Tác giả của những ý tưởng sáng giá kia chỉ có khả năng vẽ ra những bức tranh đẹp đẽ, nhưng còn chi tiết thực hiện mọi việc thế nào, anh ta hoàn toàn mù tịt. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì không có gì để nói, cùng lắm chỉ có thể gọi anh ta là một người lạc quan thái quá, và hơn nữa, ngay cả bạn cũng đã đồng ý với kế hoạch anh ta còn gì?

Điều quan trọng là sau phút thể hiện hào nhoáng ban đầu, anh ta bắt đầu né tránh trách nhiệm khi công việc được triển khai. Hàng loạt các lý do rất hợp tình hợp lý được đưa ra để biện minh cho hành động thoái thác trách nhiệm của anh ta, bạn và cả đội sẽ phải ở lại chiến đấu với mọi rắc rối phát sinh. Nếu xui rủi dự án đi chệch hướng, bạn và các thành viên khác là người đổ công đổ sức xuống biển, nếu may mắn cơm lành canh ngọt, đó là lúc người “đàn anh” kia bỗng dưng xuất hiện và nhắc nhở bạn với cả đội, cũng như sếp trên biết về việc ai là người đề ra ý tưởng sáng giá kia.

Để đối phó với những người này, tốt nhất bạn cũng như các thành viên khác nên vạch rõ ranh giới mọi thứ ngay từ đầu, lúc chưa triển khai dự án. Ai sẽ làm gì, trách nhiệm ra sao, nếu dự án thành công mỗi người sẽ được quyền lợi gì? “Tất cả vì lợi ích tập thể” là chiêu bài mà những kẻ mồm miệng đỡ chân tay hay sử dụng, bằng cách lập lờ vai trò cũng như quyền lợi của tất cả các bên tham gia, anh ta sẽ mặc nhiên tận hưởng thành quả của cả đội nếu dự án thành công, và là người ít bỏ sức ra nhất nếu dự án thất bại.

Hãy bảo đảm quyền lợi của mình trước khi tham gia dự án,và thành viên cả đội cũng cần có những điều kiện ràng buộc để tránh việc thoái thác trách nhiệm của những người tham gia. Đó là trường hợp bạn buộc phải tham gia dự án của người đồng nghiệp đó khởi xướng, nếu hoàn cảnh cho phép, tôi khuyên bạn đừng bao giờ nên hợp tác với dạng người này bất cứ điều gì!

3. Đố kỵ và nhỏ mọn:T

hật không may cho bạn nếu phải bên cạnh một người đồng nghiệp như thế này. Đây là dạng người sẵn sàng đâm sau lưng bạn bất cứ khi nào có thể, thành công của bạn đồng nghĩa với nỗi đau của anh/cô ta, khi có chuyện không hay xảy ra, anh/cô ta sẵn sàng đổ lỗi cho mọi thứ, trừ bản thân mình…

Dạng người này tuy bên ngoài là một người trưởng thành, nhưng bên trong, tâm tính họ vẫn còn là một đứa trẻ, hành vi của họ thể hiện những phản ứng mang tính bản năng nhất, điều mà bạn thường bắt gặp ở trẻ con. Trẻ con không quan tâm ai đúng ai sai, chúng chỉ quan tâm có được điều mình muốn hay không!

Trẻ con thường không dám nhận lỗi trừ khi bị ép buộc. Trẻ con sẵn sàng mách lẻo với người lớn về tội của đứa khác, sẵn sàng phá đồ chơi của bạn nếu không được cho chơi cùng… Vì nhiều lý do khác nhau, một số người vẫn giữ nguyên kiểu phản ứng như vậy lúc lớn lên và trở thành mối nguy hiểm cho những người kề bên, khi mà những mâu thuẫn không còn chỉ xoay quanh những vấn đề nhỏ nhặt nữa.Làm việc chung với một đồng nghiệp như vậy luôn mệt mỏi và căng thẳng, tốt hơn hết, hãy chỉ nên chấp nhận điều này như một hoàn cảnh tạm thời, nếu không trong tương lai bạn sẽ phải bỏ nhiều công sức để đối phó với người đồng nghiệp kia thay vì phát triển sự nghiệp bản thân.

Còn ngay bây giờ, hãy chú ý đề phòng mọi thứ xung quanh để tránh tạo sơ hở cho người đồng nghiệp kia lợi dụng, hãy giữ kín mồm miệng vì một lời sơ hở có thể trở thành thứ gì đó rất ghê gớm nếu người khác muốn ám hại bạn. Chỉ nói những gì đã cân nhắc kĩ lưỡng, đừng để những lúc cao trào khi nói chuyện phiếm khiến bạn phải hối hận về sau. Và quan trọng nhất, hãy khiêm tốn, những người đố kỵ không thích những ai hơn mình, nếu sự thật là năng lực của bạn hơn hẳn người đồng nghiệp kia, hãy tránh thể hiện trước mặt họ quá nhiều.

Trước khi có thể rời đi nơi khác, hãy cố gắng hòa nhã, khiêm tốn với người đồng nghiệp đó, lấy lòng họ thay vì đối đầu sẽ giúp bạn đỡ hao tâm tổn lực rất nhiều trong quá trình còn làm việc chung với nhau.Công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu không liên quan đến vấn đề con người, đây là một thực tế hơi khó nuốt nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận.

Biết cách xây dựng sự nghiệp của mình đã khó, học cách bảo vệ nó còn khó hơn. Thành công không chỉ cần những nỗ lực chân phương mà còn đòi hỏi ở chúng ta sự khôn khéo và tinh tế.

lethihyen2x
03-10-2013, 12:01
Cảm ơn chủ topic thông tin nhé...................................!