PDA

View Full Version : Đừng để trẻ nhiễm “H” sống trong thế giới riêng



Tuanmecsedec
16-06-2015, 15:25
Đừng để trẻ nhiễm “H” sống trong thế giới riêng


16/06/2015 13:31 GMT+7

TT - Nhiều phụ huynh, khách mời đã rơi nước mắt khi xem màn kịch tái hiện câu chuyện phân biệt đối xử với trẻ bị nhiễm HIV.


<tbody>
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626//2015/06/16/b3576d02.jpg


Tái hiện cảnh học sinh nhiễm “H” bị bạn bè xa lánh, xua đuổi khỏi trường - Ảnh: Q.Phương

</tbody>

Tọa đàm về thái độ cư xử của cộng đồng với trẻ nhiễm “H” nằm trong lễ hội “Vòng tay yêu thương” do Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp cùng nhóm du học sinh Việt Nam tại Singapore tổ chức ngày 14-6.

Nhiều phụ huynh, khách mời đã rơi nước mắt khi xem màn kịch tái hiện câu chuyện phân biệt đối xử với trẻ bị nhiễm HIV diễn ra tại một trường học ở TP.HCM vào năm 2009: một nữ học sinh ước mơ trở thành họa sĩ nhưng vì bị nhiễm “H” mà bị nhà trường từ chối, bạn bè xa lánh. Em phải nghỉ học.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, lại chia sẻ một câu chuyện đáng thương hơn. Một em bé 7 tuổi bị nhiễm “H” từ bố mẹ. Bố mẹ em qua đời, bà ngoại thương cháu đưa về cưu mang. Nhưng sự kỳ thị của dòng họ, hàng xóm quá lớn, lớn đến nỗi không ai dám mua hàng của bà bán ngoài chợ vì cho rằng em bé đó có thể lây “H” qua hàng hóa.

Cuối cùng em bị chính những người trong dòng họ “đẩy” lên Sài Gòn. Em đi mà không có ai đi cùng nên lên đến nơi em vật vờ, lang thang suốt nhiều ngày ở bến xe. Cuối cùng em được đưa vào một mái ấm. “Nay bạn này đã hơn 10 tuổi, đang khỏe mạnh và học rất giỏi” - bác sĩ Minh cho biết.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng cần đối xử bình đẳng với trẻ nhiễm “H”, cần tạo điều kiện để các em hòa nhập với môi trường chung.

Qua nhiều năm làm công tác khám, tư vấn cho trẻ nhiễm “H”, tiến sĩ Ngô Xuân Diện, trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết các em có nhiều khó khăn về thể chất, tinh thần... Tâm lý của các em luôn ở thế thụ động, tự ti, thậm chí là buông xuôi.

“Hãy cùng trò chuyện, lắng nghe ý kiến, tâm tư của các em để các em nhận ra có người đồng cảm, từ đó các em sẽ có động lực để vươn lên trong cuộc sống. Cần xòe bàn tay mình ra bắt tay các em để các em thấy đời còn nhiều yêu thương. Nếu để các em sống mãi trong thế giới riêng dễ gây nên những phản ứng ngược về sự phát triển tâm lý, tinh thần, thể chất… thậm chí gây loạn thần”- tiến sĩ Diện nói.

Trong khi đó bác sĩ Phan Vũ Minh Anh chia sẻ: lâu nay chúng ta ai cũng biết “H” truyền từ người này sang người khác theo những con đường nào, nhưng vì tâm lý sợ “căn bệnh thế kỷ” đã ăn sâu vào mỗi người nên họ kỳ thị và xa lánh người bị “H”. Vấn đề quan trọng nhất là giáo dục ý thức cho trẻ tự bảo vệ mình và bảo vệ cho người khác như thế nào mới là điều quan trọng.
Trẻ nhiễm “H” đâu phải là lỗi của các em. Vậy mà hằng ngày chính người lớn lại đẩy các trẻ nhiễm “H” vào một thế giới riêng. Cần yêu thương, chăm sóc các em như những đứa trẻ bình thường khác!


QUANG PHƯƠNG - THỦY TIÊN

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150616/dung-de-tre-nhiem-h-song-trong-the-gioi-rieng/762174.html

(http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150616/dung-de-tre-nhiem-h-song-trong-the-gioi-rieng/762174.html)