PDA

View Full Version : Nghề y, nghề nguy hiểm : Ở nơi mong manh sống - chết



Tuanmecsedec
16-10-2013, 14:29
Nghề y, nghề nguy hiểm (1): Ở nơi mong manh sống - chết


Thứ Tư, 09/10/2013 10:45 (GMT+7


GiadinhNet - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Việt Đức) luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Vào đây đều là những trường hợp nằm giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Và, làm việc ở môi trường đó thực sự là một thử thách không đơn giản.



http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/o-noi-1-0d6ee.jpg
Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: H.Phương.


LTS: Làm việc trong môi trường đầy áp lực giữa lằn ranh sống - chết, phải tiếp xúc với đủ thứ dịch bệnh, hóa chất nguy hiểm trên đời, chưa kể đến những tai nạn nghề nghiệp như bị người nhà, bệnh nhân tấn công khi ca bệnh chẳng may rơi vào tình trạng xấu… khiến nghề y được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Nhưng vượt lên trên những tai nạn, hiểm nguy thường trực, nhiều y, bác sĩ vẫn ngày đêm dành hết tâm huyết và trí lực để hoàn thành sứ mệnh cao cả: Cứu người!

Niềm vui giản dị

Sáng sớm, một lẵng hoa được mang đến Khoa Hồi sức tích cực. Hôm đó không phải ngày lễ Tết, cũng không phải là ngày sinh nhật của cán bộ công nhân viên nào. Kẹp cùng lẵng hoa là dòng chữ: “Đã một năm rồi! Cảm ơn các y, bác sĩ cứu tôi ở lại với đời. Hôm xuất viện tôi chưa có dịp bày tỏ”. Cánh thiệp không đề tên ai cả. Rồi các cán bộ trong kíp làm việc mới hỏi nhau cách đây đúng một năm, có bệnh nhân nào? Quá nhiều!

Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh nói với chúng tôi: “Thỉnh thoảng nhận được những lời cảm ơn của bệnh nhân đã xuất viện. Đa số chúng tôi không nhớ họ là ai, trừ trường hợp xem lại hồ sơ. Nhưng là ai đi chăng nữa thì đó cũng là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục làm ở nơi nhiều áp lực này”.

Niềm vui còn là sự sống diệu kỳ của các ca bệnh tưởng chừng như tuyệt vọng. Bệnh nhân Nguyễn Thu Hoài ở Thái Nguyên bị máu tụ, phù não. Khi chuyển vào khoa, bệnh nhân sốt ly bì 2 tuần liền. Chị Thanh kể: “Đã có lúc Hoài sống thực vật. Với tình trạng bệnh lý như vậy, 90% Hoài sẽ khó qua khỏi.

Nhưng còn nước còn tát, các y, bác sĩ đã cứu Hoài thoát khỏi lưỡi hái tử thần”. Một năm sau, Hoài khỏe trở lại. Một năm tiếp theo, Hoài đã có thể đến trường. Sau đó, Hoài đậu vào ĐH Thái Nguyên và trở thành một trong những sinh viên học giỏi nhất khóa. Đó là một trong rất nhiều trường hợp được chứng kiến bệnh nhân “chết đi sống lại” trong 20 năm làm việc của Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh.

Chị Nguyễn Thu Hoài cho biết, bây giờ chị vẫn thường xuyên liên lạc với các điều dưỡng viên và y, bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực. Đó là những ân nhân cứu mạng chị và chị coi họ như người ruột thịt trong nhà.

http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/o-noi-2-0d6ee.jpg
22h tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Việt Đức).

Áp lực lớn

20 năm công tác ở khoa Hồi sức tích cực, nơi bệnh nhân được đưa vào luôn trong tình trạng cận kề cái chết, Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh chia sẻ, nếu không chịu được áp lực thì không thể tồn tại được.

Chị kể lại một kỷ niệm đáng nhớ mà diễn biến câu chuyện được chị lần giở như nhật ký: “19h: Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận cháu bé sơ sinh bị thủng cơ hoành, khi bệnh tình đã trở nên trầm trọng người nhà mới chuyển cháu vào khoa. Chúng tôi nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng cũng tiên liệu cháu rất khó qua khỏi:

20h30: Tình hình sức khỏe cháu bé xấu đi. Sau khi nhận được tin đó, một số người nhà bệnh nhân bị sốc và họ chuyển sang kích động.

21h: Hơn 60 người kéo đến vây quanh khoa. Toàn bộ ê kíp trực bị khống chế. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Một số giường bệnh khác, bệnh nhân đang cần sự chăm sóc của điều dưỡng nhưng cũng bị khống chế.

22h: Tiếng chửi bới dọa nạt, thậm chí đe dọa tính mạng đội ngũ y bác sĩ vang lên không ngớt. Một số bảo vệ đến giải tán đám đông thì ngay lập tức bị họ cầm dao đuổi đánh. Lúc đó chúng tôi rất sợ hãi nhưng may mà có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát, cuối cùng mọi việc đâu vào đấy”.

Sự việc đã qua rồi nhưng mỗi lần nhớ lại, Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh vẫn lạnh cả người. Lúc bị khống chế trong phòng, nhìn qua cửa sổ thấy một số đồng nghiệp bị đuổi đánh, dọa chém… chị đã thầm nghĩ là sẽ bỏ nghề. Thế nhưng, cái nghiệp đã gắn vào thân, niềm vui hạnh phúc vô bờ khi giữ lại trên cuộc đời này những bệnh nhân tưởng chừng cạn hy vọng sống đã khiến chị tiếp tục gắn bó với khoa.

Chúng tôi hỏi chị Thanh gần đây có còn những vụ tương tự như vậy không, chị bảo: “Không! Nhưng chửi bới, nhục mạ thì có. Trong lúc đau thương, bối rối… nhiều người nhà bệnh nhân không làm chủ được bản thân nên có những hành động đó. Chúng tôi cũng buồn lắm nhưng cảm thông cho nỗi đau nên phải luyện cho mình đức tính cam chịu”.

Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực là phòng vô trùng, cách ly hoàn toàn với người nhà. Bệnh nhân được điều dưỡng viên chăm sóc từ việc vệ sinh, ăn uống… đến điều trị. “20 giường bệnh lúc nào cũng có bệnh nhân, không một giường nào trống quá 24 tiếng. Đây đều là những ca bệnh nặng, bệnh nhân phải chiến đấu giữa sự sống và cái chết. Tai nạn giao thông có, suy thận, suy nội tạng có, thậm chí bệnh nhân vào đây sau một vụ giang hồ thanh toán cũng có...”, chị Thanh nói tiếp.

Trong phòng bệnh, đó là những bệnh nhân bị chấn thương dị dạng, những dòng hóa chất, những đường dẫn máu, đường thở ôxy chạy gấp gáp và những kết luận bệnh án “9 đường chết, 1 đường sống”. Một điều dưỡng viên tâm sự: “Nhiều lúc bỏ bê việc gia đình vì công việc mệt quá. Nếu chồng con không thông cảm thì có lẽ chúng tôi hết đường làm việc”.

Hà Phương

http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-1-o-noi-mong-manh-song-chet-20131009103943538.htm

Tuanmecsedec
16-10-2013, 14:34
Nghề y - Nghề nguy hiểm (2): Những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm vaccine
Thứ Sáu, 11/10/2013 10:02 (GMT+7)

GiadinhNet - Giáo sư Nguyễn Thu Vân – Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 chia sẻ, nghề nào cũng có đặc thù riêng nhưng đối với nghề nghiên cứu vaccine, các nhà khoa học phải trực tiếp đối mặt với chính các mầm bệnh. Đó là virus, vi khuẩn gây bệnh, từ đó mới làm sinh khiết ra các chất miễn dịch cho con người.

http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/an-si-1-44b80.jpg
Cán bộ nghiên cứu vaccine được ví như những “ẩn sĩ” trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hoài Nam

Hút phải vi khuẩn tả vào miệng
Một buổi chiều muộn, tôi đến Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 nằm trong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để gặp GS Thu Vân. Có lẽ tính cách của GS Thu Vân rất điển hình cho công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm: Nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Do môi trường thí nghiệm, sản xuất vaccine phải vô trùng nên mọi người đều phải tuân thủ kỷ luật khi vào đây. Hành lang, phòng ốc sạch như lau như ly, không có một hạt bụi.


GS Thu Vân kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn vất vả, về những tai nạn nghề nghiệp. “Ngày xưa khi hút các dung dịch, nguy cơ lây mầm bệnh cho người vẫn xảy ra. Ngày nay, phương tiện bảo hiểm tốt hơn nên tai nạn nghề nghiệp cũng đỡ hơn trước, song tai nạn nghề nghiệp vẫn không thể nào tránh khỏi hoàn toàn...”, GS Thu Vân chia sẻ.


Chính bản thân GS Thu Vân cũng từng bị tai nạn nghề nghiệp khi hút phải phóc môn vào miệng, bị cay sưng lưỡi mấy ngày liền không ăn uống được gì. Thậm chí có những đồng nghiệp của bà gặp tai nạn khi cầm pipet bị vỡ đâm vào tay chảy máu, nhiều người còn bị ngất đi. Thậm chí có người nhỡ tay tiêm vào chính mình. Có trường hợp còn hút phải phóc môn hoặc hút phải vi khuẩn tả phải đi ngoài là chuyện đã xảy ra.


Cán bộ nghiên cứu vaccine phải ngồi trong một phòng kín cả ngày. Đó là môi trường làm việc ngặt nghèo đầy áp lực nên rất dễ mệt mỏi...


GS Thu Vân ví von: Người nghiên cứu vaccine chẳng khác nào những “ẩn sĩ” trong 8 giờ đồng hồ làm việc. Đó là một môi trường im lặng tuyệt đối. Trong lúc làm việc, các cán bộ nghiên cứu không được nói chuyện, chỉ nhìn là hiểu. Có các quy trình phải thuộc lòng, làm đến đâu, đưa cái gì, tất cả đều phải chính xác 100%. Bốn tiếng liên tục không nói năng, không uống nước - đó là chuyện hết sức bình thường trong một ngày làm việc của họ. Thường phải hoàn thành xong một công đoạn mới được ra, không có chuyện thay ca như những môi trường sản xuất dây chuyền khác. Không chỉ “tịnh khẩu” mà đi cũng phải rất nhẹ để không khí không bị xáo trộn...


http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/an-si-2-44b80.jpg
GS Nguyễn Thu Vân. Ảnh: TG.

Thí nghiệm trên chính cơ thể mình


GS Thu Vân kể: “Hầu hết các vaccine chế tạo ở đây đều thử nghiệm trên chính chúng tôi trước để kiểm chứng sản phẩm của mình có an toàn hay không? Tâm lý khi tiêm cũng bình thường thôi, vì mình phải tin tưởng bản thân chứ...”.


Quy trình làm mỗi loại vaccine cũng rất khác nhau. Khi sản xuất xong ngoài kiểm tra chất lượng phải gửi mẫu đi kiểm định cấp quốc gia, qua thử nghiệm mới được cấp phép lưu hành. Bất cứ một loạt vaccine nào xuất xưởng chúng tôi đều đau đáu theo dõi xem có xảy ra sự cố gì không? Cho dù là vaccine an toàn nhưng không phải người nào cũng giống người nào, hơn nữa việc tầm soát trẻ trước khi tiêm chúng ta làm chưa được đầy đủ. Ví dụ bố mẹ chưa kết hợp chặt chẽ với thầy thuốc, sau khi tiêm, phải theo dõi bao lâu, nếu em bé có biểu hiện khác thường thì phải báo ngay lập tức, cấp cứu ra sao...


“Mỗi lần xảy ra những sự cố liên quan đến việc tiêm vaccine, bản thân tôi thấy rất buồn. Buồn không phải do chất lượng vaccine, vì mình làm mình biết chất lượng ra sao. Nếu vaccine bảo quản không tốt thì chỉ mất hiệu lực thôi chứ không thể ảnh hưởng tới tính mạng. Nếu nói do vấn đề bảo quản mà gây tai nạn chết người là không đúng. Cơ thể của trẻ có những bệnh bẩm sinh mà chúng ta không biết, do các bệnh đồng nhiễm có thể gây ra tử vong. Còn những ca sốc phản vệ nếu bố mẹ biết phối hợp tốt với bác sĩ thì vẫn có thể cứu chữa được kịp thời”, GS Thu Vân cho biết.


“Nếu mình tiêm cho con cả cộng đồng sẽ được bảo vệ, không tiêm cho con thì bản thân con mình bị mắc và lây nhiễm cho người khác. Ngay gia đình tôi, các con tôi đều tiêm hầu hết các loại vaccine trong nước, trừ những loại trong nước không sản xuất được. Hiện nay nước ta đã sản xuất được 11- 12 loại vaccine. Nghiên cứu và làm ra một vaccine phải đến 10 năm, vì vậy phải kiên trì lắm không thì bỏ cuộc. Có người nói giờ người ta tiêm vaccine ngoại, ai tiêm vaccine nội mà nghiên cứu? Họ không hiểu rằng, nhiều người dân lao động vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn rất khó khăn, làm gì có tiền mà tiêm vaccine ngoại cho con. Mỗi khi nghe những lời nói kiểu đó, chúng tôi rất buồn, vì bản thân tôi cũng như những đồng nghiệp suốt đời chỉ làm vaccine cho đất nước này, cho những người còn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...”, GS Thu Vân nói đầy ưu tư.

Hoài Nam

http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-2-nhung-an-si-trong-phong-thi-nghiem-vaccine-2013101109583432.htm

Tuanmecsedec
16-10-2013, 14:37
Nghề y - nghề nguy hiểm (3): Ở nơi nguy cơ lây nhiễm cao


Thứ Hai, 14/10/2013 13:23 (GMT+7)

GiadinhNet - Nếu ví y học như một cái cây thì y học lâm sàng là hoa quả, còn y học cận lâm sàng là gốc, rễ, thân cành.


http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/lay-nhiem-e02b4.jpg
Phòng xét nghiệm của Khoa Vi sinh, Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: H.Nam.

Thế nhưng người ta chỉ nhớ đến người hái quả, còn những nhân viên y tế, kỹ thuật viên làm ở phòng xét nghiệm, phân tích mẫu bệnh phẩm thường rất “âm thầm”…

Mỗi ngày tiếp xúc hàng trăm mẫu đờm

Khoa Vi sinh là một dãy nhà cũ kỹ với những máy móc kêu tít tít nằm trong không gian yên ắng của Bệnh viện Phổi Trung ương. Công việc của các nhân viên ở Khoa là phân tích các mẫu bệnh phẩm, được lấy từ phòng khám và các phòng bệnh. Bệnh nhân phải khạc nhổ đờm cho vào lọ đựng mẫu. Sau đó, y tá các khoa mang đến Khoa Vi sinh và giao cho bộ phận nhận mẫu. Các mẫu bệnh này sẽ được đưa vào máy để phân tích và ra các chỉ số cho bệnh nhân…

TS Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Vi sinh chia sẻ: “Thầy thuốc tiếp xúc với bệnh nhân dù sao cũng thú vị hơn chúng tôi tiếp xúc với đờm. Bác sĩ điều trị phải tiếp xúc với một số bệnh nhân trong một ngày, còn các nhân viên xét nghiệm thì tiếp xúc với hàng trăm mẫu bệnh phẩm một ngày. Mặc dù đã có các phương tiện bảo hộ rồi nhưng ai dám chắc có thể đảm bảo an toàn được 100%.

Bởi vậy, công việc của chúng tôi đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ. Những người làm việc ở Khoa này phải yêu nghề, còn nếu không thì không thể trụ nổi. Có người vào làm một tháng là xin chuyển đi, có người làm tới một vài năm rồi cũng tự xin thôi việc vì không thể chịu nổi sự vất vả”.

Theo TS Nguyễn Văn Hưng: “Nhân viên làm việc tại Khoa phải chịu tác động của một môi trường làm việc chật hẹp bởi những căn phòng chỉ rộng mấy mét vuông mà rất nhiều máy móc, tiếng ồn quá mức, nhiệt độ yêu cầu phải 24 độ C, nhà lại hướng Tây nên nhiều khi con người chịu được nhưng máy móc lại “bó tay” với thời tiết. Trong phòng xét nghiệm, các chất hóa học có tính chất bay hơi thì các nhân viên có thể hít vào, rất độc hại…”.

Ngoài yếu tố môi trường, yếu tố sinh học cũng là một nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân viên xét nghiệm. Vi khuẩn lao có nguy cơ lây lan rất cao, thêm nữa là các vi khuẩn lao kháng đa thuốc, thậm chí siêu kháng, bên cạnh đó còn có mầm bệnh khác như HIV… Làm việc trong môi trường như vậy nên tâm lý của các nhân viên thường rất e ngại.

Các nhân viên xét nghiệm lâu năm cũng giống như những bác sĩ lành nghề, chỉ cần nhìn mẫu đờm là có thể đoán được các loại vi khuẩn chứa trong mẫu đờm: Mẫu đờm giống bã đậu thì chứa vi khuẩn gì, mẫu đờm chứa máu thì chứa vi khuẩn gì… Mãi cũng thành quen. Công việc của Khoa Vi sinh vất vả, khó khăn và yêu cầu cao bởi một người làm việc không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, lây cả cho những người khác nên việc tuyển người đòi hỏi phải có chuyên môn và được đào tạo bài bản.

Tự hào với công việc của mình

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Tâm lý xã hội cũng là một vấn đề. Nhiều người chỉ biết đến những khó khăn, mặc cảm… nhưng ít ai biết tới những thành công mà chúng tôi đã làm. Đó là những thành công khi nghiên cứu những con virus, chẩn đoán ra lao kháng đa thuốc thì mới tìm ra được thuốc để điều trị… Đây là công việc cầm cân nảy mực, là xương sống… vì chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm, điều trị phải dựa vào xét nghiệm. Thế nhưng công việc này ít được nhìn nhận, dễ lãng quên. Đó là một đặc thù của những nhân viên xét nghiệm vi sinh”.

Tại Khoa Vi sinh, do phần lớn là phụ nữ nên càng khó khăn khi chị em thai sản. “Cùng một lúc có vài ba chị em mang thai ở bộ phận nguy cơ lây nhiễm cao nhất thì phải chuyển cho họ tới những chỗ ít nguy hiểm hơn thôi chứ ở đây chỗ nào chẳng có nguy cơ. Đây cũng là một yếu tố khó khăn vì họ đã làm quen, làm tốt ở chỗ này rồi nhưng lại phải chuyển tới một chỗ khác. Ở đây, ngoài việc làm xét nghiệm cho bệnh viện, chúng tôi còn làm xét nghiệm phục vụ cho các bệnh viện khác, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh chuyển về. Ngoài ra, chị em còn phải đi công tác, chỉ đạo tuyến kiểm tra giám sát tại các bệnh viện tỉnh… nên công việc vô cùng nhiều”, TS Hưng cho biết.

Chia sẻ về nghề, TS Nguyễn Văn Hưng thẳng thắn: “Ở đây thu nhập không cao, tuy nhiên chúng tôi thỏa mãn với công việc của mình.
Chúng tôi thấy tôn trọng, tự hào với công việc này. Nếu làm vì một công việc có ích thì tại sao lại phải mặc cảm với công việc của mình?”.

Hoài Nam

http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-3-o-noi-nguy-co-lay-nhiem-cao-20131014010543393.htm

Tuanmecsedec
16-10-2013, 14:45
Nghề y - nghề nguy hiểm (4): Bác sỹ tận tâm với bệnh nhân HIV


Thứ Tư, 16/10/2013 11:11 (GMT+7)

GiadinhNet - Cho đến bây giờ anh Vinh và người thân vẫn coi sự sống của anh như một phép màu.


http://giadinh.vcmedia.vn/QL3eD8mA2dlFu7uWVSHccccccccc/Image/2013/10/bac-sy-14d99.jpg
TS Đỗ Duy Cường luôn đau đáu nỗi niềm làm sao vơi bớt bất hạnh của các bệnh nhân không may nhiễm HIV. Ảnh: Q.T.

Được đưa ra một bệnh viện ở Hà Nội mổ gấp, bác sỹ phát hiện không chỉ có hàng chục khối u trong ổ bụng, anh còn nhiễm HIV. Thấy tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi, họ đã khâu lại… Có lẽ anh Vinh sẽ không còn cơ hội sống khỏe mạnh nếu không gặp được người bác sỹ ấy.

Nối dài thêm sự sống

“Lúc đó, anh Vinh chỉ còn chờ chết. Biết tình hình, tôi nhận về khoa. Hàng chục khối u đã được lấy đi, giờ anh Vinh vẫn sống bình thường”, TS Đỗ Duy Cường, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai - người được biết đến là chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS ở Việt Nam chia sẻ.

Câu chuyện này, TS Cường chia sẻ với chúng tôi vào lúc 10h đêm, thời điểm mà anh hẹn rằng đó là thời gian có thể gặp mặt. Khoa Truyền nhiễm nơi anh Cường làm việc nằm sâu trong BV Bạch Mai. Dáng người nhỏ nhắn, bước đi tất bật anh ra tận cổng đón chúng tôi. Dẫn chúng tôi vào phòng họp rồi xin phép ăn nốt bữa cơm tối, vừa trò chuyện được ít phút anh lại vội vã chạy đi cấp cứu một bệnh nhân mới nhập viện.

Nửa tiếng trôi qua, vừa quay trở lại tiếp chúng tôi thì một nam thanh niên mếu máo chạy vào tự xưng là em trai của một bệnh nhân bị nhiễm HIV. “Nhất định là do anh chồng lây cho chị em. Ông ấy chơi bời, hay gái gú… Bác sỹ ơi chị em có sống được lâu nữa không? Điều trị hết nhiều tiền không?...”. Theo chân bác sỹ và người nhà bệnh nhân, tôi thấy trên giường bệnh một cô gái trạc 30 tuổi, gày gò thở ôxy vì viêm phổi cấp. Khuôn mặt của cô tái xanh khi được em trai cho biết kết quả xét nghiệm. Cậu em than thở: “Chúng em quê ở Hà Tĩnh, chị em thấy khó thở vào xét nghiệm lại ra cái bệnh nan y này. Khổ quá bác sỹ ơi, con chị mới 5 tuổi không biết có bị nhiễm từ mẹ không?”…

An ủi, động viên, phân tích cho bệnh nhân và người nhà hiểu để cùng phối hợp điều trị, lúc này người em đã không còn hoảng hốt, nắm tay chị, dù khuôn mặt vẫn thẫn thờ. Hơn 11 giờ đêm, TS Cường mới có thời gian trò chuyện tiếp với tôi. Anh bảo, những tình huống như lúc nãy xảy ra hàng ngày, thậm chí nhiều trường hợp còn éo le hơn. “Bắt tay vào một ca mổ cho bệnh nhân HIV thực sự lao vào một cuộc chiến đầy nguy hiểm.

Cuộc chiến đó không được phép sơ sẩy. Việc mổ, điều trị, tiếp xúc và sống chung với hàng nghìn bệnh nhân HIV là việc thường ngày của chúng tôi”, anh tâm sự. Chúng tôi hiểu rằng, cũng nhờ các bác sỹ như anh, nhiều bệnh nhân HIV từ chỗ chờ chết bỗng như phép màu được nối dài thêm sự sống.

Bác sỹ của 1.180 bệnh nhân HIV


<tbody>
Cách đây 9 năm, khi bắt đầu có các dự án của các chương trình quốc tế tài trợ thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân từ Mỹ, Đỗ Duy Cường là một trong những người tiên phong triển khai các phòng khám HIV ở tuyến huyện. Lúc đó, anh chọn điểm nóng về căn bệnh này là tỉnh Quảng Ninh. Anh Cường nhớ lại, trên bàn thờ của một gia đình ở Vân Đồn (Quảng Ninh) có tới 5 di ảnh của những người trẻ chết vì AIDS và anh cũng đã nhìn tận mắt một nghĩa địa ở Cẩm Phả có tới hàng trăm ngôi mộ trẻ phủ những vòng hoa trắng vì căn bệnh này. Những hình ảnh đó luôn làm anh thấy day dứt. Khi bảo vệ luận án tiến sỹ thành công ở Thụy Điển, các thầy ở đó mời anh ở lại nghiên cứu anh đã từ chối: “Cảm ơn thầy. Em còn hơn 1.000 bệnh nhân HIV ở Việt Nam”.

</tbody>
Bắt đầu ngày làm việc từ 7 giờ sáng và trực đến 7 giờ tối mai mới được về nhà, ca trực của anh có khi kéo dài tới 48 tiếng. Anh bảo, không chỉ riêng anh, với cương vị Trưởng phòng điều trị ngoại trú Khoa Truyền nhiễm mà tất cả y, bác sỹ ở đây đều phải làm việc với cường độ như thế. Ở Khoa Truyền nhiễm, có 120 bệnh nhân nội trú và chỉ có 2 bác sỹ mỗi ca.Anh Cường tâm sự: “Việc nhiều, người ít. Chẳng mấy ai mặn mà với công việc của một bác sỹ làm về truyền nhiễm, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, nguy cơ phơi nhiễm và độc hại cao… Ngay tâm lý bệnh nhân khi được giới thiệu vào Khoa Truyền nhiễm đã chẳng ai muốn nhất là khi đến nơi thấy điều trị lại xuống cấp, tọa lạc ở nơi hẻo lánh như thế này”.

Kể về những ngày đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh này, anh cho biết đó là vào năm 1995, khi đang học bác sỹ nội trú ở Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, Viện tiếp nhận một thanh niên người Quảng Bình với các triệu chứng sốt dai dẳng, tiêu chảy nhiễm trùng và sút cân.

Ban đầu, các bác sỹ nghi là bị thương hàn, nhưng điều trị mãi không hết sốt, sau đó lại phát hiện trong họng có nấm. Khi đó, bệnh nhân được nghi là bị nhiễm trùng cơ hội trên một cơ thể suy giảm miễn dịch và mẫu máu bệnh nhân được gửi đi xét nghiệm thì kết quả không ngờ là dương tính với HIV.

Anh nhớ lại: “Lần đó, mình thực sự hoảng sợ ghê lắm! Thì ra, căn bệnh bấy lâu nay vẫn nghe nói chỉ xuất hiện ở các nước Âu, Mỹ xa xôi, giờ bắt đầu xuất hiện ở ngay nơi mình sinh sống và làm việc… Mọi người thậm chí chỉ dám nhìn bệnh nhân từ xa, không dám sờ vào họ vì sợ lây. Còn mình thì ngại thăm khám, có khi phải đi 2 lần găng…”. Giờ đây, công việc của anh là hàng giờ tiếp xúc với bệnh nhân HIV trong Khoa và hơn 1.180 bệnh nhân HIV điều trị ngoại trú. Núi công việc khiến anh không còn nhiều thời gian dành cho gia đình. Con ốm thậm chí anh còn chưa kịp gọi về. Khi nghe tôi hỏi vợ anh có thông cảm cho mình về đặc thù công việc không, anh đáp: “Không!”. Câu trả lời khiến tôi thấy bất ngờ và trăn trở.

Đau đáu nỗi niềm làm sao vơi bớt bất hạnh của các bệnh nhân không may mắn nhiễm HIV- đó chính điều đã níu giữ TS Đỗ Duy Cường ở lại Việt Nam. Và chúng tôi cũng biết rằng, anh nói “vợ không thông cảm cho mình” chỉ là câu đùa. Cũng đúng thôi, nếu vợ không thông cảm, không hiểu tính chất công việc của chồng thì làm sao chị chấp nhận được một người đến tận 30 tuổi mới chính thức nhận đồng lương đầu tiên để rồi trở thành một chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS như bây giờ.


* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Quang Thành

http://giadinh.net.vn/y-te/nghe-y-nghe-nguy-hiem-4-bac-sy-tan-tam-voi-benh-nhan-hiv-20131016110549750.htm