PDA

View Full Version : Người “âm thầm” trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV



songchungvoi_HIV
26-02-2016, 18:01
Người “âm thầm” trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV Thứ sáu 26/02/2016 17:26


Đó chính là Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS, kiêm Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội, người “âm thầm” đồng hành, trợ giúp pháp lý cho những người nhiễm HIV/AIDS, giúp họ “gỡ rối” tâm tư và vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống.





<tbody>
http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2016_02_26/luat.jpg



Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm - Ảnh: Thùy Chi



</tbody>
Ấp ủ ước mơ “gỡ rối” cho người nhiễm HIV


Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS của Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm hoạt động hơn 10 năm nay, đã tư vấn cho khoảng 17.000 trường hợp; trợ giúp pháp lý cho hơn 10.000 vụ việc, trong đó số vụ việc giải quyết thành công chiếm tỷ lệ rất cao.

Chia sẻ với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về ý tưởng thành lập trung tâm, Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, là người tham gia xây dựng nhiều chính sách cho người nhiễm HIV/AIDS ngay từ những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam, đồng thời cũng là người chấp bút xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Năm 1997, khi bà đang là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng là Trưởng Tiểu ban phụ trách về pháp luật phòng, chống HIV/AIDS của Bộ, được tiếp cận với nhiều người nhiễm HIV/AIDS, bà quá hiểu những khó khăn và vướng mắc mà người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp phải trong thực tế, từ việc bị đe dọa mất việc làm đến các xâm phạm quyền thừa kế, nhà ở, học hành; đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng, xã hội và chính từ gia đình họ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2004, bà mới thực hiện được ước mơ của mình.

“Hồi đó, chưa có trung tâm nào phụ trách về vấn đề pháp lý cho những người nhiễm HIV/AIDS. Trong khi đó, những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gần như ‘mù tịt’ thông tin về HIV/AIDS, cũng như các kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình. Vận dụng khả năng chuyên ngành về luật và y tế, tôi ấp ủ mở trung tâm để có thể hỗ trợ pháp lý cho người nhiễm HIV, không chỉ về HIV/AIDS, mà cả về y tế”, bà Trâm cho hay.

Đa số những người nhiễm HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn, họ hầu như phải giấu mình, không dám bộc lộ danh tính vì sợ bị xã hội phân biệt đối xử, kỳ thị. Ngay cả trong gia đình người nhiễm HIV/AIDS cũng có rất nhiều sự phân biệt đối xử, kỳ thị. Cho nên, bà nghĩ rằng bà phải có trách nhiệm giúp họ. Hơn nữa, chính những người nhiễm HIV khi đó cũng đã gặp bà và bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ pháp lý, vì họ không biết phải làm gì, không biết ai sẽ là người giúp đỡ, hỗ trợ họ. Họ đã đặt rất nhiều niềm tin vào bà.

Sau đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS được thành lập. Ban đầu, trung tâm hoạt động rất khó khăn vì không có kinh phí hỗ trợ, bà đã huy động một số thành viên cùng tâm huyết với bà, đóng góp sức lực, tinh thần, thời gian để giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS.


Lúc đó, rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã tìm đến trung tâm để nhờ hỗ trợ về pháp lý. Trung tâm sau đó đã được một số dự án hỗ trợ cho hoạt động và phần nào đã vượt qua được một số khó khăn về tài chính, bắt đầu có nguồn kinh phí để thuê địa điểm, trả lương cho cán bộ.

Các lĩnh vực mà trung tâm tư vấn bao gồm: Các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS (đường lây truyền HIV, cách phòng tránh lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng ARV, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV…); các lĩnh vực pháp luật mà người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV có thể gặp phải trong cuộc sống về hình sự, dân sự, lao động - việc làm, hôn nhân - gia đình, giáo dục - đào tạo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, hành chính…

Tuy phải hoạt động trong một hoàn cảnh khó khăn nhưng thông qua các hoạt động: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, trợ giúp pháp lý lưu động..., trung tâm đã hỗ trợ, bảo đảm nhiều lợi ích hợp pháp của người nhiễm, góp phần ổn định trật tự xã hội, trở thành chỗ dựa vững chắc về pháp lý cho người nhiễm, đặc biệt làm giảm đáng kể sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Hoạt động trên tinh thần nhân đạo, từ thiện


20 năm hoạt động trong ngành y tế, 10 năm hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho những người nhiễm HIV/AIDS, bà Trâm đã gặp nhiều mảnh đời rất khó khăn, khiến bà trăn trở, không ngừng suy nghĩ, có những cháu nhiễm HIV, cả cuộc đời chưa từng đến trường, có những hoàn cảnh éo le, phải sống cô đơn, không nơi nương tựa. Trường hợp bà Trâm nhớ nhất là, thời điểm cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS vừa được ban hành. Lúc bấy giờ người dân còn chưa hiểu biết nhiều về HIV/AIDS nên sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm vẫn còn rất nặng nề.

Nhận được thông tin phản ánh về một trường hợp thanh niên trẻ tuổi ở Đ.A (Hà Nội) nhiễm HIV do sử dụng ma túy. Người thanh niên này bị gia đình hắt hủi, xa lánh. Bố mẹ anh làm một cái chòi trên một ngọn cây cho anh ở để tránh bị lây nhiễm HIV/AIDS cho những người khác trong gia đình. Anh không được tiếp cận với bất kỳ ai. Hàng ngày, họ mang thức ăn ra chòi cho anh và quay bỏ đi luôn, không một lời thăm hỏi, động viên.

Nghe thông tin này, bà đã cử người đến kiểm tra. Khi xác định thông tin chính xác, đích thân bà Trâm đã tìm đến gặp lãnh đạo xã phường và người nhà nạn nhân để làm công tác tư tưởng, giải thích khoa học về căn bệnh HIV/AIDS và con đường lây nhiễm của căn bệnh. Bằng tình người, bố mẹ của anh thanh niên đã hiểu được việc những người nhiễm HIV/AIDS có thể sống như những người bình thường khác, làm việc và sống có ích cho xã hội, chứ không phải cứ nhiễm HIV là chết.


Sau khi nghe tư vấn, người mẹ nạn nhân đã khóc nức nở, còn cha nạn nhân thì lẳng lặng ra ngoài đạp đổ căn chòi, mang đồ đạc, quần áo của con vào nhà… Người thanh niên sau đó được sống chung với gia đình. Bố mẹ anh đã xin lỗi, động viên, chia sẻ, an ủi con trai mình.

Chính vì bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử, các vụ việc liên quan đến người nhiễm HIV đã phức tạp càng phức tạp và kéo dài hơn, nhưng không ngại khó, ngại khổ, những luật gia của trung tâm vẫn cần mẫn bám sát các thân chủ của mình trên con đường đi tìm công lý, kể cả không được nhận một đồng thù lao, kể cả phải bỏ cả tiền túi để khuyến khích các nạn nhân đến nhận tư vấn, hỗ trợ... Kết quả công việc chính là niềm vui, là nguồn động lực lớn để họ tiếp tục công việc của mình, trong công việc hỗ trợ pháp lý cho những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Hiện bà Trâm vừa giữ vai trò là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS, vừa là Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội, công việc bận rộn không khiến vị bác sĩ, luật gia này mệt mỏi. Đặc biệt, khi các dự án quốc tế, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang dần rút khỏi Việt Nam. Đây không chỉ là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung, mà cũng là thách thức lớn đối với Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS và Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội. Hiện bà Trâm đang nỗ lực huy động từ cộng đồng để bảo đảm cho hoạt động của trung tâm và hội.

“Chúng tôi làm việc với sự tâm huyết, trách nhiệm, bằng tình cảm con người, tình cảm mẫu tử, bà cháu, mẹ con. Tôi đã từng nói với các luật gia của trung tâm. Dù có tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho trung tâm hay không thì vẫn phải làm việc hết mình, cố gắng, bằng mọi cách phải duy trì hoạt động của trung tâm trên tinh thần nhân đạo, từ thiện để có thể hỗ trợ pháp lý, giải đáp thắc mắc, giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS được bảo vệ quyền lợi của họ”, bà Trâm nói.

Thùy Chi
http://tiengchuong.vn/Nhung-tam-long-vang/Nguoi-am-tham-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-nhiem-HIV/16828.vgp