PDA

View Full Version : Người bác sĩ của niềm tin



songchungvoi_HIV
15-11-2013, 19:04
Người bác sĩ của niềm tin

<iframe src="http://www.facebook.com/plugins/like.php?href=http://suckhoedoisong.vn/c98n20131107104933498.htm&send=false&layout=standard&width=645&show_faces=false&action=like&colorscheme=light&font&height=35&appId=313386658769610" scrolling="no" frameborder="0" allowtransparency="true" style="border-style: none; overflow: hidden; width: 645px; height: 35px;"></iframe>
Thứ Năm, 07/11/2013 10:52

"Tôi giúp đỡ những người bệnh của mình không phải để được khen, chỉ đơn giản tôi muốn chia sẻ với họ niềm tin, tạo cho họ niềm tin để tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Họ cũng là những người bình thường như chúng ta mà". Bác sĩ Ngô Chiến - người mà những bệnh nhân có H. (HIV/AIDS) đã dành rất nhiều tình cảm yêu mến khi nói về ông đã suy nghĩ giản dị như vậy khi được hỏi về những việc ông đã làm rất thầm lặng trong nhiều năm qua với những người mang căn bệnh thế kỷ đặc biệt này.
Tôi đã có những mối liên hệ, những kỷ niệm rất dịu dàng khi tiếp xúc, quen thân với những người có H. đang sinh hoạt tại CLB Yêu thương - nơi những người cùng cảnh ngộ tìm đến nhau để chia sẻ, đồng cảm. Nói là "dịu dàng", bởi thật khó để một người không cùng chung hoàn cảnh với họ có thể tìm thấy sự chia sẻ, sự cởi mở, sự tin cậy để được biết những câu chuyện cuộc đời không có gì tươi sáng ấy. Với họ, chỉ có sự thân thiện chân thành mới có thể để được coi là bạn, tôi đã có cái may mắn đó.
Rất nhiều những câu chuyện cuộc đời tôi đã được nghe, những cơ duyên, những rủi ro khiến một người đang có cuộc sống phẳng lặng bình yên bỗng dậy sóng khi được thông báo mình nhiễm HIV. Cảm giác của tất cả những con người bất hạnh ấy là hoang mang, bàng hoàng, đau đớn, tuyệt vọng, sợ hãi khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. "Nhưng không chỉ riêng tôi, mà các anh chị em đều đã tìm thấy sự tin cậy, sự an tâm và niềm hy vọng lạc quan khi được gặp, được bác Chiến tư vấn, điều trị. Bác sĩ Chiến chính là người giúp chúng tôi tìm lại được niềm tin với cuộc đời" - Chị L., một người có H. đã được điều trị, không giấu nổi những xúc động khi tâm tình về câu chuyện đời mình và sự hàm ơn đối với bác sĩ Chiến.

http://skds3.vcmedia.vn/DGLcjEtCi7V4PUO35EGZceYAXCoe9f/Image/2013/11/anh-2-fe5af.JPG


Bác sĩ Ngô Chiến với công việc khám bệnh thường ngày
Tôi ấn tượng mãi bởi hai từ "bác Chiến" mà những người tôi đã gặp đã trìu mến dành cho ông, bác sĩ Ngô Chiến, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Một cái hẹn đã được đồng ý và một câu chuyện mở ra với rất nhiều nỗi niềm của một người đang ngày đêm "canh chừng" sự sống cho những bệnh nhân có H. của mình.
Trong câu chuyện với tôi, ông hầu như rất tránh nói về mình, chỉ cười rất hiền khi tôi nhắc những chuyện được nghe bệnh nhân của ông kể lại, rằng bác Chiến không chỉ là người khám bệnh, điều trị mà còn giúp đỡ người bệnh rất nhiều về vật chất, chia sẻ về tinh thần. Tôi đã biết được những câu chuyện tương tự như với chị N.T.L, để thêm hiểu về tấm lòng của người bác sĩ này. "Chồng tôi mất năm 1995, tôi không biết chồng tôi mất vì bệnh AIDS cho tới khi tôi ốm rất nặng và phải nhập viện năm 2007, bác sĩ thông báo tôi đã bị nhiễm HIV. Tôi đã khóc rất nhiều và nghĩ mình sắp chết. Vào thời điểm đó, không ai chăm sóc tôi cả trừ bác Chiến ra, ông đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi hỏi về bệnh tình của mình, tôi mắc bệnh gì thế bác sĩ? Tôi phải làm sao đây? Tôi vẫn còn nhớ mãi cái nhìn cảm thông chia sẻ của ông và câu trả lời từ tốn: "Đừng lo nghĩ gì cả chị nhé, cứ uống thuốc vào rồi chị sẽ hồi phục trở lại". Tôi đã nuôi hy vọng sống bằng câu nói đó. Bác sĩ Chiến còn hỏi xin những nhà từ thiện đem thức ăn cho tôi, những lúc không có, ông tự bỏ tiền túi ra mua cơm cho tôi nữa".
Bác sĩ Chiến không muốn nói nhiều đến sự hàm ơn của người bệnh. Ông bảo, người có bệnh đã khổ, người mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS thì trời hành cho khổ gấp mười, bởi họ không chỉ bị bệnh tật hành xác, mà đau đớn hơn là sự kỳ thị của cộng đồng. Đó cũng chính là điều mà những người làm ngành y như ông cứ trăn trở mãi. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân khống chế được căn bệnh, sống khỏe mạnh như bao người bình thường khác, nhưng không thể giúp họ có một cuộc sống bình thường với những người xung quanh mà không ít nhiều bị phân biệt, xa lánh. Với việc hỗ trợ, tư vấn điều trị thuốc cho khoảng 35 bệnh nhân hiện tại, cộng với những công việc thường nhật ở khoa truyền nhiễm, có thể nói bác sĩ Ngô Chiến cùng các cộng sự của mình đã phải rất nỗ lực cố gắng. Sổ nhật ký điều trị của ông ghi rất rõ hồ sơ ngày giờ nhận thuốc, quá trình diễn biến bệnh tình, tình trạng sức khỏe, cân nặng, tâm lý của từng bệnh nhân có H. rất tỉ mỉ.

Công việc chăm sóc, theo dõi, điều trị bệnh cho bệnh nhân HIV ngoại trú đòi hỏi phải rất cẩn thận, chặt chẽ, bởi theo ông, bệnh nhân chỉ cần quên hoặc chậm uống thuốc vài giờ đồng hồ thôi thì có khi phải thay đổi loại thuốc khác. Hỗ trợ điều trị bệnh HIV bằng thuốc ARV đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt chế độ uống thuốc, sinh hoạt, nên quan trọng nhất là phải có sự tự nguyện của người bệnh thì việc điều trị mới phát huy hiệu quả. Cũng chính bởi lý do này mà mặc dù hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khá đông nhưng hiện cũng chỉ có khoảng 35 bệnh nhân thường xuyên đến điều trị, nhận thuốc tại bệnh viện.

Những trường hợp phải nhập viện thường thì bệnh đã tiến triển lên cấp độ ba, độ bốn với những biểu hiện rất đáng sợ như lở loét cơ thể, lưỡi trắng xác như mặt trong của vỏ chuối, sút cân nghiêm trọng... Nhìn đáng sợ là thế, nhưng qua 3, 4 tháng cật lực điều trị, bệnh nhân trở lại bình thường. Kể với chúng tôi những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Chiến còn cười nói vui, sau vài tháng điều trị mà bệnh nhân của tôi đẹp lên một cách đáng ngạc nhiên so với ngày vào viện. Sự thân thiện, tận tâm của vị bác sĩ này đã khiến bệnh nhân rất yên tâm tin tưởng khi tìm đến với ông. Không chỉ điều trị, tư vấn về mặt chuyên môn, bác sĩ Chiến còn rất coi trọng việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người bệnh.

Chính vì vậy mà việc đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh, điều ông muốn tìm hiểu chưa phải là diễn biến bệnh tình, mà chính là những tâm tư, những khó khăn của họ để từ đó ông tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh an tâm dùng thuốc. Ông tạo niềm tin cho bệnh nhân bằng cách giới thiệu cho họ những người cùng cảnh ngộ đang dùng thuốc ARV và sống khỏe mạnh để họ có thể gặp, trao đổi và yên tâm vào việc điều trị. Thông qua kênh truyền thông của những người đồng đẳng là một cách hiệu quả nhất để những người có H. khác mạnh dạn tìm đến bệnh viện điều trị.

Từ năm 2005, Quảng Trị mới chính thức có thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS nhờ chương trình hỗ trợ quốc gia, cũng từ đây nhiều người mang trong mình căn bệnh này đã tìm lại được cuộc sống khỏe mạnh, ý nghĩa. Anh T., một bệnh nhân điều trị thuốc ARV từ những ngày đầu tiên đã tìm thấy niềm tin trở lại và vui sống với công việc của mình, anh nhắc đến bác sĩ Chiến với sự hàm ơn không giấu giếm: "Thật may mắn vì bên tôi luôn có người thân động viên, có bác sĩ Chiến tận tình chăm sóc. Tôi luôn nhớ câu nói hóm hỉnh mà chân tình của ông khi tôi tuyệt vọng với bệnh tình của mình, là em cố gắng sống thật thoải mái và điều trị thuốc tốt, kéo tuổi thọ lên trăm tuổi nhé".
Dù cơ sở vật chất, điều kiện của bệnh viện, của khoa truyền nhiễm cũng còn không ít khó khăn, song điều bác sĩ Ngô Chiến mong mỏi nhất là sẽ có nhiều bệnh nhân có H. xóa đi mặc cảm, tìm đến bệnh viện để được hỗ trợ, điều trị bệnh tình của mình, bởi với căn bệnh này, sự tự nguyện của bệnh nhân chính là yếu tố đầu tiên để họ tự cứu cuộc đời mình. Ông còn tự hào khoe rằng, nhờ điều trị tốt mà nhiều bệnh nhân của ông đã có cháu nội, cháu ngoại, giờ thêm niềm vui sum vầy bên con cháu. Và trên bàn làm việc, một tấm thiệp hồng của hai bệnh nhân có H. trân trọng nắn nót dòng chữ, kính mời bác sĩ Chiến, ông đọc mà mắt lấp lánh niềm vui.

Nhìn bác sĩ Chiến thăm khám cho bệnh nhân, tôi chợt nghĩ, cuộc đời sẽ phai nhạt đi nhiều nếu không có những người biết sẻ chia và đồng cảm với người bất hạnh như ông.

Lê Thanh Trúc