PDA

View Full Version : Tăng cường công tác truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV



Nguyen Ha
17-11-2013, 01:11
Tăng cường công tác truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Xác định rõ những nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch HIV/AIDS, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai thường xuyên, rộng khắp dưới nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho ngành y tế và ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm tỉnh về thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược hành động; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; cử cán bộ thường xuyên đến cơ sở phối hợp với cán bộ y tế xã giám sát các đối tượng nguy cơ cao; kịp thời phát hiện người mắc mới và đưa vào quản lý.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ lây cao về việc phòng, chống lây nhiễm HIV, gắn với việc chống phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Cử cán bộ chuyên trách gần gũi động viên, giúp đỡ người bệnh để họ không mặc cảm và sống có ích.

Trung tâm đã tích cực phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát hàng vạn tờ rơi, sách nhỏ, tranh gấp, tạp chí, tài liệu tuyên truyền; truyền thông trực tiếp cho hàng vạn lượt người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS... góp phần nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS; sự phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV từng bước được cải thiện, ngày càng có nhiều người nhiễm HIV tích cực tham gia một cách tự nguyện vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nhiều người nhiễm HIV/AIDS tự tìm đến nhau chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Cùng đồng đẳng viên Hà Văn Lượng, ở bản Na Tao, xã Pù Nhi (Mường Lát) đi “truyền thông phòng, chống HIV” tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của công việc mà những giáo dục viên đồng đẳng đang làm, đôi khi những lời khuyên được rút ra từ những sai lầm mắc phải của “người trong cuộc” đã góp phần giúp cho cộng đồng thấy được sự nguy hiểm do HIV/AIDS gây ra.

Anh Lượng cho biết: “Do tuổi trẻ nông nổi, sống buông thả nên tôi đã bị nhiễm HIV. Ban đầu rất suy sụp, nhưng được sự động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện của trung tâm y tế huyện, tôi được điều trị ARV, sức khỏe dần ổn định, đồng thời được cán bộ tư vấn, tôi đã lấy vợ, có con, hiện vợ con tôi khỏe mạnh, không bị lây nhiễm từ tôi. Thấu hiểu nỗi khổ của người mang bệnh, nên tôi đã đến với những người cùng cảnh ngộ để động viên, nhắc nhở họ uống thuốc (ARV) đều, đồng thời vận động các đối tượng có nguy cơ cao đi xét nghiệm...”.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng hiện tại Thanh Hóa cũng như một số tỉnh, thành phố khác đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết, như: độ bao phủ công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV chưa đồng bộ và chưa đạt hiệu quả cao; kinh phí cho hoạt động can thiệp chủ yếu từ các dự án quốc tế tài trợ, ngân sách của tỉnh dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; đội ngũ cán bộ chuyên trách ở tuyến xã và huyện vừa yếu, lại thiếu; chế độ cho người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thấp.

Sự kỳ thị với HIV/AIDS tuy đã được cải thiện, song vẫn còn rất nặng nề. Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Sỹ Tình (sinh năm 1974), thôn Tri Hòa, xã Quảng Phong (Quảng Xương) là một ví dụ. Do việc làm không ổn định, sức khỏe ngày càng sa sút cùng với sự xa lánh của mọi người khiến đôi vợ chồng trẻ chỉ mong sao chết đi cho đỡ khổ, nhưng vì con cái họ lại gắng gượng để các con không phải chịu cảnh mồ côi. Chị Phượng - vợ anh Tình nghẹn ngào: Trước kia khỏe mạnh, đi làm thuê còn phụ giúp thêm cho chồng chút ít, từ ngày biết tôi bị bệnh, bà con ngại không ai thuê nữa... Trong 4 đứa con, đứa con gái thứ 3 (5 tuổi) đã bị lây truyền HIV từ bố mẹ. Do sức khỏe yếu, lại không có điều kiện bồi dưỡng, cháu thường xuyên ốm đau. Còn đứa con trai đầu 15 tuổi, đang học lớp 8 thì bỏ, bởi cháu không chịu được những lời bàn tán, dị nghị của bạn bè, nay cháu đã vào Nam đi bán hàng rong, mong sao phụ giúp được bố mẹ phần nào.

Sự kỳ thị dù là vô tình hay hữu ý đã đẩy người nhiễm HIV vào bước đường cùng. Đôi khi chính nỗi đau kỳ thị lại giết chết người bệnh nhanh hơn là nỗi đau do bệnh tật hành hạ. Họ đang rất cần chúng ta, cần sự cảm thông và chia sẻ. Hy vọng, với sự tuyên truyền mạnh mẽ của cộng đồng và xã hội, sẽ sớm xóa bỏ được sự xa lánh, kỳ thị với người nhiễm HIV, giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống để tiếp tục vươn lên, sống có ích.


.Bài và ảnh: Tô Hà