PDA

View Full Version : Vượt lên nỗi đau



trungan1987
04-12-2013, 05:13
PTO- Chúng tôi đến với xã Tiên Lương (Cẩm Khê) lòng xáo trộn khi gặp Trần Thị Hoa. Chồng chị chết vì HIV nhưng chị khao khát được sống, dũng cảm mang tình yêu cuộc đời đối chọi với căn bệnh thế kỷ và làm được nhiều việc mà cộng đồng luôn kính trọng ủng hộ.

21 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của những người con gái với giấc mơ về mái ấm gia đình hạnh phúc thì Hoa đã là nạn nhân bị nhiễm HIV mà người truyền bệnh cho cô không phải ai khác mà chính là người chồng hằng ngày vẫn đầu gối vai kề với mình. Hoa đau đớn khi nhìn thấy người thân cứ dần bỏ mình mà đi. Nỗi đau trở thành tuyệt vọng khi Hoa biết đứa con 4 tuổi từ trong bụng mẹ cũng đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Nhìn con héo mòn khô rạc lúc nào cũng khát và sốt, nhưng Hoa không đau đến mức đông cứng như hóa đá khi chứng kiến con ngã chết. Chồng, con chết, bản thân cũng mang trong mình mầm bệnh, vậy mà trong lúc hoang mang nhất Hoa lại bị mọi người xa lánh, gia đình chồng đuổi cô ra khỏi nhà. Hoa khao khát được sống, nỗ lực dốc cạn sức tàn của mình cho những người có HIV. Trong khi gia đình, người thân của Hoa và một số người cùng xã cũng không may bị nhiễm HIV vẫn tỏ ra né tránh ống kính nhà báo, thậm chí khi địa phương mời bác sĩ đến thăm khám chữa bệnh họ còn xua đuổi cả bác sĩ thì Hoa và một số thành viên trong câu lạc bộ "Hoa sim tím" vẫn nhiệt tình sẵn sàng để hình ảnh vui vẻ sống và lao động của mình được truyền tải trên mặt báo và các thước phim tư liệu. Thông qua câu chuyện về cuộc đời mình, họ muốn truyền đi những thông điệp về cách sống lành mạnh để phòng tránh đại dịch HIV/AIDS. Có nhắm mắt vào Hoa cũng không thể tưởng tượng chỉ một vài tháng mà đám thanh niên cường tráng đi phu mỏ chỉ vì muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo. Vậy mà khi trở về chẳng biết tiền bạc đâu chỉ thấy cả làng, cả xã “tiêu điều” vì căn bệnh thế kỷ. Hoa tâm sự: Em là người phụ nữ bất hạnh nhưng cả làng này còn có bao người phụ nữ và những đứa trẻ khác cũng bị nhiễm HIV mà đau đớn thay đều là do những người chồng, người cha lây sang cho họ. Nỗi đau đớn bất hạnh không chỉ ở những gia đình có người bị nhiễm HIV mà với những người không mắc bệnh cũng bị kì thị: Từ chuyện khách qua Tiên Lương không bao giờ mua mặt hàng nào của địa phương, còn nếu mang ra chợ thì bị dè bỉu tẩy chay, đến chuyện không ai dám uống nước khi người Tiên Lương mời... tất cả là đòn bẩy để Hoa có nghị lực thành lập Câu lạc bộ "Hoa sim tím". Chị tình nguyện làm công việc tuyên truyền, che chở cho những người có cuộc sống tính bằng ngày, quyết tâm vận động mọi người đứng vững dù còn được sống một giây trên cuộc đời này thì cũng phải sống trách nhiệm có ích. Câu lạc bộ Hoa sim Tím (hoa của miền trung du quê chị) ra đời đặt trụ sở tại nhà Hoa. Ngoài việc cùng nương tựa, hỗ trợ nhau về tinh thần, các hội viên câu lạc bộ còn là những cộng tác viên tích cực của các tổ chức phi chính phủ khi họ thường xuyên tự theo dõi diễn biến bệnh của mình để báo cáo gửi các tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Hoa không bỏ lỡ một cơ hội nào để từ Tiên Lương ra Hà Nội dự họp các hội nghị chuyên đề, các báo cáo chuyên đề về HIV/AIDS. Hoa luôn tự nhủ sống có ích cho mọi người và đứa con thứ hai mà Hoa rất mực thương yêu. Hiện nay, cháu bé mới được hơn một tuổi là niềm an ủi lớn với Hoa bởi cháu không bị HIV do khi mang thai Hoa dùng thuốc ARV theo chỉ định của bác sĩ.

Là con cả trong gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1986 tại xã Khải Xuân (Thanh Ba) sớm phải phụ giúp cha mẹ từ việc nhà đến việc đồng áng cũng như bao đứa trẻ khác tại vùng quê nghèo. Đến tuổi lập gia đình, Mai nên duyên với một người đàn ông cùng làng. Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với chị, nhưng ngay trong những ngày đầu tiên làm vợ, chị chết lặng khi phát hiện chồng mình nghiện ma tuý. Ước mơ về một mái nhà ấm êm của chị bị lung lay dữ dội. Tai họa bất ngờ ập đến dồn dập khi chồng có kết quả dương tính với virus HIV. Khi biết mình cũng có kết quả dương tính, chị sụp đổ. Đã có lúc chị muốn buông xuôi cuộc đời mình nhưng không muốn đứa con nhỏ vô tội mất đi chỗ dựa của cả cha và mẹ, chị nhủ lòng phải quên đi căn bệnh chết người mình đang mang. Thân gái dặm trường, chị lặn lội lên Hà Giang mua quần áo, bỏ mối cho những tiểu thương buôn chuyến và dành dụm từng đồng gửi bố mẹ chồng để nuôi con. Được tư vấn dùng thuốc ARV chị khát khao mình sẽ được sống đủ lâu để chờ đến khi người ta điều chế ra thuốc chữa thành công căn bệnh thế kỷ này nên chị luôn tuân thủ đúng chế độ điều trị theo chỉ định của bác sĩ ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Theo Thạc sỹ Hồ Quang Trung - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Tại Mỹ và một số nước châu Âu, người có HIV (+) là được điều trị do sự cung ứng thuốc đủ, mặt khác khi điều trị sớm, người nhiễm HIV có thể giữ sức khỏe ổn định, lâu dài như người bình thường và còn có tác dụng là không lây bệnh cho gia đình, vợ con và cộng đồng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy: Các cặp vợ chồng mà chỉ có 1 người có HIV (+) mà đã được điều trị ARV thì trên 98% là không có lây nhiễm chéo giữa hai người. Tuy thuốc ARV không chữa khỏi hoàn toàn tình trạng nhiễm HIV, nhưng có tác dụng ngăn ngừa sự nhân lên của HIV trong cơ thể và mục đích của điều trị ARV là làm giảm tải lượng vi-rút HIV trong máu, làm tăng số lượng tế bào CD4, làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các nhiễm trùng cơ hội, tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV. Ở tỉnh ta, hiện có gần 900 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV.

(Tên bệnh nhân đã được thay đổi)

Hạnh Thúy