PDA

View Full Version : Ước mơ của người có HIV/AIDS



Charles
11-12-2013, 15:37
Ước mơ của người có HIV/AIDS





http://www.sdrc.com.vn/img/image/uocmo_640x480.jpg
Hình tải từ Internet



Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm và cũng để trải lòng mình với một vấn đề đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhưng cũng có không ít người thờ ơ với chính cuộc sống của mình và của người khác. Bạn đã bao giờ mang trong mình những tâm trạng, những lo lắng của một con người đang từng ngày từng giờ dành giật sự sống với tử thần chưa? Rồi không biết mình sẽ chết lúc nào? Chết như thế nào?. Tôi chưa trải qua tâm trạng ấy, chính vì điều này mà tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của bản thân tôi về ước mơ của những con người ấy. Đây không phải là một cuộc nghiên cứu về ước mơ mà đó chỉ là những cảm nhận của bản thân về những con người tôi đã gặp trong cuộc sống, trong công việc của tôi mà thôi.


Những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ - Họ cũng là những người rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi còn đi học những ấn tượng đầu tiên của tôi về căn bệnh này rất tồi tệ. Một phần do không được cung cấp kiến thức cũng như sự hiểu biết còn hạn chế nên tôi coi những người bị căn bệnh lạ này là do họ ăn chơi, đua đòi. Ở quê tôi còn rất lạc hậu, những gia đình có người bị nhiễm HIV/AIDS họ tránh xa, sợ lây lan và coi đó như là một quả báo của việc ăn ở không có phúc. Thế mà cách đây khoảng 3 năm căn bệnh ấy trong một thời gian ngắn đã cướp đi tính mạng của 4 chàng trai khỏe mạnh ở làng tôi. Họ là những người giỏi giang, là những sinh viên, là con ngoan trò giỏi của gia đình, là niềm tự hào của dòng họ. Một sự thắc mắc lớn đặt ra cho mọi người và cuối cùng đã có câu trả lời. Thời gian họ học trên thành phố có sử dụng ma túy. Nhưng ma túy là gì mà gây ra căn bệnh quái ác này. Nhìn các anh lúc bị bệnh thật đáng sợ. Ba mẹ tôi không cho đến gần, chỉ nghe các anh gào thét, kêu la đau đớn, xin được chết, có anh còn bị chính cha mình bỏ rơi hay xây cho một cái chòi nhỏ sống cách ly. Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho đến ngày tôi thi đậu Đại học và vào Nam đi học. Ba mẹ dặn tôi từng ly từng tí. Nhưng không phải ai đi học là sẽ sử dụng ma túy. Vào trường học tôi bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này qua thầy cô, bạn bè cũng như các phương tiện truyền thông. Tôi đã ngộ ra một điều là những người ở quê tôi thật thiệt thòi. Sự thiệt thòi làm cho họ có những suy nghĩ, hành động không đúng với chính những người thân yêu của mình. Nếu được cung cấp kiến thức thì những người mang trong mình căn bệnh ấy có lẽ đã sống những ngày tháng hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn và họ đã không cô đơn chống chọi với nỗi đau bệnh tật.


Có lẽ tôi đã đi hơi xa phải không các bạn? Thật sự cuộc đời luôn cho chúng ta những điều bất ngờ. Tôi đang làm công tác giáo dục trong một Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội của Sở LĐTBXH TP.HCM. Công việc đã tạo cơ hội để tôi hiểu rõ hơn về những con người đang mang trong mình căn bệnh này. Học viên (những người nghiện ma túy) của tôi nằm trong nhóm nguy cơ cao trong việc lây nhiễm HIV/AIDS bởi trong quá trình sử dụng ma túy họ có sử dụng chung bơm kim tiêm và có quan hệ tình dục không an toàn. Thật sự có nhiều học viên bị nhiễm. Chắc bạn sẽ thắc mắc là tại sao tôi không nói về bất cứ điều gì mà lại nói về ước mơ. Bởi ước mơ giúp con người có thể vượt qua được tất cả để sống và tiếp tục nuôi hi vọng. Nhưng học viên của tôi thì khác, ước mơ của họ phụ thuộc vào gia đình và cộng đồng rất nhiều. Ước mơ của họ rất giản dị, không muốn nói là rất bình thường. Bởi đa phần họ chỉ mong làm sao là gia đình còn nhớ tới họ, còn nhớ tới những đứa con đã một thời làm họ phiền lòng, làm họ lo lắng. Họ trông ngóng được có gia đình thăm gặp, được nói chuyện, được người thân hỏi thăm và quan trọng hơn là giang rộng tay đón họ trở về khi đã hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc hay khi căn bệnh chuyển qua giai đoạn cuối, họ mong được quay trở lại ngôi nhà của tình yêu thương. Khi nói đến đây tôi mới thấm thía câu nói của ông bà ta “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Không gì đau khổ khi bên cạnh ta không có người thân, không có người để ta chia sẻ.


Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng mở cửa đón tiếp họ. Cũng có những học viên được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng thật đáng buồn đó chỉ là số ít. Còn phần lớn là các em phải tự mình chống chọi. Đa số các học viên điều được đưa đi bệnh viện Nhân Ái. Chính nơi đó là nơi cuối cùng các em được đến và được chăm sóc hay sao. Thật tình tôi không có quyền phán xét hay phê phán ai hay đổ lỗi cho ai. Mà mong ước lớn nhất của tôi là làm sao để cho càng nhiều học viên được quay trở lại với gia đình, được sống cuộc sống của một con người theo đúng nghĩa nhất. Đó chính là điều mà không chỉ bản thân tôi mong muốn mà còn rất nhiều người khác cũng mong sao có nhiều người hơn cũng giang tay đón các em, cho các em một cơ hội được quay trở lại cuộc sống. Nhưng để làm được điều này thật không dễ. Nhưng một việc làm rất quan trọng là muốn người khác suy nghĩ, nhận thức đúng và hành động đúng cần cho họ hiểu và hiểu thật rõ ràng về vấn đề đó. Đó cũng chính là một bài học lớn mà bản thân tôi đã học được từ thực tế của cuộc sống. Để thực tế cho ta những kinh nghiệm những bài học thì thường con người lại phải trả một cái giá rất đắt. Qua bài cảm nhận này tôi mong sao những người mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS sẽ có nhiều động lực hơn nữa để chống chọi với bệnh tật và sống thật vui vẻ, đầy ý nghĩa. Chính các bạn sẽ là một tấm gương tốt giúp mọi người xung quanh thay đổi cách nhìn và từ đó họ sẽ có một lối sống vì con người nhiều hơn, vì cộng đồng nhiều hơn.

Mai Bích Ngọc