PDA

View Full Version : Cha mẹ bị nhiễm HIV: Làm thế nào để con sinh ra khỏe mạnh?



songchungvoi_HIV
24-12-2013, 12:28
KHỎE & ĐẸP (http://www.anninhthudo.vn/Khoe-dep/57.antd)
Cha mẹ bị nhiễm HIV: Làm thế nào để con sinh ra khỏe mạnh?Chủ nhật 03/11/2013 06:00
ANTĐ - Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Hà Nội, mỗi năm TP Hà Nội có trên 110.000 phụ nữ mang thai, trong đó có khoảng 700 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là 35-40%.

Như vậy mỗi năm Việt Nam sẽ có 1.300-1.700 trẻ bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Tính riêng TP Hà Nội, sẽ có khoảng 245-280 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ nếu không được can thiệp chủ động và tích cực.



http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2013_11_01/be.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Bố nhiễm HIV, con sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh

Anh Ong Văn Tùng, 39 tuổi và chị L, thành viên nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội đã đón đứa con trai đầu lòng trong niềm vui khôn xiết. Bởi lẽ anh Tùng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, còn vợ anh thì không. Mặc dù bị nhiễm HIV nhưng niềm mong mỏi có đứa con vẫn là điều mà anh chị khao khát nhất. Hai vợ chồng đã tìm đến Bệnh viện Phụ sản TƯ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được tư vấn. Các bác sĩ đều chung một lời khuyên không nên có con vì rủi ro quá cao. Anh chị đã nghĩ đến việc đi thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện tại Thái Lan. Tuy nhiên do chi phí quá cao, họ đã quyết định đầy mạo hiểm: có con theo cách truyền thống. Chị L. đi siêu âm căn ngày rụng trứng. Ngay sau khi gặp nhau, chị L. uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Còn anh Tùng, suốt nửa năm trước đó đã sử dụng thuốc ARV (thuốc kháng virus) để giảm thiểu nguy cơ lây HIV sang vợ. Ngay sau đó chị L. mang thai, hai vợ chồng vô cùng vui mừng mặc dù không tránh khỏi lo âu: liệu mẹ và con có bị nhiễm HIV không? Tuy nhiên các xét nghiệm sau đó đã cho kết quả chị L. âm tính với HIV. Cuối cùng, chị sinh hạ được một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh.

Người phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần phải làm gì?

Theo các bác sĩ, phụ nữ nhiễm HIV cần ăn nhiều hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng/ngày gồm nhóm bột đường (cơm, bánh mì, bắp…); nhóm thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, sữa, đậu); nhóm chất béo (dầu ăn, bơ, đậu phộng…); nhóm vitamin và khoáng chất (rau quả, trứng, sữa, trái cây…). Bên cạnh đó tư vấn xét nghiệm HIV trước sinh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá tình trạng HIV của phụ nữ mang thai, từ đó xác định các biện pháp can thiệp phù hợp, đặc biệt là dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra cả ở 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ đầu mang thai, do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con, 15%-20% do thời kỳ chuyển dạ đẻ và 10% trong thời kỳ cho con bú. Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, dừng điều trị thuốc ARV sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch, gây khả năng kháng thuốc, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con. Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả trong việc phòng chống lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy, khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, việc sinh nở và nuôi con của những bà mẹ nhiễm HIV vẫn an toàn. Ngoài ra với những phụ nữ có HIV mang thai còn ở tình trạng miễn dịch tốt, sẽ được tiến hành điều trị dự phòng bằng AZT liên tục cho đến khi chuyển dạ. Đồng thời cứ 3 tháng một lần thai phụ cần kiểm tra tế bào CD4 để được điều trị ARV theo những phác đồ khác nhau.

Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong khi sinh nên tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn. Chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh được coi là biện pháp tối ưu. Sau khi sinh, người mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa thay thế để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Những trẻ được sinh ra từ bà mẹ có HIV cần được giới thiệu và chuyển tới các phòng khám để theo dõi và điều trị ARV.

Mai Hà

songchungvoi_HIV
24-12-2013, 12:30
Điều trị bằng thuốc ARV: Giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Điều trị bằng thuốc ARV có vai trò rất quan trọng đối với người nhiễm HIV nói chung và phụ nữ mang thai nhiễm HIV nói riêng. Bên cạnh việc làm chậm lại sự phát triển của virus HIV, giảm được tần suất mắc và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị ARV sớm còn là biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả. Điều quan trọng nhất trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là giúp người phụ nữ chủ động tìm hiểu, nắm rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV, để họ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm HIV cho con. Việc dự phòng lây truyền HIV hiện nay thường tập trung vào phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai đang sinh sống ở những vùng có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Bình Phương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “ Người phụ nữ mang thai cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm phát hiện HIV sớm và được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện tại, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai tốt nhất vẫn là dùng thuốc ARV càng sớm càng tốt và tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh con. Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh là đơn vị cung cấp thuốc ARV miễn phí cho những người nhiễm HIV và tại đây các bác sĩ thực hiện song song việc điều trị bằng ARV đồng thời tư vấn cho bệnh nhân cách dự phòng lây truyền HIV”
Đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, việc dừng điều trị thuốc ARV sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm miễn dịch, gây khả năng kháng thuốc, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con. Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Do đó, khi xét nghiệm, biết mình bị nhiễm HIV, bên cạnh việc chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác, người mẹ nhiễm HIV còn được chăm sóc, uống thuốc điều trị ARV để phòng tránh lây truyền sang con.
Theo số liệu thống kê, hiện tại trên địa bàn Thành phố Quy Nhơn có 253 trường hợp nhiễm HIV (tích lũy từ năm 1993), trong đó có khoảng 59 trường hợp là phụ nữ. Vì thế trong thời gian qua, Nhóm Giáo dục đồng đẳng của thành phố Quy Nhơn luôn tích cực trong việc tuyên truyền, vận động những phụ nữ là những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV và định kỳ đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) để được tư vấn và xét nghiệm phát hiện HIV sớm.
Ông Nguyễn Xuân Bình, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn cho biết: “Trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố chưa phát hiện trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV, đây là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy hoạt động của nhóm Giáo dục đồng đẳng trên địa bàn thành phố đã góp phần cùng mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của địa phương trong việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, không chủ quan mà trong thời gian tới chúng tôi vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa để vận động được càng nhiều người đi xét nghiệm tự nguyện càng tốt, nhất là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao”.
Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách có hiệu quả cần có sự tham gia, phối hợp của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể cùng với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng và đầy đủ về HIV cũng như cách phòng tránh hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường theo dõi và có sự hỗ trợ, tư vấn cần thiết đối với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi sinh con. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước xóa bỏ những rào cản, sự kỳ thị đối xử trong cộng đồng đối với người nhiễm HIV, để họ có thể chủ động sớm tìm đến với các dịch vụ tư vấn hỗ trợ, tham gia các dịch vụ toàn diện dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cả cộng đồng./.

TUYẾT XINH (Cập nhật ngày 27-11-2013)