PDA

View Full Version : Điều kỳ diệu của người đàn bà có “H”xuyên qua giông bão



songchungvoi_HIV
09-01-2014, 11:15
Hạnh phúc vỡ òa với người phụ nữ đã gánh chịu quá nhiều nỗi đau trong cuộc đời. Điều kỳ diệu tưởng chừng không xảy ra nhưng đã thành hiện thực với người mẹ có “H” khi chị sinh con khỏe mạnh không HIV.

Điều kỳ diệu đã xảy ra với một người phụ nữ không may bị lây nhiễm HIV nhưng dám vượt qua chính mình để bước ra từ bóng tối của số phận và thắp sáng cuộc đời mình bằng niềm tin và nghị lực sống. Đó là chị Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Sim Tím (CLB dành cho những người nhiễm HIV) ở xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.


http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/Bandocviet/108/nguoiduatin-ANHCHINHThanhAIDS.jpg


Chị Thành rất mãn nguyện, hạnh phúc và sống có ý nghĩa hơn với đứa con khỏe mạnh

Bóng tối của số phận

Sinh năm 1983, trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của Thành là những tháng ngày vất vả, lam lũ với ruộng vườn. Học hết lớp 9, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, Thành đã xin thôi học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Là lao động chính trong gia đình, Thành làm đủ việc, từ cấy trồng, chăn nuôi lợn gà, kiếm củi, gánh đất, phụ hồ... Việc gì dù vất vả mấy Thành cũng làm, chỉ mong sao có chút tiền đỡ đần cha mẹ. Suốt cả thời thiếu nữ, cô gái nông thôn chân chất ấy chưa một lần bước chân ra khỏi làng. Ấy vậy mà số phận lại xô đẩy cuộc đời cô đến tận cùng những khổ đau.

Tình yêu đầu đời của Thành với chàng trai cùng làng thật đẹp và lãng mạn. Cô gái thôn quê xinh đẹp, hiền lành không hề hay biết anh chàng S. với dáng vẻ hào hoa bảnh bao, từng theo học tại Học viện kỹ thuật quân sự kia lại là kẻ hư đốn chẳng ra gì. “Chiến tích” bị đuổi học được anh ta giấu nhẹm. Lúc đó, Thành chỉ biết tin và yêu, yêu say đắm, mê muội. Đầu năm 2001, Thành lên xe hoa về nhà chồng mà không hề biết rằng chồng mình đã dùng ma túy cách đó vài năm. Khi chuẩn bị sinh đứa con trai đầu lòng, chị đi làm xét nghiệm.

Thành bàng hoàng và đau đớn vô cùng khi biết tin mình có H (HIV). Cùng lúc đó là lời thú nhận của chồng, trong thời gian cùng đám trai làng đi làm ăn xa ở Quảng Ninh, khi chơi ma túy, S. đã dùng chung kim tiêm với một số công nhân làm than trong mỏ. Thành đau đớn tưởng chừng như ngã gục. Càng đớn đau hơn khi đứa con trai đầu lòng, bé Trần Đức L. cũng bị lây bệnh.

Từ nhỏ đến lúc lấy chồng, có con, Thành chỉ quanh quẩn ở thôn quê, chưa một lần ra thành phố, chưa được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nên Thành không biết đến uống thuốc cũng như cách phòng bệnh. Thành đã trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả. Chồng Thành sớm mất vì căn bệnh thế kỷ. Một mình đơn độc chống chọi với căn bệnh HIV, lại nuôi một đứa con còn bé xíu cũng bị HIV.

Việc duy nhất Thành có thể làm để kiếm tiền nuôi con đó là đi làm thuê, làm mướn. Ai, ở đâu có việc gì, dù khó đến mấy, Thành cũng xin làm. Hôm nào cũng vậy, Thành dậy sớm, bế con sang gửi nhà ông bà ngoại ở xóm bên rồi đi cấy, đi gặt thuê.

Năm 2004, bé L. ốm nặng, khóc ròng nhiều ngày đêm, Thành tan nát cõi lòng, nghĩ: Thế là hết, cả nhà giờ chỉ còn đợi tử thần! Ngày ấy, những người có AIDS như Thành bị cộng đồng kỳ thị lắm, đi đâu Thành cũng không dám ngẩng mặt lên nhìn. Lúc nào chiếc nón cũng sùm sụp, phía dưới là chiếc khăn to đùng che kín mặt, chỉ hở mỗi đôi mắt. Vì thương bố mẹ đẻ và các em nên Thành không dám về nhà mẹ ở. Hai mẹ con cô cứ vá víu qua ngày tại gian chái nhà bố mẹ chồng. Gia đình chồng có anh trai, chị dâu, em rể, em gái và mấy đứa cháu đều có H nhưng lại không thông cảm với hoàn cảnh khổ cực của mẹ con Thành. Thậm chí, bố chồng thường xuyên đánh chửi con dâu, cháu nội. Đỉnh điểm nhất là lần bé L. bị sốt, cháu khát nước nên cứ đòi ăn kem. Thương con, Thành đã mua kem cho bé. Ông bố chồng tức giận, cầm chiếc dép đánh vào mặt Thành. Đau quá, Thành né tránh, thằng bé tuột khỏi tay mẹ, rơi xuống sân nhà cùng tiếng khóc như xé trời. Hàng xóm xúm lại đưa bé đi cấp cứu ở trạm xá xã, nhưng cháu đã mãi mãi ra đi…

Điều kỳ diệu thắp sáng cuộc đời

Thành trở thành người đầu tiên công khai mình bị HIV/AIDS ở Tiên Lương và là một tuyên truyền viên tích cực nhất. Đặc biệt, trong năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng Cohed (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), Câu lạc bộ (CLB) Hoa Sim Tím dành cho người nhiễm HIV ở Tiên Lương được thành lập. CLB có 28 thành viên (hầu hết là có H) do Thành đứng đầu. Thành được đi học nghề làm tóc, trang điểm cô dâu, chụp ảnh, được hỗ trợ làm một căn nhà nhỏ cho riêng mình. Cũng tại ngôi nhà nhỏ này, các thành viên được chia sẻ, động viên, giúp đỡ để vượt qua bi quan, mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng.

Họ đã học được từ Thành nghị lực sống, quan trọng hơn là kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS. Các thành viên trong CLB được đưa đi xét nghiệm CD4, được chăm sóc và dùng thuốc ARV miễn phí... Mỗi thành viên được kết nạp, được tư vấn, chăm sóc, được khám chữa bệnh, tiếp cận với chương trình dùng thuốc miễn phí... là cả một hành trình nỗ lực của Thành.
Thời gian đó, Thành làm việc quên cả bản thân mình. Cửa hàng làm tóc, trang điểm cô dâu, chụp ảnh của Thành và các chị em trong CLB khá đông khách. Những người làm việc tại đây ngoài Thành còn có một số chị em cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Trở thành một người đi đầu trong việc tuyên chiến với AIDS, cô được mời đi dự hội nghị, đi nói chuyện về HIV/ AIDS ở nhiều nơi và đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện. Tôi vừa thương vừa xót xa vì cái sự hồn nhiên của cô khi Thành đưa cho tôi xem bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì có thành tích đặc biệt trong phòng, chống HIV/AIDS. Thành nói: “Tháng 12.2009, em đã được về Hà Nội nhận bằng khen của Bộ y tế. Nhờ có AIDS mà em mới được ra Hà Nội đấy!”.

Đã hơn 10 năm từ ngày chồng chết, 8 năm từ khi con chết, trong căn nhà từ thiện kiêm CLB của những người có “H”, một mình Thành đơn độc sống. Ban ngày Thành chăm chỉ bán hàng tạp hóa, làm tóc, chụp ảnh cho khách nhưng đêm đêm Thành cứ lủi thủi, cô quạnh một mình. Nỗi nhớ con dày vò, đêm nào Thành cũng nhìn lên ban thờ cháu L., trò chuyện với con cho đỡ nhớ. Vừa nỗ lực uống thuốc để chống lại chứng bệnh quái ác đang ngày đêm hành hạ, Thành vừa khao khát có được một đứa con, để làm chỗ dựa tinh thần, nhất là khi trái gió trở trời, khi một ngày nào đó, biết đâu…

Thành tâm sự: “Là phụ nữ, ai cũng khao khát được làm mẹ, nhất là với những người có bệnh tật như em thì ước mơ này càng cháy bỏng hơn. Mỗi khi chợt nghe tiếng trẻ thơ, lòng em lại vọng lên ước muốn có một đứa bé để nâng niu, chiều chuộng. Em biết, sẽ không có người đàn ông nào đủ dũng cảm để cùng em xây dựng mái ấm gia đình, chẳng có ai dám bước qua sự dị nghị của dư luận để cưới em, một phụ nữ từng dính ết Em thèm được nghe tiếng gọi mẹ biết bao lần. Những đêm trống trải mới thấy mình cần có đứa con để yêu thương, chăm sóc, chơi đùa anh ạ! Nghĩ đến cảnh về già đơn chiếc, hiu quạnh ốm đau, muốn có một mụn con để sau này dựa dẫm. Lần lữa mãi em mới quyết định có con, khổ mấy em cũng chịu được. Dẫu biết đứa bé sinh ra không có cha và mẹ thì bệnh tật thế sẽ thiệt thòi bội phần”.

Với khao khát cháy bỏng được làm mẹ, năm 2011, qua thông tin từ một người bạn có chung cảnh ngộ tại Hà Nội, Thành đã dồn toàn bộ số tiền tích cóp sau bao năm làm lụng để về Hà Nội cấy phôi. Niềm vui nhân lên gấp bội khi bác sỹ thông báo ca cấy phôi vào tử cung đã thành công sau hơn hai tháng nằm viện chờ đợi. May mắn đã mỉm cười khi Thành chỉ thực hiện việc cấy duy nhất 1 lần đã có kết quả. Thành trở về quê mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Tuy được bác sỹ tư vấn và động viên Thành yên tâm chờ đón đứa con ra đời sẽ khỏe mạnh nhưng Thành vẫn vô cùng lo lắng vì độ an toàn của những ca như thế này cũng không hẳn đã là tuyệt đối.

Theo lời bác sỹ, ngày ngày Thành chịu khó ăn uống, chăm sóc thai nhi và không quên uống thuốc chữa bệnh cho mẹ và phòng bệnh cho con. Cuối tháng 6/2012, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Thành đã sinh bằng phương pháp mổ đẻ một bé trai khôi ngô, kháu khỉnh. Bé nặng 3,9 kg, với kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.


<tbody>
Bi kịch gia đình chồng – 9 người nhiễm HIV
Ngày đó xã Tiên Lương có đến trên 30 người bị nhiễm HIV, riêng gia đình chồng Thành có đến 9 người nhiễm H. Từ anh chồng, chị dâu, em gái chồng, em rể và các cháu. Đau đớn tột cùng khi đám cưới của Thành và S. diễn ra đầu năm thì đến cuối năm Thành trở thành góa phụ. Lúc đó cô chưa đầy 20 tuổi. Chứng kiến chồng, anh chồng, chị dâu, em rể chồng cứ lần lượt ra đi, Thành vô cùng hoảng sợ. Nhiều lần Thành đã nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng còn cháu L., Thành không thể bỏ mặc cậu con trai nhỏ bé đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật giữa đời. Thành lại cố gượng dậy. Đêm đêm, cô lặng lẽ khóc thương cho số phận tủi buồn của mình

</tbody>
Hoàng Sa