PDA

View Full Version : Hồi sinh nhờ HIV



songchungvoi_HIV
18-01-2014, 12:52
Nếu như với những người khác, nhiễm HIV đồng nghĩa với việc mất tất cả thì với N.N.H lại là điều ngược lại. Chính khi bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, anh mới đủ tỉnh táo và quyết tâm để trở lại làm một con người đúng nghĩa, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và làm nhiều việc giúp những người đồng cảnh ngộ. Đặc biệt hơn, với nỗ lực phi thường, năm 2012, N.N.H. đã vinh dự nhận bằng cử nhân điều dưỡng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
<tbody>
http://www.t4ghcm.org.vn/uploads/images/2014/2-SucKhoe/001.jpg


Ảnh. N.N.H tặng quà cho trẻ em con những gia đinh có ngưòi nhiễm HIV

</tbody>
Đường về lắm gian nan
Tôi gặp H. vào dịp cuối năm, khi anh cùng các “đồng nghiệp” đang tất bật chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và mừng năm mới. Tuy mỗi người mỗi ngành nghề khác nhau, nhưng khi đến đây, họ đều có chung một công việc là chăm sóc những bệnh nhân không may bị nhiễm HIV.
Sinh năm 1979, trong một gia đình tương đối khá giả ở quận 1. H. từng có một gia đình hạnh phúc, êm ấm với cha mẹ và một cô em gái. Năm H học lớp 10, mâu thuẫn giữa cha mẹ anh bắt đầu xuất hiện và ngày càng không thể hàn gắn, cuối cùng họ đưa nhau ra tòa. Chán đời, H. bỏ nhà đi bụi. Trộm cắp, bảo kê, đâm thuê, chém mướn…việc gì anh cũng làm. Bạn bè rủ chơi ma túy, H. tham gia rồi nghiện nặng.
Những cuộc gặp gỡ với mẹ và em gái toàn diễn ra trong nước mắt. Không đành lòng nhìn những người thân yêu phải đau khổ vì mình, H. quyết tâm cai nghiện. Năm 1997, H bắt đầu tìm đến các trung tâm cai nghịên của thành phố để cai nhưng sau khi ra ngoài, anh lại tái nghiện. Qua 3 lần cai thuốc không thành công, H. quyết tâm ra Bắc, đến ở nhờ nhà một người quen trên Lào Cai và bắt đầu hành trình cai thuốc. Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn đó, H. tâm sự: “Có những lúc không chịu nổi, muốn bỏ cuộc nhưng ngay sau đó mình lại nghĩ nếu buông xuôi, mình sẽ tự đóng cánh cửa trở về làm một con người đúng nghĩa.”
Biết H. đã từ bỏ được ma túy, mẹ anh đã khuyên anh nên ở ngoài đó lập nghiệp nhưng anh nghĩ mình vấp ngã từ đâu thì nên đứng dậy ở đó. Năm 2002, H. quay vào TP. HCM và bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.
Những tưởng đó chỉ là một quãng đời lầm lỗi và tất cả sẽ qua đi, thế nhưng khi cánh cửa khác được mở ra thì H. lại thấy mình không còn gì để mất, không còn gì để hy vọng. Năm 2004, H. bị viêm ruột thừa phải nhập viện mổ kết quả xét nghiệm dương tính với HIV đã khiến anh suy sụp hoàn toàn. “Đòn HIV” đã giáng một cú mạnh vào tiềm thức, vào khát vọng sống cho ra một con người của chàng trai mới 25 tuổi.
Nhiễm HIV không là dấu chấm hết
Trong khi đang rơi vào hoảng loạn, suy sụp thì H. gặp được cô Nguyễn Thị Vinh – trưởng nhóm Tiếng Vọng, một nhóm thiện nguyện chuyên giúp đỡ những người không may bị HIV. Từ đây cuộc đời H. chuyển qua một bước ngoặt mới.
Được cô Vinh và những người trong nhóm Tiếng Vọng hết lòng chăm sóc, sức khoẻ dần hồi phục, H bắt đầu theo cô Vinh và những người trong nhóm đi chăm sóc những người cùng cảnh ngộ, gieo vào họ niềm tin, tinh thần lạc quan vào cuộc sống. “Nhiều lúc tôi nghĩ, chính khi bị HIV, tôi mới đủ tỉnh táo và quyết tâm trở lại làm một người đúng nghĩa, sống có ích và có trách nhiệm hơn với cuộc đời”. H. cười chia sẻ.
Nhiễm HIV đồng nghĩa với án tử đang treo lơ lửng trên đầu nhưng N.N.H. rất lạc quan. Dù đã bỏ học 12 năm, nhưng khi được sự động viên của cô Vinh, H. quyết tâm đi học trở lại. Anh làm hồ sơ xin học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Quận 1. Sau khi tốt nghiệp, với sự định hướng của cô Vinh, H. nộp hồ sơ và thi đậu vào Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Thi vào trường đại học Y khoa đã khó nhưng quãng đường bốn năm học còn khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt nó còn khó gấp nhiều lần đối với một sinh viên nhiễm HIV như H. Sức khoẻ không tốt, H. vừa học, vừa phải chiến đấu với những căn bệnh “cơ hội” thế nên nghỉ học ở nhà chữa bệnh là chuyện cơm bữa đối với chàng sinh viên này. Cô Nguyễn Thị Vinh nhớ lại: “Có lần đang giữa năm học thì H. bị bệnh Lao, phải nghỉ để vào viện điều trị. Sợ nghỉ lâu, nhẹ thì ảnh hưởng đến kết quả học tập, nặng thì bị đuổi học thế là tôi phải lên trường gặp giáo viên chủ nhiệm, trình bày hoàn cảnh… Rất may được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch”.
Bệnh thì nghỉ, khỏe thì lên lớp học, buổi tối và những ngày nghỉ, H. lại cùng các bạn trong nhóm Tiếng Vọng đi chăm sóc bệnh nhân AIDS. Cứ thế bốn năm học vất vả rồi cũng trôi qua. Trời không phụ những người có ý chí vươn lên. Cây trồng rồi cũng đến ngày cho quả ngọt. Năm 2012, H. đã vinh dự nhận tấm bằng cử nhân chuyên ngành Điều dưỡng của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ra trường, khi bạn bè cùng khoá kịp xin vào làm ở các bệnh viện thì H. lại quyết định quay về với nhóm Tiếng Vọng, nơi có những người đã giúp đỡ anh, cho anh niềm tin vào cuộc sống. Nơi có những bệnh nhân HIV đang rất cần sự giúp đỡ của anh.
“Giúp người chính là giúp mình và để người khác không kỳ thị mình thì trước tiên mình phải xoá bỏ được sự tự ti, mặc cảm của bản thân”. Với quan niệm đó và với những nỗ lực của bản thân, N.N.H. trở thành tấm gương tiêu biểu cho những bệnh nhân của căn bệnh thế kỷ. Một con người, một số phận tưởng đi vào ngõ cụt đang hồi sinh.
Tuấn Anh