PDA

View Full Version : Những vitamin cần thiết cho cơ thể: Đôi điều về Vitamin B1



songchungvoi_HIV
18-01-2014, 13:14
PGS TS Nguyễn Hữu ĐứcCó 13 vitamin cần được cung cấp hằng ngày, 4 vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và 9 vitamin tan trong nước (vitamin C và 8 vitamin nhóm B). Riêng vitamin nhóm B, được đặt tên theo số thứ tự, nhưng có thêm tên đặc biệt. Vitamin B1 chính là vitamin tan trong nước và còn có tên là thiamin.


http://www.t4ghcm.org.vn/uploads/images/2013/2-SucKhoe/089.jpg

<tbody>





</tbody>
Vitamin B1 cũng như các vitamin khác được cung cấp chủ yếu từ thực phẩm. Nói chung, nếu cơ thể khỏe mạnh và ăn uống tốt thì thực tế không cần sử dụng thêm vitamin dưới hình thức thuốc. Việc bổ sung vitamin chỉ cần thiết khi:
- Nhu cầu cơ thể tăng quá mức cung cấp hằng ngày (như người nghiện rượu cần nhiều vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B1 để chuyển hóa rượu).
- Nguồn dinh dưỡng không đảm bảo đủ nhu cầu.
- Rối loạn hấp thu vitamin ở hệ tiêu hóa (như người dùng thuốc giảm cân theo cơ chế giảm thiểu lượng chất béo hấp thu ở ruột có thể bị thiếu vitamin tan trong dầu).
- Cần làm giảm tác dụng phụ có hại của thuốc (các vitamin nhóm B như B1, B6 thường được dùng bổ sung làm giảm các rối loạn hoạt động thần kinh ngoại vi do thuốc gây ra).
Trong các trường hợp trên, việc dùng thuốc vitamin bổ sung được xem là liệu pháp điều trị thay thế, nhằm đảm bảo nhu cầu vitamin mà nếu thiếu đưa đến bệnh lý rõ rệt, như thiếu vitamin B1 đưa đến bệnh tê phù.
Đối với vitamin B1, nhu cầu cần hằng ngày vào khoảng 1,5 mg. Trong cơ thể, vitamin B1 tham gia vào nhiều phản ứng chuyển hóa, đặc biệt là chuyển glucid (đường bột). Nhu cầu vitamin B1 có liên quan trực tiếp đến lượng đường bột (như cơm ta ăn hằng ngày). Ở đây cần ghi nhận sự “đặt để” rất thú vị của thiên nhiên. Biết rằng ăn nhiều tinh bột gạo, sẽ cần nhiều vitamin B1 để chuyển hóa tinh bột đó thành chất dinh dưỡng cho nên thiên nhiên đã đặt để có thật nhiều vitamin B1 ở cám gạo. Khổ nỗi con người cứ đinh ninh rằng ăn gạo càng trắng càng tỏ ra văn minh quý phái nên đã bỏ đi cám gạo đáng quý đó và luôn bị nguy cơ thiếu vitamin B1 rình rập. Và cũng không lấy làm lạ khi có không ít người xem “gạo lức muối mè” có tác dụng bổ dưỡng đến độ trị được bệnh.
Nếu như thiếu hụt vitamin B1 sẽ đưa đến bệnh thiếu vitamin B1 còn gọi là bệnh Beri-beri(ta gọi là bệnh tê phù) đặc trưng bởi các triệu chứng viêm dây thần kinh ngoại vi và rối loạn tim mạch. Có 2 dạng beri-beri: dạng beri-beri “khô” biểu hiện ở thần kinh ngoại vi như rối loạn cảm giác chi (tê), giảm phản xạ, teo cơ; dạng beri-beri “ướt” với triệu chứng khó thở khi gắng sức, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, phù, gọi chung là suy tim. Dấu hiệu của thiếu vitamin B1 có thể đến sớm hơn dưới dạng rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, giảm nhu động tiêu hóa (do giảm tiết acid dịch vị). Khi bị bệnh beri-beri, sự bổ sung thuốc vitamin sẽ làm giảm nhanh các triệu chứng.
Thuốc vitamin B1 được dùng hiện nay là loại thương phẩm hoàn toàn tổng hợp, dùng ở dạng muối thiamin clorhydrat, bromhydrat hay nitrat. Về độc tính, vitamin B1 không độc và phản ứng có hại của vitamin này thuộc loại hiếm, có thể dùng liều lớn đến 500 mg mỗi ngày. Tuy nhiên khi dùng đường tiêm có thể bị dị ứng đưa đến sốc phản vệ có thể bị tử vong. Nên lưu ý có tình trạng dùng thuốc vitamin B1 rất bất hợp lý, như có nhiều trường hợp tiêm bắp vitamin B1 liều cao không phải để chữa bệnh mà để bổ sung theo kiểu hỗ trợ dinh dưỡng thông thường (trường hợp này chỉ nên uống là tốt hơn). Chỉ dùng đường tiêm để trị thiếu hụt vitamin B1 nặng (suy tim do beri-beri, hội chứng Wernicke). Đặc biệt, nếu dùng vitamin B1 bổ sung thì chỉ nên dùng theo liều khuyến cáo chứ không nên dùng liều cao. Nên ghi nhận một khuyến cáo từ các nhà điều trị: “dùng liệu pháp vitamin liều cao để điều trị các triệu chứng không do thiếu vitamin là không có cơ sở khoa học”.
Một quan điểm sai lầm thường gặp ở nhiều người hiện nay là xem vitamin tan trong nước, trong đó có vitamin B1 là các thuốc vô hại vì gây hiện tượng tích lũy lại trong cơ thể, đưa đến lạm dụng, dùng bừa bãi các thuốc này. Hiểu sai lệch về vai trò của vitamin là chất xúc tác sinh học tham gia vào các phản ứng chuyển hóa thành ra là thuốc tăng lực, cải lão hoàn đồng, người ta dễ có xu hướng lạm dụng theo kiểu “đã khỏe rồi muốn khỏe hơn”. Lạm dụng sẽ đưa đến thừa vitamin và điều nguy hại là thừa vitamin thường khó phát hiện, thường nhầm lẫn với triệu chứng suy nhược cơ thể. Thông thường khi nói sử dụng vitamin hợp lý thì không phải đề cập đến vitamin thương phẩm có hàm lượng vitamin cao mà là nhấn mạnh đến nguồn vitamin từ dinh dưỡng, từ thực phẩm hằng ngày.
Chỉ định của vitamin B1 (tức những trường hơp bác sĩ cho dùng vitamin B1 để trị bệnh): Ðiều trị và phòng bệnh thiếu thiamin; Hội chứng Wernicke và hội chứng Korsakoff; Viêm đa dây thần kinh do rượu; Beriberi; Bệnh tim mạch có nguồn gốc do dinh dưỡng ở người nghiện rượu mạn tính; Phụ nữ mang thai; Người có rối loạn đường tiêu hóa và những người nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, thẩm phân màng bụng và thận nhân tạo.
Ngoài gây sốc phản vệ khi tiêm, dùng vitamin B1 có thể bị các tác dụng phụ sau: Tăng huyết áp cấp; Ban da, ngứa, mày đay; Khó thở; Kích thích tại chỗ tiêm.