PDA

View Full Version : Kỳ thị người nhà nhiễm HIV/AIDS cũng là phạm luật



songchungvoi_HIV
20-01-2014, 09:14
Chị Hoàng Thị Huế, ngụ ở An Quý, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vốn là một y tá tại một bệnh viện thuộc tỉnh Thái Bình. Năm 2004, một con nghiện mắc bệnh AIDS trong cơn tâm thần bấn loạn, đã cố tình lây nhiễm HIV cho chị.

http://www.vnpplus.com/images/upload/news/aids-ribbon.gif
Điều kiện để chống sơ nhiễm HIV tại Thái Bình khi đó không có, chị bị lây và vô tình làm cho chồng nhiễm theo. Một năm sau, chị Huế sinh con, đứa con cũng bị nhiễm từ mẹ. Là một giáo viên, khi biết mình mắc bệnh, anh Trần Văn An - chồng chị, đã không chịu nổi mặc cảm, đã cùng vợ bán nhà, gom góp tiền bạc vào TP.HCM, nơi mà theo anh "là chốn văn minh hơn vùng quê nghèo ngoài ấy" để sinh sống và chữa bệnh. Năm 2006, họ quyết định vào huyện Củ Chi, TP.HCM lập nghiệp.
Nghe người quen giới thiệu ở An Nhơn Tây có trung tâm Mai Hòa, giúp đỡ, nuôi dưỡng và dạy học cho trẻ em nhiễm HIV, vợ chồng chị quyết định về mua đất, cất nhà, cho con học tập. Anh chị mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tại nhà, chị còn nhận vải về gia công. Sống yên ả hơn một năm, anh An có những biến chứng đầu tiên của bệnh AIDS. Hàng xóm biết chuyện anh chị nhiễm HIV, hàng tạp hóa không một người đến mua, anh chị phải tự ăn dần cho hết. Chị Huế khóc: "Đến làm việc gia công lột vải người ta cũng không cho. Ngồi trước nhà, thấy người đi đường bị ngã xe, mình ra đỡ, họ cũng gạt đi, sợ lây bệnh".
Anh An qua đời đầu năm 2008. Một tháng sau con trai của anh chị mất tại trung tâm Mai Hòa. Đau lòng, tuyệt vọng, chị Huế bán nhà, về quê, hy vọng được chết nơi quê mẹ. Không ngờ khi chị trở về, những người em ruột thịt ngày xưa chị từng cưu mang cũng đã xua đuổi chị. Họ không cho con đến gần, cách ly chị và cả bố mẹ chị, trong khi ông bà đều ở tuổi gần 70.
Buồn các em thiếu hiểu biết, chị Huế tìm đến cán bộ chuyên trách y tế ở địa phương, tâm sự về chuyện bị kỳ thị, chị cán bộ này cũng bất lực vì hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về bệnh HIV với cộng đồng chỉ dừng lại ở chỗ người dân thấy bệnh này là nguy hiểm lắm, phải tránh xa.
Chị cay đắng: "Tôi nhớ là có những quy định pháp lý hẳn hoi về chuyện không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng bao giờ mới được thực thi? Là y tá, tôi biết rõ bệnh của tôi đâu dễ lây cho người khác. Ở nhà em út tôi bảo, chẳng có luật nào cấm chúng không cho người bệnh AIDS vào nhà... Cán bộ y tế thì khuyên tôi "tìm nơi tạm lánh"! Xin hỏi bao giờ những người bệnh AIDS như chúng tôi mới được chấp nhận đây?".

Nghi Anh

Theo Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến – Phó vụ trưởng - Phó cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM:
"Vấn đề chị Huế đặt ra là một vấn đề bức xúc và cũng là thách thức đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống HIV/AIDS. Theo luật, tại khoản 3, điều 8 những hành vi bị nghiêm cấm đã ghi rõ, cấm: "Kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV". Ở đây, người nhà của chị Huế, khi hắt hủi người bệnh AIDS, cũng là vi phạm luật.
Dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính với người nhiễm HIV có quy định tại chương II, điều 8: 2. Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ đối với một trong các hành vi sau đây: d) Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình người nhiễm HIV. Dự thảo Nghị định này vừa hết hạn lấy ý kiến đóng góp ngày 15/8/2009, nhưng vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Và vì thế, tại nhiều nơi, thậm chí trong nhiều căn nhà, việc kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS cứ ngang nhiên tồn tại".
(Các nhân vật trong bài viết đã được đổi tên).
http://www.vnpplus.com/component/content/article/1-song-chung-voi-hiv/101-ky-thi-nguoi-nha-nhiem-hivaids-cung-la-pham-luat