PDA

View Full Version : Hoa đời thường



songchungvoi_HIV
01-02-2014, 08:58
Sống với những mảnh đời bất hạnh

TT - Câu chuyện bình dị về người nữ y sĩ như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, bằng cả trái tim yêu thương và tình nguyện chị đã đến với những thân phận khốn cùng...

Tốt nghiệp lớp y sĩ 1, niên khóa 1979-1982 của Trường trung học Y tế Cần Thơ, Trần Thị Xuân Hồng về công tác tại trạm y tế phường Xuân Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) và gắn bó với nơi này suốt 24 năm qua.


http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=125350
Chị Xuân Hồng đang thăm hỏi một bệnh nhân HIV/AIDS (bìa phải) tại nhà - Ảnh: K.M.


Hiện tại, chị Xuân Hồng đảm nhận việc chăm sóc 47 bệnh nhân lao, 76 bệnh nhân tâm thần, 12 bệnh nhân phong và 28 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại nhà, cho dù ở nhà chị vẫn còn người cha 81 tuổi mang chứng bệnh ung thư, người mẹ 76 tuổi bị liệt hai chân cũng do một tay chị chăm sóc.


Năm 1995, ở phường Xuân Khánh xuất hiện ba trường hợp đầu tiên nhiễm HIV/AIDS. Ngày ấy nghe đến “siđa” ai nấy cũng “nổi da gà”, vậy mà Xuân Hồng xung phong học hỏi, tìm hiểu kỹ về căn bệnh này và tiếp cận bệnh nhân.


Lần đó, khi Hồng vừa đến nhà N.T.Đ. thì nhận được thái độ lạnh lùng và ánh mắt căm ghét từ phía Đ. và gia đình vì họ ngại chị sẽ tung tin Đ. bị nhiễm HIV.

“Nhiều lần bị bệnh nhân, thân nhân sỉ vả, chửi bới, tôi buồn lắm! Nhưng những đêm thao thức, nhớ đến những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị mọi người xa lánh, họ cần được đối xử tử tế hơn, tôi đã khóc. Vậy là sáng hôm sau tôi lại bước vào công việc” - chị Hồng tâm sự khi nhắc đến những ngày đầu tiếp cận với bệnh nhân nhiễm HIV.

Ngày Đ. mất, hầu như ai ở xóm cũng có mặt để tiễn Đ., chính Xuân Hồng đã vét đến đồng tiền cuối cùng của mình và vận động một ít từ những người xung quanh để lo cho đám tang của Đ...

“Xóm AIDS Cầu Sắt” - cái tên do người dân đặt vì nơi đây có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS - đã trở nên quen thuộc với Xuân Hồng. Đi cùng với Xuân Hồng thăm những người nhiễm HIV, chúng tôi luôn nhận được những lời chào hỏi thân tình của cư dân nơi đây đối với chị. Cả cái xóm này không ai không biết đến Xuân Hồng. Hễ có việc gì cần là người dân báo chị đến ngay.

Điều gì đã khiến chị tình nguyện gắn bó vui buồn với những bệnh xã hội như vậy? Chị cười, nói gọn: “Tôi yêu nghề này!”. Tôi theo chị đến căn nhà tình thương của bà Bùi Thị Th., một gia đình có đến ba bệnh nhân được chị chăm sóc, thuốc men miễn phí. Bà Th. bị lao, con trai vừa lao vừa tâm thần, cháu (con người con trai) nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Cả nhà ai thấy chị Hồng cũng hồ hởi mừng vui.

Bà Th. nói: “Gia đình tôi xem cô Hồng như người nhà, cô chăm sóc chúng tôi rất tốt và sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi cần...”. Nhiều bệnh nhân AIDS trong giai đoạn cuối thân thể lở loét, tiêu chảy kéo dài, hôi hám vẫn được chị tìm đến để tư vấn, chăm sóc mà không hề ghê sợ. Xuân Hồng tâm sự: “Phải đến với người bệnh bằng cả tấm lòng, thật sự hiểu rõ hoàn cảnh, động viên, chia sẻ, giúp họ sống tốt. Lúc thấy bệnh của họ thuyên giảm, khỏe mạnh, gặp mình chào hỏi, cười vui, gọi tên cũng đủ làm mình ấm lòng”.

Anh Sơn, chồng chị Xuân Hồng, kể lại: “Hồi trước, khi mới biết Hồng tham gia công tác ở mảng bệnh xã hội, thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân lao, phong, HIV/AIDS, tôi lo lắm. Có lần Hồng nhờ tôi chở đến tận nhà để hỏi thăm và chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, thật khủng khiếp, tôi định khuyên cô ấy thôi công việc, nhưng nhìn thấy cô ấy chăm sóc bệnh nhân tận tâm quá nên tôi không khuyên nữa.

Lần một, lần hai... đi theo riết rồi công việc tư vấn, chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS của Hồng giúp tôi hiểu và cảm thông với vợ nhiều hơn. Rồi tôi trở thành trợ thủ đắc lực cho Hồng hồi nào không hay. Đêm hôm khuya khoắt hễ có ai gọi là hai vợ chồng tôi tức tốc có mặt mang thuốc men đến để làm công tác của một người thầy thuốc...”.

KIỀU MY