PDA

View Full Version : Niềm tin vào cuộc sống



songchungvoi_HIV
18-02-2014, 17:13
Tôi đứng lặng nhìn căn nhà nhỏ tưởng chừng không qua nổi mùa mưa bão, xơ xác những muốn đổ sụp như chính cuộc đời và số phận của những thành viên trong gia đình anh vậy.


http://www.hivquangtri.org.vn/Upload/Tintuc/HA.jpgTrên miền quê đất đỏ từng chịu bao nhiêu bom đạn trong chiến tranh, người dân xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh đã kiên cường bám đất, bám làng bằng sự dũng cảm và nghị lực phi thường. Sinh ra và lớn lên ở đất này, Thạch Vĩnh cũng như bao chàng trai của xóm Bậc, hiền lành và khỏe mạnh. Cuộc sống hằng ngày của Thạch Vĩnh gắn bó với những vườn cao su rộng lớn, ruộng đồng xanh tốt. Năm tháng đi qua, anh gặp người con gái làng bên cùng trang lứa và phải lòng chị. Chị có khuôn mặt trái xoan, lớn lên đi làm công nhân ở những khu công nghiệp phía Nam. Sau vài năm trở về, chị vẫn thế, duy nhất khác một điều là chị có một con trai 3 tuổi. Chị tìm về quê hương là để tìm lại sự yên bình. Ở làng này con gái đẹp như chi có nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có những chàng trai con nhà giàu trên phố huyện. Vậy mà chị chỉ đem lòng yêu thương anh, gửi gắm cuộc đời hai mẹ con chị nơi anh mặc dù biết rằng bố mẹ, họ hàng nhà anh không dễ dàng chấp nhận. Rồi họ cũng vượt qua dư luận để có được cuộc sống hạnh phúc như bao đôi trai gái nơi miền quê yên bình.
Ngày chị sinh con cho anh, hạnh phúc như càng vỡ òa trên khuôn mặt đôn hậu của anh khi đón nhận một cô con gái bé bỏng. Cuộc sống còn khó khăn vất vả nhưng ngôi nhà tranh nhỏ của họ vẫn ấm áp tiếng cười con trẻ. Anh làm tròn bổn phận người cha, anh xem con trai của chị như con đẻ của mình nên hết mực chăm chút, lo lắng. Chị cảm nhận được từ anh tình cảm quý giá đó.
Sinh con được ba tháng, chị ốm liệt giường với những cơn sốt cứ kéo dài, dai dẳng không dứt. Chị gầy tọp hẳn đi nhưng vẫn vắt kiệt những giọt sữa cho cô con gái bé bỏng. Chị đến trạm y tế xã rồi bệnh viện tỉnh và số phận chị lại một lần nữa chấp nhận sự thật nghiệt ngã mà không ai muốn. Chị mắc căn bệnh thế kỷ, mang trong mình virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người không biết từ bao giờ… Và nghiệt ngã hơn nữa, người chồng của chị cũng chung số phận. Họ như kiệt quệ về tinh thần, cuộc sống đã vất vả khó nhọc nay lại càng trĩu nặng hơn khi ốm đau bệnh tật đeo đẳng, sức khỏe yếu dần. Chị ra đi để lại cho anh bao nỗi lo toan cuộc sống, con thơ khát sữa, căn bệnh AIDS hành hạ cơ thể anh… tưởng như không trụ vững. Anh tâm sự: “Có lần mình nghĩ quẫn mua thuốc trừ sâu về để ba bố con cùng chết, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt thơ dại và nụ cười hồn nhiên của hai con trẻ, lòng mình lắng xuống, nghẹn ngào anh dừng lại…”.
Bố con anh nhận được sự chăm sóc của bà con lối xóm, các cô, các bác ở Trạm Y tế và những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS. Con gái của anh được cấp sữa từ chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và anh được điều trị bệnh bằng thuốc kháng virus. Con gái được 18 tháng tuổi, anh đưa con đi xét nghiệm và kết quả cháu cũng mang HIV từ mẹ. Buồn, đau khổ, bất lực... trong anh luôn luôn tự hỏi tại sao gia đình mình lại lâm vào phải hoàn cảnh này. Duy nhất còn lại đứa con trai 5 tuổi của chị may mắn khỏe mạnh và đó cũng chính là nguồn an ủi lớn nhất đối với anh.
Chúng tôi đến khi buổi cơm trưa của bố con anh vừa bắt đầu. Gọi là bữa cơm nhưng chỉ có xoong cơm và đĩa rau muống luộc ngả màu vàng, một bát nước rau, một bát nước mắm, một đĩa rất ít cá khô kho với hai lát thịt. Anh bảo: “Nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ nên ba bố con chẳng biết xoay xở làm sao, chỉ nấu ăn cho qua bữa”. Thằng bé nhanh nhảu gắp miếng thịt bỏ lên bát của em gái và bố… Lòng chúng tôi như nghẹn lại. Quả thực, với mảnh vườn nhỏ không đủ trang trải cuộc sống của ba bố con, anh phải làm thuê cuốc mướn. Trên bàn thờ chị, không có gì ngoài bát hương đặt trên tủ gỗ đã mục, ánh nắng xuyên qua tấm lợp đã vỡ trên trần nhà rọi xuống di ảnh của chị. Khi chúng tôi hỏi: “Nếu cho cháu một điều ước, cháu ước điều gì?”, con trai của chị trả lời với đôi mắt trong veo: “Cháu muốn ba và em cháu khỏi bệnh!”. Và chúng tôi biết đó cũng là ước muốn của những người có H.
Khi chúng tôi trở lại thăm bố con anh một năm sau, sức khỏe của anh đã khá lên nhiều, cô con gái cũng được điều trị HIV bằng thuốc kháng virus. Cả hai anh em được bố đưa đến trường sau những nỗ lực của cán bộ y tế và các đoàn thể nơi đây. Căn nhà nhỏ của ba bố con được sửa sang lại từ sự chung tay của các nhà hảo tâm, các ban ngành, đoàn thể và anh đã trở thành thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ những người có H, niềm tin vào cuộc sống của anh được vững vàng hơn. Khi tham gia CLB này, anh đã hiểu vì sao gia đình anh mắc căn bệnh thế kỷ và anh mang hiểu biết của mình nói chuyện trong các buổi truyền thông nhóm, nói chuyện trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với mong muốn của anh là không có ai trong cộng đồng bị nhiễm HIV vì không hiểu biết nữa!
Kim Hà
http://www.hivquangtri.org.vn/Include/index.asp?option=2&ChitietID=894&MenuID=241