PDA

View Full Version : Làm đường để cai nghiện



songchungvoi_HIV
21-02-2014, 12:08
20/02/2014 10:34
Theo lời chỉ dẫn của ông Hơ Văn Dính, cán bộ văn hoá xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tìm đến nhà ông Chá Văn Súng (55 tuổi) ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi. Thoạt nhìn ông với dáng cao gầy, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát ra đón khách, không ai nghĩ ông đã từng nghiện ma túy hơn 40 năm và bây giờ đã đoạn tuyệt được với thuốc phiện, trở thành người có ích cho xã hội.
http://bienphong.com.vn/upload//Article/nguyenthuy/2014/2/20/17-1.JPG
Ông Súng giới thiệu con đường tự tay mở trong lúc cai nghiện. Ảnh: Đồng Dương


Nghiện từ lúc... 12 tuổi

Người ta bảo, ông Súng có một quá khứ "đen", nhưng nghị lực để tự mình chiến thắng ma túy thực sự là tấm gương lớn. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, ông Súng kể về sự cay đắng, lầm lỗi khiến ông đến với "nàng tiên nâu". Sinh ra tại bản Hua Pù, gần khu vực giáp biên nên ông được tiếp xúc với thuốc phiện từ nhỏ. Gia đình ông có 10 người thì 7 người nghiện. Năm 12 tuổi, đúng vào dịp Tết, ông cùng nhiều đứa trẻ trong làng rủ nhau lên rừng chặt cành đào. Trong lúc chặt, không may ông bị trượt chân ngã xuống vách núi, bị va đập vào đá hôn mê gần 10 tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, thấy lồng ngực đau buốt, khó thở. Thương con, bố ông đã đưa thuốc phiện cho hút để giảm bớt cơn đau hành hạ. "Lúc đó hút vào, tôi thấy cơn đau như được xoa dịu. Một lần, hai lần... rồi khi vết thương đã lành, tôi cũng trở thành con nghiện khi nào không hay" - Ông Súng tâm sự. Từ ngày làm bạn với "nàng tiên nâu", ngày nào ông Súng cũng "phê" thuốc, mỗi lần lên rừng, đi nương mà không có thuốc thì chân tay cứ bủn rủn, không làm được việc gì. "Có hôm cả đám bạn cùng đến nhà ông hút từ sáng đến tối mà không cần ăn cơm, đến nỗi, có đứa đói và sốc thuốc, bọt mép phì ra, mọi người mới từ bỏ cuộc chơi" - Ông Súng cho biết thêm.

Từng gắn cả thời thanh niên với "nàng tiên nâu" nên việc từ bỏ được nó không phải là dễ, song nhờ ý chí, nghị lực và quyết tâm cao, ông đã vượt qua được những cơn đau đớn về thể xác, quyết tâm làm lại cuộc đời, tìm về với con đường hướng thiện và trở thành một trong những điển hình trong phát triển kinh tế của bản. Để có ngày hôm nay, ông Súng không thể quên được những ngày tháng khổ sở vì thiếu thuốc, thậm chí có những lúc ông còn có ý định quyên sinh để thoát khỏi nỗi khổ do cơn nghiện hành hạ.

Suốt những năm tháng "nô lệ của nàng tiên nâu" đã khiến cho gia đình ông lâm vào cảnh đói ăn triền miên. Để có thuốc phiện hút, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt "đội nón ra đi". Hằng ngày, vợ ông vẫn lên nương rẫy, làm lụng với hi vọng một ngày nào đó, ông sẽ từ bỏ được thuốc phiện. "Lắm hôm thấy vợ ngồi khóc một mình, biết trong nhà không còn hạt gạo, tim tôi như thắt lại. Khi đó, tôi đã tự hứa với mình phải từ bỏ thuốc phiện để làm lại cuộc đời, bù đắp lại cho vợ, cho con. Hàng loạt ý nghĩ hiện ra trong đầu, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu" - Ông Súng thổ lộ.

Tự cai nghiện bằng cách... mở đường

Những lúc tỉnh táo, ông Súng cảm thấy xót xa, dằn vặt, tự trách mình làm khổ vợ con. Đã có lúc ông có ý định tìm tới cái chết, nhưng vì thương vợ, thương con còn nhỏ dại, ông đã quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Ông Súng tâm sự: "Bao năm chìm đắm trong khói thuốc phiện, nhìn cảnh gia đình kiệt quệ, rồi con cái đi học về nói với mình rằng, bố đừng để chúng con không dám ngẩng đầu lên nhìn ai vì bố. Chính lời nói của các con làm mình thấy áy náy, day dứt vô cùng và nhất định phải cai nghiện để làm lại cuộc đời, vì con, vì vợ mình nữa".

Cách ông Súng chọn để cai nghiện cũng khác người. Ông rời bỏ vợ con, gia đình để một mình vào trong rừng sâu sống tách biệt với mọi người, mà ở đó không có bất cứ thứ gì có thể cám dỗ ông được. Ông ngủ trong vách đá, đêm đến, nhóm một đống lửa để sưởi ấm. Mỗi lần lên cơn nghiện, ông lại tìm đủ mọi việc để làm, có lúc cơn nghiện vật vã, ông chạy khắp rừng như một con thú hoang. Cuộc sống cứ thế trôi qua, rồi ngày đoạn tuyệt cũng đã đến, qua 6 tháng, cơn nghiện của ông dường như biến mất, ông trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân trong gia đình và bà con thôn bản.

Tuy đã cai thuốc, song khi trở về hòa nhập với cộng đồng, cứ nhìn thấy người ta hút, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện lại gây cho ông cảm giác thèm muốn. Không thể để kết quả biến thành "công dã tràng", mỗi khi lên cơn trở lại, ông Súng lại tự cai nghiện bằng cách phá đá mở đường. Vợ con thấy ông làm như một con trâu điên, thương quá, khuyên ông về nghỉ ngơi nhưng ông nhất quyết không nghe, mà còn làm hăng hái hơn. Sau khi đoạn tuyệt được "nàng tiên nâu" cũng là lúc con đường từ bản Hua Pù đến bản Pục Chiên dài hơn 3km đã hoàn thành. Ông Súng chia sẻ: "Trước đây chưa có con đường này, để sang được bản Pục Chiên, người dân phải leo đồi hết cả nửa ngày đường. Bây giờ có con đường, đi bộ chậm cũng chỉ hết có 30 phút đồng hồ, rất thuận tiện cho việc giao lưu giữa các thôn, bản". Thấy hiệu quả từ việc mở con đường, ông lại tiếp tục mở thêm một con đường mới dài hơn 1km nối bản ông với bản Cá Nọi. Giờ đây, mỗi khi đi lại trên con đường, người dân thôn, bản miền sơn cước lại gọi bằng cái tên trìu mến "Con đường ông Súng". Bắt tay vào làm lại cuộc đời chỉ với 2 bàn tay trắng, ông lại cùng vợ khai hoang đất đồi để trồng ngô, lúa... Những tháng ngày khó khăn cũng dần qua đi, cuộc sống gia đình giờ đây không còn phải lo bữa no, bữa đói, mà đã có của ăn, của để, con cái được cắp sách đến trường.

Hơn 40 năm chìm đắm trong cơn mê bởi ảo giác của "nàng tiên nâu", thấu hiểu được những tủi nhục và sự xa lánh của cộng đồng, giờ đây, ông Chá Văn Súng thực sự là một tấm gương sáng trong việc tự nguyện từ bỏ ma túy. Ông mong muốn thế hệ trẻ sau này sẽ không một ai mắc phải lầm lỗi một thời như mình.

Lê Đồng - Lê Dươnghttp://www.bienphong.com.vn/Baobienphong/News/Lam-duong-de-cai-nghien/23365.bbp