PDA

View Full Version : Chuyện A Nhè từ bỏ ma túy



songchungvoi_HIV
21-02-2014, 12:12
21/01/2014 15:11
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm công tác cai nghiện ma túy tại địa bàn biên giới, do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, anh Giàng A Nhè, SN 1984, dân tộc Hà Nhì, bản Hồ Thàu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu khẳng định, mình đã hoàn toàn từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời và vận động nhiều người nghiện trên địa bàn biên giới đến Đồn BP Huổi Luông để được bộ đội giúp cai nghiện...
http://bienphong.com.vn/upload//Article/nguyenthuy/2014/1/21/an-1.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm (trái) cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam trao số tiền hỗ trợ cho A Nhè.


Khi được Ban tổ chức Hội nghị giới thiệu, Giàng A Nhè chững chạc bước lên sân khấu. Vốn tiếng phổ thông còn chưa thật trôi chảy, nhưng anh vẫn tự tin chia sẻ với mọi người về câu chuyện cuộc đời mình. Là một thanh niên dân tộc Hà Nhì, sống ở địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên việc học hành của A Nhè phải bỏ dở chừng. Ở tuổi trưởng thành, A Nhè khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn, rồi cưới vợ sinh con. Thế nhưng, cuộc đời của người thanh niên này đã chuyển sang hướng khác, khi vào năm 2006, anh nghe theo lời bạn bè tìm đến cảm giác lạ trong ma túy. Theo thời gian, anh càng chìm sâu trong cơn u mê của nàng tiên nâu. "Trong lúc nghiện ngập, tôi chẳng làm được bất cứ việc gì giúp gia đình, tôi đã bán tất cả tài sản trong nhà để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Nhiều lúc vợ con tiếc của không cho bán, tôi còn đe dọa, đập đánh những người mà mình rất thương yêu. Để rồi sau đó, khi tỉnh lại, tôi thấy ân hận vô cùng" - A Nhè trình bày trong tham luận của mình.

Rồi cơ may cũng đến với A Nhè. Năm 2010, cán bộ Đồn BP Huổi Luông đã tìm đến thuyết phục để anh lên đơn vị cai nghiện. "Mới đầu sợ cán bộ bắt đi tù, xấu hổ với những người xung quanh nên tôi đã trốn. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nhiều lần tìm đến động viên, cùng với gia đình thuyết phục nên A Nhè đã lên đồn Biên phòng để cai nghiện. Ở đó, các chiến sĩ quân y không ngại ngày đêm chăm sóc, đặc biệt là những lúc tôi lên cơn, đau đớn, vật vã. Rồi sau một thời gian ngắn, tôi đã cắt cơn thành công" - A Nhè cho biết thêm.

Khi A Nhè đã cắt được cơn nghiện, Đồn BP Huổi Luông vẫn tiếp tục tạo điều kiện để anh ở lại đơn vị quan sát, học tập cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất như chăn nuôi lợn, trồng bí… Khi cái "máu" lao động trong A Nhè sống lại thì anh nằng nặc đòi về để làm vườn nhà mình đẹp như "vườn" bộ đội. Hiểu được khát khao của A Nhè, Đồn BP Huổi Luông đã cử cán bộ bám sát, giúp đỡ anh tái hòa nhập cộng đồng. Còn A Nhè, khi hiểu được tác hại của ma túy gây ra, cảm phục công lao của những người lính Biên phòng đã dành cho mình, anh chăm chỉ cùng gia đình lao động, sản xuất phát triển kinh tế. "Khi tôi trở về nhà, vẫn có một số người đến rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Giờ đây, khi đã từ bỏ được ma túy gần 3 năm, tôi tự tin vận động một số con nghiện trên địa bàn đến Đồn BP Huổi Luông để được giúp cai nghiện làm lại cuộc đời" - A Nhè khẳng định.

Tham luận của A Nhè kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng của tất cả các đại biểu dự Hội nghị hôm đó. Riêng ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội như không giấu được sự vui mừng. Từ vị trí chủ trì Hội nghị, ông quay lại để được đối thoại trực tiếp với người thanh niên dân tộc Hà Nhì có bản tham luận "đặc biệt". "Vì sao anh nghiện ma túy? Nghiện ma túy có khổ không?" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm hỏi. "Vì nghe theo bạn bè, tôi đã dại dột thử ma túy, rồi nghiện lúc nào không biết! Nghiện ma túy khổ lắm! Khi lên cơn nghiện tôi đã bán hết bao nhiêu tài sản của gia đình mình mà phải mất nhiều công sức mới làm ra được. Rồi tôi còn đòi đánh cả những người yêu thương nhất, vì vậy đã bị xã hội lên án xem thường" - Anh A Nhè đáp. "Thế cai nghiện ma túy có khó không?" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm lại hỏi. Lưỡng lự trong chốc lát, anh A Nhè đáp: "Cũng khó lắm, nhưng nếu hiểu được tác hại ma túy, được quan tâm, giúp đỡ sát sao của mọi người thì vẫn bỏ được ma túy". Khi nghe được câu trả lời này, vị lãnh đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội suy nghĩ trong chốc lát, rồi hỏi tiếp: "Thế giờ, cái anh cần nhất là gì?". A Nhè chầm chậm nói: "Cần vốn để phát triển chăn nuôi". Lúc này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm mới "để" người có bản tham luận "đặc biệt" bước về chỗ ngồi của mình và quay sang hội ý với người đồng chủ trì Hội nghị là Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh BĐBP điều gì đó. Một lát sau, ông bước đến bên người dẫn chương trình Hội nghị như muốn thông báo một điều đặc biệt. Khi người dẫn chương trình bước lên thông báo, mời A Nhè quay trở lại vị trí phía trước Hội nghị, nhiều đại biểu và cả A Nhè vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy ra. Ngay sau đó, những người đồng chủ trì Hội nghị, cũng bước lại gần, ân cần trao tận tay số tiền 10 triệu đồng do họ đóng góp, với hi vọng giúp A Nhè có thể mua được một con bê để phát triển kinh tế gia đình.

Có lẽ vì vui sướng quá bất ngờ nên A Nhè cũng chẳng kịp nói lên được lời nào. Còn toàn bộ đại biểu tham dự Hội nghị thì chia vui cùng anh, hi vọng anh sẽ vĩnh viễn từ bỏ được "cái chết trắng".
Viết Lamhttp://www.bienphong.com.vn/Baobienphong/News/Chuyen-A-Nhe-tu-bo-ma-tuy/23142.bbp