PDA

View Full Version : Nỗi niềm bác sĩ “ết”



songchungvoi_HIV
26-02-2014, 12:41
Cập nhật lúc 09:29 26/02/2014

KTĐT - Đến bệnh viện (BV) 09 những ngày mưa lạnh đầy trời Hà Nội, chúng tôi có những cảm xúc khó tả về những thân phận, cảnh đời của những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Và càng nao lòng hơn khi chứng kiến công việc của những người thầy thuốc ngày đêm hết lòng vì người bệnh.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Dân gian có câu: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" nhưng với trường hợp của anh L.T.D, 41 tuổi (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì khác. Là đứa con rứt ruột đẻ ra, là anh em máu mủ trong nhà nhưng kể từ khi biết anh nhiễm HIV/AIDS, gia đình từ bỏ, họ hàng xa lánh. D. lang thang nơi đầu đường xó chợ, kiếm sống bằng đủ "ngón nghề". Chỉ đến khi cơ thể suy kiệt, lở loét khắp người, thân tàn ma dại, D. mang thân gửi gắm BV 09 Hà Nội với một hy vọng mong manh, được sống thêm dù chỉ vài ngày. Chỉ vài ngày thôi nhưng anh cầu mong đó là những ngày đáng sống, được điều trị, chăm sóc, được động viên, an ủi.

<tbody>
http://cdn.ktdt.vn/mfiles/data/2014/02/81022E94/bac-sy-nguyen-ngoc-hung-kham-benh-cho-benh-nhan-anh-quoc-tuan.jpg
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Quốc Tuấn


</tbody>

Nếu như trước đây, anh đã từng khóc vì cô đơn, khóc vì tủi nhục thì đến đây, lần đầu tiên, anh đã rơi nước mắt vì cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Chị điều dưỡng vừa lau mủ tai cho anh, lau những vết thương rỉ máu khắp cơ thể vừa hỏi han ân cần, nhẹ nhàng tư vấn làm cho anh cảm động vô cùng. Anh tiếp nhận những cử chỉ, hành động ấy, cả ánh mắt cảm thông của những người thầy thuốc mà nước mắt tuôn rơi. Và đêm hôm đó, anh không ngủ, không phải vì vết thương hành hạ, đau đớn mà nghĩ suy về một cuộc sống có tình người ở phía trước. "Ở nhà không ai dám đến gần tôi vì sợ lây bệnh, nhưng ở đây y bác sĩ còn ân cần, chăm sóc tôi hơn cả người thân ruột thịt. Đến đây, tôi không những được điều trị thuốc thang mà còn được an ủi về tinh thần, đó là liều thuốc quý giá nhất với bệnh nhân" - anh D. tâm sự.

Trường hợp như anh D. còn nhẹ, có những bệnh nhân suy kiệt, không thể vận động, các điều dưỡng, hộ lý phải tự tay chăm sóc từ ăn uống, tắm rửa, thậm chí cả khâu vệ sinh hàng ngày. Ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa số họ đều bị xã hội, gia đình bỏ rơi. Ngay như trường hợp của bệnh nhân V.V.M., 57 tuổi (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng), dẫu có nhà cao cửa rộng của bố mẹ để lại nhưng ông luôn cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Dù ông không nghiện ngập, hút chích nhưng một lần vô tình nhiễm HIV từ đứa cháu, vậy là họ hàng, anh em đều lánh mặt chỉ vì ghê sợ căn bệnh này. Và từ tháng 1/2012 đến nay, ông coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, bệnh nhân xung quanh là người đồng cảnh ngộ, y bác sĩ là người thân. "Đây là những ngày đáng sống của tôi, nếu ngày mai phải chết tôi cũng muốn được chết ở nơi này" - ông M. bày tỏ.

Đối mặt với hiểm nguy

Ở BV 09, nơi điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS, hầu hết là bệnh nhân giai đoạn cuối, việc chăm sóc những người như anh D., ông M. dẫu vất vả nhưng còn khá an toàn. Nói vậy là bởi, ở một môi trường đầy phức tạp, bệnh nhân chủ yếu từ các trại cai nghiện chuyển về, mối nguy lây nhiễm cũng như tính mạng những người thầy thuốc có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Nhớ về một kỷ niệm không thể nào quên về sự bất an, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa Nội cho biết, làm việc trong môi trường này vô cùng nguy hiểm nên lúc nào anh cũng chú ý phòng ngừa lây nhiễm. Vậy mà, trong một lần sơ sẩy, anh đã bị mũi tiêm của một người nghiện (cũng là một bệnh nhân AIDS) cắm vào tay. Cũng may, lần ấy anh không bị phơi nhiễm. Dù vậy, anh vẫn tự nhủ: "Nếu chẳng may bị phơi nhiễm HIV, cũng sẵn sàng chấp nhận, sinh nghề tử nghiệp mà". Với anh, đã một lần “thót tim" ngỡ mình lây nhiễm HIV, còn với đồng nghiệp thì sao? Anh kể tiếp, mới đây, một bệnh nhân mới nhập viện, trong lúc y tá đang tiêm thuốc thì anh ta quay lại, rút mũi kim tấn công y tá, may mà mọi người xung quanh kịp thời can ngăn. Lại có lần, một bác sĩ trẻ đang khám cho bệnh nhân thì người này vùng dậy, lấy cả giát giường đập vào đầu bác sĩ.

<tbody>
http://cdn.ktdt.vn/mfiles/data/2014/02/81022E94/bac-sy-tuan-hoi-tham-benh-nhan-tai-benh-vien-09-anh-nhat-thy.jpg
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn động viên bệnh nhân đang điều trị. Ảnh: Nhật Thy


</tbody>

Đề cập đến những hiểm nguy, phơi nhiễm bệnh, bác sỹ Mai Thị Hường - Phó Trưởng khoa Khám bệnh - Tư vấn và Điều trị nội trú tâm sự: Chuyện y bác sĩ chúng tôi bị bệnh nhân đe dọa, chửi bới, đánh đuổi... xảy ra như cơm bữa. Thực tế, bệnh nhân điều trị tại đây chủ yếu từ các trung tâm cai nghiện chuyển về, 20% trong số đó có biểu hiện tâm thần bất ổn. "Vì vậy, đã xác định gắn bó với nghề, ngoài chuyên môn, lòng yêu nghề và y đức thì đội ngũ y bác sĩ chúng tôi phải dũng cảm và chấp nhận hy sinh", bác sĩ Hường chia sẻ. Kể về những lần bị bệnh nhân tấn công, bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc BV tâm sự, chuyện ấy quá bình thường, thậm chí chính anh đã nhiều lần bị bệnh nhân lên cơn nghiện đuổi đánh chạy khắp BV. Có những bệnh nhân "đang yên đang lành", bỗng dưng trừng mắt đòi bóp cổ bác sĩ, lại có người tay lăm lăm con dao đòi "chọc tiết" y tá…

Cũng vì không chịu được áp lực, nhiều bác sĩ trẻ đã xin chuyển công tác, có những bác sĩ hôm trước vừa đến BV, hôm sau đã dè dặt đặt lên bàn giám đốc đơn xin thôi việc. Đặc biệt, từ ngày có 2 cán bộ bị lây nhiễm lao từ bệnh nhân, thì tâm lý của một số nhân viên bị xao động. Nhưng những người trụ lại được với nghề, gắn bó với bệnh nhân như bác sĩ Hưng, bác sĩ Hường cùng tập thể BV 09 giờ đây, có lẽ cái tình, cái nghiệp đã níu chân họ lại.

Chỉ mong họ thanh thản

Là người có thâm niên lâu nhất ở đây, gần 20 năm trong nghề, không biết bao nhiêu lần bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng chứng kiến những cái chết đầy tức tưởi, day dứt khôn nguôi của bệnh nhân. Anh nhớ nhất là câu chuyện một bệnh nhân ở Hà Nội, dù được tích cực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Khi thấy người bệnh yếu dần, bác sĩ gọi điện cho gia đình nhưng không một người thân nào đến gặp bệnh nhân lần cuối. Anh hỏi có nhắn nhủ điều gì với gia đình không, bệnh nhân nắm chặt tay bác sĩ, hai hàng nước mắt cứ trào ra, sau câu nói: "Cho em gửi lời xin lỗi bố mẹ", bệnh nhân này đã ra đi vĩnh viễn. Và anh đọc được trong ánh mắt ấy vẫn còn đầy suy tư, trăn trở, và sự khao khát được nhìn thấy người thân lần cuối cùng nhưng ước muốn ấy đã trở thành vô vọng. Lại có trường hợp khác, trước khi mất, xin phép bác sĩ được ngồi phía cửa, hướng ánh mắt ra đường. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này chưa một lần được người thân đến thăm, đến trước khi mất, dẫu không nói ra, nhưng ai cũng biết, ánh mắt bệnh nhân vẫn cứ dõi theo, mong chờ một một điều kỳ diệu, biết đâu, sẽ nhìn thấy bóng hình ai đó, bố, mẹ hay người thân. Trong ánh chiều tà, hoàng hôn buông xuống một màu vàng ruộm, thứ sắc màu hiếm hoi của mùa đông, khung cảnh ấy khiến không ít người cảm thấy nao lòng. Và khi cái nắng vội vàng trốn sau những giải mây phía chân trời, thì bệnh nhân cũng gục dần bên ô cửa. Buổi chiều đông hôm ấy, ánh mắt ấy, ước mong ấy của bệnh nhân vẫn ám ảnh mãi trong anh.

<tbody>
http://cdn.ktdt.vn/mfiles/data/2014/02/81022E94/bac-sy-mai-thi-huong-kham-cho-benh-nhan-anh-quoc-tuan.jpg
Bác sĩ Mai Thị Hường khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Quốc Tuấn


</tbody>

Còn bác sĩ Hường lại nhớ như in lời nói sau cùng của một bệnh nhân: "Em chỉ mong được trở về nhà, một lần thôi, nhưng…", câu nói bỏ lửng ấy khiến tâm trạng của y bác sĩ cũng cảm thấy day dứt, bởi họ bất lực, điều ước tưởng như đơn giản nhưng đã không bao giờ thành sự thực. "Chống lại cái chết không khó nhưng chống lại những ánh mắt kỳ thị khó vô cùng..." - bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV 09 chia sẻ rất thật lòng. Và cũng bởi sự kỳ thị của cộng đồng, của xã hội đã đẩy họ bị cô lập, xa lánh, sống những ngày cuối đời trong tuyệt vọng. Dẫu bên cạnh họ luôn có những người thầy thuốc đêm ngày tận tụy chăm sóc, sẻ chia, nhưng chưa đủ, họ vẫn cần chút ấm áp của tình thân. Ở BV, cứ 10 đám tang thì có tới 8 - 9 đám không có người thân chứng kiến, không tiếng khóc xót thương của gia đình, cũng không một giọt nước mắt nhỏ rơi, có chăng đó chỉ là lòng trắc ẩn của những lương y.

Gần 100 bệnh nhân đang điều trị tại BV 09, là những cuộc đời khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ, mỗi con người trong số đó là một câu chuyện buồn đầy nước mắt. Dẫu biết rằng, sự sống khó có thể kéo dài với họ, nhưng tập thể y bác sĩ nơi đây đã giúp bệnh nhân có những ngày đáng sống, bằng trách nhiệm, tình người và tấm lòng bao dung, nhân ái.

Chia tay BV 09, tôi vẫn nhớ mãi câu nói giản dị của một hộ lý khoa Nội: Chúng tôi không chỉ rửa vết thương trên cơ thể bệnh nhân mà còn rửa vết thương lòng cho họ, để họ sống những ngày đáng sống hơn. Có lẽ, cuộc đời sẽ bớt ý nghĩa đi nhiều nếu không có những thầy thuốc nơi đây.

Nhật Nguyên

http://www.ktdt.vn/phong-su-ghi-chep/2014/02/81022E94/noi-niem-bac-si-et/