PDA

View Full Version : Thầy thuốc trong trại giam và những câu chuyện kể



songchungvoi_HIV
01-03-2014, 12:16
Xuất bản: 09:20, Thứ Bảy, 01/03/2014, [GMT+7]
PTo- Bệnh nhân của họ không phải là người bình thường mà là những can, phạm nhân - những người đã từng vi phạm pháp luật và bị tước đi quyền công dân. Điều đó đòi hỏi ở những thầy thuốc trong trại giam phải vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ lại vừa có bản lĩnh, ý chí kiên định, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất lợi do can, phạm nhân gây ra. Ngoài chức năng của người thầy thuốc, họ còn là chiến sĩ công an nhân dân làm nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục những bệnh nhân đặc biệt này. Thông qua những câu chuyện kể, chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc về khó khăn, hiểm nguy rình rập hàng ngày, hàng giờ mà những thầy thuốc trong Trại tạm giam (Công an tỉnh) luôn phải nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
http://baophutho.vn/dataimages/201402/original/images989807_1.jpg


Những cán bộ y tế trong Trại tạm giam kiểm tra sức khoẻ cho phạm nhân.



Bước qua cánh cổng sắt kiên cố bên trong Trại tạm giam Công an tỉnh với sự bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt, xuất hiện lối đi rộng dẫn vào khu vực giam giữ can, phạm nhân. Bệnh xá là dãy nhà cấp 4 đã phần nào xuống cấp nằm liền kề với những buồng giam. Nếu tính cả một y sỹ đang được cử đi học thì bệnh xá vẻn vẹn chỉ có 4 cán bộ và tất cả đều là y sĩ. Mặc dù vậy, khối lượng công việc hàng ngày của các anh, chị thì không hề nhỏ khi phải đảm đương kiểm tra, thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho khoảng 600 can, phạm nhân trong toàn Trại. Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên túc trực kiểm tra sức khỏe mỗi khi can, phPạm nhân xuất hay nhập Trại, vất vả hơn khi công việc này thường diễn ra về đêm.
Thượng tá Điều Duy Thiểm - Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: “Tại đây có đủ các loại tội phạm, nhưng phần nhiều là tội phạm về ma túy, chiếm từ 70-80%. Kéo theo đó là nhiều chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, lao, suy kiệt thì khả năng phơi nhiễm trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân đối với các cán bộ y tế trong Trại là rất cao. Đặc biệt, tâm lý của bị can đang trong thời gian tạm giam chờ tuyên án (thường kéo dài 4-5 tháng, thậm chí một năm) diễn biến hết sức phức tạp, có trường hợp nảy sinh ý định tự tử, những lúc ấy vai trò của cán bộ y tế là hết sức quan trọng. Họ vừa chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vừa nắm bắt tâm lý của bị can một cách kịp thời để có những lời khuyên hữu ích nhằm hỗ trợ bị can chấp hành tốt nội quy trong khoảng thời gian chịu nhiều sức ép về tâm lý này. Như vậy, đôi khi các y sĩ bắt buộc phải làm việc vượt quá khả năng của mình để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị”. Ví dụ như mùng 4 Tết nguyên đán vừa rồi, bị can Toản phạm trọng tội giết người. Ngay sau khi gây án mạng, bị can đã tự sát bằng cách rạch bụng mình và được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Xét thấy đây là vụ trọng án, nếu để bị can điều trị tại bệnh viện sẽ nhiều khả năng bị lộ thông tin, ảnh hưởng tới quá trình điều tra. Vì thế, sau khi sơ cấp cứu ban đầu, bị can được chuyển gấp về Trại tạm giam để đảm bảo an toàn, bí mật nguồn tin. Nhờ được sự chăm sóc tận tình của các y sĩ trong Trại mà đến nay sức khỏe của bị can này đã dần hồi phục. Trong những trường hợp can, phạm nhân có tiên lượng xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bệnh xá Công an tỉnh cắt cử bác sĩ đến tận Trại kiểm tra, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển lên tuyến trên. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ trong Trại tạm giam cùng sự phối hợp của Bệnh xá Công an tỉnh mà nhiều năm nay không để xảy ra trường hợp nào chết trong Trại do sự chủ quan của cán bộ Trại tạm giam.

Trung tá Đỗ Văn Năm - Phó trưởng phòng hậu cần kỹ thuật, Trưởng Ban y tế Công an tỉnh khẳng định: “Công tác y tế trong Trại tạm giam không giống như môi trường bên ngoài. Ở đây, người thầy thuốc vừa phải cùng lúc thực hiện hai chức trách, nhiệm vụ song song, đó là chăm sóc sức khỏe cho can, phạm nhân đồng thời họ cũng là cán bộ của Trại nên phải giáo dục, cảm hóa bệnh nhân của mình. Phải là những người cứng rắn, bền bỉ, kiên cường, có tâm mới bám trụ lâu dài với nghề”.

Đến giờ, Thượng úy Lê Thị Ánh Hồng vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại dịch cúm lây lan vào tháng 10-2013. “Dịch cúm lúc đầu chỉ xuất hiện trên một vài can, phạm nhân sau đó lan ra gần như toàn Trại khiến cho 500 can, phạm nhân mắc cúm. Khi ấy, khối lượng công việc của chúng tôi tăng lên gấp nhiều lần so ngày thường vừa khám, vừa cấp phát thuốc đến từng buồng giam và phải mất hàng tháng sau đó, dịch mới được khống chế”. Chị Hồng sau khi tốt nghiệp Trung cấp quân y thì về đây công tác đến nay đã được hơn 10 năm. Một khoảng thời gian đủ để chị chứng kiến biết bao chiêu trò của phạm nhân bày ra nhằm đánh lừa cán bộ y tế như giả vờ đau bụng, đau đầu, chóng mặt… để được lên bệnh xá “an dưỡng”, điều trị, trốn tránh lao động cải tạo. Nhưng bằng trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người chiến sĩ công an nhân dân, những mánh khóe đó đều không thể qua được mắt chị. Chị tâm sự: “Mỗi lần chúng tôi xuống tận buồng giam thăm khám là phải có lực lượng vũ trang, quản giáo đi cùng vừa là để bảo vệ, vừa hỗ trợ tránh xảy ra những chuyện không hay. Bởi đã có trường hợp cán bộ y tế do thiếu cảnh giác bị phạm nhân chống trả cướp chìa khóa trốn ra ngoài”. Nhằm hạn chế tình trạng can, phạm nhân túng quẫn dẫn đến tự tử, hiện nay mỗi buồng giam có ít nhất 4 đối tượng để họ hỗ trợ lẫn nhau.

Công tác tại Trại được hơn 3 năm, Thượng sĩ Mai Đắc Chí cũng cảm nhận phần nào nỗi vất vả của nghề nghiệp đặc thù này, nhất là ½ số ngày trong tuần anh phải trực 24/24 giờ. Bệnh xá có 3 cán bộ, chị Hồng bận con nhỏ nên được ưu tiên một chút, còn lại hai cán bộ nam thay nhau trực. Anh Chí cười nói: “Công việc này phải thường xuyên trực về đêm, phải xuống tận buồng giam để thăm khám cho bệnh nhân. Tuổi còn trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với những tình huống xấu nên thời gian đầu tôi cũng thấy sợ đến mất ăn mất ngủ mỗi khi xuống buồng giam vào ban đêm, nhất là khi phạm nhân không chịu hợp tác, chống đối gây khó dễ, nhưng nay thì đã quen dần”. Hầu như các anh, chị không có ngày nghỉ lễ, Tết. Số ngày nghỉ trong năm của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái thật hiếm hoi. Do đặc thù của Trại là càng vào dịp lễ, tết công việc của đội ngũ cán bộ trong Trại tạm giam nói chung và cán bộ y tế nói riêng càng căng thẳng, vất vả gấp nhiều lần so ngày thường. Bởi các can, phạm nhân khi ấy đều chung tâm lý dễ nổi loạn, gây mất trật tự, dễ dẫn đến xô sát, gây thương tích cho nhau. Vì thế, bên cạnh tăng cường lực lượng an ninh xuống từng buồng giam theo dõi tình hình, thì các y sĩ cũng sẵn sàng dụng cụ y tế và cơ số thuốc ứng cứu khi cần thiết. Thượng sĩ Phan Anh Tài lại chia sẻ cho chúng tôi nghe một chiêu đặc biệt mà không cần phải xuống tận buồng giam vẫn có thể biết được buồng giam số mấy có người ốm. Đó là, các buồng giam tự thỏa thuận ngầm với nhau cách lan truyền tin, khi buồng này hô “Cấp cứu”, buồngN bên cạnh cũng hô “Cấp cứu”, cứ thế đến khi nào có cán bộ xuống đến nơi thì họ mới ngừng hô.

Trong khu bệnh xá này, mọi người vẫn thường nói vui với nhau rằng, các can, phạm nhân sau khi hết thời gian chấp hành án phạt tù họ biết sẽ có một ngày được tự do, còn các cán bộ y tế ở đây thì cứ mãi gắn bó với Trại tạm giam này không biết đến bao giờ. Chính vì thế, những thầy thuốc công an nhân dân này lại tự động viên nhau càng phải cố gắng nhiều hơn để trở thành chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân của mình. Số can, phạm nhân mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối không phải là ít và trong số đó rất nhiều trường hợp bị gia đình bỏ rơi, phó mặc cho Trại. “Mấy tháng trước, bị can N. người ở huyện Tân Sơn bị AIDS giai đoạn cuối, sức khỏe yếu, Ban giám thị Trại tạm giam cho xe đưa về tận nhà nhưng người thân ruồng rẫy, không nhận và chúng tôi đành đưa trường hợp này quay trở lại Trại để chăm sóc. Hay có trường hợp người nhà đến Trại thăm, thấy người thân ốm yếu, thân thể lở loét, tiều tụy vì cũng đang ở giai đoạn cuối của bệnh AIDS nên thời gian sau đó không thấy đến thăm nữa. Những trường hợp như thế, chúng tôi vừa phải chăm sóc về sức khỏe, vừa an ủi, động viên tinh thần để vực họ tiếp tục sống quãng đời còn lại trong Trại tạm giam này” - chị Hồng kể. Nhờ những “liều thuốc tinh thần” ấy đã giúp sưởi ấm biết bao mảnh đời lầm lỗi, giúp họ có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm, bệnh tật kéo dài sự sống.

Dù vất vả, áp lực và hiểm nguy nhưng những thầy thuốc khoác hai màu áo này bằng tấm lòng trách nhiệm và tình thương vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi cho dù những bệnh nhân “mặc áo số” đã bị tước đi quyền công dân thì họ vẫn cần được chăm sóc, giúp đỡ khi ốm đau, hoạn nạn như bao người bình thường khác.

Hồng Nhung
http://baophutho.vn/xa-hoi/201403/thay-thuoc-trong-trai-giam-va-nhung-cau-chuyen-ke-2310968/