PDA

View Full Version : Kẻ nghiện ngập đòi nợ thuê trở thành người hùng xóa nghèo cho bản làng



songchungvoi_HIV
02-03-2014, 12:19
ANTĐ (http://www.baomoi.com/Source/ANTD/25.epi) - 02/03/2014 06:15
ANTĐ - “Nếu không bỏ cờ bạc, bỏ ma túy, tôi sẽ đưa các con về quê, anh đừng bao giờ nhìn lại mặt tôi…”, đó là những lời từ gan ruột của của người vợ dành cho gã cách đây 20 năm. Nhưng những lời gan ruột đó vẫn chẳng có ý nghĩa gì với gã, gã chấp nhận rời bỏ vợ con để lang bạt giang hồ. Sau nhiều lần vào tù từ Trại giam Chí Hòa (TP.HCM) đến Châu Bình (Bến Tre), ngoài 40 tuổi, ra tù gã đi học tại chức và quay về nơi chôn nhau cắt rốn trở thành người đi tìm đường xóa nghèo cho buôn làng của mình.
http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2014_02_28/gia-dinh-anh-Hoi.jpg

Nguyễn Đình Hội bên hạnh phúc gia đình
Từ cờ bạc, nghiện ngập đến tổ chức đòi nợ thuê

Gã chính là Nguyễn Đình Hội (ở thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) khét tiếng một thời với cái biệt danh Hội “khùng” đâm thuê chém mướn nổi danh khắp Tây Nguyên và Sài thành.

Chúng tôi tìm tới nhà Nguyễn Đình Hội, thật bất ngờ thấy gã đang gảy đàn guitar, trong nhà tiếng nói cười rổn rảng. Thấy khách lạ, gã hóm hỉnh nói: “Bài hát hạnh phúc đơn sơ là nói về người vợ rời bỏ chồng con, nhưng thực chất tôi hát, lại dành cho người chồng…”. Khó có thể tin được cách đây 20 năm con người này đã khiến cho gia đình tan vỡ, vợ con, bố mẹ từ mặt, dân làng, hàng xóm ruồng bỏ chỉ vì quá ham mê cờ bạc lâm vào hút chích, rồi tù tội…

Sau khi mời khách chén chè vườn, anh Hội kể về cuộc đời của mình. Nguyễn Đình Hội (47 tuổi), sinh ra và lớn lên tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai), học hết cấp 3 ở nhà làm kinh tế rồi lập gia đình. Dù không được học nghề sữa chữa xe máy, nhưng bản tính thông minh hoạt bát nhanh nhẹn, nhìn một vài lần Hội đã có thể nhớ rõ các chi tiết. Vì thế, những năm thập niên 80, Nam Yang tuy là xã kinh tế mới, còn nhiều khó khăn của huyện Mang Yang, nhưng bằng nghề sửa xe máy, Hội đã tạo dựng nên cơ ngơi khá là vững chắc, ai nhìn vào cũng tấm tắc khen. “Tôi may mắn là trời phú cho rất nhiều tài nhưng cũng không ít cái tật nên chẳng mấy chốc lại tay trắng” - Hội nói.

Cũng bởi cái tính phóng túng, lại có máu đỏ đen, sau vài lần đánh bạc thua nặng, cả cơ nghiệp trong chốc lát đổ xuống sông. Sau trận “cuồng phong” này, biết mình ở lại quê ngày nào thì ngày đó còn bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào cờ bạc. Nghĩ vậy, Hội vay mượn anh em ít vốn, quyết định đưa vợ và các con sang các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên sinh sống. Được một thời gian, chứng nào tật ấy, không những không bỏ được mà Hội còn lún càng ngày càng sâu, thậm chí nghiện ngập heroin. Vào năm 1994, Hội phiêu bạt giang hồ không nơi nào là không có mặt, miễn chỗ đó kiếm được tiền để chơi ma túy, cờ bạc.

Nghiện càng ngày càng nặng, từ 1 lần/ngày đến 3-4 lần/ngày, để có tiền hút chích ma túy, Hội bất chấp tất cả, không từ một việc gì kể cả vi phạm pháp luật. Đến năm 1998, Hội gia nhập vào tổ chức tín dụng “đen” ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh với biệt danh là Hội “khùng”. Hoạt động của tổ chức này là bảo kê, đòi nợ thuê cho các nhà hàng, khách sạn, vũ trường…

Sau nhiều lần bị sờ gáy, vào tháng

9-1999, trong một lần Hội “khùng” dẫn 6 đệ tử đi siết nợ 30 triệu đồng, bị Công an TP Hồ Chí Minh phục bắt gọn với tội cướp tài sản công dân. Hội mang án 5 năm tù ở Trại giam Chí Hòa (TP>HCM), sau đó chuyển đến trại Châu Bình (Bến Tre). Ra tù, gã tiếp tục lại dính tội trộm cắp.

Làm người lương thiện

Thời gian đầu trong nhà tù, Hội gần như tuyệt vọng, không còn thiết sống. Nhưng rồi, người thân, gia đình vào thăm nuôi động viên, đặc biệt là khi nhận bức thư con của mình, Hội tìm lại được niềm tin, lẽ sống có thêm động lực, cố gắng phấn đấu cải tạo tốt hơn. Hội tâm sự: “Những giây phút ngắn ngủi được gặp cha già động viên và những dòng chữ còn nguệch ngoạc của đứa con bé bỏng, tôi đã tìm lại lẽ sống cho chính mình”. Những dòng chữ mà tôi ghi lại được từ bức thư của con gái đầu đang học lớp 3 viết cho người cha tù tội: “Do giận, mẹ không vào thăm bố, nhưng mẹ nhớ bố nhiều lắm đấy. Chúng con và mẹ chờ ngày bố trở về...”.

Điều này đã giúp cho Hội nhận ra lầm lỗi lạc bước trước đây. Trong 7 năm tiêm chích ma túy, Hội nghĩ mình bị HIV. Nhưng đối với anh, vẫn chưa là muộn dù còn sống một ngày tinh thần vẫn lạc quan với quyết tâm làm lại cuộc đời. Ngày ra tù, Hội từng nói với cán bộ quản giáo ở Trại giam Châu Bình (Bến Tre): “Không biết tôi có mang căn bệnh thế kỷ không, nhưng dù sao vẫn mong gặp lại các anh nhưng ở vị trí khác và môi trường khác”.

Hội đã tự vạch ra cho mình con đường sau khi ra tù, nếu bị nhiễm HIV gã sẽ tham gia một tổ chức xã hội cộng đồng dành cho người HIV làm những việc có ích cho xã hội. Còn nếu không sao, Hội về quê chuộc lại lỗi lẫm với bố mẹ, vợ con, làng xóm, bạn bè. Với xét nghiệm HIV âm tính, Hội vui mừng bắt xe thẳng tiến trở về quê.

Làm lại cuộc đời, đúng là điều không phải dễ dàng gì đối với Hội. Bà con vẫn còn xa lạ, vợ thì giận vẫn chưa nguôi ngoai, Hội phải về ở với bố mẹ. Nhưng không vì thế mà anh chán nản, hàng ngày Hội cặm cụi làm thuê, cuốc mướn, đêm về anh lại đến thăm các con. Rồi sau đó anh đi đăng ký học thêm một khóa về kỹ thuật trồng trọt vận động những người dân trong xóm làm theo. Hội bùi ngùi kể: “Tôi biết vợ tôi còn thương tôi nhiều lắm nhưng do giận nên không nói với tôi lời nào. Nhưng các con đã làm ông tơ, bà nguyệt se duyên lại cho vợ chồng tôi. Còn với dân làng thì tôi sẽ giúp họ thoát nghèo bằng những gì tôi học được”.

Sau khi gia đình được hàn gắn, ban đâu vợ chồng đi làm thuê, mỗi ngày 50.000 đồng. Sau đó, anh triển khai mô hình kinh tế mới VAC, chẳng mấy chốc đã vươn lên khá giả. Thấy Hội làm ăn theo mô hình mới được, nhiều người dân đã làm theo để cùng thoát nghèo. Sau mấy năm miệt mài, từ kẻ tù tội với hai bàn tay trắng, Hội “khùng” đã trở thành tỷ phú nơi phố núi. Hội đã tạo dựng được 2 ha cà phê, gần 500 trụ tiêu và mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với làm vườn cây ăn quả, rau xanh... cho sinh lợi mỗi năm gần 300 triệu đồng.

Khởi xướng công trình điện cho bà con

Sau một thời gian vất vả, tu chí làm ăn, Hội đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi cả vài tỷ đồng mà ai nhìn vào cũng khâm phục. Với số vốn đã có, năm 2011, anh đã đầu tư hàng trăm triệu mở dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho nhân dân trong và ngoài xã mà không lấy công. Đặc biệt, anh chính là người khởi xướng nên công trình điện lớn nhất tỉnh Gia Lai. Theo như Hội cho biết, ở khu vực núi chùa phía Nam xã Nam Yang có trên 300 hộ với gần 500 ha đất canh tác hồ tiêu, cà phê… trong khi đó nguồn nước thì xa, mỗi lần tưới tiêu cho hoa màu là người dân lại hì hục bơm. Chi phí xăng dầu quá đắt đỏ, mỗi lần tưới có hộ phải mất gần 5 triệu đồng, Hội nghĩ nếu như thay bằng điện thì người dân sẽ giảm đi công đoạn mệt nhọc, chi phí lại rẻ hơn. Nghĩ là làm, chẳng tính thiệt hơn, Hội thế chấp toàn bộ gia sản và cùng với 3 hộ dân trong xã đầu tư vốn xây dựng công trình điện đường dây 22 KV và 3 trạm biến áp 400 KVA với tổng số vốn lên tới gần 5 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2012, do sức yếu và phải trả tiền thế chấp ngân hàng, anh sang nhượng lại toàn bộ diện tích đất rẫy tập trung vào cung cấp đủ nguồn giống cây trồng nông nghiệp cho dân trong xã và các vùng lân cận. Số tiền bỏ ra tuy rất lớn nhưng có giúp cho ai đó là Hội thấy vui và hạnh phúc. Hội hồ hởi nói: “Tôi bây giờ lại trở thành người nghèo rồi, nhưng nghèo trong cái giàu”. Không những thế, cứ vào ngày 30 Tết, anh lại tổ chức giao lưu văn nghệ, quyên góp cho người nghèo ngay tại nhà mình, chính điều này đã giúp không ít hoàn cảnh khó khăn, có sách vở đến trường, người nghèo có nhà ở, người thất nghiệp có công ăn việc làm…
Đông Hưng - Yên Giang
http://www.baomoi.com/Ke-nghien-ngap-doi-no-thue-tro-thanh-nguoi-hung-xoa-ngheo-cho-ban-lang/104/13209120.epi