Nguồn lực nào cho điều trị ARV với người nhiễm HIV?


Cập nhật 17/08/2013 08:35 (GMT+7)



.

Theo số liệu ước tính của Bộ Y tế, trung bình mỗi tháng sẽ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân (BN) AIDS cần điều trị ARV. Ước tính đến năm 2015 sẽ có khoảng gần 200.000 BN cần được điều trị bằng thuốc ARV. Làm thế nào để có đủ kinh phí để duy trì nguồn thuốc và bổ sung cho những BN đang ngày càng gia tăng, là băn khoăn của các nhà quản lý và cũng là câu hỏi đặt ra tại buổi đối thoại trực tuyến “Nguồn tài chính bền vững để điều trị - Điều trị người nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút”.
Ảnh minh họa

ARV – cứu cánh duy nhất

Nếu sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, bệnh nhân AIDS sẽ có khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống… Điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm HIV còn là một trong các biện pháp dự phòng làm giảm khả năng lây lan HIV ra cộng đồng (một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu điều trị sớm ARV nguy cơ nhiễm HIV từ người nhiễm sang bạn tình, nhóm tiêm chích ma túy, mẹ nhiễm HIV sang con sẽ giảm đi rất nhiều)…

Tại buổi đối thoại trực tuyến, PGS. TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2001, Việt Nam đã tiến hành điều trị ARV cho người nhiễm HIV, nhưng do nguồn thuốc rất ít nên số người tiếp cận với dịch vụ này không nhiều. Đến năm 2007, dịch vụ này mới thực sự được mở rộng trong toàn quốc, dẫn đến số người người điều trị ARV tăng mạnh (trước kia mỗi năm cả nước có tới 7000 – 8000 BN AIDS tử vong, mấy năm gần đây chỉ còn khoảng 1000-1.500 BN tử vong). Ý nghĩa và hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc ARV là rất lớn nhưng hiện nay nguồn kinh phí dành cho hoạt động này đang ngày càng bị thu hẹp (thực tế, phần lớn kinh phí điều trị ARV là từ nước ngoài, trong đó PEPAR hỗ trợ tới 62%; hơn 30% từ Qũy toàn cầu, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng gần 10%).

Làm gì để cứu người nhiễm?

Theo ông Bùi Đức Dương, việc cắt giảm nguồn tài trợ từ nước ngoài trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn. Việc gián đoạn điều trị cho BN AIDS sẽ làm bệnh tăng lên, tỷ lệ kháng thuốc, tử vong sẽ cao hơn rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, nõ sẽ làm bùng phát dịch trở lại, đồng thời làm tăng chi phí y tế, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế và xã hội.

Để đối phó với nguy cơ này, ngay từ bây giờ Bộ Y tế đã xây dựng Đề án Huy động nguồn lực phòng, chống AIDS, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ARV, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các dịch vụ điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tích cực tìm kiếm, huy động nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua 5 nguồn lực chính: ngân sách nhà nước; thông qua BHYT; người dân tự chi trả; hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước và qua các Qũy hỗ trợ.
Tham dự buổi đối thoại này, ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng khẳng định, chính sách BHYT không phân biệt BN nào. Trong danh mục thuốc BHYT cũng đã được bổ sung thuốc ARV và các loại thuốc nhiễm trùng cơ hội khác.
Với khoản kết dư Quỹ BHYT khá lớn như hiện nay, Qũy vẫn có thể cân đối được trong trường hợp phải thanh toán bổ sung cho từ 200 – 300 tỷ cho việc điều trị ARV nên người nhiễm không nên quá lo lắng khi các nguồn tài trợ bị cắt giảm. Nhưng để làm được điều này, ông Khảm mong muốn, người nhiễm phải tích cực hơn trong việc tham gia BHYT; đặc biệt, cộng đồng, xã hội phải chung tay, góp sức hỗ trợ đối tượng này.

Đại diện cho các doanh nghiệp (DN), ông Phạm Ngọc Chính, chuyên gia tư vấn Văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng thương mại công nghiệp VN (VCCI) cũng cho hay, 10 năm qua VCCI đã rất tích cực trong các hoạt động phòng, chống AIDS, các DN cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đấu tranh giảm phân biệt kỳ thị đối xử với người nhiễm, hỗ trợ kinh tế, chi phí ĐT cho lao động bị nhiễm HIV. Thực tế, không còn tình trạng người nhiễm bị kỳ thị, buộc thôi việc…
Để việc hỗ trợ, tham gia này trở thành thường quy trong các DN, theo ông Chính, các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định, hướng dẫn cụ thể hơn… Có như vậy, các DN mới có cơ sở để thực hiện, nhằm bảo vệ và hỗ trợ người lao động bị nhiễm HIV/AIDS được tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Hải, người nhiễm đang điều trị ARV:

"Đa số người nhiễm HIV có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, họ không có điều kiện để tự chi trả kinh phí điều trị thuốc ARV. Trong trường hợp ngừng thuốc, sức khỏe sẽ suy yếu và lây lan ra cộng đồng rất lớn… Bởi vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách thúc đẩy việc sản xuất thuốc ARV trong nước, đồng thời trợ giá thuốc để người nhiễm được tiếp cận với các dịch vụ này."

Hải Long


Nguồn : Tại đây