Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Trẻ nhiễm HIV khó đến trường vì bị kỳ thị

  1. #1
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần

    Trẻ nhiễm HIV khó đến trường vì bị kỳ thị

    31/05/2014 08:50
    Trong số 77 cháu nhỏ nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 (GDLĐXH 2) ở huyện Ba Vì, Hà Nội, có tới 48 cháu học tiểu học chưa thể học tại các trường học bên ngoài do bị phân biệt đối xử.


    Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tặng quà cho các em nhỏ bị nhiễm HIV - Ảnh: Thúy Anh



    Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Trung tâm này cho biết thông tin đáng lo ngại trên khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến Trung tâm thăm và tặng quà cho các cháu nhiễm HIV chiều 30.5, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.


    Theo ông Giang, Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 77 cháu từ sơ sinh đến 18 tuổi nhiễm HIV, với 38 bà mẹ trực tiếp nuôi dưỡng các cháu. 100% các cháu khi vào Trung tâm đều trong tình trạng suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi, tổn thương tâm lý. Tất cả các cháu nhỏ trên đang sử dụng thuốc kháng vi rút, thuốc chống các bệnh nhiễm trùng được cấp miễn phí từ Cục Phòng chống HIV/AIDS.

    “Trong số 77 cháu được nuôi dưỡng tại Trung tâm, có 48 cháu học tiểu học chưa thể học tại các trường học bên ngoài do bị phân biệt đối xử, nên phải học ngay tại các lớp mở trong Trung tâm”, ông Giang chia sẻ thông tin đáng lo ngại.
    Chia sẻ với hoàn cảnh các em nhỏ đáng thương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận: Vấn đề kỳ thị với các trẻ nhiễm HIV còn cao. Số trẻ nhiễm HIV được đi học tại các lớp trong cộng đồng còn thấp và khó khăn khi xin học.
    “Chúng tôi đề nghị TP.Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh và cố gắng chống phân biệt, kỳ thị các trẻ nhiễm HIV để các cháu được đến trường như các các bạn khác. Đó là mong mỏi không chỉ của các cháu mà là mong mỏi của mỗi chúng ta”, ông Long bày tỏ.
    Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm: chương trình cấp thuốc cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để phòng chống lây nhiễm HIV sang con đã giúp cho 500 trẻ mỗi năm không bị nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, mỗi năm ước vẫn còn gần 100 trẻ nhiễm ra đời HIV do chương trình chưa bao phủ hết đến các bà mẹ mang thai nhiễm HIV.
    Liên Châu
    http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140531/tre-nhiem-hiv-kho-den-truong-vi-bi-ky-thi

    ads

  2. #2
    Thành Viên Charles's Avatar
    Ngày tham gia
    15-04-2013
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    56,883
    Cảm ơn
    596
    Được cảm ơn: 12,648 lần
    Trẻ bị nhiễm HIV/AIDS cần được đối xử công bằng
    17/04/2015

    Đừng để những em nhỏ bị đánh mất ước mơ


    được tới trường chỉ vì sự phân biệt đối xử (Ảnh minh họa)

    PV: Thưa Thứ trưởng, nghiên cứu gần đây cho thấy, có rất ít số trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được tới trường. Nguyên nhân do lỗ hổng về pháp luật hay do sự kì thị của xã hội?



    Thứ trưởng Đào Hồng Lan:
    Tôi có thể khẳng định rằng, việc bảo đảm quyền cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được Nhà nước rất quan tâm. Đơn cử như theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền của trẻ em; hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngoài ra, để đảm bảo tốt hơn quyền của trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 84 và năm 2014, ban hành Quyết định 570 để đảm bảo thực hiện chăm sóc cho trẻ em bị nhiễm HIV được tốt hơn. Trong đó, quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là quy định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT phải đảm bảo để trẻ nhiễm HIV/AIDS được đến trường. Thế nhưng, do sự kì thị, cũng như lo sợ căn bệnh thế kỷ này đã khiến nhiều người trong xã hội vô tình tạo nên rào cản đối với những trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS. Đã có một số trường học không tiếp nhận những em đó vào học, đồng thời do chịu áp lực từ phía phụ huynh những học sinh khác nên nhà trường cũng không dám nhận. Cũng vì lý do này mà cánh cửa tới trường của trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS càng trở lên xa vời. Đơn cử, trong số 77 cháu nhỏ nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 ở huyện Ba Vì (Hà Nội) có tới 48 cháu học tiểu học chưa thể học tại các trường học bên ngoài do bị phân biệt đối xử.


    Vậy làm thế nào để trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS không bị tước đi quyền được tới trường, quyền được bình đẳng khi tới trường, thưa Thứ trưởng?

    - Con đường tới trường của trẻ bị nhiễm HIV/AIDS vô cùng gian nan, đây là một thực tế không thể phủ nhận. Con đường này không chỉ khó với trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, mà với trẻ bị ảnh hưởng (có bố hoặc mẹ bị nhiễm HIV/AIDS – PV) cũng vô cùng gian nan cũng chỉ vì sự kì thị của xã hội.

    Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong một thế giới có AIDS không chỉ nằm ở chính sách, phía các cơ quan quản lý mà còn ở cách nhìn nhận của cộng đồng. Trẻ vốn là đối tượng yếu thế, khi đương đầu với bệnh thế kỷ khó vượt qua rào cản tâm lý xã hội. Sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử chuẩn mực, tiếp thêm nghị lực để các em sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Tháo gỡ rào cản định kiến trước hết phải bắt đầu từ thái độ của nhân viên xã hội, thầy thuốc, nhà giáo dục, thân nhân người nhiễm HIV, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Cùng với đó, là sự vào cuộc của truyền thông rất quan trọng, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức để có hành động đúng.

    Được biết, hiện Bộ LĐTB&XH đang triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 8 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng có thể cho biết kết quả bước đầu của mô hình?


    - Với mục tiêu nhằm cải thiện tình trạng cuộc sống hiện tại cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thông qua kết nối các dịch vụ xã hội chăm sóc toàn diện cho trẻ, xây dựng khung pháp lý cho việc chăm sóc toàn diện trẻ, thiết lập và sử dụng một hệ thống giám sát, đánh giá công tác chăm sóc toàn diện cho trẻ tại cộng đồng, mô hình đã hình thành được mạng lưới ban điều phối, mạng lưới cộng tác viên theo dõi, đánh giá nhu cầu và quản lý trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, mô hình đã hình thành được gói chăm sóc toàn diện cho trẻ với 7 yếu tố chính: dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe; giáo dục; hỗ trợ tiếp cận chính sách; tư vấn tâm lý và phòng ngừa trẻ bị nhiễm HIV/AIDS; bảo vệ trẻ không bị xâm hại; hỗ trợ, củng cố về kinh tế. Tại 8 địa phương triển khai mô hình đã xác định được hơn 3.800 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó số lượt trẻ cần đáp ứng các nhu cầu dịch vụ là hơn 3.600 trẻ. Tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được mô hình hỗ trợ ít nhất 1 nhu cầu dịch vụ là khá cao 85%.

    Theo đánh giá sơ bộ, dù mới triển khai được 3 năm nhưng mô hình đã tạo được nhiều mô hình điểm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đặc biệt trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện về đời sống. Đây sẽ là kinh nghiệm cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Quyết định số 570 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020.

    Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


  3. #3
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    (Sanh năm 1983 ) 10 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Nguyen Ha's Avatar
    Ngày tham gia
    19-12-2012
    Giới tính
    Nữ
    Đến từ
    diendanhiv.vn
    Bài viết
    32,318
    Cảm ơn
    664
    Được cảm ơn: 7,903 lần

    Phân biệt đối xử, kỳ thị khiến trẻ nhiễm HIV ‘yếu’ đi từng ngày

    Thứ năm 24/11/2016 16:24
    Không chỉ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang làm “mai một” sức khỏe của những trẻ nhiễm HIV/AIDS từng ngày, mà chính thái độ của người thân, của cộng đồng mới là điều đang khiến trẻ “yếu” đi từng ngày.



    TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thăm và động viên trẻ nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

    Hiện vẫn còn hơn 30% trẻ chưa có thẻ bảo hiểm y tế; 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tâm lý dinh dưỡng, tiếp cận chính sách của Nhà nước theo nhu cầu.

    Nguyên nhân do trẻ nhiễm HIV và gia đình trẻ lo sợ bị kỳ thị, không được bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, kỹ năng tiếp cận trẻ của cộng tác viên tại cơ sở còn hạn chế, chưa có cơ chế giữa các ngành liên quan trong việc chia sẻ hỗ trợ việc tiếp cận trẻ.

    Trường hợp bé A. có ông nội và bố đẻ nhiễm HIV đã qua đời, người mẹ lây nhiễm từ chồng và bản thân bé A. cũng nhiễm HIV. Bất hạnh chưa buông tha em khi A. đến tuổi vào mẫu giáo. Cầm tờ đơn xin học từ mẹ bé A., lãnh đạo nhà trường hết sức đắn đo, cân nhắc và đã có tư vấn kỹ càng cho mẹ của cháu, bởi kinh nghiệm cho thấy, những trường hợp nhiễm HIV đã công khai tại cộng đồng như cháu A. sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập.

    Và điều nhà trường lo ngại đã trở thành hiện thực, khi phụ huynh của 25 cháu cùng lớp bé A. đồng loạt viết đơn xin cho con chuyển lớp, nhất định “không cho con học với trẻ nhiễm HIV”. Cô hiệu trưởng lúc này đứng trước sự lựa chọn, nếu chấp nhận cháu A. theo học thì hiển nhiên phụ huynh 25 cháu kia sẽ cho con chuyển lớp hoặc ra khỏi trường. Ngược lại, sẽ tước đi quyền được học tập của những đối tượng thiệt thòi như cháu A; cô giáo và nhà trường sẽ bị người thân có cháu nhỏ bị nhiễm HIV phản ứng, họ sẽ cho rằng luật pháp cho phép trẻ em bị nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng, tại sao nhà trường lại tước đi quyền được đi học của cháu. Cuối cùng, cô giáo chấp nhận phương án giữ lại 25 cháu để bảo đảm kế hoạch phát triển và duy trì hoạt động của nhà trường, và bé A. phải chịu thiệt thòi.

    Trường hợp bé L. (8 tuổi) còn thương tâm hơn. Bố bỏ đi vài năm trời không tung tích, mẹ chết bởi căn bệnh HIV, L. được chú thím cưu mang. Dường như, sự kỳ thị, lo sợ lây bệnh cho các con mà bà thím thường xuyên hắt hủi, đánh mắng, bỏ đói em. Trong khi các em họ nằm ở trên giường, một mình em nằm dưới đất lạnh giá vì sợ lây bệnh sang người khác.

    Ở được 3 tháng, bà thím xui chồng làm cái chòi gần bếp, chuồng lợn, yêu cầu L. ở riêng. Em khóc đòi ở trên nhà, ngay lập tức bị bà thím xua đuổi. L. không được đi học, 8 tuổi nhưng em không biết viết, biết đọc. L. cũng không có bạn, đành chuyện trò cũng hai con lợn trong chuồng. 

    Biết được tình trạng này, một số cán bộ y tế đã phân tích về việc không được kỳ thị, hướng dẫn cách tiếp xúc người bệnh mà không bị lây nhiễm nhưng hầu hết người trong làng xóm bỏ ngoài tai. Rất nhiều người khi nghe đến HIV tỏ thái độ sợ sãi, sợ lây nhiễm. Nhiều người tuy là người thân trong gia đình nhưng lúng túng chưa hiểu hết về căn bệnh này và biện pháp phòng trách lây nhiễm nên đã hắt hủi, xua đuổi, xa lánh trẻ tội nghiệp.

    Theo số liệu thống kê, tổng số trẻ nhiễm HIV trên toàn quốc hiện nay là 6.800 em; 73.129 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV, trẻ em mồ côi do bố, mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS, trẻ sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV; 41.794 trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV (trẻ em sử dụng ma túy, trẻ em là con của người mua dâm, sử dụng ma túy, trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em).

    Hiện đã có 63 tỉnh/ thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020; 92.2% số huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 56% số học sinh các trường tiểu học và THCS được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền và 5.000 cuốn cẩm nang về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được in ấn và phát cho địa phương; 61% cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tuy nhiên, chỉ có 17/63 tỉnh có tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được nhận dịch vụ chăm sóc hỗ trợ 100%.

    Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cho hay, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn hạn chế; hệ thống tổ chức bảo vệ chăm sóc trẻ em chậm được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở; vẫn còn 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tâm lý dinh dưỡng, tiếp cận chính sách của Nhà nước theo nhu cầu…

    Do đó, thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác ra soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về trẻ em nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giữa 3 ngành chức năng Y tế,  LĐTB&XH, GD&ĐT. Đồng thời tăng cường tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS, giúp trẻ được vui chơi, học tập như những trẻ bình thường khác.
    Thúy Vân

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •