Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Những điều cần biết khi mới nhiễm HIV

Hybrid View

  1. #1
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    ( Sanh năm 1981 )
    Buonqua's Avatar
    Ngày tham gia
    06-04-2012
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    1,119
    Cảm ơn
    199
    Được cảm ơn: 355 lần

    Những điều cần biết khi mới nhiễm HIV

    Ngày nay, nhiễm HIV không còn bị coi là một căn bệnh chết người nữa, mà được nhìn nhận như một bệnh mạn tính có thể kiểm soát được. Đã có những tiến bộ đáng kể trong điều trị HIV trong vòng 5 năm trở lại đây, và chắc chắn sẽ có những biến chuyển mới với tốc độ rất nhanh chóng trong thời gian tới.

    ảnh minh họa

    Tuy nhiên, nhiễm HIV cũng không phải là chuyện đùa. Theo những hiểu biết mới nhất, nhiễm virus này đồng nghĩa với việc mang nó trong suốt phần đời còn lại. Hiện chưa có liệu pháp nào giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Cũng giống như tiểu đường, nhiễm HIV có thể gây các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng. Càng hiểu biết nhiều về HIV và biết cách chủ động tham gia điều trị, bạn sẽ càng có cơ may duy trì được sức khỏe và không bị biến chứng.

    1. Đi khám bác sĩ đều đặn: Sau khi biết mình bị HIV dương tính, điều quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ đều đặn. Thông thường, điều này có nghĩa là cứ 2-3 tháng một lần, mặc dù trong thời gian đầu bạn có thể phải đi khám thường xuyên hơn. Ở đó, bạn sẽ học được rất nhiều điều về HIV và các phương án điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được học về các tế bào T, về hệ miễn dịch… Đi khám đều đặn giúp bạn theo dõi sát tình trạng miễn dịch của mình, cũng như cập nhật những tiến bộ mới trong điều trị HIV.

    2. Khi nào thì bắt đầu điều trị? Trước khi đưa ra quyết định hình thức điều trị nào phù hợp với mình, bạn sẽ phải làm xét nghiệm máu để xác định liệu có cần điều trị ngay hay bạn vẫn còn có thể chờ một thời gian nữa. Cùng với những hiểu biết mới về HIV và đáp ứng của nó đối với thuốc, các hướng dẫn điều trị đã thay đổi. Ví dụ, 3 năm trước, phần lớn các chuyên gia đều nhất trí rằng, tất cả những người nhiễm HIV cần được điều trị tích cực càng sớm càng tốt, ngay khi được chẩn đoán, theo phương châm “Đánh mạnh, đánh sớm”. Hiện nay, điều này không còn phù hợp với tất cả mọi người nữa. Tùy theo số lượng tế bào lympho T (CD4) và lượng virus HIV trong máu, bác sĩ sẽ xác định liệu bạn có được an toàn nếu chỉ tiếp tục theo dõi mà không dùng thuốc kháng virus, hay cần bắt đầu điều trị ngay lập tức.

    3. Lựa chọn liệu pháp kháng virus ban đầu: Nếu vẫn có thể tiếp tục theo dõi mà không cần điều trị, bạn cần kiểm tra máu thường xuyên, khoảng 3 tháng/lần. Nếu các chỉ số về hàm lượng HIV và các tế bào miễn dịch cho thấy cần bắt đầu điều trị ngay, hãy cùng bác sĩ chọn cho mình phương thức phù hợp nhất. Hiện có nhiều thuốc đã được chấp thuận và rất nhiều loại khác đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Chúng thường được sử dụng chung thành từng nhóm gồm 3-4 dược phẩm.

    4. Tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc của bác sĩ – bí quyết thành công: Điều hết sức quan trọng bạn cần quán triệt tại thời điểm này là phải quyết tâm thực hiện các hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu bạn bắt đầu liệu trình điều trị nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, virus sẽ có cơ hội trở nên kháng thuốc và không bị đè bẹp hoàn toàn trong cơ thể bạn. Nếu bạn không thấy hết tầm quan trọng của điều này hoặc cảm thấy mình chưa sẵn sàng, hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ. Việc không dùng thuốc đúng như hướng dẫn trong đơn của bác sĩ có thể gây hại nhiều hơn là làm lợi.

    5. Tìm hiểu các tác dụng phụ của thuốc: Mỗi thuốc và mỗi nhóm thuốc đều có tác dụng không mong muốn, xuất hiện nhanh chóng sau khi bắt đầu điều trị. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách khống chế những hiệu quả ơhụ này. Đối với các thuốc có khả năng gây hiệu quả phụ nguy hiểm, đe dọa tính mạng, bạn cần học cách nhanh chóng nhận dạng triệu chứng và thông báo ngay cho bác sĩ. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này khá hiếm và không thể ngăn cản quyết tâm điều trị của bạn. Việc điều trị cũng có thể mang lại tác dụng phụ lâu dài, nhưng hiện còn chưa rõ những dấu hiệu này do bản thân virus HIV hay do thuốc gây ra. Có điều rõ ràng là để HIV tiến triển thành AIDS nguy hiểm hơn nhiều so với các tác dụng phụ có thể xuất hiện của thuốc.

    6. Tiêm chủng để đề phòng nhiễm trùng: Dù bạn có bắt đầu điều trị hay còn trì hoãn việc này, bác sĩ sẽ khuyên bạn tiêm chủng phòng ngừa một loạt bệnh như sởi, quai bị, uốn ván và những những bệnh nhiễm virus khác, giống như khi bé bạn từng được tiêm. Những căn bệnh này có thể đe dọa tính mạng của bạn hoặc khiến hệ miễn dịch phải trả giá rất đắt. Thông thường, phải mất 6 tháng để hoàn thành những mũi tiêm này. Bạn cần cố gắng đi tiêm đúng hẹn.

    7. Cẩn thận để HIV không lây lan sang người khác: Một khi đã biết mình nhiễm HIV, bạn sẽ suy nghĩ về các bước cần làm để ngăn chặng nguy cơ làm lan truyền virus tới những người khác. Gia đình bạn, người yêu và những người sống cùng phòng với bạn có thể rất lo lắng về điều này. Đừng ngại ngần, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ về quan hệ tình dục an toàn. Nói chung, hoạt động tình dục dẫn tới sự trao đổi dịch tiết của cơ thể dễ làm lây lan HIV hơn, các hình thức khác ít có khả năng lây truyền HIV. Ngoài quan hệ tình dục an toàn, bạn không được dùng chung kim tiêm. Vì HIV lan truyền rất dễ qua máu và các chế phẩm máu nên tất cả những người nhiễm HIV đều không được hiến máu. Trong cộng đồng, vẫn tồn tại những quan điểm sai lầm về cách lan truyền của HIV. Chẳng hạn, một số người vẫn tin rằng có thể nhiễm HIV từ người khác nếu ăn chung bát đĩa, dùng chung cốc, hay ngồi chung bệ vệ sinh. Đó không phải cách lây lan của HIV.

    8. Đóng vai trò chủ động trong điều trị HIV: Hãy ý thức rằng bạn sẽ phải sống chung với HIV trong suốt phần đời còn lại của mình. Hãy tìm hiểu về HIV và phương pháp điều trị. Đừng giao phó cuộc đời mình cho HIV, trừ khi bạn muốn vậy.

    9. Tìm người để tâm sự: Rất nhiều người không muốn bất cứ ai biết rằng họ nhiễm HIV. Tuy nhiên, cùng với thời gian, phần lớn trong số họ đều tìm được ít nhất là 1 hoặc 2 người mà họ có thể tin tưởng. Việc tìm ra sự hỗ trợ từ phía những người khác là hết sức quan trọng. Nếu bạn không có người thân thì hãy tìm đến các nhóm hỗ trợ. Bạn sẽ cảm thấy bớt cô đơn và yên tâm hơn khi biết rằng đã có những người đi trước đoạn đường bạn đang đi.

    KẾT LUẬN: Ngày nay, trong rất nhiều trường hợp, nhiễm HIV được coi là bệnh có thể kiểm soát được. Càng học được nhiều điều về HIV và các bước cần làm để kiểm soát virus trong cơ thể, bạn càng có nhiều cơ hội có một cuộc sống bình thường.


    ads

  2. Những thành viên đã cảm ơn Buonqua cho bài viết này:

    can1niemtin (27-08-2013)

  3. #2
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    ( Sanh năm 1981 )
    Buonqua's Avatar
    Ngày tham gia
    06-04-2012
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    1,119
    Cảm ơn
    199
    Được cảm ơn: 355 lần
    Người nhiễm HIV nên biết?

    Nhiễm HIV không có nghĩa là AIDS. Từ khi nhiễm HIV cho đến khi chuyển thành AIDS là một khoảng thời gian dài trong nhiều năm. Trong thời gian đó người nhiễm vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường để sinh sống. Người đó chỉ cần sự hỗ trợ khi diễn biến thành AIDS.
    Một khi HIV nhiễm vào cơ thể sẽ có 3 xu hướng phát triển:
    + Hoặc người đó mang HIV kéo dài trong 10 năm hoặc lâu hơn mà vẫn khoẻ mạnh và làm việc bình thường nếu người đó thay đổi hành vi, thực hiện chế độ dinh d­ưỡng và rèn luyện thân thể tốt.
    + Hoặc sẽ phát triển thành AIDS trong vòng 5-7 năm nếu để cho HIV diễn biến tự nhiên trong cơ thể.
    + Hoặc sẽ diễn biến rất nhanh thành AIDS trong vòng vài năm nếu tiếp tục có các hành vi nguy cơ (như dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích, tiếp tục quan hệ tình dục với nhiều người ...) người đó một mặt sẽ làm lây truyền HIV cho người khác, mặt khác họ sẽ bị nhiễm thêm HIV từ người khác hoặc bị các nhiễm trùng bội nhiễm kích hoạt cho HIV sản sinh nhanh trong cơ thể làm tiêu huỷ nhanh hệ thống miễn dịch và người đó tự rút ngắn cuộc đời lại.
    + Khi đã diễn biến thành AIDS tuỳ điều kiện thuốc men và chăm sóc bệnh nhân vẫn có thể sống thêm 1- 5 năm nữa.
    + Các thuốc điều trị hiện nay chỉ nhằm chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và làm chậm lại quá trình phát triển của virus.
    Một ngư­ời bị nhiễm HIV có thể làm lây HIV cho người thân qua dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, quan hệ tình dục và tiêm chích không an toàn, vì vậy trong suốt quá trình bị bệnh, bệnh nhân nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
    - Ăn càng nhiều càng tốt.
    - Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và tránh buồn phiền, lo lắng.
    - Nghỉ ngơi khi mệt mỏi và đảm bảo ngủ đủ thời gian.
    - Vẫn tiếp tục làm việc nếu có khả năng.
    - Thực hiện tình dục an toàn (sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục).
    - Gặp gỡ thường xuyên với bạn bè và gia đình.
    - Không cho máu và mô.
    - Không sử dụng chung bơm kim tiêm với người khác, dùng bơm kim tiêm sạch.
    - Hãy chú ý đến những vấn đề sức khỏe, nghe theo lời khuyên của thầy thuốc để phòng những bệnh nhiễm trùng cơ hội.
    - Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: đánh răng hàng ngày, tắm rửa thay quần áo. Ðặc biệt quan trọng đối với phụ nữ phải vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ kinh nguyệt.
    - Giảm các sang chấn, lo âu.
    - Tránh uống rượu và hút thuốc lá.
    - Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc.
    - Không biệt lập với gia đình và bạn bè.

    Theo Bộ Y tế

  4. #3
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    ( Sanh năm 1981 )
    Buonqua's Avatar
    Ngày tham gia
    06-04-2012
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    1,119
    Cảm ơn
    199
    Được cảm ơn: 355 lần
    Phải làm gì khi mình đã nhiễm HIV/AIDS?

    Hỏi:

    Tôi vừa phát hiện mình nhiễm HIV và tôi đang rất hoang mang. Hãy cho tôi một lời khuyên.
    Trả lời:

    Khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, phần đông sẽ hoảng hốt, sợ hãi, hoặc sẽ buồn. Có người nói: "Bị thì sẽ tự tử thôi, không sống nổi đâu". Nhưng cái khủng hoảng ban đầu rồi sẽ qua. Cái quan trọng là tiếp theo sẽ sống như thế nào. Có bạn cho rằng phải "Sống đẹp những ngày còn lại". Nhiễm HIV cũng còn sống một số nǎm nữa. Sống đẹp có khó không, muốn sống đẹp phải làm gì? Điều đó tùy theo mỗi người, nhưng có một số điều cần quan tâm, đó là chỗ dựa tinh thần, niềm vui, sức khỏe, và tránh lan nhiễm, lây bệnh khác hay tái nhiễm.

    1. Chỗ dựa tinh thần

    Chỗ dựa tinh thần thường là gia đình hay bạn bè thân thiết. Đó là người sẽ lắng nghe ta trút nỗi lòng hoặc nói một câu an ủi khi ta cần đến. Đó là người làm ta vui, làm ta yên lòng. Ai cũng cần tìm lấy chỗ dựa tinh thần để trải qua những giờ phút bất ổn.Ngoài ra, bạn có thể tìm đến, và nên tìm đến những trung tâm tư vấn về HIV/AIDS. Ở đây có những người hiểu được những khó khǎn của bạn, có thể giúp bạn tìm cách khắc phục. Họ có thể giúp bạn vượt qua những cơn trầm cảm, những khi tuyệt vọng. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có câu lạc bộ "Bạn giúp bạn" do một số người nhiễm HIV thành lập để cùng chia sẻ vui buồn và tương trợ nhau. Bạn có thể tìm đến đó. Rất hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều địa phương có được những câu lạc bộ như thế.
    2. Niềm vui


    Ta rất cần đến những niềm vui làm cho ta thấy yêu đời. Nếu phát hiện ra mình nhiễm HIV mà chỉ suốt ngày ngồi ủ rũ, gặm nhấm nỗi đau của mình thì bạn sẽ sống khổ và chết sớm. Bạn hãy đứng dậy và làm một việc gì đó mà mình thích.Lỡ nhiễm HIV thì đừng nghĩ là đã hết sống. Bạn cứ sống tiếp, cứ làm cái gì mình thích hay thấy nên làm. Nó sẽ đem lại cho cuộc sống của bạn ý nghĩa và niềm vui.

    3. Sức khỏe

    Khi đã bị nhiễm mầm bệnh thì phải chú ý đến sức khỏe. Nên ǎn uống tốt, đủ chất, đủ vitamin, tránh các thức ǎn tái và sống, rau sống, thức ǎn vệ sinh không tốt. Nên hoạt động và nghỉ ngơi điều độ, đồng thời tập thể dục, tập dưỡng sinh để tǎng cường sức khỏe. Nếu sức khỏe tốt thì sẽ sống được lâu và sống vui.

    4. Tránh lan nhiễm, tránh lây bệnh khác, tránh tái nhiễm

    Để bảo vệ sức khỏe, bạn cần phải tránh tất cả các thứ bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói riêng. Một cái không may là người nhiễm HIV thì dễ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, và người có các bệnh này thì cũng dễ nhiễm HIV. Người nhiễm HIV cũng rất nên tránh tái nhiễm HIV từ một người khác, vì vi rút HIV vào mỗi người phát triển theo một cách nên vi rút HIV của người này khác vi rút HIV của người khác, nhiễm càng nhiều thì càng hại. Còn đối với người khác thì bạn đừng đem cái vi rút không may của mình cho người ta.Do đó cần phải cẩn thân, luôn luôn dùng bao cao su nếu quan hệ tình dục, và tránh mọi khả nǎng tiếp xúc máu.
    HÃY SỐNG LẠC QUAN!

  5. #4
    Điều Hành Chung.Thay quyền Admin
    ( Sanh năm 1981 )
    Buonqua's Avatar
    Ngày tham gia
    06-04-2012
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    1,119
    Cảm ơn
    199
    Được cảm ơn: 355 lần
    Hiểu biết về xét nghiệm tải lượng vi rút HIV


    Xét nghiệm tải lượng vi rút là gì?

    Xét nghiệm tải lượng vi rút (TLVR) ước lượng số vi rút có trong máu. Để đo được lượng vi rút người ta tìm và đếm các chất liệu di truyền vi rút HIV, chất liệu này được gọi là HIV ARN. Kết quả TLVR được mô tả bằng số lượng bảng sao (copies) HIV ARN có trong 1 ml máu.

    Sự thay đổi TLVR theo tự nhiên

    Kết quả TLVR có thể tăng hay giảm từ một mẫu máu này đến mẫu máu kế tiếp mà không vì một tác động lâu dài nào lên sức khỏe của người được xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã điều tra về sự thay đổi của TLVR trên người chưa được điều trị, kết quả cho thấy hai xét nghiệm riêng biệt trên cùng một mẫu máu có thể cho kết quả khác biệt đến gấp 3 lần. Có nghĩa là bạn không nên lo lắng nếu TLVR của bạn tăng từ 5.000 lên 15.000 vào thời điểm bạn chưa điều trị.
    Tương tự, TLVR tăng từ 50,000 đến 100,000 nếu bạn chưa điều trị có thể là sự gia tăng đáng kể vì đã tăng gấp đôi, nhưng đó là phạm vi sai số cho phép của xét nghiệm.
    Lý tưởng TLVR chỉ nên đo vào lúc bạn khỏe mạnh. Nếu thời gian gần đây bạn bị bệnh nhiễm trùng, hoặc chích ngừa vắc xin, TLVR có thể gia tăng tạm thời.

    Sự thay đổi đáng kể của TLVR

    Khi TLVR được xét nghiệm theo thời gian vài lần mỗi vài tháng cho thấy khuynh hướng gia tăng, hoặc gia tăng hơn gấp ba lần, thì cần quan tâm.
    Thí dụ: tăng từ 5.000 lên 25.000 là sự gia tăng đáng kể, tăng gấp 5 lần lượng vi rút trong máu so với lần xét nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên, khuynh hướng gia tăng TLVR là chỉ điểm tốt nhất, do đó nên làm lại xét nghiệm để khẳng định chẩn đóan.

    Ảnh hưởng của việc chủng ngừa vắc xin và nhiễm trùng.

    Nếu bạn hiện đang bị nhiễm trùng hoặc gần đây có chủng ngừa vắc xin thì TLVR có thể gia tăng tạm thời. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên tránh làm xét nghiệm TLVR ít nhất sau 1 tháng chủng ngừa hay bệnh nhiễm trùng.

    Tải lượng vi rút không phát hiện được hoặc dưới ngưỡng phát hiện là gì? (undetectable viral load)

    Tất cả các xét nghiệm TLVR có một số lượng giới hạn nhất định mà người ta không thể phát hiện được HIV, còn được gọi là ngưỡng phát hiện, và ngưỡng này sẽ thay đổi tùy theo kỹ thuật và bộ sinh phẩm xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, cần hiểu rằng chỉ vì số lượng vi rút HIV quá thấp nên xét nghiệm không thể đo được, chứ không có nghĩa là vi rút đã hết hẳn tòan bộ trong máu của bạn. Vi rút vẫn hiện diện trong máu nhưng với số lượng thấp đến nổi xét nghiệm không thể đo được.

    Ngưỡng hiện nay xét nghiệm TLVR có thể đo được là bao nhiêu?

    Đối với các xét nghiệm đã được sử dụng trước đây, ngưỡng phát hiện là 400 hoặc 500 bản sao / ml. Tuy nhiên với những xét nghiệm siêu nhạy có thể đo được đến 50 bản sao. Có vài kỹ thuật có thể đo được tải lượng thấp hơn nhưng chủ yếu được sử dụng trong các nghiên cứu.

    Ý nghĩa của TLVR dưới ngưỡng phát hiện.

    Có xét nghiệm TLVR dưới ngưỡng phát hiện là kết quả mong muốn vì hai lý do:

    • Nguy cơ chuyển sang giai đọan AIDS rất thấp
    • Nguy cơ kháng thuốc rất thấp đối với những người đang điều trị ARV.

    Mục tiêu của điều trị ARV là TLVR dưới ngưỡng phát hiện. Đạt TLVR không phát hiện được càng nhanh thì hiệu quả của phác đồ đang dùng càng tác dụng lâu. Lý tưởng là sau 3-6 tháng điều trị phác đồ 1, TLVR của bạn sẽ không phát hiện được. Tuy nhiên cũng có một số người không đạt mục tiêu này. Nếu TLVR vẫn phát hiện được vi rút sau điều trị 3- 6 tháng, có thể bác sĩ của bạn sẽ xem xét thay đổi phác đồ thích hợp. Một số bác sĩ thấy cần đổi phác đồ sớm để giảm nguy cơ kháng thuốc. Một số khác thì tranh luận rằng việc này có thể làm ngưng điều trị một phác đồ vẫn còn hiệu quả. Người được điều trị ARV lần đầu thì khả năng chắc chắn giảm được TLVR nhiều hơn so với người đã từng được điều trị trước đó.

    Kết quả TLVR chập chờn

    Trong vài trường hợp, có thể bạn sẽ gặp kết quả TLVR chập chờn sau những lần làm xét nghiệm khác nhau. Cụ thể là lúc thì không phát hiện, lúc thì phát hiện được vi rút. Điều này thường xãy ra và không nhất thiết rằng bạn đã thất bại điều trị. Hầu hết các trường hợp như vậy đều do sai sót trong xét nghiệm.
    Tuy nhiên, nếu TLVR tiếp tục gia tăng qua từng xét nghiệm, hoặc tiếp tục phát hiện được vi rút có thể việc điều trị đã thất bại, và có thể vi rút đã phát triển kháng thuốc. Tại thời điểm này bạn nên thảo luận với bác sĩ của mình việc thay đổi điều trị. Việc duy trì tình trạng TLVR phát hiện được càng lâu nguy cơ kháng thuốc với phác đồ hiện đang uống càng cao.
    Nếu phác đồ bậc 2 sẵn có và hiệu quả ức chế vi rút tốt, thì việc chuyển đổi phác đồ sớm sẽ gỉam thấp khả năng phát triển kháng thuốc. Nếu phác đồ 2 không có nhiều chọn lựa, thì khuynh hướng đổi phác đồ nên chậm hơn. Tuy nhiên, người ta vẫn đề nghị rằng nếu có thể nên chuyển phác đồ khi số lượng CD4 còn cao và TLVR còn thấp.
    Tải lượng vi rút và kháng thuốc

    Phát triển kháng thuốc: Nếu HIV phát triển kháng thuốc với phác đồ bạn đang dùng, có nghĩa là thuốc không còn khả năng ức chế HIV hiệu quả, và TLVR thường bắt đầu gia tăng. Việc giữ cho TLVR dưới ngưỡng phát hiện thì nguy cơ xuất hiện kháng với thuốc đang uống rất thấp. Vì thế việc giữ cho TLVR không phát hiện được càng lâu, càng làm chậm việc thuốc bị đề kháng.
    Kháng chéo: Một khi HIV đã kháng với một thuốc bạn đang uống, thì có thể nó sẽ kháng với vài thuốc khác tương tự mà bạn chưa từng uống. Đây được gọi là kháng chéo.
    Kháng chéo có thể làm giới hạn số thuốc mà bạn có thể uống trong tương lai. Để có nhiều chọn lựa hơn, vài bác sĩ đã tranh luận rằng việc điều trị nên vì mục tiêu TLVR không phát hiện được. Tuy nhiên, một số bác sĩ khác thì cho rằng nếu đổi thuốc ngay mỗi lần TLVR tăng trên ngưỡng phát hiện có thể làm cho bạn không còn đủ thuốc để chuyển đổi. Nếu có thể, đề nghị đổi sớm khi CD4 còn cao và TLVR còn thấp.

    TLVR và việc lây truyền HIV

    Nếu bạn có số lượng HIV trong máu cao, có thể lượng HIV trong tinh dịch và dịch âm đạo cao. Người có lượng HIV cao khả năng bị bệnh nhiễm trùng nhiều hơn.
    Điều trị ARV làm giảm TLVR trong máu, cũng làm giảm lượng HIV trong tinh dịch và dịch âm đạo. Tuy nhiên, việc TLVR trong máu không phát hiện được không đồng nghĩa với việc HIV trong tinh dịch và dịch âm đạo không có. Bạn vẫn có nguy cơ lây truyền vi rút trong quan hệ tình dục nếu không dùng bao cao su. Các bệnh lây qua đường tình dục, nhất là bệnh lậu có thể làm gia tăng TLVR trong chất dịch khi quan hệ tình dục. Như vậy nguy cơ lây truyền HIV cho bạn tình càng cao nếu không sử dụng bao cao su.
    Điều trị ARV đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu bạn có thai hoặc có kế họach có thai, thảo luận việc điều trị với bác sĩ của bạn để có chọn lựa phác đồ thích hợp. Nếu bạn có TLVR không phát hiện được trong lúc mang thai, thì nguy cơ lây truyền HIV cho con sẽ rất thấp.

    Bao lâu thì tôi nên làm xét nghiệm TLVR?

    Nếu bạn chuẩn bị điều trị: Ở những nơi có nguồn lực, việc làm xét nghiệm TLVR được thực hiện ngay trước điều trị để làm số liệu nền nhằm so sánh các xét nghiệm lần sau xem hiệu quả việc điều trị sẽ ra sao.
    Nếu bạn đã bắt đầu điều trị: ở những nước phát triển, hoặc nơi không bị giới hạn về nguồn lực, thường TLVR được xét nghiệm sau 1 tháng điều trị, sau đó được theo dõi mỗi 3 tháng. Có thể làm thêm xét nghiệm khi có dấu hiệu hoặc các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, ở nơi có nguồn lực hạn chế, việc xét nghiệm có thể được thực hiện sau mỗi 6 tháng hay lâu hơn. Kết quả của xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ của bạn theo dõi hiệu quả của phác đồ đang điều trị và tiên lượng diễn tiến của bệnh.

    Nếu bạn vừa có một kết quả TLVR gia tăng khi đang điều trị: nên làm lại xét nghiệm một lần nữa trong vòng 2 – 4 tuần để khẳng định kết quả này. Bạn luôn cần có kết quả TLVR và CD4 cùng một lúc để giúp bác sĩ của bạn đánh giá đúng hơn về hiệu quả của điều trị.

    Bs. Hùynh Thu Thủy

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •