Rào cản sở hữu trí tuệ ở TPP

Thứ Sáu, 13/9/2013, 11:27 (GMT+7)

(TBKTSG) - Những khác biệt về tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên bàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là rào cản mà nhiều quốc gia phải vượt để có thể xích lại gần nhau.

Rắc rối dược phẩm

Dược phẩm là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi đàm phán về sở hữu trí tuệ trong TPP, trong đó có vấn đề về tăng thời hạn bảo hộ sáng chế và mở rộng đối tượng được bảo hộ.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngành công nghiệp dược Việt Nam, mà quan trọng hơn, giá thuốc sẽ đắt hơn và người dân có nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã gửi một bức thư đến Đại sứ Ron Kirk, khi đó là đại diện thương mại Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng dự thảo chương sở hữu trí tuệ trong TPP sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư quan trọng và dễ bị tổn thương của Việt Nam. “Có những quan ngại rằng chương này sẽ là nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế thu nhập của người nghèo, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất công xã hội”, thư viết.

Bức thư trích dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy giá thuốc đại trà ở Việt Nam đang cao hơn gấp 11,41 lần giá thuốc trung bình trên thế giới, còn giá thuốc đặc trị cao hơn 46,58 lần, trong khi thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam chỉ mới qua ngưỡng trung bình thấp. Đây được cho là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bệnh nhân có khả năng tiếp cận thuốc hiện rất thấp: chỉ có 20% số người có nhu cầu có thể tiếp cận thuốc (nói chung) và chỉ có 13% đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận được thuốc dành cho bà mẹ, trẻ em.
Bức thư cũng ghi rõ rằng một khi các quy định về sáng chế trong dự thảo được áp dụng, cơ hội giảm giá thuốc sớm sẽ bị triệt tiêu, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Mạng lưới quốc gia cộng đồng có HIV Việt Nam cũng nêu ra những quan ngại về những đề xuất của phía Mỹ trong chương sở hữu trí tuệ. Theo mạng lưới này, giá thuốc viện trợ của Việt Nam nhận được từ các tổ chức quốc tế trong chương trình HIV là ở mức 100 đô la Mỹ/người/năm. Trong khi đó, các loại thuốc chính hãng có bằng sáng chế trong chương trình HIV hiện có mức giá 1.067-2.040 đô la Mỹ/người/năm, quá cao so với thu nhập của người Việt nói chung, đặc biệt là người có HIV.
Chuyện bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành dược được cho là có tác động từ các cuộc vận động của các công ty dược phẩm lớn ở Mỹ muốn kéo dài thời hạn bảo hộ bản quyền.

Một khi thời gian bảo hộ bản quyền được kéo dài thì giá thuốc sẽ tăng lên, đồng nghĩa với khả năng tiếp cận của người bệnh sẽ giảm đi. Trong trường hợp những đề xuất của phía Mỹ được chấp thuận, có thể Việt Nam sẽ phải áp dụng đối sách “li-xăng (license) cưỡng chế”.
Theo ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, lấy ví dụ, với các loại thuốc chữa HIV có giá rất cao, nếu Nhà nước chứng minh được rằng người bệnh không đủ tiền mua loại thuốc này, thì hãng dược đang bóc lột người bệnh. Và khi đó Nhà nước có quyền bắt hãng dược phải cấp “li-xăng cưỡng chế” cho một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhằm kéo giá xuống.

Theo PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, câu chuyện “li-xăng cưỡng chế” trong ngành dược phẩm đã được một số quốc gia như Ấn Độ, Brazil áp dụng, và luật pháp của Việt Nam cũng cho phép thực hiện điều này.
Một công cụ khác có thể được áp dụng là “nhập khẩu song song”. Theo ông Nghĩa, chẳng hạn các loại thuốc được sản xuất tại một quốc gia khác dưới sự cấp phép nhượng quyền của các công ty dược phẩm Mỹ, thì Việt Nam vẫn có thể nhập về mà không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Rào cản phải vượt

Những thông tin từ vòng đàm phán 19 vừa qua cho thấy có rất ít tiến bộ đạt được giữa các bên. Hiện tại, Việt Nam đang chật vật trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn của WTO, gọi là TRIPS.
Trong khi đó, đề xuất của phía Mỹ, theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lại dựa trên những gì họ đạt được với phía Hàn Quốc trong Hiệp định FTA giữa hai quốc gia phát triển này. Chính vì thế vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP thường được gọi là TRIPS+.Sự chênh lệch về trình độ phát triển cho thấy Việt Nam không phải là một đối thủ của Mỹ trong cạnh tranh các bằng sáng chế.

Theo ông Phạm Phi Anh, khoảng 90% các sáng chế trên toàn thế giới thuộc về 20 nước công nghiệp phát triển. 10% còn lại thuộc về số đông còn lại. Và ở Việt Nam, số bằng sáng chế nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng phần lớn của các công ty nước ngoài.
Điểm mạnh của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu.

Thế nhưng đề xuất của phía Mỹ lại làm giảm vai trò của chỉ dẫn địa lý, xem đó chỉ là một phần trong nhãn hiệu bình thường mà thôi.
Vấn đề ở chỗ, với người Mỹ, theo các chuyên gia, sẽ khó có sự nhượng bộ thấp hơn những gì họ đã ký với Hàn Quốc, còn phía Việt Nam sẽ khó chấp nhận những tiêu chuẩn cao hơn TRIPS. Về nguyên tắc, đàm phán trong TPP sẽ không giống như WTO khi các nước đang phát triển được tạo cơ hội bằng các điều khoản thuận lợi hơn khi gia nhập.

Phi Tuấn

http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/102446/