Thứ tư, 04/02/2015 11:00
Việc uống thuốc không theo chỉ định, không đúng cách có thể khiến bạn gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc đều có 2 mặt, bên cạnh tác dụng điều trị cũng có thể kèm theo tác dụng phụ mà người bệnh cần lưu ý.


Cách phát hiện tác dụng phụ của thuốc

Phản ứng phụ của thuốc là những tổn thương hoặc những đáp ứng không mong muốn đối với một loại thuốc được dùng với mục đích điều trị. Phản ứng phụ do thuốc có nhiều dạng khác nhau, phổ biến nhất là các tác dụng phụ liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc, biểu hiện dị ứng thuốc, nhiễm độc và tương tác thuốc.



Cách phát hiện, phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc.

Mặc dù hầu hết các
phản ứng phụ do thuốc gây ra do các loại thuốc kê đơn như kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm giảm đau..., nhưng cũng có thể gặp do các thuốc bán không cần đơn, thuốc bổ, vitamin và thuốc thảo dược.


Các phản ứng phụ do thuốc, tùy từng dạng khác nhau, có thể nhẹ, thoáng qua và khó phát hiện nhưng cũng có thể rất nặng nề, đe dọa tính mạng hoặc gây tàn phế cho người bệnh, có thể biểu hiện tại chỗ hoặc toàn thân. Năm hệ cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tác dụng phụ của thuốc là hệ da niêm mạc, hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch và các giác quan.


Các phản ứng dị ứng chiếm khoảng 10% tổng số các phản ứng phụ do thuốc. Biểu hiện dị ứng có thể từ mức độ nhẹ như nổi mày đay, sẩn ngứa đến mức độ nguy hiểm, đe dọa tính mạng như sốc phản vệ, hội chứng Lyell...


Các phản ứng phụ không liên quan đến cơ chế miễn dịch bao gồm biểu hiện không dung nạp thuốc, nhiễm độc thuốc, tương tác thuốc, tác dụng thứ phát và phản ứng đặc ứng do thuốc. Biểu hiện không dung nạp gây ra do sự quá nhạy cảm của cơ thể với các tác dụng dược lý thông thường của thuốc, xảy ra ngay cả khi đã giảm liều thuốc.


Một số tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra các hậu quả thứ phát cho người bệnh, ví dụ như các loại glucocorticoid gây suy giảm khả năng miễn dịch khiến người bệnh dễ mắc các loại nhiễm trùng như lao, virut herpes... Đôi khi, tác dụng thứ phát lại đem đến lợi ích cho người bệnh, ví dụ như paracetamol được dùng với mục đích hạ sốt nhưng lại có thêm tác dụng giảm đau.


Cách phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc

Trước hết cần có quan niệm đúng về thuốc: cho dù có quý hiếm, đắt tiền bao nhiêu thì thuốc vẫn là chất ngoại lai, chất lạ bắt cơ thể phải chọn lọc, chuyển hóa, hấp thu và đào thải. Một số thuốc gây tác dụng phụ ở mức độ khác nhau, một số khác có thể trở thành kháng nguyên gây cảm ứng, tạo tiền đề cho dị ứng khi bệnh nhân dùng lại thuốc đó. Vì vậy khi thật cần thiết mới dùng.


Khi đã dùng thuốc phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc về liều lượng, thời gian dùng. Ví dụ, số lần uống thuốc trong ngày, thời điểm uống thuốc (trước hoặc sau bữa ăn), kiêng kỵ ra sao... Những tuân thủ này không thể tùy tiện.


Đối với một số thuốc, nhất là đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng lại càng phải có quy định chặt chẽ: thử phản ứng da trước khi tiêm, định kỳ kiểm tra máu, chức năng gan thận, nhằm phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý có thể xảy ra.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam