Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Những địa chỉ mang tên "Nhân Ái"

  1. #1
    Admin diendanhiv.vn
    ( Sanh năm 1971 ) 17 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Tuanmecsedec's Avatar
    Ngày tham gia
    29-08-2007
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Giấy chứng nhận tham vấn số : 041/UB AIDS - TV do ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
    Bài viết
    104,111
    Cảm ơn
    1,922
    Được cảm ơn: 21,194 lần

    Những địa chỉ mang tên "Nhân Ái"

    Những địa chỉ mang tên "Nhân Ái"
    Thứ sáu, 27/02/2015 09:11

    (CAO) Việc cứu chữa bệnh nhân đối với đội ngũ y bác sĩ không chỉ là chữa lành vết thương thể xác cho người bệnh mà còn xoa dịu cả về mặt tinh thần và cả vật chất cho người bệnh, nhất là bệnh nhân đặc biệt, bệnh nhân nghèo bằng trái tim nhân ái.


    Những câu chuyện tôi thấy, tôi chứng kiến ở các bệnh viện trong quá trình tác nghiệp đã phần nào giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa của câu “lương y như từ mẫu”.


    Khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu" được đặt giữa khuôn viên Bệnh viện Nhân Ái. Ảnh: Ngô Đồng

    Hi sinh bản thân cho đồng loại



    Nhiều người gọi Bệnh viện Nhân Ái là "mảnh đất chết” vì nơi đây chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Thế nhưng, có đến đây mới biết, tình yêu, tình người vẫn nảy nở trên mảnh đất được người đời cho là "mảnh đất chết” này.


    Tôi chỉ đến Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM, nhưng toạ lạc trên một ngọn đồi cao, hiu quạnh ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) được 2 lần trong suốt quãng thời gian hơn 3 năm làm tin tức liên quan đến ngành y tế, thế nhưng tôi có một tình cảm đặc biệt dành cho nơi đây. Bởi nơi đây có một điều đặc biệt là không hề có sự kì thị và nỗi đau thể xác đã được xoa dịu bằng trái tim nhân ái.


    Bệnh viện Nhân Ái thành lập năm 2006, hiện có hơn 300 bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối đang được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang từng ngày, từng giờ giành giật lại sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Những con người bất hạnh mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS, phải chịu đựng nỗi đau cào xé của sự kỳ thị và thậm chí bị gia đình chối bỏ đã được đôi bàn tay, trái tim của những người thầy thuốc xoa dịu.


    Bệnh nhân luôn được chăm sóc tốt ở Bệnh viện Nhân Ái. Ảnh: Ngô Đồng

    Tôi đã chứng kiến cảnh các bác sĩ, điều dưỡng phải làm những việc như tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp, an ủi, vỗ về khi các bệnh nhân vật vã, đau đớn trên giường bệnh. Những điều này, đôi khi ngay cả những người thân của bệnh nhân cũng chưa hẳn đã làm tròn.


    Trân quý hơn, khi tôi được biết trong đội ngũ những người mặc áo blouse trắng, có cả những người có ý định gắn bó lâu dài ở đây, điển hình như nữ điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Nguyên.


    Năm 2007, được người quen giới thiệu, cô gái trẻ 22 tuổi Đặng Thị Ngọc Nguyên (quê TP Phan Rang, Ninh Thuận) lên Bệnh viện Nhân Ái làm phụ bếp. Đến nơi mới biết nơi đây chỉ chăm sóc cho toàn bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bệnh nhân thân tàn ma dại, lở loét khắp người,… cơ sở thì lại tọa lạc ở một nơi heo hút, bốn bề chỉ thấy núi khiến cô gái trẻ bị sốc, đã bao lần định bỏ đi nhưng rồi như có cái gì níu chân lại.


    Hơn 2 năm làm phụ bếp, chứng kiến không ít bệnh nhân bị hành hạ thể xác và tinh thần vì những cơn đau và bị người đời xa lánh; chứng kiến bao nhiêu y bác sĩ lên đây nhận việc lại bỏ đi do không chịu nổi môi trường, áp lực. Sau nhiều đêm trằn trọc, Nguyên quyết định bỏ công việc phụ bếp, cuốn gói về quê với ý định học điều dưỡng để quay trở lại chăm sóc cho những bệnh nhân nơi đây, với một lý do duy nhất “những bệnh nhân này luôn cần lắm sự cảm thông, thương yêu, nâng đỡ của cả cộng đồng”.


    Nói là làm, 2 năm sau, Nguyên quay trở lại sau khi hoàn tất khóa học với tấm bằng trung cấp điều dưỡng. Từ đó đến nay đã hơn 4 năm, cô điều dưỡng ấy đã gắn bó cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết của mình với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỉ.


    Chăm sóc bệnh nhân cẩn trọng ở Bệnh viện Nhân Ái, đôi khi ngay cả những người thân của bệnh nhân cũng chưa hẳn đã làm tròn.

    Không chỉ có Nguyên, bệnh viện hiện có khoảng hơn 270 cán bộ nhân viên, phần lớn đến từ TP.HCM đều chấp nhận “bỏ phố lên rừng" hằng ngày làm công việc của người thầy thuốc: điều trị và chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Công tác tại đồi cao Phú Văn lộng gió, thưa bóng người, họ toàn tâm toàn ý với công tác tại bệnh viện và trong số họ không ai nghĩ đến việc mở phòng mạch ngoài để lo kinh tế cá nhân. Có người còn phải xa gia đình vợ con, mỗi tháng về nhà được dăm ba lần. Ngoài khả năng bị phơi nhiễm bệnh từ công việc, họ đôi khi cũng bị kỳ thị. Đã có lần trong số họ phải nghe những lời nói và nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm, xa lánh của mọi người và rồi những người thầy thuốc này tự chia sẻ, động viên nhau rằng "tình yêu thương dành cho những người bệnh mới là tất cả".


    Khu vực trồng rau để cải thiện bữa ăn tại Bệnh viện Nhân Ái


    Tuy bệnh viện có chế độ trợ cấp của Nhà nước nhưng số tiền có giới hạn, ít ỏi; bệnh viện lại ở vùng rất sâu xa, nơi núi rừng heo hút, có rất ít nhà hảo tâm từ thiện đến thăm; việc điều trị cho bệnh nhân là miễn phí nên bệnh viện không có nguồn thu,… Nên để khẩu phần ăn của bệnh nhân đủ dinh dưỡng, các y bác sĩ phải tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi gà, nuôi heo,… để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân và cho chính bản thân cán bộ y bác sĩ. Đối với các bệnh nhân ở đây, các bác sĩ, điều dưỡng thực sự là điểm tựa tinh thần, là người thân của họ trong những năm tháng cuối đời.


    Có lẽ tình người trên mảnh đất này đã khiến những bông hoa luôn nảy nở. Nơi đây có những hàng cây bông sứ hoa đẹp rực rỡ mà theo lời chị Nguyễn Thư Tình, tư vấn viên của bệnh viện, thì những cây bông sứ này không bao giờ có lá nhưng quanh năm nở ra những bông hoa trắng thật đẹp.


    Những người âm thầm làm đẹp nghề Y


    Trong những buổi chiều chờ hẹn phỏng vấn bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi thường đến phòng Y xã hội của bệnh viện để trú chân, một nơi không làm công tác chuyên môn y tế nhưng có thể nói là chỗ dựa tinh thần cho những bệnh nhân nghèo trong cơn nguy khốn.


    Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối, rất đông bệnh nhân là người từ các tỉnh chuyển lên điều trị, trong đó phần lớn là những bệnh nhân bệnh nặng và có hoàn cảnh khó khăn. Để người nghèo không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, tháng 10-2008 đơn vị Y xã hội của bệnh viện chính thức được thành lập. Như nhịp cầu yêu thương nối lòng từ bi của cộng đồng với những mảnh đời bất hạnh, Y xã hội âm thầm đứng sau các bác sĩ góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân trong cơn hoạn nạn.


    Để người nghèo không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật

    Tôi được các anh các chị ở đây chia sẻ rằng, bệnh nhân cơ nhỡ đầu tiên mà đơn vị giúp đỡ là một công nhân bị tai nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (tên Nguyễn Văn Dũng Em, quê Vĩnh Long), cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vì chấn thương cột sống, với nguy cơ liệt nửa người. Gia cảnh Dũng Em lại nghèo khó, đồng lương công nhân ít ỏi chỉ đủ cơm cháo nuôi vợ con qua ngày, trong khi chi phí phẫu thuật lên đến cả trăm triệu đồng.


    Chính lúc tuyệt vọng nhất cũng là lúc Dũng Em nhận được tin vui từ Đơn vị y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy thông qua việc vận động các nhà hảo tâm đóng góp cứu giúp chàng trai trẻ thoát khỏi cảnh tật nguyền. Rồi từ sự chắt chiu của cô bác gần xa giúp đỡ, anh đã mua được đất cất nhà và lập vườn để trồng bưởi. Hơn 3 năm sau ngày xuất viện, Đơn vị Y xã hội bỗng nhiên nhận được cặp bưởi của người đàn ông cần cù lao động miền sông nước Cửu Long gửi đến…


    Hay trường hợp bệnh nhân P.T.Uyển được bệnh viện tỉnh Khánh Hòa chuyển vào Chợ Rẫy trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn giao thông. Không thân nhân và họ hàng, nên khả năng chạy chữa là không thể. Đơn Y xã hội đã báo cáo xin ý kiến ban giám đốc và trình bày phương án tài chính là sử dụng nguồn tiền của đơn vị và kêu gọi bạn đọc thông qua báo chí. Điều kỳ diệu đã đến, sau hơn 2 tháng điều trị, từ một bệnh nhân đa thương, anh Uyển đã xuất viện và tết 2011 này anh đã mua đất và cất một ngôi nhà gạch khang trang…


    Từ năm 2008 đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt bệnh nhân nghèo được giúp với kinh phí vận động được từ các nhà hảo tâm. Trung bình mỗi năm có hơn 1.000 lượt bệnh nhân được hỗ trợ từ vận động trực tiếp và qua kênh thông tin của báo đài. Chỉ cần ngồi vài giờ ở Phòng Y xã hội là có thể chứng kiến hàng chục gia cảnh khó khăn tìm đến đơn vị với hi vọng có thể xoay trở để níu giữ sinh mạng cho người thân của họ.


    Từ năm 2008 đến nay, đã có hàng chục ngàn lượt bệnh nhân nghèo được giúp với kinh phí vận động được từ các nhà hảo tâm


    Không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Y xã hội còn “đấu tranh” với bộ phận giám định bảo hiểm để bệnh nhân được Bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng các điều khoản quy định.


    Để thân nhân bệnh nhân nghèo không đơn độc, bếp ăn từ thiện tại bệnh viện cũng ra đời. Với ý nghĩa "một miếng khi đói bằng một gói khi no", hoạt động này ngày càng thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng Đơn vị Y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, các ca bệnh điều trị tại đây hầu hết là các ca nặng, chi phí điều trị tốn kém. Trong số họ, rất nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bữa cơm của những tấm lòng nhân ái giúp cho người nhà người bệnh yên tâm chăm sóc người bệnh, xoa dịu nỗi đau bệnh tật.


    Không chỉ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã xây dựng bếp ăn từ thiện, đơn vị xã hội giúp đỡ người nhà bệnh nhân như bệnh viện Ung Bướu, Nhi Đồng,...

    Chắc hẳn, chúng ta đều đồng ý một điều là trong môi trường bệnh viện, mọi nguy cơ nhiễm bệnh đều như nhau, mọi công việc đều san sẻ. Sự thành công của một ca phẫu thuật hay một bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là công sức tổng hợp của rất nhiều người, trong đó hẳn nhiên phải có sự góp sức của những điều dưỡng, những người làm công tác Y từ thiện xã hội trong bệnh viện.

    Ngô Đồng

    http://www.congan.com.vn/?catid=942&...mod=detnews&p=

  2. Có 2 người đã cảm ơn Tuanmecsedec cho bài viết bổ ích này:

    sadlove (27-02-2015),son86 (28-02-2015)

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •