Sự kì diệu của lòng nhân ái

Thứ Sáu, ngày 20/3/2015 - 02:30

(PL)- Bé gái có HIV như cái cây đang lớn dần xanh tươi bất chấp mọi bệnh tật, nhờ tình yêu thương của những người dưng. Cháu bé bị mù, sống đời sống thực vật sau tai biến y khoa nay đã biết nhìn và bày tỏ cảm xúc yêu thương với mọi người.

Tất cả điều ấy đến từ lòng tốt của người dưng - những độc giả của Pháp Luật TP.HCM.Còn nhớ tháng 8-2013, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền phát hiện bé Nguyễn Hữu Khang (lúc đó mới 29 tháng tuổi) bị thoát vị bẹn (dân gian thường gọi là sa ruột), một bệnh lý thường gặp ở nam giới nên đưa cháu vào tỉnh Bình Thuận điều trị.

Theo chị Hiền, các bác sĩ cho biết phẫu thuật thoát vị bẹn rất đơn giản, phẫu thuật một ngày là có thể xuất viện. Thế nhưng sáng 29-8, sau khi vào phòng mổ thì bé Khang từ một đứa trẻ hiếu động, thông minh nay không thể tỉnh dậy được nữa. Sau đó bé Khang được chuyển vào BV Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng bé Khang không tỉnh lại, tay chân bất động, thỉnh thoảng bé Khang thoát khỏi cơn hôn mê nhưng tay chân co cứng, cắn môi đến bật máu, không tiếp xúc được với xung quanh.

Theo các bác sĩ điều trị, bé Khang bị di chứng tổn thương não sau phẫu thuật và do thiếu ôxy lên não một thời gian nên di chứng này không thể hồi phục được. Tổn thương não đã ảnh hưởng đến thần kinh thị giác nên bé Khang bị mù vĩnh viễn.Kể sao cho hết những đớn đau của người mẹ và hành trình ôm con đi chữa trị của chị Hiền khi gia cảnh quá nghèo, chồng làm biển kiếm ba cọc ba đồng…

Từ một đứa trẻ bị mù, liệt vĩnh viễn, chỉ biết khóc và bác sĩ đã “chê”, bé Khang bỗng sáng mắt, biết cười và bắt đầu cử động. Ảnh: P.NAM


Bé đã biết cười

May mắn cho Khang là cộng đồng Facebook ở khắp nơi trong và ngoài nước đã kết nối giúp đỡ sau khi đọc được bài về bé Khang trên Pháp Luật TP.HCM.

Hàng trăm triệu đồng đã được gửi hỗ trợ cho mẹ con chị Hiền. Tiếc là bé Khang đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác ở tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM… cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu bất lực của các thầy thuốc.

Đầu năm 2014, chị Hiền quyết định dùng tiền được hỗ trợ mua cả đống dụng cụ tập vật lý trị liệu lên tàu đưa con quay về đảo. Khi rời đảo, thằng Khang chạy nhảy, cười nói bi bô nhưng khi trở về nó chỉ nằm một chỗ co quắp khiến bà con trên đảo ai đến thăm cũng rơi nước mắt.
Hiền trở thành một chuyên gia tập vật lý trị liệu theo kiểu còn nước, còn tát và bệnh nhân duy nhất là đứa con trai mình rứt ruột đẻ ra.

Điều kỳ diệu đã diễn ra sau đó: Từ chỗ sống đời sống thực vật nay Khang đã biết cười. Tiếp đó, Khang bắt đầu biết dõi mắt theo nếu có ai thử xòe bàn tay đưa qua đưa lại trước mặt, nhận biết những người thân, giỡn và cười rất to...


Bé T. trong vòng tay má Hai. Ảnh: H.MINH

Cho em một gia đình

Bé T. mồ côi mẹ vì mẹ em nhiễm HIV. Bà nội bé nghèo khó, ở nhờ trong căn lều rách. Chị Đặng Mỹ Duyên (ấp Long Đại, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) đã vận động bạn bè, người thân giúp đỡ, sửa lại căn chòi cho bà tươm tất. Sau đó thấy tình hình bà nội không chăm bé nổi, chị ôm bé về nhà mình chăm sóc như con.

Ngày 4-2, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Biết trẻ nhiễm HIV, vẫn quyết nhận nuôi”. Đó là thời điểm chị Duyên đưa bé T. về với gia đình chị. Bé T. gọi chị là má Hai.Khi mới về với má Hai, bé T. đen thui, đầu lở chốc, chân tay nhỏ xíu, các móng bị nấm và khô gãy. Bé hay khóc vì sợ người lạ.

Tuổi đó, những đứa trẻ khác có thể chạy tung tăng nhưng bé mới chỉ biết vịn ghế, giường đi lững chững.
Má Hai giữ cho bé T. sạch sẽ, dạy bé đánh răng. Hằng ngày, má Hai dẫn bé T. qua tiệm tô tượng ở gần nhà để con chơi với những đứa trẻ khác.

Bé rất thích tô tượng. Chủ tiệm biết hoàn cảnh của bé T., tặng tượng cho bé tô miễn phí. Hàng xóm, họ hàng ai cũng thương cô bé nhỏ xíu da đen và thương cả má Hai của nó vì “dám” nhận nó về nuôi.
Tết vừa qua có vài người lạ sau khi đọc bài báo đã tìm đến nhà thăm và mừng tuổi lấy hên cho bé, mong bé sẽ mau lớn, cứng cáp.

Gánh vác thêm nhiều gian khó

Chị Duyên không khá giả gì, chỉ sống bằng nhuận bút từ việc viết thơ, viết truyện gửi báo. Nhưng để nuôi dưỡng bé T., chị phải cưu mang luôn cả bà nội và cha của bé. Mới đây, chị đưa bà nội bé về nhà mình ở cho bà cháu có nhau. Rồi chị tìm cha của bé, là người đàn ông hiền lành nhưng hơi khờ, thường bỏ nhà đi lang thang, ai kêu gì làm nấy. Chị chỉ dẫn anh đi bán vé số.

Mỗi ngày chị đưa cho anh tiền ra đại lý mua một ít vé, bán hết thì về nhà chơi với con. Nhưng anh vẫn làm mất tiền. Sáng 19-3, anh lại gọi cho chị Duyên rối rít: “Em làm mất tiền rồi, chết em rồi, cho em tiền mua lại đi, đại lý nói thiếu 50.000 đồng nữa”.

Những hôm chị Duyên đưa bé đi bệnh viện hơi lâu, hàng xóm lại chạy qua hỏi thăm sao chưa thấy bé về. Rồi họ vui mừng khi thấy bé mập lên, ngón tay ngón chân đã hồng hào, da dẻ đã lành lặn, mịn màng, rất hay hát véo von cho mọi người nghe. Sắp tới, chị sẽ liên hệ với mấy trường học gần nhà xin cho bé út của chị đi học mẫu giáo.Chặng đường phía trước của má con bé T., mẹ con bé Khang dù nhiều trắc trở nhưng đong đầy yêu thương.

Trước đây khi xốc nách hai chân thằng Khang chỉ kéo lê dưới sàn mà không có bất cứ phản xạ nào. Tôi ôm con ngồi bệt xuống sàn nhà khóc ngon lành. Bây giờ đã có quá nhiều phép màu đến với con tôi. Rất nhiều anh chị, cô chú ở khắp nơi hỗ trợ đã mang đến điều kỳ diệu này. Nhờ có số tiền ủng hộ, vợ chồng em đã không bán căn nhà xập xệ; có tiền để ôm con ngược xuôi chữa bệnh, có tiền để mua sữa bồi dưỡng cho con và sắm nhiều dụng cụ tập vật lý trị liệu tại nhà. Em hy vọng không bao lâu nữa con sẽ đứng vững được trên đôi chân của mình như bao đứa trẻ lành lặn khác.
Chị NGUYỄN THỊ HIỀN, mẹ bé Khang