Quật ngã số phận:

Dìu nhau về phía mặt trời

Thứ bảy, 28/03/2015 07:18

(CATP) Đang thời tuổi trẻ với nhiều ước mơ, hy vọng, vợ chồng anh Phạm Ngọc Tuấn (SN 1977) - chị Mai Thị Ngọc Ánh (SN 1983) phát hiện cả hai đều nhiễm HIV. Không đầu hàng số phận, anh chị đã nỗ lực bước qua bóng tối, giúp nhiều bạn đồng cảnh có cuộc sống tốt hơn.
VỢ CHỒNG “H”


Đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) hỏi anh Tuấn, người dân nào cũng biết. Tuấn dong dỏng cao, trò chuyện cởi mở và thân tình. Nhìn anh không ai nghĩ người đàn ông này bị nhiễm HIV, đã chuyển qua giai đoạn AIDS từ năm 2011.


Quê ở Tiền Giang, học hết lớp 7 Tuấn lên TPHCM lao vào cuộc mưu sinh với đủ thứ nghề như: phụ bán quán, giữ xe, bảo vệ quán karaoke, bốc xếp hàng hóa. Ngày đó sống tại phường Cầu Kho, Q1, Tuấn nhớ lại: “Nơi tôi ở phức tạp lắm, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, cái gì cũng có. Tôi bị cuốn vào “cái chết trắng” khi mới đôi mươi”.

Chơi ma túy 5, 6 năm, Tuấn mới nhìn lại gia cảnh mình, khi cha mẹ, anh em quá khổ. Thêm một cú sốc lớn nữa là cậu em trai của anh đã mất năm 2003 vì HIV. Tuấn quyết định tự “cai sống” tại nhà. Bao nhiêu vật vã, mệt mỏi vì đói thuốc dần tan biến sau mấy tháng kiên trì. Dứt ma túy, Tuấn xuống BR-VT xin vào làm bảo vệ cho một công ty trong Khu công nghiệp Phú Mỹ (huyện Tân Thành). Công việc ổn định, Tuấn nên duyên vợ chồng với chị Ngọc Ánh vào đầu năm 2011. Ai cũng mừng cho Tuấn...


Nhưng mới ngoài 30 tuổi, anh Tuấn rơi vào tình trạng khủng hoảng không ngờ tới. Đó là giữa năm 2011, sau một đợt sốt kéo dài 2 tuần với những triệu chứng lạ, anh được tư vấn xét nghiệm máu. Cầm kết quả “HIV dương tính” trên tay, Tuấn chết điếng. Anh sụt cân nhanh chóng, cơ thể chẳng khác gì da bọc xương. Nằm điều trị lao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TPHCM, Tuấn chỉ còn 35kg. Anh thổ lộ: “Tôi chỉ muốn về nhà chờ chết. Trước mắt tôi, mọi cánh cửa đều đã khép lại”.


Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là bi kịch lớn nhất. Chị Ngọc Ánh cũng nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nhớ lại ngày đó, chị Ánh nói giọng nghèn nghẹn: “Trong đầu tôi luôn thường trực câu hỏi, sao ông trời bất công với mình vậy? Tôi từng chán ghét, hận anh Tuấn đã lây bệnh cho tôi. Nhưng nhìn anh nằm thoi thóp một chỗ, luôn tự giày vò vì đã làm khổ vợ, khiến lòng tôi xót xa. Nghĩa vợ chồng làm sao dứt”.


Khi đến trung tâm y tế huyện kiểm tra sức khỏe, anh Tuấn may mắn gặp được bác sĩ Phạm Thị Hiền, lúc đó là phó giám đốc trung tâm. Bác sĩ Hiền khuyên hai người đừng nản lòng, kiên trì uống thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) đều đặn để sức khỏe tốt hơn. Bác sĩ Hiền cũng giới thiệu Tuấn với tiểu dự án COHED, thuộc Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Qua nhiều đợt tập huấn kiến thức về HIV/AIDS, vợ chồng anh Tuấn dần lấy lại tinh thần.


Cùng với các bạn đồng cảnh, anh Tuấn thành lập nhóm Sức sống gồm những người có “H” (HIV) hoặc có nguy cơ cao với HIV. Ban đầu, nhóm chỉ có 7 thành viên, chủ yếu gặp nhau chia sẻ buồn vui, động viên nhau cố gắng sống tiếp. Sau mấy năm hoạt động hiệu quả, thành viên của Sức sống đã mở rộng từ Mỹ Xuân qua các xã Hắc Dịch, Sông Xoài (huyện Tân Thành).


Tháng 11-2011, được sự hỗ trợ của COHED và trung tâm y tế huyện, mạng lưới các nhóm tự lực huyện Tân Thành cũng ra đời. Mạng lưới có 7 nhóm tự lực, trong đó Sức sống hoạt động sôi nổi nhất. Anh Tuấn là Trưởng ban điều hành mạng lưới, kiêm Trưởng nhóm Sức sống.



Anh Tuấn chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS cho những người đồng cảnh


SỨC SỐNG MỚI


Tinh thần khá hơn, anh Tuấn trở lại công ty xin làm việc nhưng bị từ chối. Sau đó, anh đến vài nơi nữa và ở đâu cũng nhận được cái lắc đầu vì “không đảm bảo sức khỏe”. Chị Ánh cũng thất nghiệp. Anh Tuấn chia sẻ: “Tình cảnh ấy khiến tôi thất vọng, muốn hòa nhập cộng đồng mà khó quá. Ngay lúc đó, ý tưởng về việc thành lập doanh nghiệp của người có “H” xoáy sâu trong đầu tôi”.


Nhờ nguồn vốn vay từ tiểu dự án COHED cộng với hùn hạp của các bạn đồng cảnh, tháng 12-2013, anh Tuấn thành lập doanh nghiệp tư nhân có cái tên khá lạ “Điểm sáng sức sống mới” tại xã Mỹ Xuân. Doanh nghiệp hoạt động như một trung tâm môi giới việc làm ở các lĩnh vực vệ sinh nhà ở, dịch vụ chăm sóc và trang trí cảnh quan, bốc xếp hàng hóa...


Anh Tuấn gõ cửa từng trung tâm, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM nhằm kết nối họ với doanh nghiệp của mình. Đây là việc làm không hề dễ bởi sự kỳ thị của xã hội vẫn còn nặng nề. Để hỗ trợ trung tâm y tế và UBND huyện Tân Thành đã tập huấn chăm sóc sức khỏe, dạy nghề có chứng chỉ cho họ. Anh Tuấn cũng nỗ lực hoàn thành chương trình tin học ứng dụng trình độ B tại Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM. Đến nay, anh đã giới thiệu cho 16 (9 nữ, 7 nam) người có công việc ổn định (lau dọn nhà, phụ quán cà phê, bốc xếp hàng) với mức lương 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng.



Anh Phạm Ngọc Tuấn giới thiệu các lĩnh vực hoạt động của công ty


Chị M. và L. bị lây nhiễm HIV từ chồng nên rất tuyệt vọng. Từ chỗ có việc làm ổn định, các chị đành lui về sống trong bóng tối, không dám đi đâu, không dám tiếp xúc với ai khi nhiễm bệnh. Những ngày mới đến Điểm sáng sức sống mới, cũng như nhiều người có “H” khác, M., L. cứ ngồi thu lu một chỗ. Tuy nhiên, sau những chia sẻ chân thành, cách “vào chuyện” dí dỏm của anh Tuấn, mọi người đã vui trở lại. Chị M., L. được anh Tuấn “xí” cho chân lau dọn nhà cửa, phụ bán quán. Công việc ổn định, lại có nhiều dịp giao lưu, tập huấn kiến thức về HIV/AIDS, các chị trở nên hoạt bát, yêu đời.


Bà Trần Thị Bích Phương, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Xuân, nhận xét: “Vợ chồng anh Tuấn rất có nghị lực, chí cầu tiến. Tạo được việc làm cho người nhiễm HIV là hành động rất đáng khích lệ. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, tôi mong anh Tuấn và anh em trong doanh nghiệp sẽ đồng tâm hiệp lực, phát huy hơn nữa những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng mình và cho xã hội”.


Không chỉ là cầu nối việc làm cho người có “H”, anh Tuấn còn tình nguyện đến tận nhà chăm sóc khi thành viên trở bệnh nặng. Thấy nhiều em là con, cháu thành viên nhóm Sức sống quá thiệt thòi, anh luôn cố gắng vận động Mạnh Thường Quân tặng gạo, bánh, sữa và tiền mặt cho các em trang trải học hành. Còn chị Ánh thì được nhiều em bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ gọi là “mẹ”. Chị đang ấp ủ giấc mơ mở một mái ấm tình thương, để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh ấy.