Nhận thức mới về nghiện và điều trị nghiện ma túy: Thách thức và cơ hội
Thứ tư 14/10/2015 09:00
Ngày 27/12/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.
Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại Trung tâm theo hướng tăng dần, tiến tới điều trị tại cộng đồng là chủ yếu, giảm dần điều trị bắt buộc tại Trung tâm.

Các quan điểm, tư duy mới đối với nghiện ma túy và điều trị, cai nghiện ma túy đã mang lại nhiều cơ hội cũng như đặt ra những thách thức cho công tác điều trị nghiện ma túy trong thời gian tới.

Trước hết, nói về các cơ hội, việc coi người nghiện là người bệnh đã chính thức xóa bỏ quan điểm coi nghiện ma túy hoàn toàn là một sự tha hóa về nhân cách. Quan điểm mới này đã góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp cho nhiều người nghiện “ẩn danh” và gia đình có thể công khai tình trạng nghiện của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ điều trị, cai nghiện sớm. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy bởi thực tế và các nghiên cứu khoa học về chăm sóc sức khỏe nói chung, điều trị nghiện ma túy nói riêng cho thấy các can thiệp dự phòng và điều trị sớm sẽ giúp giảm bớt chi phí chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Quan điểm nghiện là một căn bệnh mãn tính cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực về tinh thần cho các cán bộ tham gia công tác điều trị, cai nghiện khi trong xã hội không ít người vẫn cứ muốn rằng nghiện ma túy đi cai là phải thành công và coi tỷ lệ tái nghiện là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện. Đã nói bệnh mãn tính và có bản chất tái diễn thì việc điều trị không thể một sớm một chiều.

Quan điểm điều trị nghiện ma túy là một công việc lâu dài phải kết hợp các can thiệp nhiều mặt, cả y tế, tâm lý, xã hội nghiện và điều trị nghiện ma túy cũng cho thấy tầm quan trọng của việc điều trị nghiện ma túy toàn diện với các can thiệp tổng thể về nhiều mặt, đặc biệt là tầm quan trọng của điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với các giải pháp hỗ trợ đa dạng cho người nghiện trong và sau quá trình điều trị.

Quan điểm mới về bản chất của nghiện và điều trị nghiện ma tuý dựa trên các bằng chứng nghiên cứu khoa học và thực tiễn sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức Liên hợp quốc trong lĩnh vực điều trị nghiện.

Quan điểm mới về nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy, mặc dù vậy, cũng đang đặt ra những thách thức cho công tác điều trị nghiện ma túy trong thời gian tới. Trước hết, dường như đang có những quan ngại, suy nghĩ cho rằng nghiện ma túy là căn bệnh mãn tính, vì vậy, việc điều trị cho người nghiện, đặc biệt cai nghiện ma túy là việc làm vô vọng. Điều đó dẫn tới tâm lý bi quan, chán nản ở những người làm công tác cai nghiện ma túy. Bởi vậy, điều quan trọng trước hết là phải giúp cho mọi người có cái nhìn đúng về bản chất của nghiện và điều trị nghiện ma túy.

Nói nghiện là bệnh mãn tính và tái diễn để thấy rằng điều trị nghiện ma túy là công việc khó khăn, lâu dài và cần rất nhiều quyết tâm, nghị lực của người nghiện cũng như của những người làm công tác điều trị nghiện. Nghiện là căn bệnh có bản chất mãn tính, tức rất dễ tái nghiện và như vậy mục tiêu điều trị không nên quá chú trọng vào việc làm sao cho người nghiện từ bỏ ma túy được vĩnh viễn mà nên hướng đến một mục tiêu thiết thực hơn, khả thi hơn, đó là giúp những người cai nghiện làm sao giữ được thời gian từ bỏ ma túy, thời gian không tái sử dụng ma túy càng lâu càng tốt. Ngoài mục tiêu giúp khách hàng ngừng (hoặc giảm) sử dụng ma tuý trái phép thì điều trị nghiện còn cần hướng tới mục tiêu làm giảm các tác hại về sức khoẻ và xã hội liên quan tới sử dụng ma tuý và giúp người nghiện thực hiện được tốt các vai trò, chức năng của mình trong gia đình và ở ngoài xã hội.

Quan điểm nghiện là căn bệnh mãn tính của não bộ và có bản chất tái diễn được các nhà khoa học về nghiện đưa ra không chỉ cho nghiện ma túy nói riêng mà cho tất cả chất gây nghiện nói chung, trong đó có cả thuốc lá và rượu. Rõ ràng chúng ta cũng đã thấy thực tế vẫn có những người đã cai nghiện thuốc lá, cai nghiện rượu và cai nghiện ma túy thành công, có những người đã bỏ ma túy được 5 - 7 năm, thậm chí 10, 20 năm. Có thể sau này, trong một thời điểm nào đó, do một yếu tố tác động nào đó, những người này sẽ tái sử dụng ma túy nhưng những gì những gì họ đạt được hôm nay cũng như sự tham gia của tất cả những người giúp đỡ họ trong quá trình cai nghiện và duy trì không tái sử dụng ma túy rất cần được khuyến khích, động viên.

Một thách thức nữa được đặt ra đó là khi nghiện ma tuý được xác định là bệnh thì có những ý kiến cho rằng việc điều trị nghiện ma tuý, cũng như đối với các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp, hen xuyễn..., chỉ cần dựa vào thuốc là đủ, từ đó có nhìn nhận không đúng về vai trò của các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý - xã hội trong điều trị nghiện. Sự nhìn nhận sai lệch này sẽ dẫn tới việc xem nhẹ đầu tư, hỗ trợ cho các can thiệp về tâm lý, xã hội. Ở đây, việc có nhận thức đúng về nghiện ma tuý và điều trị nghiện ma túy một lần nữa lại vô cùng quan trọng.

Nghiện ma túy là một căn bệnh của não bộ nhưng không chỉ có thế, đây là căn bệnh chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Đó là các yếu tố về mặt sinh học của cá nhân người sử dụng (độ tuổi, sức khoẻ thể chất, tâm thần, yếu tố về gen...), các yếu tố về môi trường (địa bàn sinh sống, các mối quan hệ gia đình, xã hội...)  và các yếu tố thuộc về bản thân chất gây nghiện (loại ma tuý sử dụng, độ tinh khiết, đường dùng, dạng bào chế...). Các yếu tố này tương tác với nhau và ảnh hưởng tới nguy cơ nghiện ma túy cũng như tình trạng nghiện ma túy của mỗi người. Như vậy, nghiện ma túy là căn bệnh của não bộ chịu sự tác động của nhiều yếu tố, không chỉ bản thân chất gây nghiện mà còn cả các yếu tố về môi trường xã hội, yếu tố về cá nhân người sử dụng. Chính vì vậy, nghiện ma túy là có thể phòng ngừa khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ; nghiện ma túy cũng có thể điều trị thông qua việc giải quyết, can thiệp tới các yếu tố tác động tới tình trạng nghiện. Khẳng định điều này, nhân ngày Quốc tế Phòng chống ma túy ngày 26 tháng 6 năm 2014 Liên hợp quốc đã đưa ra“Thông điệp của hy vọng: nghiện ma tuý có thể ngăn ngừa và điều trị”.

Trong mô hình điều trị nghiện ma túy toàn diện mà Viện nghiên cứu về Lạm dụng ma túy của Hoa Kỳ - NIDA đưa ra, liệu pháp dược trị hay điều trị bằng thuốc chỉ là một trong các thành tố cơ bản của một chương trình điều trị nghiện. Ngoài điều trị về dược lý, các thành tố cơ bản khác của một chương trình điều trị nghiện toàn diện còn có sàng lọc và đánh giá, hỗ trợ người nghiện xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân, tư vấn và các liệu pháp nhằm thay đổi hành vi, giám sát việc tái sử dụng, quản lý trường hợp (hay quản lý ca), chăm sóc sau điều trị và hỗ trợ người nghiện tham gia các nhóm tự lực. Ngoài ra, một mô hình điều trị nghiện ma tuý toàn diện còn cần có các dịch vụ bổ trợ khác như dịch vụ y tế nhằm giúp chăm sóc, điều trị các bệnh thể chất và tâm thần mà người sử dụng ma tuý thường mắc phải (các bệnh đồng diễn), các dịch vụ giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ vốn, pháp lý... Như vậy, để điều trị cho người nghiện ma túy thì các can thiệp phải tổng thể, ngoài các can thiệp về mặt y tế nhằm hỗ trợ cắt cơn nghiện hay điều trị duy trì thì các can thiệp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội cũng vô cùng quan trọng.

Nghiện ma tuý là bệnh mãn tính, bởi vậy điều trị nghiện ma tuý phải xác định là lâu dài và dựa vào cộng đồng, thực hiện tại cộng đồng là chủ yếu. Trước đây, nghiện ma tuý chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ đạo đức, người nghiện ma tuý được xem là những đối tượng tệ nạn xã hội, bị tha hoá về đạo đức dẫn tới có những hành vi lệch chuẩn. Vì vậy, việc điều trị thiên về các biện pháp hành chính, giáo dục đạo đức và theo một mô hình đơn giản: nghiện ---> điều trị nghiện ----> hết nghiện. Theo mô hình này người người nghiện được đưa đi cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện tập trung, được sống trong một môi trường "sạch" không có ma tuý, được cung cấp các dịch vụ cai nghiện (bao gồm cả các dịch vụ về y tế, tâm lý, dạy nghề...) và sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở thành người "sạch" ma tuý, hết nghiện. Mô hình "máy giặt" này liệu có hiệu quả khi người nghiện ma tuý không chỉ lệ thuộc vào chất gây nghiện không chỉ về mặt sinh lý, thể chất (thiếu thuốc thì thấy đau đớn, vật vã, cảm giác giòi bò trong xương, tiêu chảy và hàng loại các triệu chứng của hội chứng cai khác) mà còn là sự lệ thuộc về mặt tâm lý. Ở người nghiện luôn xuất hiện một cảm giác thèm ma tuý, một sự thôi thúc tìm kiếm sử dụng ma tuý bất chấp các hậu quả mà nó mang lại. Sự lệ thuộc về thể chất có thể được điều trị tức thời bằng thuốc, bằng các liệu pháp dược trị. Tuy nhiên, sự lệ thuộc về tâm lý phải được điều trị lâu dài bằng các liệu pháp tâm lý phù hợp và với sự nỗ lực rất lớn của người nghiện.


Tư vấn cai nghiện tại nhà. Ảnh minh hoạ
Các nghiên cứu khoa học cho thấy sau một thời gian dài sử dụng ma tuý trong não bộ của người nghiện dần dần đã hình thành nên các phản xạ có điều kiện đối với các yếu tố gắn liền với việc sử dụng ma tuý của họ. Đó là những nơi họ thường sử dụng ma tuý, những người bạn thường sử dụng ma tuý cùng, những dụng cụ họ dùng khi sử dụng ma tuý hay những tình huống, trạng thái tình cảm họ hay tìm đến với ma túy, ví dụ như khi quá vui hoặc quá buồn... Đây được gọi là các yếu tố gợi nhớ tới ma tuý, là các tác nhân kích thích việc sử dụng ma tuý ở người nghiện. Người nghiện ma tuý trong quá trình điều trị cần được tư vấn để biết cách nhận biết và phòng tránh các yếu tố này, biết cách đương đầu với các yếu tố này khi không thể tránh để làm sao không tái sử dụng ma tuý. Tất cả những điều này không thể học được một sớm, một chiều và đặc biệt là việc học phải đi đôi với hành. Người nghiện được hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, có cơ hội thực hành trong thực tế, trải nghiệm qua các va vấp, được các tư vấn viên hỗ trợ để rút ra bài học và hoàn thiện các kỹ năng dự phòng tái nghiện. Tất cả những điều này chỉ có thể đạt được trong môi trường thực tế tại cộng đồng. Đó là lý do tại sao nhiều người nghiện sau khi cai nghiện tại các trung tâm sức khoẻ đã hồi phục rất tốt, có người tăng hàng chục ký cân nặng và thực sự rất quyết tâm cai nghiện nhưng đa số đã tái nghiện chỉ sau một thời gian ngắn trở về cộng đồng. Đó là bởi trong quá trình điều trị trong các trung tâm họ không có cơ hội để thực hành các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện đã được hướng dẫn và khi bị vấp không có người hỗ trợ để rút ra bài học kinh nghiệm, để điều chỉnh kịp thời, tránh bị trượt từ tái sử dụng tới tái nghiện hoàn toàn. Những người cai nghiện ma tuý trong các trung tâm khép kín, không có cơ hội cọ xát với thực tế, không có cơ hội thực hành các kỹ năng dự phòng tái nghiện có thể ví như những "chú gà công nghiệp", có khả năng miễn nhiễm rất thấp nên khi trở về tái hoà nhập cộng đồng, gặp lại các yếu tố gợi nhớ rất dễ bị mắc nghiện trở lại.

Các phân tích trên cho thấy tầm quan trọng của việc cai nghiện tại cộng đồng và cả chăm sóc sau điều trị tại cộng đồng. Một chương trình cai nghiện dù có tốt tới đâu, cho dù là điều trị nội trú hay ngoại trú, tại các cơ sở cai nghiện tập trung hay tại cộng đồng, mà sau thời gian thời gian cai nghiện không có các chương trình chăm sóc sau điều trị, hỗ trợ người sau cai nghiện liên tục trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng thì các kết quả đạt được trong chương trình điều trị rất khó có thể duy trì, chương trình không bền vững và không có hiệu quả.

Tuy vậy, để cai nghiện cộng đồng có thể trở thành hình thức cai nghiện chủ yếu thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết, cả về cơ chế chính sách và triển khai thực hiện. Trước hết, cần có chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cai nghiện tại cộng đồng một cách có hệ thống. Như đã phân tích ở phần thực trạng, đội ngũ cán bộ cai nghiện tại cộng đồng hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm và làm việc chủ yếu bằng cái tâm, bằng tấm lòng đối với người nghiện nhưng còn rất yếu về nghiệp vụ, hầu hết chưa được đào tạo về điều trị nghiện ma tuý, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tư vấn điều trị nghiện.

Một chiến lược khác cũng rất quan trọng đó là cần xây dựng các chính sách thực sự khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại cộng đồng. Để cho người nghiện hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc đi cai nghiện và hiệu quả của cai nghiện tại cộng đồng thôi chưa đủ, các chính sách còn cần phải khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, làm sao để giảm thiểu tình trạng người muốn đi cai nghiện tự nguyện lại không thể đi cai vì điều kiện kinh tế không đủ, vì mặc cảm và định kiến xã hội...

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở, chương trình cai nghiện với các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và phục hồi tại trung tâm hay tại cộng đồng. Như đã trình bày, một chương trình cai nghiện hiệu quả cung cấp không chỉ các dịch vụ điều trị trực tiếp về y tế, về tâm lý mà còn cần có các dịch vụ bổ trợ khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nghiện. Tuy nhiên, trên thực tế không có một cơ sở cai nghiện nào có thể đáp ứng được được tất cả các dịch vụ này ngay tại cơ sở và cũng là một sự lãng phívà không tưởng nếu đầu tư xây dựng một cơ sở như vậy bởi nhu cầu của người nghiện là đa dạng và không ổn định. Chính vì vậy, việc thiết lập một mạng lưới liên kết, chuyển gửi giữa các cơ sở cai nghiện và các cơ sở, chương trình có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện là rất quan trọng..

Ts. Nguyễn Thị Vân    
                                                                             Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH